Hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thu Hiền

29-07-2023

goole news
16

Trong những bệnh lý tim mạch hiện nay thì hở van tim khá phổ biến. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như đột quỵ, suy tim, phù phổi cấp… Do đó, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ về căn bệnh này nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hở van tim là gì?

Hở van tim là tình trạng không thể đóng hoàn toàn các van tim. Hiện tượng này làm cho một số lượng máu quay trở lại buồng tim ban đầu.

Tim có cấu trúc gồm bốn van, đó là: 

  • Van 2 lá
  • Van 3 lá
  • Van động mạch chủ
  • Van động mạch phổi

Nhiệm vụ của cả bốn van tim là kiểm soát sự lưu thông máu giữa các buồng tim và hệ tuần hoàn. Sự lưu thông này sẽ đi từ tĩnh mạch chạy về tim và đi ra động mạch chủ theo một chiều nhất định nhằm mục đích nuôi cơ thể chứ không chảy ngược lại.

Hở van tim là bệnh lý tim mạch phổ biếnHở van tim là bệnh lý tim mạch phổ biến

Thế nhưng, chỉ cần một trong bốn van bị hở thì mỗi khi tim co bóp sẽ có một phần dòng máu chảy ngược lại buồng tim. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và khiến người bệnh gặp nguy hiểm nếu không phát hiện, điều trị sớm.

Dấu hiệu hở van tim

Ở giai đoạn đầu, hở van tim khó nhận biết vì thường không có triệu chứng hoặc nếu có cũng không rõ ràng. Do đó, giai đoạn đầu đa phần người bệnh phát hiện khi vô tình đi kiểm tra sức khỏe.

Đến giai đoạn nặng, các dấu hiệu của bệnh rõ ràng và dễ nhận biết. Bao gồm:

  • Khó thở: Những người có van tim bị hở thì khó thở là triệu chứng rõ nét đầu tiên. Khi hoạt động mạnh hoặc nằm xuống, tình trạng khó thở sẽ tăng lên.
  • Mệt mỏi: Van tim bị hở càng lâu đồng nghĩa với việc tim phải co bóp nhiều hơn và thiếu hụt lượng máu cũng ngày càng nghiêm trọng. Do đó, tình trạng mệt mỏi ở người bệnh sẽ kéo dài. Thậm chí, khi không hoạt động cũng gây ra mệt mỏi, uể oải và cảm giác thiếu sức sống.
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực: Van tim bị hở dẫn đến có lượng máu bị trào ngược trở lại buồng tim. Vì thế, để bơm lượng máu bù lại thì tim phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến rối loạn nhịp tim với các triệu chứng là tim đập nhanh, đánh trống ngực.
  • Hoa mắt, chóng mặt: Hở van tim khiến lượng máu nuôi dưỡng cơ thể không đáp ứng đủ, nhất là hệ thống thần kinh. Kéo theo tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
  • Chân, mắt cá chân bị sưng: Rối loạn nhịp tim kéo dài có thể dẫn đến biến chứng suy tim. Biến chứng này gây ra triệu chứng điển hình là chân và mắt cá chân người bệnh bị sưng.
  • Ho khan: Những người bị hở van 2 lá và van 3 lá thường gặp triệu chứng ho khan. Vào ban đêm, mức độ ho càng rõ rệt.

Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?

Hở van tim là bệnh lý tim mạch phổ biến, khiến sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí đe dọa tính mạng nếu như không phát hiện và điều trị sớm. Bởi bệnh kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của tim. Cộng với tình trạng van tim bị hở có thể làm cho nhiều cơ quan khác suy giảm chức năng. Từ đó, gây ra nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe, bao gồm:

  • Suy tim: Hở van tim kéo dài sẽ dẫn đến suy tim do tim phải hoạt động nhiều hơn. Tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ làm giãn buồng tim và hậu quả là gây suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim có thể đập lúc nhanh lúc chậm chứ không đều. Có lúc tim đập quá nhanh với tần suất trên 100 lần/phút. Thế nhưng, cũng có khi đập quá chậm với tần số dưới 60 lần/phút. Tình trạng nhịp tim rối loạn không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến đột tử.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Hở van động mạch chủ với biến chứng phổ biến là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Lý do là dòng máu khi phụt ngược về thất trái từ động mạch chủ dễ làm cho lớp nội mạc tim bị tổn thương. Trong khi đó, vi khuẩn dễ dàng bám dính tại khu vực này và nguy cơ gây áp-xe, nhiễm trùng rất phổ biến.
  • Đột quỵ: Hở van tim với các biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim, giãn buồng tim. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo điều kiện xuất hiện các cục máu đông di chuyển đến não và gây ra đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Có những loại hở van nào?

Hở van tim tùy theo cách phân loại mà sẽ có những loại khác nhau. Cụ thể như sau:

Phân loại theo mức độ hở của van

Căn cứ vào mức độ hở của van, các bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nặng hay nhẹ. Theo đó, với cách phân loại này sẽ bao gồm các cấp độ sau:

  • Cấp độ 1/4: Cấp độ này van tim hở nhẹ.
  • Cấp độ 2/4: Mức độ hở của van tim là trung bình.
  • Cấp độ 3/4: Mức độ hở của van tim là nặng.
  • Cấp độ 4/4: Mức độ hở van tim rất nặng.

Phân loại theo loại van

Bất cứ van tim nào cũng có thể bị hở. Do đó, người ta còn phân loại hở van tim theo loại van. Bao gồm:

Nhiệm vụ của van 2 lá là kiểm soát dòng máu di chuyển từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái. Nếu van này bị hở sẽ có một lượng màu bị trào ngược từ thất trái và quay trở lại nhĩ trái.

Hình ảnh hở van tim 2 láHình ảnh hở van tim 2 lá

Máu muốn đi từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải sẽ cần di chuyển qua van 3 lá. Lượng máu từ tâm thất phải sẽ bơm vào động mạch phổi để làm nhiệm vụ trao đổi oxy. Nếu van 3 lá không đóng hoàn toàn, sẽ dẫn đến tình trạng trào ngược một phần máu trở lại tâm nhĩ phải.

  • Hở van động mạch chủ

Nhiệm vụ của van động mạch chủ là kiểm soát lượng máu mang oxy từ thất trái đến mạch chủ. Sau đó, lượng máu ở mạch chủ sẽ mang đi nuôi cơ thể. Vì thế, trong hệ thống van tim thì van này có vai trò quan trọng nhất. Nếu van động mạch chủ bị hở sẽ khiến một lượng máu trào ngược trở lại từ động mạch chủ về thất trái trong kỳ tâm thu. Tình trạng này khiến cho lượng máu đi nuôi cơ thể bị suy giảm.

  • Hở van động mạch phổi

Van động mạch phổi nếu bị hở sẽ có một lượng máu trào ngược lại từ động mạch phổi trở về thất phải. Từ đó, lượng máu di chuyển từ tâm thất phải lên động mạch phổi làm nhiệm vụ trao đổi oxy sẽ bị suy giảm.

Những nguyên nhân của bệnh hở van tim

Nguyên nhân gây hở van tim có rất nhiều. Bao gồm những yếu tố thay đổi được và không thay đổi được. Cụ thể những yếu tố này là gì thì các bạn hãy khám phá dưới đây.

Những yếu tố có thể thay đổi

  • Mắc một số bệnh lý như giãn nở cơ tim, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc, xơ vữa động mạch… Khi mắc những căn bệnh này thì nguy cơ van tim bị hở sẽ tăng.

Viêm nội tâm mạc tăng nguy cơ hở van timViêm nội tâm mạc tăng nguy cơ hở van tim

  • Sốt thấp khớp: Nếu bị nhiễm khuẩn Streptococcus cần điều trị sớm. Bởi nếu để kéo dài có thể làm cho van tim bị tổn thương.
  • Các dây chăng và phần cơ ở van tim bị đứt, giãn.

Những yếu tố không thể thay đổi

  • Tuổi tác: Cấu trúc van tim có thể thay đổi theo tuổi tác. Theo đó, tuổi càng cao, sự linh hoạt của van tim suy giảm. Quá trình vôi hóa canxi và các chất lắng đọng dẫn đến không thể đóng nắp hoàn toàn các van tim, dẫn đến hở van tim.
  • Yếu tố di truyền: Những người có quan hệ cận huyết thống với người mắc bệnh lý tim mạch thì nguy cơ bị hở van tim ở các đối tượng này sẽ cao hơn.
  • Bẩm sinh: Từ lúc hình thành bào thai đã có một số khiếm khuyết khiến trẻ sinh ra bị hở van tim bẩm sinh.

Ngoài những nguyên nhân kể trên còn rất nhiều các yếu tố khiến van tin bị tổn thương. Thế nhưng, chỉ khi được bác sĩ chuyên khoa sử dụng các thiết bị hiện đại mới xác định chính xác và cụ thể các yếu tố này. Do đó, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ van tim bị hở, các bạn nên đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Cách chữa hở van tim

Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, diễn biến của bệnh để chỉ định phương pháp điều trị hở van tim cụ thể.

Điều trị hở van tim mức độ nhẹ

Với những người bệnh van tim bị hở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc. Cụ thể như sau:

  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc được chỉ định bao gồm: Thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu (Spironolactone, Hydrochlorothiazide, Furosemide), Digitalis, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc giãn mạch nhóm Nitrat…

Sử dụng thuốc điều trị hở van timSử dụng thuốc điều trị hở van tim

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường nhiều rau xanh, trái cây. Cắt giảm lượng mỡ, lượng muối.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Không thức khuya, nói không với rượu bia, thuốc lá; đồng thời, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh để stress, căng thẳng…
  • Không làm việc quá sức, cần cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị hở van tim cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng… Nếu thấy dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Điều trị hở van tim nặng

Đối với những trường hợp van tim hở mức độ nặng, có nguy cơ suy tim thì việc điều trị can thiệp sẽ được bác sĩ chỉ định. Cụ thể như sau:

Phẫu thuật sửa van tim: Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ hở van tim để can thiệp phù hợp. Theo đó, có thể chỉ định cắt hoặc khâu nhằm đảm bảo các lá van khép kín với nhau.

Phẫu thuật thay van tim: Nếu phương pháp phẫu thuật sửa van tim không hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật thay van tim. Theo đó, van tim của người bệnh sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng van tim nhân tạo. Van tim nhân tạo có thể là loại van tim sinh học hoặc cơ học.

Kết luận

Những thông tin trên đây đã giúp các bạn nắm được các vấn đề cơ bản về hở van tim. Từ đó, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý khách hàng hãy liên hệ số điện thoại tổng đài 19001806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch khám.




BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,679

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám