Sa sút trí tuệ không còn là căn bệnh của riêng người cao tuổi. Ngày càng nhiều người trẻ đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ, mất tập trung, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tư duy và sinh hoạt hàng ngày. Lối sống căng thẳng, lạm dụng công nghệ, thiếu vận động và chế độ dinh dưỡng kém đang trở thành những “thủ phạm” chính góp phần thúc đẩy sự gia tăng của căn bệnh này. Làm thế nào để ngăn chặn điều này xảy ra? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Như thế nào là tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ?
Sa sút trí tuệ ở người trẻ là một hội chứng có diễn tiến mạn tính khiến cho chức năng nhận thức và tư duy bị suy giảm, ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, tính toán, ngôn ngữ, năng lực học tập,... ở mức độ nghiêm trọng còn có thể làm cho bệnh nhân suy giảm hoặc mất khả năng thực hiện những việc thường ngày.
Sa sút trí tuệ người trẻ là hội chứng suy giảm chức năng nhận thức và khả năng xã hội
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, ước tính có trên 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng này có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm khoảng 60- 80% tổng số ca mắc bệnh). Đặc biệt, gần đây hội chứng này xuất hiện nhiều ở người trẻ, có thể trạng sau bệnh lý về não và đột quỵ.
Sa sút trí tuệ không được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, người bệnh cần đi thăm khám sớm để phát hiện cũng như quản lý những triệu chứng, điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Phân loại các nhóm sa sút trí tuệ ở người trẻ
Sa sút trí tuệ có thể được chia thành hai nhóm dựa trên khu vực ảnh hưởng của não, cụ thể:
- Sa sút trí tuệ ở người trẻ do các vấn đề ở vỏ não: Vỏ não là lớp ngoài cùng của não, đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ và ngôn ngữ. Những trường hợp bị chứng sa sút trí tuệ thường bị mất trí nhớ nghiêm trọng và không thể nhớ từ cần để giao tiếp hoặc hiểu ngôn ngữ. Hai dạng sa sút trí tuệ vỏ não điển hình là bệnh Alzheimer và bệnh Creutzfeldt-Jakob.
- Sa sút trí tuệ ở người trẻ do các vấn đề ở phần bên dưới vỏ não: Những trường hợp mắc bệnh này thường có xu hướng thay đổi tốc độ về suy nghĩ và khả năng khởi đầu các hoạt động nhưng họ có ít triệu chứng quên và rối loạn ngôn ngữ. Những bệnh có thể gây ra loại sa sút trí tuệ này thường là bệnh Parkinson, Huntington, HIV.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng tăng
Hầu hết những người trẻ bị sa sút trí tuệ đều có điểm chung là mắc những loại bệnh lý phổ biến. Loại này không phải do di truyền và y học vẫn chưa có lời giải thích chính thức vì sao những người này lại bị mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với những người khác. Tuy nhiên, một vài yếu tố được cho rằng là nguyên nhân góp phần khiến cho tỷ lệ sa sút trí tuệ ngày càng tăng như:
- Căng thẳng, áp lực từ công việc, cuộc sống, học tập;
- Làm nhiều việc cùng một lúc;
- Mất ngủ hoặc thường xuyên mất ngủ, không có đủ thời gian để cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi;
- Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, đầy đủ và cân bằng;
- Phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ quá nhiều vô tình hình thành thói quen lười ghi nhớ, não bộ không được rèn luyện.
Người trẻ bị sa sút trí tuệ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong cuộc sống và sức khỏe
Trường hợp người bị suy giảm trí nhớ khi còn trẻ có thể liên quan tới 3 mã gen là APP, PSEN1, PSEN2. Khác với gen APOE có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Có ít hơn 1% trên tổng số người mắc bệnh sa sút trí tuệ có sự xuất hiện của 3 gen trên nhưng lại có khoảng 11% người mắc suy giảm trí nhớ ở giai đoạn trẻ. Nếu bạn có đột biến di truyền ở một trong 3 gen này có thể bị suy giảm trí nhớ trước 65 tuổi.
Xem thêm:
Dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người trẻ
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà các triệu chứng ở từng người trẻ sẽ khác nhau. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Thay đổi nhận thức;
- Mất trí nhớ tạm thời;
- Khó giao tiếp hoặc không biết tìm từ để giao tiếp cho phù hợp;
- Chức năng thị giác - không gian bị suy giảm;
- Gặp khó khăn trong việc biện luận/giải quyết tình huống, xử lý các nhiệm vụ phức tạp, lập kế hoạch, phối hợp các chức năng vận động;
- Mất phương hướng;
- Thay đổi tâm tính;
- Cảm thấy phiền muộn, lo âu, bị ảo giác, bị kích động;
- Các hành vi không được bình thường.
Các biến chứng nghiêm trọng do sa sút trí tuệ ở người trẻ
Bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống người bệnh như:
- Suy dinh dưỡng: Những người mắc chứng sa sút trí tuệ giai đoạn nặng có thể khiến cho người bệnh cảm giác chán ăn hoặc bỏ ăn do mất phản xạ nhai, nuốt. Tình trạng này sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, lâu dài có thể làm giảm tuổi thọ;
Sa sút trí tuệ khiến người trẻ giảm cảm giác thèm ăn lâu dần thành thiếu chất dinh dưỡng
- Viêm phổi: Tình trạng khó nuốt có thể làm tăng nguy cơ bị mắc nghẹn hoặc hút thức ăn vào phổi, gây tắc thở và viêm phổi;
- Mất khả năng chăm sóc bản thân: Bệnh diễn tiến nặng sẽ khiến người bệnh không thể sinh hoạt như bình thường: Đi tắm, mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, tự ý dùng thuốc mà không có người thân hỗ trợ;
- Nguy cơ mất an toàn cá nhân: Một số tình huống có thể gây ra các vấn đề an toàn cho những người trẻ bị sa sút trí tuệ bao gồm lái xe, nấu ăn, đi bộ một mình;
- Tử vong: Sa sút trí tuệ ở người trẻ khi đã diễn biến đến giai đoạn cuối có thể bị nhiễm trùng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Cách chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người trẻ
So với người cao tuổi, việc chẩn đoán tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn bởi các lý do:
- Sa sút trí tuệ ở người trẻ là bệnh ít gặp nên có thể gây ra hiểu lầm, chẩn đoán sai;
- Triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ ràng và khó nhận biết, thường dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu sức khỏe khác như trầm cảm, stress, dấu hiệu thời kỳ mãn kinh;
- Khi bệnh khởi phát sẽ có những sự thay đổi trong tính cách, hành vi,...tuy nhiên bệnh lại ít cho thấy tình trạng mất trí nhớ mặc dù biểu hiện rất đa dạng;
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, xem xét triệu chứng, tìm hiểu bệnh sử, kiểm tra suy nghĩ, hành vi, giác quan, phản xạ, sức mạnh,...Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: Giúp loại trừ các nguyên nhân khác như thiếu vitamin, rối loạn tuyến giáp,...
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp não tìm tổn thương do bệnh mạch máu hoặc đột quỵ, siêu âm xem động mạch có bị tổn thương hay không,..
- Chọc dịch não tủy;
- Điện não đồ;
- Xét nghiệm gen: Những người trẻ bị sa sút trí tuệ có tiền sử mắc bệnh Alzheimer có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm này;
Biện pháp khắc phục tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh, nguyên nhân, bệnh lý đi kèm cùng khả năng đáp ứng thuốc,...hoặc các phương pháp khác để cải thiện các triệu chứng nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng
Một số phương pháp khác ngoài thuốc bao gồm:
- Liệu pháp trò chuyện: Giúp người bệnh cải thiện được chứng lo âu, trầm cảm;
- Liệu pháp nghề nghiệp: Hỗ trợ bệnh nhân thích nghi với các thay đổi, duy trì khả năng giao tiếp và tính độc lập;
- Sự giúp đỡ, chăm sóc từ người thân và bạn bè có thể tạo ra một môi trường tích cực trong việc kiểm soát tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị bệnh.
Phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ
Việc người trẻ đi thăm khám sớm khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong hành vi hàng ngày là yếu tố quan trọng để giảm khả năng tiến triển của bệnh, thuận lợi cho quá trình điều trị. Với những trường hợp chưa bị sa sút trí tuệ, người trẻ cần phải có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cụ thể:
- Thường xuyên rèn luyện trí não thông qua các trò chơi đố vui, đọc sách, tham gia các hoạt động cộng đồng;
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn;
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý;
- Luôn giữ một tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ;
- Không nên sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu bia,...;
- Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định. Đồng thời cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiệu các triệu chứng bất thường.
Quý khách hàng có thể liên hệ Đặt lịch khám online hoặc qua hotline 1900 1806 để được bộ phận tư vấn của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ.
Kết luận
Sa sút trí tuệ ở người trẻ không còn là nguy cơ xa vời mà đang trở thành thực trạng đáng báo động. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, hệ quả không chỉ dừng lại ở suy giảm trí nhớ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và hiệu suất công việc. Tin tốt là hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, rèn luyện trí não và kiểm soát căng thẳng.