Bệnh teo não có thể do não bị chấn thương, nhiễm trùng, lão hóa tự nhiên, mắc các bệnh lý,... Vậy bệnh teo não là gì? Khi mắc bệnh thường xuất hiện những triệu chứng như thế nào? Bệnh có thể chữa trị hay không? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh teo não là gì?
Teo não là tình trạng các tế bào não (tế bào thần kinh) và khớp thần kinh (tín hiệu kết nối các tế bào thần kinh) bị mất đi. Tế bào bị mất khiến não giảm khối lượng, gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, nhận thức tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh teo não xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, tình trạng mất tế bào não có thể thường gặp với người bị chấn thương, nhiễm trùng, mắc bệnh lý đột quỵ, sa sút trí tuệ, bệnh Huntington,... Với những trường hợp này, diễn tiến của bệnh diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng dẫn đến tổn thương não nặng nề, thậm chí gây tử vong.
Tình trạng teo não được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm:
- Teo não khu trú (teo não cục bộ): Là tình trạng chỉ một số phần nhất định của nào bị tổn thương, phần còn lại bình thường.
- Teo não toàn bộ: Là tình trạng toàn bộ các vùng của não bị tổn thương.
Bệnh teo não là tình trạng tế bào não và khớp thần kinh bị mất dần đi
Vì sao mắc phải tình trạng teo não?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tình trạng teo não, một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Chấn thương
Chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng đều có nguy cơ bị teo não. Ngoài ra, bị đột quỵ, mất chức năng não do gián đoạn đột ngột lượng máu lên não cũng có thể gây ra tác động tương tự.
Bệnh tật và rối loạn
Người bệnh mắc các bệnh lý sau có thể gây ra bệnh:
- Bại não
- Bệnh Huntington và các rối loạn di truyền khác: Gây tích tụ protein độc hại trong tế bào thần kinh
- Bệnh Alzheimer
- Mất trí: Mất trí nhớ tuổi già, mất trí nhớ trán thái dương và mất trí nhớ mạch máu.
- Bệnh Pick: Phá hủy dần dần các tế bào thần kinh trong não.
- Bệnh thoái hóa chất trắng: Khiến lớp vỏ myelin bảo vệ sợi trục trong não bị phá hủy.
- Động kinh
- Bệnh đa xơ cứng: Gây viêm và tổn thương mô não.
- Suy dinh dưỡng
- Hội chứng thiếu hụt GLUT1
- Chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ và các rối loạn ăn uống khác.
- Bệnh tiểu đường loại II
- Rối loạn lưỡng cực
- Tâm thần phân liệt
- Bệnh não cơ ty thể gây cản trở chức năng cơ bản của tế bào thần kinh
- Teo vỏ não sau thoái hóa thần kinh, suy giảm thị lực, mất nhận thức,...
- Bệnh Prion: Có nguy cơ tử vong cao do tế bào thần kinh chết dần.
Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng não bị teo
Nhiễm trùng
Các tác nhân gây nhiễm trùng gây ra phản ứng viêm phá hủy tế bào thần kinh và sợi trục, từ đó dẫn đến teo não. Bao gồm:
- Viêm não
- Bệnh giang mai thần kinh (nhiễm trùng ở não hoặc tủy sống)
- Bệnh AIDS (bệnh của hệ thống miễn dịch)
Do tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc chống loạn thần, corticosteroid có thể gây ra tác dụng phụ teo não. Ngoài ra, nghiện rượu mạn tính cũng liên quan đến teo vỏ não lan rộng và tổn thương lớn ở não.
Những triệu chứng thường gặp khi bị teo não
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau, tùy vào mức độ nặng nhẹ và vùng nào bị tổn thương. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh nhân teo não bao gồm:
- Suy giảm/mất trí nhớ: Là tình trạng suy giảm khả năng nhận thức và trí nhớ gây ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Người bệnh có thể xuất hiện ảo giác, chức năng ghi nhớ giảm, tâm trạng và tính cách thay đổi.
- Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh bị khó nói và không có khả năng hiểu ngôn ngữ do tổn thương ở một số vùng não cụ thể. Tình trạng này xảy ra có thể do khối u não, bệnh lý thần kinh tự miễn, nhiễm trùng não, lão hóa,...
- Co giật: Tình trạng này xuất hiện khi hoạt động thần kinh bất thường trong não, có thể chia thành nhiều dạng như co giật toàn thân, co giật cục bộ. Co giật có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mất phương hướng, chuyển động lặp đi lặp lại kỳ lạ, mất ý thức,...
Một số triệu chứng thường khi mắc bệnh
Khi nào người bệnh cần gặp bác sĩ?
Nếu gặp những vấn đề bất thường về trí nhớ, nhận thức,... người bệnh cần nhanh chóng thăm khám để được chẩn đoán tình trạng chính xác. Đặc biệt, teo não có thể gây ra đột quỵ và đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau đột ngột, người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp:
- Không thể giữ thăng bằng
- Khó khăn khi nhìn ở một hoặc cả hai mắt
- Khó hiểu những gì người khác nói
- Không thể đi lại
- Tê hoặc yếu ở tay, mặt hoặc chân
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Nói ngọng
Cần đưa người bệnh thăm khám khi xuất hiện các triệu chứng
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Bệnh teo não thể có nguy cơ cao xảy ra ở những đối tượng sau:
- Người cao tuổi
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh rối loạn di truyền (bệnh Huntington)
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh rối loạn thần kinh (bệnh Alzheimer)
- Chấn thương đầu hoặc não
- Uống rượu nhiều
- Hút thuốc lá
Biến chứng của bệnh teo não
Tùy thuộc vào tình trạng và giai đoạn bệnh mà mức độ nguy hiểm của teo não khác nhau. Bệnh teo não và chứng mất trí có thể có liên quan đến nhau. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra chứng mất trí nhớ hoặc có thể khiến tình trạng trở nên nặng nề hơn. Ngược lại, chứng mất trí có thể gây teo não cực độ, phổ biến là bệnh Alzheimer. Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ cũng có thể bị bệnh.
Teo não cục bộ cấp tính thường xảy ra sau khi bị đột quỵ vài tuần, chấn thương ở đầu hoặc nhiễm trùng có nguy cơ gây các biến chứng sau:
- Tê liệt
- Yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân
- Giảm khả năng cân bằng
- Thị lực giảm sút
Teo não bẩm sinh có thể dễ dàng phát hiện trong thời kỳ sơ sinh hoặc lớn hơn, những biến chứng thường gặp gồm: Co giật, chậm nói, đi bộ gặp khó khăn,...
Bệnh tiến triển trong giai đoạn trưởng thành và có xu hướng lan tỏa có thể diễn biến nghiêm trọng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Người bệnh sẽ xuất hiện các biến chứng như thay đổi hành vi, suy giảm khả năng suy nghĩ, cứng cơ, chuyển động chậm, giảm hoặc mất trí nhớ,..
Tê liệt là một trong biến chứng khá phổ biến của bệnh
Xem thêm:
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh teo não
Phát hiện bệnh và can thiệp điều trị bệnh có thể cải thiện các triệu chứng, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh teo não, bác sĩ cần thông tin về tiền sử bệnh, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và các yếu tố nguyên nhân nghi ngờ. Sau đó, người bệnh được chỉ định thực hiện các bài kiểm tra về trí nhớ, ngôn ngữ và chức năng của não,....
Cuối cùng, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị teo não, các chỉ định chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, chụp MRI,... sẽ được thực hiện để xác định vùng tổn thương của nào và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh
Teo não là dấu hiệu của một hoặc nhiều bệnh nên phương pháp điều trị bệnh teo não không cố định. Bác sĩ sẽ chỉ định hoặc điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát triệu chứng và phục hồi chức năng, cụ thể như:
- Thuốc
- Liệu pháp ngôn ngữ
- Vật lý trị liệu
- Điều trị các bệnh lý liên quan
- Phẫu thuật
Nếu người bệnh bị đột quỵ cần cấp cứu khẩn cấp, điều trị bằng thuốc tan cục máu đông kết hợp tập phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Vật lý trị liệu giúp người bệnh phục hồi chức năng
Cách phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh teo não
Mặc dù teo não không thể phòng tránh hoàn toàn vì có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách áp dụng lối sống khoa học. Cụ thể như:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học, hạn chế cholesterol.
- Luyện tập thể dụng thể thao hàng ngày với cường độ phù hợp
- Ngủ đủ giấc
- Hạn chế căng thẳng, stress kéo dài khiến tăng nguy cơ tăng huyết áp, mắc các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.
- Bỏ thuốc lá, rượu bia
- Thăm khám, điều trị và kiểm soát các bệnh lý liên quan có thể gây ra teo não.
Thăm khám định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường
Bệnh teo não là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng tổn thương ở não nên việc xác định và can thiệp điều trị đúng cách giúp ngăn ngừa biến chứng nặng nề.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh teo não. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần nhanh chóng đến bệnh viện để thực hiện các phương pháp chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.
Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám các bệnh lý về Thần kinh có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc . Nhân viên sẽ nhanh chóng tư vấn và đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa giúp kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.