Tê chân là bệnh gì, nguyên nhân gây tê chân và phương pháp điều trị

Doan Nguyen

08-05-2023

goole news
16

Tình trạng tê chân mà mọi người thường gặp là khi các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép do ngồi lâu và làm máu không lưu thông được. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị tê chân, kéo dài không giải thích được thì nó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm hoặc là một thay đổi nào đó của cơ thể. Vậy tại sao hay bị tê chân, nguyên nhân là gì?

Bị tê chân kéo dài mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của một bệnh lý
Bị tê chân kéo dài mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý

Bị tê chân là bệnh gì?

Tê chân là tình trạng mà người bị cảm thấy chân bị tê rần, thỉnh thoảng chân và lòng bàn chân như bị kim châm hoặc tê bì giống như kiến bò, có thể lan ra vùng thắt lưng, đùi và bắp chân. Ngoài ra, nó còn khiến chân bị mất cảm giác. 

Những đối tượng dễ bị tê chân nhất là người lớn tuổi và phụ nữ mang thai. Bởi vì sự lưu thông máu ở người già thông thường kém hơn nên dẫn đến tình trạng tê bì chân tay. Còn đối với phụ nữ mang thai, đa số lượng máu đều tập trung vào việc nuôi dưỡng thai nhi nên dẫn đến việc bị thiếu máu đến các chi, vì vậy gây ra hiện tượng chân tay bị tê. 

Đa số các trường hợp bị tê chân đều không nguy hiểm, nhưng nếu hiện tượng này kéo dài đi kèm với một số triệu chứng khác thì có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý nào đó, do đó bạn cần phải đến bệnh viện ngay để được thăm khám. 

Thiếu máu chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng tê chân
Thiếu máu chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng tê chân

Nguyên nhân bị tê chân không do bệnh lý

Tê chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, không nhất thiết phải do bệnh lý: Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tê chân:

Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài 

Thường xuyên hay bị tê chân do ngồi, nằm hoặc đứng quá lâu gây ra áp lực lên dây thần kinh và mạch máu của chân.

Chân thắt quá chặt

Mang giày hoặc dép quá chật hoặc quần áo thắt quá chặt cũng gây áp lực lên chân làm thiếu máu lưu thông liên hai chân và gây tê mỏi chân . Tình trạng này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng biến mất và không gây tác động nhiều đến sức khỏe. 

Thiếu máu

Nếu bệnh nhân cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, hay bị đau đầu, chóng mặt và đi kèm với triệu chứng tê chân trái và phải thì có thể đang bị thiếu máu. 

Nếu bị tê chân do bị thiếu máu, hãy chú ý đến việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho máu, có thể sử dụng thêm thuốc nếu cần thiết. Hiện tượng tê chân sẽ dần dần biến mất sau khi cải thiện được việc thiếu máu.

Suy dinh dưỡng và thiếu vitamin B

Bị thiếu vitamin nhóm B có thể gây ra các triệu chứng như chân bị tê, uể oải, da khô, mệt mỏi, chán nản, môi khô nứt nẻ, tóc xơ rối. Thiếu vitamin nhóm B và suy dinh dưỡng chính là một trong những nguyên do khiến cơ thể bị thiếu máu thường xuyên, bởi vì vitamin B tham gia vào quá trình tạo máu cho cơ thể. Bên cạnh đó, cơ thể thiếu các khoáng chất cần thiết như kẽm, sắt, magie, canxi,... cũng khiến ta bị tê bàn chân

Stress và thiếu ngủ

Việc thiếu ngủ sẽ khiến não bộ không có đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, kết hợp với sự căng thẳng quá mức sẽ làm cho các dây thần kinh bị tổn thương, gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nếu người bệnh không ngủ hoặc thiếu ngủ trong nhiều ngày liên tiếp, cơ thể chắc chắn sẽ rất mệt mỏi, thiếu sức sống, cảm giác chân tay không còn sức và xuất hiện triệu chứng run, bàn chân bị tê và các chi bị mất cảm giác. 

Việc thiếu ngủ trong nhiều ngày sẽ khiến chân và bàn chân hay bị tê
Việc thiếu ngủ trong nhiều ngày sẽ khiến chân và bàn chân hay bị tê

Sử dụng rượu bia và chất kích thích trong thời gian dài

Việc sử dụng rượu bia và các chất kích thích sẽ gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh và não bộ ở một mức độ nào đó. Nếu sử dụng quá nhiều rượu bia trong khoảng thời gian dài, cơ thể sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe do các dây thần kinh bị tổn thương. Từ đó, dẫn đến hiện tượng tê nhức chân không rõ nguyên do, mất cảm giác ở chân. 

Thói quen sinh hoạt hàng ngày

Thường xuyên bưng vác vật nặng, duy trì một tư thế khi ngồi lâu sẽ khiến tê cả hai chân hoặc bị tê một bên chân vì máu lưu thông kém. Ngoài ra, ngồi dưới điều hòa quá lâu, mang giày cao gót, nằm gối quá cao và nằm ngủ nghiêng người cũng khiến chân và bàn chân hay bị tê

Tê chân do thời tiết

Nguyên nhân này thường xảy ra ở những người lớn tuổi, tay, chân tê mỏi mỗi khi trời trở lạnh. Bởi vì thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến cho máu lưu thông kém hơn. 

Bên cạnh đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng khiến bạn hay tê chân. Cơn tê bì sẽ mất đi khi ngừng uống thuốc. 

Nguyên do gây tê chân do bệnh lý

Nếu hiện tượng tê chân phải và trái kéo dài trên 6 tuần thì nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm nào đó. 

Thoái hóa khớp và đốt sống

Loại bệnh lý này khiến cho các khớp và sụn trong cơ thể dễ bị bào mòn, gây ra sự cọ xát giữa các dây thần kinh và xương khớp gây ra hiện tượng đau nhức và tê bì ở vùng bị ảnh hưởng. Cơn tê bì có thể lan dần từ cột sống đến vai, tay hoặc từ vùng thắt lưng xuống chân, khiến người bệnh cảm thấy bị tê một bên chân hoặc cả hai chân, thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi. 

Viêm khớp

Các bệnh liên quan đến xương khớp là một trong những bệnh lý hàng đầu gây ra tình trạng tê nhức chân tay. Các tổn thương ở khớp do bị viêm khớp hoặc viêm khớp dạng thấp đều khiến chân hay bị tê và kéo dài. 

Viêm đa rễ thần kinh

Bệnh lý viêm đa rễ thần kinh hay xuất hiện nếu thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Bệnh này khiến cơ thể mắc phải tình trạng rối loạn cảm giác khiến tê lòng bàn chân, chân tay và làm hạn chế khả năng cử động. 

Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là hiện tượng các khối xơ vữa chiếm chỗ của mạch máu dẫn đến việc lòng mạch bị hẹp, từ đó mô bị thiếu dinh dưỡng và chân bị tê mất cảm giác

Xơ vữa động mạch khiến mô bị thiếu dinh dưỡng và khiến chân hay bị tê
Xơ vữa động mạch khiến mô bị thiếu dinh dưỡng và khiến
chân hay bị tê

Đau lưng

Lưng bị chấn thương do gặp phải tai nạn hoặc bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, từ đó làm cho các dây thần kinh đến chân bị chèn ép, dẫn đến bị tê chân hoặc rối loạn cảm giác. 

Tiểu đường

Đối với những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường thì hiện tượng tê lòng bàn chân hay chân bị tê chính là biểu hiện của một biến chứng nguy hiểm, đó là biến chứng thần kinh ngoại biên. 

Tuyến giáp

Bệnh tê chân rất hay gặp trong các bệnh lý rối loạn việc chuyển hóa lipid, ví dụ như bệnh suy chức năng tuyến giáp. Chính vì vậy, hiện tượng tê chân cũng là một dấu hiệu của bệnh liên quan đến tuyến giáp.

  • Xem thêm: Suy giáp và những thông tin hữu ích bạn không nên bỏ lỡ

Nên làm gì khi bị tê chân? 

Nếu đang bị tê chân, sau đây là một số việc làm mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà để làm giảm cơn tê bì chân: 

  • Nước đá: có tác dụng giúp ta giảm sưng. hãy chườm lạnh hoặc chườm đá lạnh vào chân và bàn chân bị tê trong khoảng 15 phút, thực hiện một vài lần mỗi ngày. 
  • Massage: xoa bóp chân và bàn chân giúp khắc phục việc lưu thông máu và làm giảm các triệu chứng như tê chân. 
  • Nhiệt: có thể giúp thả lỏng các cơ đang căng cứng hoặc bị đau, gây áp lực lên các dây thần kinh và làm tê. Nhưng lưu ý rằng không được làm chân và bàn chân quá nóng, vì nó có thể làm tình trạng viêm nặng thêm, đau và tê hơn. 
  • Tập thể dục: việc ít vận động sẽ làm tim và mạch máu bị suy yếu, làm khả năng bơm máu đến các chi dưới bị giảm. Các bài tập thể dục như: Pilates, Yoga giúp thúc đẩy việc lưu thông máu, giảm tê đau và viêm mãn tính. 
  • Ngủ đủ giấc: nhiều hiện tượng tê chân và bàn chân mãn tính sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ngủ thiếu giấc. 
  • Nghỉ ngơi: các tình trạng chân và lòng bàn chân bị tê, ví dụ như do áp lực thần kinh, sẽ dần biến mất nếu có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. 
  • Hạn chế sử dụng rượu bia: rượu chứa các độc tố gây hại đến các dây thần kinh và gây tê liệt. Ngoài ra, còn làm cho cơ tê bì nặng và tệ hơn. 
  • Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: suy dinh dưỡng, nhất là thiếu nhóm vitamin B, sẽ gây tổn thương thần kinh và từ đó bị tê liệt. Bổ sung đầy đủ vitamin và các nhóm dưỡng chất khác sẽ cải thiện tình trạng đau tê và giảm viêm mãn tính. 

Tập Pilates giúp việc lưu thông máu tốt hơn và giảm đau rất hiệu quả
Tập Pilates giúp việc lưu thông máu tốt hơn và giảm đau rất hiệu quả
 

Khi bị tê chân, gác chân lên tường có sao không? 

Động tác gác 2 chân lên tường có thể giúp ta kéo căng cơ bắp ở hai chân nhưng sẽ không gây cảm giác đau mỏi hay tê bì. Nếu đang bị tê nhức chân khi đang gác chân lên tường hoặc gặp phải các khó chịu khác, người bị chỉ cần nhẹ nhàng thay đổi vị trí của mông ra xa tường cho đến khi cảm thấy thoải mái nhất. 

Nếu bị tê chân, bạn có thể di chuyển mông ra xa tường sao cho cảm thấy dễ chịu nhất
Nếu bị tê chân, bạn có thể di chuyển mông ra xa tường sao cho cảm thấy dễ chịu nhất

Kết luận 

Hy vọng rằng những thông tin được chia sẻ trên sẽ giúp ích cho độc giả. Bị tê chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ai giống ai. Chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân đang có các biểu hiện trên, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán một cách chính xác và được điều trị kịp thời để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm về sau liên quan tới sức khỏe.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

26,708

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám