Sửa van tim là phương pháp điều trị các vấn đề ở van tim như van tim bị hở hoặc hẹp, van tim bị khiếm khuyết, tắc nghẽn, trào ngược, rò rỉ. Đây là cuộc phẫu thuật quan trọng nên người bệnh cần chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi và an toàn. Vậy sửa van tim diễn ra như thế nào? Cần lưu ý những gì? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.
Sửa van tim là gì?
Khi van tim bị tổn thương, tim cần phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu qua van. Lúc này, người bệnh cần thăm khám để được chỉ định điều trị, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp phù hợp, trong đó có phẫu thuật sửa van tim bị lỗi. Nếu mức độ tổn thương không quá nặng nề, sửa van sẽ giúp giảm tình trạng hẹp và hở van.
Với các van tim bị hẹp do dính các mép van, có thể điều trị bằng cách cắt, sửa các mép van bị dính. Với hở van, dựa vào tình trạng hở mà có thể sửa khác nhau như cắt, khâu dây chằng quá dài, đặt đai quanh vòng van để hẹp đường kính vòng van giúp các lá van khép kín với nhau.
Sửa van tim sẽ giúp điều trị tận gốc bệnh, giảm các triệu chứng, ngăn rối loạn nhịp tim, hạn chế các biến chứng nguy hiểm như suy tim, tai biến mạch máu não, giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống.
Nếu phát hiện và can thiệp điều trị sớm các vấn đề về van tim, kết hợp uống thuốc theo chỉ định, kiểm tra định kỳ và xây dựng lối sống, dinh dưỡng khoa học, người bệnh vẫn có cuộc sống gần như bình thường. Nếu van tim tổn thương quá nặng, không thể chỉ định sửa van thì lúc này cần thay van tim.
Sửa van tim là phương pháp điều trị các bệnh lý ở van tim
Van tim có khả năng tự sửa chữa không?
Van tim không có khả năng tự sửa chữa nên khi van tim gặp vấn đề cần được can thiệp điều trị để hạn chế bệnh tiến triển nặng. Dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh mà bệnh có thể có những thay đổi trong cơ thể diễn ra từ từ hoặc rất nhanh chóng.
Để khắc phục tình trạng van tim bị tổn thương ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sửa van tim vẫn sẽ là giải pháp lâu dài cho người bệnh.
Khi nào cần thực hiện phẫu thuật sửa van tim?
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của van tim đến chức năng tim, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc, phẫu thuật sửa van tim hoặc thay van tim trong trường hợp van tim ở mức độ nặng. Thông thường, nếu người bệnh không đáp ứng được thuốc hoặc sau khi sửa chữa tim vẫn bị hẹp/hở trở lại, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thay van tim nhân tạo.
Điều trị thuốc sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng, làm chậm diễn biến của bệnh nhưng không điều trị tận gốc tình trạng hẹp van tim hoặc hở van tim. Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: Thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông, thuốc giãn mạch,...
Vậy khi nào cần thực hiện phẫu thuật sửa van tim? Nếu van tim bị tổn thương nặng, sử dụng thuốc không cải thiện tình trạng bệnh, lúc này cần can thiệp sửa van. Phương pháp sửa van sẽ dựa vào mức độ tổn thương và thể trạng của người bệnh.
Van tim nếu bị tổn thương nặng cần được sửa van để cải thiện chức năng
Cần chuẩn bị những gì trước khi sửa van tim?
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sẽ thăm khám và giải thích về quy trình sửa van tim để người bệnh nắm rõ. Người bệnh cần đảm bảo sức khỏe ổn định trước phẫu thuật, ngoài ra cần chuẩn bị sẵn sàng cho phẫu thuật để tiến hành thuận lợi:
- Không ăn trong 8 giờ trước khi thực hiện phẫu thuật.
- Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai cần báo với bác sĩ để được kiểm tra kỹ càng.
- Bệnh nhân phải đảm bảo không dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hoặc chất gây mê,... Nếu cơ thể nhạy cảm với thuốc hoặc dễ dị ứng thì cần thông báo với bác sĩ sớm để có phương pháp khắc phục.
- Người bệnh có máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị trợ tim cấy ghép khác cần thông báo với bác sĩ.
- Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X-quang ngực, siêu âm tim, điện tâm đồ trước khi thực hiện phẫu thuật một ngày.
- Không sử dụng thuốc lá
- Nghỉ ngơi và chuẩn bị tinh thần thoải mái cho cuộc phẫu thuật.
- Người bệnh cần nắm rõ về cuộc phẫu thuật sửa van. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần hỏi trực tiếp bác sĩ để được giải đáp.
Xem thêm:
Quy trình phẫu thuật sửa van tim
Sau khi thăm khám và chuẩn bị kỹ lưỡng, người bệnh sẽ được thực hiện phẫu thuật sửa van tim. Quy trình diễn ra như sau:
- Người bệnh phải bỏ trang sức, vật dụng gây cản trở quá trình phẫu thuật. Sau đóm người bệnh sẽ thay áo choàng được cung cấp, làm sạch bàng quang trước khi tiến hành phẫu thuật.
- Bác sĩ tiêm thuốc và truyền dịch tĩnh mạch trên cánh tay hoặc bàn tay của người bệnh.
- Đặt ống thở qua miệng vào phổi để người bệnh thở trong suốt thời gian phẫu thuật.
- Đặt đầu dò siêu âm tim vào thực quản để theo dõi chức năng của van.
- Ống thông được đưa vào bàng quan của người bệnh để dẫn nước tiểu. Một sống được đưa qua miệng hoặc mũi vào dạ dày để lưu dịch dạ dày.
- Để thực hiện sửa van, bác sĩ phải cho ngừng tim bệnh nhân, đặt máy tim - phổi nhân tạo trong quá trình ngừng tim.
- Sát trùng vùng da trên ngực, bác sĩ sẽ rạch da tại đây. Nếu thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thì vùng da bị rạch sẽ rất nhỏ dưới ngực.
- Bác sĩ bắt đầu sửa chữa van bị trục trặc, định hình các bộ phận của van hoặc đặt van nhân tạo nếu thay van tim.
- Sau khi phẫu thuật, bác sĩ cho tim đập trở lại
- Kiểm tra tim đập tốt sẽ ngưng máy tuần hoàn ngoài cơ thể.
- Khâu lại vết mổ và băng bằng băng vô trùng.
- Người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức tích cực để theo dõi.
Quá trình phẫu thuật được diễn ra cẩn thận và kỹ lưỡng
Bác sĩ sửa chữa van tim có thể áp dụng một số kỹ thuật như:
- Phẫu thuật tim hở: Được thực hiện trên cơ tim, van, động mạch, động mạch chủ và các động mạch lớn khác để kết nối với tim. Mổ tim hở sửa van bị khiếm khuyết do hẹp hoặc trào ngược nhằm sửa van bị lỗi.
- Phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu: Chỉ mở các đường mổ nhỏ trên ngực và sử dụng dụng cụ phẫu thuật nội soi để tiếp cận tim. Phương pháp này giúp giảm kích thước vết mổ, giảm lượng mô lành bị tổn thương, nhờ đó người bệnh nhanh chóng hồi phục và hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Một số biến chứng sau khi sửa van tim
Sửa van tim giúp người bệnh giảm triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển, hạn chế các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có thể xảy ra rủi ro. Một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Chảy máu trong hoặc sau phẫu thuật do sử dụng thuốc chống đông máu quá liều.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Hình thành các cục máu đông trên van.
- Có thể bị nhiễm trùng vết mổ.
- Rối loạn nhịp tim.
- Viêm phổi.
- Có các vấn đề về hô hấp.
- Rối loạn chức năng van gây ảnh hưởng đến van tim đã được sửa chữa.
- Van được sửa chữa hoạt động không chính xác.
- Nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ
- Tử vong.
Một số lưu ý sau khi sửa van tim
Sau khi sửa van tim, chăm sóc đúng cách giúp người bệnh giảm đau, phục hồi nhanh chóng. Một số lưu ý sau khi sửa van bao gồm:
- Nên nằm nghỉ ngơi nhiều, có thể ngồi ghế hoặc đi lại nhẹ nhàng. Hạn chế hoạt động hai tay, không nên đưa tay cao lên đầu vì có thể tăng cơn đau.
- Khi nằm ngủ nên kê gối cao khoảng 45 độ, thay đổi tư thế sau vài giờ.
- Tập hít thở sâu và đều, có thể tập ho nhẹ để hạn chế biến chứng về phổi.
- Không hoạt động mạnh và bê vác vật nặng.
- Thay băng ở vết mổ thường xuyên theo hướng dẫn của y tá hoặc đến bệnh viện để thay băng.
- Trong những ngày đầu tiên, người bệnh chỉ nên thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh,...
- Hạn chế sử dụng muối, chất béo bão hòa, đường tinh luyện,...
- Sau phẫu thuật nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và có cách khắc phục kịp thời.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ sau khi sửa van
Những câu hỏi thường gặp sau khi sửa van tim
1. Sau phẫu thuật sửa van bao lâu thì hồi phục?
Người bệnh mất khoảng 4-8 tuần để hồi phục dần sau phẫu thuật sửa van. Dựa vào phương pháp phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà thời gian hồi phục sẽ khác nhau. Với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, nếu người bệnh có thể trạng tốt có thể phục hồi nhanh hơn. Khoảng 3-6 tháng sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ cải thiện tốt lên mỗi ngày, một số trường hợp cần tới 1 năm.
2. Có cần sử dụng thuốc sau khi sửa van không?
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cần sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành huyết khối. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần uống đúng và đủ liều, đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, không được tự uống thêm thuốc khác hay tự tăng hoặc giảm liều.
3. Chi phí phẫu thuật sửa van tim
Phẫu thuật sửa van tim tại Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể chi phí trong buổi khám trước phẫu thuật. Chi phí này còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật, thời gian nằm viện,....
Nếu Quý khách quan tâm, lo lắng và mong muốn kiểm tra sức khỏe tim mạch, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc .
Chi phí phẫu thuật còn phù thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Sửa van tim là cuộc phẫu thuật lớn nên quy trình thực hiện cần sự chính xác, đảm bảo điều kiện về trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa có trình độ chuyên môn cao. Sau quá trình phẫu thuật, cần chăm sóc và nghỉ ngơi đúng cách giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về phẫu thuật sửa van tim. Người bệnh cần lựa chọn đơn vị uy tín để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, an toàn.