Tại sao sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu đời hoàn hảo nhất?

Thiên Hương

24-12-2022

goole news
16

Là món quà tuyệt vời và hoàn hảo nhất được tạo hoá ban tặng cho con người từ khi mới chào đời, sữa mẹ với đầy đủ dưỡng chất cần thiết để trẻ lớn lên khỏe mạnh. Đây chính là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu. Hãy cùng bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu mọi thông tin cần thiết về vấn đề này để có cái nhìn tổng quan về dinh dưỡng đầu đời cho con nhé!

Giải phẫu sinh học tuyến vú

Vú được cấu tạo gồm 3 mô chính gồm mô mỡ, mô tuyến và mô liên kết. Kích thước của tuyến vú phụ thuộc vào số lượng mô mỡ và mô liên kết. Tuy nhiên, mô tuyến vú thì đa phần phụ nữ sẽ có số lượng giống nhau.

Nếu tính từ ngoài vào trong, vú gồm 5 lớp như sau: da - mỡ dưới da và tổ chức liên kết - dây chằng cooper treo vú - mô tuyến - mô sau tuyến. Trong đó mô tuyến chia thành 15-20 thùy, mỗi thuỳ lại chia thành 38-80 tiểu thuỳ, xếp hình nan hoa và cuối cùng tập trung về núm vú.

Sữa mẹ được chứa trong các tiểu thuỳSữa mẹ được chứa trong các tiểu thuỳ.

Mỗi tiểu thuỳ sẽ chứa rất nhiều nang sữa. Sữa từ tiểu thuỳ đổ vào các ống góp sau đó chảy về xoang chứa sữa dưới quầng vú. Có khoảng 5-10 ống dẫn sữa mở ra tại núm vú. Tình trạng tắc tia sữa có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, ví dụ ở một hoặc nhiều nang sữa, một hoặc nhiều tiểu thuỳ, một hay nhiều thuỳ.

Sữa mẹ bắt đầu sản xuất khi nào?

Ngực của người mẹ trong thời kỳ mang thai sẽ bước vào giai đoạn sẵn sàng để bắt đầu sản xuất sữa. Lượng sữa non sẽ bắt đầu tiết ra bắt đầu từ tháng thứ 7 của thai kỳ đến khi sinh con sau 2-4 ngày. Sữa non của mẹ có chứa rất nhiều beta-carotene nên sữa mẹ màu vàng nhạt, vàng đục hay cam với số lượng sữa rất ít. Thế nhưng hàm lượng dinh dưỡng và kháng thể, lợi khuẩn, tế bào miễn nhiễm trong sữa lại cao nhất trong toàn giai đoạn và cực kỳ bổ dưỡng. Trẻ được bú sữa non ngay trong 1 giờ đầu sau sinh là bữa bú quan trọng nhất.

Khi trẻ đã ra đời, nhau thai khi này đã bong giúp kích thích tiết nhiều sữa hơn. Sau 5-14 ngày, cơ thể người mẹ sẽ bắt đầu sản xuất sữa chuyển tiếp, từ ngày 14 trở đi, sữa tiết ra nhiều hơn, có màu trắng, sữa mẹ loãng hơn được gọi là sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có chứa hàm lượng protein bằng một nửa so với sữa non nhưng nhiều chất béo hơn. Ngoài ra khi bú, lượng sữa cũng tiết ra được chia thành sữa đầu bữa và sữa cuối bữa.

Sữa mẹ có màu gì? Sữa đầu bữa tiết ra đầu bữa bú có màu hơi xanh, lượng khá nhiều, chứa nhiều nước, đạm, đường và dinh dưỡng. Sữa cuối bữa tiết ra cuối bữa bú, có màu trắng đục do chứa nhiều chất béo nên mẹ hãy cho con bú hết sữa cuối, không nên chuyển bên quá sớm hay để trả nhả vú sớm mà không bú được lượng sữa dồi dào chất béo này.

Cơ chế sản xuất sữa mẹ

Sữa mẹ được cơ thể mẹ tiết ra dựa trên nhu cầu của bé. Khi bé bú thường xuyên, cơ thể mặc định là trẻ cần nhiều sữa, khi này sẽ tạo sữa nhiều hơn. Ngược lại, nếu bé bú ít, cơ thể sẽ tiết ít sữa hơn.

Quá trình sản xuất sữa này sẽ phụ thuộc vào 4 loại hormone đó là estrogen, progesterone, prolactin, oxytocin với cơ chế tự điều chỉnh hàm lượng để tạo sữa. Cụ thể như sau:

  • Estrogen có vai trò tăng kích thước và phát triển số lượng ống dẫn sữa.
  • Progesterone kích thích phát triển nang và thuỳ tuyến sữa. Trong thời gian mang thai, hai loại hormone này được giải phóng để ức chế tạo sữa. Sau khi sinh, nhau thai bong sẽ làm giảm lượng hormone của 2 loại này, cơ thể sẽ nhận được tín hiệu để bắt đầu tạo sữa. Do đó trong thời gian nuôi con bằng sữa, mẹ không nên uống thuốc tránh thai có chứa Estrogen sẽ làm ức chế tạo sữa.
  • Prolactin là hormon kích thích sản xuất sữa. Khi trẻ bú, hoạt động mút sẽ kích thích bài tiết ra hormone Prolactin, hormone này sẽ đi vào máu, di chuyển đến vú và tăng tiết sữa sau khoảng 30 phút. Do đó cho trẻ bú cữ này chính là cách để tạo đủ sữa cho cữ bú sau. Prolactin được giải phóng nhiều vào ban đêm sẽ có hiệu quả cao trong việc duy trì tạo sữa.
  • Oxytocin: Khi trẻ ngậm và hút núm vú, Oxytocin sẽ được tiết ra làm các cơ quanh nang vú co bóp và đẩy sữa ra khỏi nang. Sữa khi này sẽ được giải phóng, đi vào các ống sữa rồi đến núm vú và chảy ra. Đây chính là phản xạ phun sữa. Khi mẹ có cảm giác tốt, âu yếm, yêu thương trẻ và mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho phản xạ này. Oxytocin nếu hoạt động không hiệu quả cũng sẽ ảnh hưởng tới việc nhận sữa, dù sữa vẫn được sản xuất nhưng lại không thể đẩy ra ngoài. Oxytocin cũng có tác dụng làm co tử cung, giúp thu nhỏ về kích thước ban đầu.

Trong sữa mẹ cũng có một số chất có tác dụng ức chế tiết sữa. Nếu sữa mẹ không được trẻ bú hết hoặc vắt sữa mẹ sạch ra thì sẽ bị đọng lại trong các nang vú. Khi này các chất ức chế tiết sữa sẽ bắt đầu được giải phóng khiến cho cơ thể ngưng tạo sữa.

Sữa mẹ được sản xuất dựa theo nhu cầu, trẻ bú càng nhiều, sữa tiết càng nhiều và ngược lại.Sữa mẹ được sản xuất dựa theo nhu cầu, trẻ bú càng nhiều, sữa tiết càng nhiều và ngược lại.

Thành phần của sữa mẹ 

Sữa mẹ có chứa thành phần gì tốt cho trẻ và được xem là thực phẩm không thể thay thế trong những năm tháng đầu đời? Cùng tìm hiểu ngay: 

Chất béo (lipid)

Thành phần quan trọng nhất trong sữa mẹ đó chính là chất béo. Khi trẻ bú đủ sẽ được cung cấp năng lượng với 50% đến từ chất béo. AA và DHA là hai loại chất béo tham gia vào quá trình phát triển não bộ, mô thần kinh, vòng mạch và hệ miễn dịch. Ngoài ra MHO là một loại acid béo ngắn có tác dụng tương tự như chất xơ, giúp đào thải vi khuẩn ra khỏi đường ruột, từ đó ngăn ngừa tiêu chảy, táo bón, giúp phân mềm, không bị vón cục.

Chất đạm (Protein)

Chất đạm trong sữa mẹ tham gia vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng cơ và xương, đồng thời tạo dung môi cho hormone, tạo men cần thiết và quan trọng nhất là tạo kháng thể. Đạm trong sữa được chia thành hai loại là whey protein (chiếm 60%) và casein protein (chiếm 40%).

Whey protein gồm các thành phần chính là a-lactalbumin, lactoferrin, lysozyme, immunoglobulin… với vai trò chính là cung cấp năng lượng, đào thải chất độc, cặn bã và tế bào lạ ra khỏi cơ thể. Loại protein này tồn tại dưới dạng lỏng nên trẻ sơ sinh rất dễ tiêu hoá và hấp thu. Trong khi đó, casein protein có vai trò như một loại đạm dinh dưỡng, ở dạng kết tủa (tương tự như đậu phụ) cũng rất dễ tiêu hoá.

Kháng thể

Trong sữa mẹ có chứa kháng thể có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Theo đó, trong mỗi cữ bú, trẻ sẽ được tiếp nhận hàng triệu bạch cầu sống và globulin từ sữa mẹ, bảo vệ tối ưu cơ thể non nớt của trẻ.

Vi chất dinh dưỡng

Sữa mẹ còn có chứa một lượng lớn canxi, sắt và selen hấp thu dễ dàng. Những vi chất này tham gia vào quá trình cấu tạo xương và răng, đồng thời giúp phát triển trí não và củng cố hệ miễn dịch vững chắc.

Chất bột đường (Carbohydrate)

Với vai trò cung cấp 40% năng lượng, carbohydrate trong sữa từ người mẹ cũng là chất cần thiết để trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện. Hai thành phần Carbohydrate chính đó là lactose và oligosaccharide đóng vai trò là chất tham gia vào quá trình phát triển não bộ và hoàn thiện của hệ tiêu hoá, từ đó giúp đường ruột của trẻ dễ dàng hấp thu dưỡng chất và nhanh chóng làm quen với các thực phẩm mới khi bước vào độ tuổi ăn dặm.

Men và hormone

Men tiêu hoá và các loại hormone có trong sữa mẹ bao gồm amylase, lipase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin… tham gia vào quá trình cân bằng sinh hoá và tăng cường sức khỏe cho đường ruột. Những loại men và hormone này sẽ tác động đến mùi vị của sữa mẹ. Do đó, khi khẩu phần của mẹ có sự thay đổi thì men và hormone trong sữa cũng thay đổi giúp trẻ dần quen với mùi vị của các loại thực phẩm khác nhau.

Sữa mẹ có chứa rất nhiều dinh dưỡng mà các loại sữa công thức khác không thể thay thế.Sữa mẹ có chứa rất nhiều dinh dưỡng mà các loại sữa công thức khác không thể thay thế.

Tại sao nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất cho mẹ và bé?

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, cả mẹ và bé đều sẽ được hưởng lợi từ cách chăm sóc con này.

Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ

  • Giúp thỏa mãn cơn khát với sữa đầu và giải tỏa cơn đói với sữa cuối nhờ hàm lượng chất béo và năng lượng của sữa tăng lên ở cuối cữ bú.
  • Sữa từ mẹ nhiều whey protein dễ hấp thu hơn so với casein protein (có nhiều trong sữa bò) nên giúp trẻ nạp năng lượng và dưỡng chất nhanh hơn.
  • Tiếp nhận hormone và kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Sữa mẹ có chứa chủng vi sinh vật có lợi probiotics giúp phát triển hệ vi khuẩn đường ruột mạnh khỏe.
  • Ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiêu hoá và dị ứng, đặc biệt là chàm dị ứng và hen suyễn.
  • Sữa mẹ giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến chuyển hoá như cao huyết áp, béo phì, máu nhiễm mỡ, tiểu đường tuýp 2.
  • Sữa mẹ mang lại lợi ích trong việc phát triển nhận thức, có ảnh hưởng tới tuổi trưởng thành do có chứa dồi dào các loại acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi (LC-PUFAs) là DHA, ARA quan trọng trong việc phát triển mắt và não bộ.
  • Bú sữa mẹ làm tăng sự gắn kết về cảm xúc giữa mẹ và con.

Lợi ích đối với mẹ

  • Cho trẻ bú sữa từ mẹ giúp đốt cháy calo và dễ dàng lấy lại vóc dáng sau sinh.
  • Giúp tránh thai, tăng thời gian có con trong thời gian kế tiếp.
  • Giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú, nguy cơ loãng xương.
  • Tiết kiệm kinh tế hơn so với việc nuôi con bằng sữa công thức.
  • Kích thích hormone giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, đặc biệt là kích thích bài tiết oxytocin giúp tử cung co nhanh hơn về kích thước ban đầu.
  • Giảm thời gian chăm sóc con, trẻ bú sữa mẹ trực tiếp đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ, không cần phải nấu nước, pha sữa, rửa bình, tiệt trùng bình,...

Sữa mẹ có vị gì?

Về cơ bản, sữa mẹ có mùi thơm nhẹ, vị nhạt, hơi ngọt. Tuy nhiên, phụ thuộc vào cơ địa cũng như chế độ ăn sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của sữa từ mẹ. Ngoài ra, cách bảo quản cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của sữa, nó có thể chuyển sang mùi tanh, nồng và chua hơn nếu sữa vắt ra và để ngoài môi trường.

Bên cạnh đó, những loại thực phẩm mẹ ăn vào sau đây sẽ khiến mùi vị nguyên bản của sữa bị thay đổi đó là các loại gia vị như tiêu, tỏi, ớt, thực phẩm chế biến sẵn có lượng natri cao khiến sữa mẹ bị mặn. Mẹ nên ăn các loại ngũ cốc, trái cây, đặc biệt là chuối sẽ giúp mùi vị của sữa thơm ngon hơn và dồi dào sữa hơn.

Cơ địa cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ. Nếu cơ thể mẹ có chứa nhiều enzym tiêu hoá lipase sẽ khiến sữa vắt ra có mùi như xà phòng. Nếu mẹ ăn uống đủ chất thì sẽ làm tăng lượng Lactose trong máu khiến sữa có vị ngọt. 

Vậy sữa ngọt như thế có tốt không? Điều này chứng tỏ chế độ ăn của mẹ đang rất cân bằng nên sữa mới có vị ngọt và thơm ngon. Tuy nhiên, nếu quá ngọt sẽ khiến đường ruột của trẻ bị quá tải lactose khiến phân có mùi chua, phân lỏng, xanh, có bọt và dễ bị hăm tã.

Sữa mặn thì có nên cho trẻ bú không? Như đã nói, nếu mẹ ăn nhiều đồ ăn đóng hộp hoặc ăn thức ăn quá mặn, chứa nhiều gia vị sẽ khiến sữa mẹ có vị mặn. Trẻ sẽ cảm nhận được sự thay đổi và có thể bú ít hoặc bỏ bú. Do đó mẹ nên loại bỏ bớt các loại thực phẩm kể trên, nên chọn lựa các thực phẩm có tính mát như rau xanh, trái cây để thay đổi mùi vị của sữa, giúp bé bú ngon miệng hơn. 

Mùi vị của sữa mẹ ảnh hưởng bởi thức ăn mẹ ăn và cơ địa của mỗi người.Mùi vị của sữa mẹ ảnh hưởng bởi thức ăn mẹ ăn và cơ địa của mỗi người.

Nên cho con bú sữa mẹ đến khi nào?

Để giải đáp cho câu hỏi này, hầu hết các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo mẹ nên cho trẻ bú sữa từ mẹ tối thiểu là 1 năm. Mẹ có thể cai sữa cho trẻ lâu hơn nếu có thời gian, cả mẹ và bé đều muốn điều đó. Cụ thể: 

  • Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nhỏ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi và có thể tiếp tục.
  • Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất 1 năm.
  • Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), trẻ nên được bú hoàn toàn trong ít nhất 1 năm và kéo dài ít nhất đến 2 năm để sức khỏe của mẹ và trẻ tối ưu nhất.

Cho trẻ bú kéo dài có ưu, nhược điểm gì?

Trẻ có thể bú kéo dài hơn 2 năm nếu điều kiện thuận lợi kết hợp với mong muốn của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, vượt quá thời gian này cũng sẽ có những ưu - nhược điểm riêng, mẹ nên cân nhắc.

Cho đến thời điểm này, trẻ đã ăn thức ăn thô với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Sữa mẹ khi này là thực phẩm bổ sung, vẫn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng cho trí tuệ và thể chất. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sữa mẹ khi biết đi nếu được bú mẹ sẽ ít ốm hơn so với trẻ đã cai sữa. Khi trẻ ốm, bỏ ăn, trẻ có thể chỉ bú và hấp thụ được duy nhất dưỡng chất từ nguồn sữa từ mẹ.

Tuy nhiên, cho trẻ bú kéo dài quá lâu, trẻ sẽ khó cai sữa hơn thời gian đầu, trẻ cũng nghĩ rằng việc ti sữa là cách duy nhất để thu hút sự chú ý của mẹ. Bên cạnh đó, khi trẻ đã lớn mà mẹ vẫn cho ti sữa thì sẽ thường chịu những lời nhận xét khiếm nhã, đồng thời ảnh hưởng đến mong muốn mang thai lần tiếp theo. Do đó, mẹ hãy cân nhắc thời gian phù hợp để cai sữa cho bé.

Giải pháp chăm sóc nguồn sữa mẹ

Để sữa mẹ luôn đủ và đạt chất lượng tốt nhất, trong quá trình nuôi con bằng sữa từ mẹ, các bà mẹ hãy chú trọng tới những lưu ý sau:

  • Mẹ ăn gì để nhiều sữa? Về chế độ dinh dưỡng: Mẹ nên ăn đủ bữa, cân đối các nhóm chất, uống đủ nước, tăng cường ăn ngũ cốc, rau xanh, trái cây và các thực phẩm lợi sữa, không nên ăn các đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị hay các loại thức ăn nhanh. Tránh xa nước ngọt đóng chai, cà phê, bia, rượu,...
  • Nên tập luyện nhẹ nhàng để tinh thần thoải mái, cơ thể nhanh hồi phục sau sinh.
  • Nên thường xuyên massage ngực để kích thích tuyến sữa, tránh tắc tia sữa và tăng cường lưu thông máu.
  • Có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, không làm việc quá sớm,...
  • Mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa mà chị em có thể áp dụng đó là dùng lá đinh lăng, lá chè vằng, lá mít, lá mít, canh búp dứa hay ăn các món lợi sữa…

Mẹ nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tâm trạng thật thoải mái Mẹ nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tâm trạng thật thoải mái.

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ ngay từ khi vừa chào đời mà không có bất cứ loại sữa công thức nào thay thế được. Chính vì vậy, mẹ hãy chuẩn bị sức khỏe thật tốt ngay từ khi mang thai, trong quá trình nuôi con cũng nên ăn uống, nghỉ ngơi, thông minh trong cách lựa chọn thực phẩm để mang đến nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con yêu.

Nếu vẫn còn nhiều băn khoăn cần được tư vấn thêm về sữa mẹ, mẹ có thể liên hệ trực tiếp Khoa NhiBệnh viện Đa khoa Phương Đông để được các chuyên gia giải đáp. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

836

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Cách xử lý trẻ sơ sinh bị sặc sữa mẹ nhất định phải biết

Trẻ sơ sinh bị sặc sữa khiến bé bị ho sặc sụa, khó thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vậy cần xử lý như thế nào khi trẻ gặp phải tình trạng này?

19001806 Đặt lịch khám