Thai trứng là bệnh như thế nào, hình thành và chữa trị ra sao

Thu Hiền

13-12-2023

goole news
16

Thai trứng là loại bệnh lý thể hiện sự phát triển bất thường ở các gai nhau, gây ảnh hưởng xấu đến bào thai và sức khỏe sinh sản của người mẹ, ngoài ra, còn tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh ác tính trong tương lai. Hiện nay, bệnh lý này không quá phổ biến, nếu thai phụ không tuân theo lịch khám thai định kỳ thì sẽ dẫn đến sự chậm trễ cho việc chữa trị và để lại hậu quả không mong muốn. Vậy thai trứng là sao, nguyên nhân và các phương pháp điều trị là gì?

Thai trứng là bệnh gì?

Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với trứng thì sẽ xảy ra hiện tượng thụ tinh. Trứng sau khi thụ tinh sẽ di chuyển vào lòng tử cung, bám dính và bắt đầu làm tổ ở niêm mạc của tử cung, dần dần phát triển thành thai nhi cùng với các phần phụ như túi ối và bánh nhau. 

Bệnh thai trứng là một căn bệnh không quá phổ biếnBệnh thai trứng là một căn bệnh không quá phổ biến

Vậy chửa trứng là gì? Thai trứng, hay còn được gọi là chửa trứng, là một bào thai vẫn xảy ra sự thụ tinh nhưng lại không bình thường trong sự phát triển của những gai nhau.

Giai đoạn này, nguyên bào nuôi phát triển quá nhanh nên tổ chức liên kết ở bên trong gai nhau cùng với những mạch máu không thể phát triển theo kịp. Từ đó, dẫn đến các gai nhau không còn có tổ chức liên kết và các mạch máu nuôi nữa, khiến nó bị phình to, thoái hóa và hình thành các bọc nước, dính với nhau thành từng chùm giống như chùm nho, có kích thước với đường kính từ 1mm đến vài chục mm, nằm ở trong buồng tử cung và lấn át luôn cả bào thai. 

Các loại thai trứng

Xét theo đại thể thì thai trứng được phân chia thành 2 loại: 

  • Thai trứng bán phần: có sự hiện diện của thai nhi hoặc chỉ 1 phần của thai nhi. Gai nhau hiện tại phần lớn đã biến thành túi nước và phần còn lại thành bình thường. 
  • Thai trứng hoàn toàn: không thấy được sự hiện diện của tổ chức thai nhi, gai nhau đã phình to, mạch máu lông rau đã biến mất và tế bào nuôi đang tăng mạnh. 

Xét theo vi thể thì chửa trứng cũng được chia ra thành 2 loại gồm:

  • Trường hợp lành tính: lớp hợp bào vẫn còn nguyên vẹn và lớp đơn bào không xâm lấn cơ của tử cung. 
  • Trường hợp ác tính: lớp hợp bào sẽ mỏng manh hơn và có khả năng bị phá vỡ, lớp đơn bào đã xâm lấn niêm mạc tử cung và thâm nhập sâu vào cơ tử cung, hay thậm chí còn ăn thủng lớp cơ tử cung và dẫn đến chảy máu trong ổ bụng.

Phần lớn các trường hợp mắc phải chửa trứng thì đều lành tính. Tuy nhiên, có 3% thai trứng toàn bán phần và 15% thai trứng toàn phần có khả năng cao phát triển thành bệnh ung thư nguyên bào nuôi. 


Chửa trứng được chia thành chửa trứng toàn phần và bán phầnChửa trứng được chia thành chửa trứng toàn phần và bán phần

Nguyên nhân bị thai trứng là gì?

Hiện nay, nguyên do gây ra bệnh chửa trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt ra các giả thiết sau, cụ thể: 

  • Thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm. 
  • Tuổi tác: người mẹ mang thai sau 40 tuổi sẽ có tỷ lệ mắc các bệnh lý khoảng 5,2%, cao hơn khá nhiều so với các trường hợp mang thai ở độ tuổi thấp hơn.
  • Môi trường sống: điều kiện sống không đầy đủ, người mẹ mang thai không được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, phải lao động nặng nhọc, thường xuyên bị căng thẳng, môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm (nước bẩn, nhiều khói bụi,...),... là một trong những yếu tố hàng đầu gây bệnh. 
  • Hệ miễn dịch yếu: người mẹ bị suy kiệt hoặc thể chất yếu, đã mắc những bệnh lý về suy giảm miễn dịch trước đó,... cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, nó cũng chính là nguyên do dẫn đến nhiều biến chứng khác cho thai phụ như bị bệnh nhiễm trùng và tái phát nhiều lần (viêm khớp, lupus, viêm da,...), sinh non,... 
  • Nhiễm sắc thể bất thường: 

+ Thai trứng bán phần: mặc dù tỷ lệ phát triển thành ác tính của dạng bán phần thấp hơn dạng toàn phần, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy sự xuất hiện của cả nhau thai và em bé, bởi vì cả 2 tinh trùng đều kết hợp với một noãn bình thường.

+ Thai trứng toàn phần: theo các thống kê nghiên cứu y học về di truyền học tế bào đã chứng minh rằng có khoảng 94% trường hợp bị bệnh có nhiễm sắc thể là 46XX. Đây là sự kết hợp giữa một tinh trùng với một noãn không có nhân. Có khoảng từ 4% đến 6% ca thai trứng toàn phần có nhiễm sắc thể 46XY. 

Mang thai ở độ tuổi 40 sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý Mang thai ở độ tuổi 40 sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý 

Dấu hiệu nhận biết bệnh chửa trứng sớm nhất

Cho dù các ca chửa trứng lành tính chiếm đa số trong tổng số những ca bệnh, nhưng chúng vẫn có thể tiến triển thành ác tính nếu thai phụ không quan tâm và lưu ý dấu hiệu chửa trứng dưới đây:

  • Bụng lớn nhanh: nếu nhận thấy kích thước bụng lớn nhanh hơn so với số tháng tuổi của thai thì là một trong những triệu chứng thai trứng. 
  • Rong huyết: có đến 90% người bệnh khi mắc phải căn bệnh này sẽ có sự xuất hiện của rong huyết, với các đặc điểm đặc trưng như máu đỏ loãng hoặc màu sẫm đen, âm đạo ra tự nhiên và kéo dài lâu một cách bất thường. Dấu hiệu này hay xảy ra sau khi bị chậm kinh một vài tuần. 
  • Không thể thấy thai máy: thai máy chính là những cử động đầu tiên của thai nhi. Vì thai còn nhỏ nên người mẹ sẽ rất khó nhận thấy được, chỉ có thể sử dụng phương pháp siêu âm khám thai để theo dõi. 
  • Người mẹ bị nghén nặng: có khoảng 25% đến 30% phụ nữ mang thai bị bệnh thai trứng có biểu hiện bị nghén nặng, đi kèm với việc nôn nhiều. 
  • Có các triệu chứng cường giáp: đổ nhiều mồ hôi, bị đỏ mặt, tính khí thay đổi thất thường, thường xuyên bị khó thở khi hoạt động gắng sức và đánh trống ngực, đi tiểu nhiều, gầy sút nhanh,... Những biểu hiện này chủ yếu xuất hiện ở chửa trứng toàn phần). 
  • Có các triệu chứng tiền sản giật: những dấu hiệu này sẽ xuất hiện sớm với việc tăng cân đột ngột, huyết áp tăng. Ngoài ra còn bị phù mặt và tay chân, mắt mờ đi hoặc giảm thị lực, đau đầu nặng, thường cảm thấy buồn nôn và nôn mửa,... 
  • Dấu hiệu khác: thai phụ cũng có thể cảm thấy mệt mỏi toàn thân, cơ thể yếu ớt, thiếu máu đi kèm với biểu hiện da xanh xao, từ đó dẫn đến việc thèm ăn một số vật bất thường như cát sạn, đinh sắt,... 

Buồn nôn nhiều là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnhBuồn nôn nhiều là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh

Thai trứng có nguy hiểm không? 

Nếu các phụ nữ mang thai đang mắc phải căn bệnh này nhưng không phát hiện và được can thiệp sớm có thể dẫn đến các biến chứng sau: 

  • Ung thư tế bào nuôi: nếu bệnh diễn biến kéo dài, nhất là đối với trường bệnh có tính chất ác tính thì sẽ chuyển biến thành ung thư tế bào nuôi.
  • Mất máu: hiện tượng rong huyết kéo dài làm cho lượng máu trong cơ thể giảm nhanh, khiến người mẹ thay đổi tính khí thất thường, thể lực bị suy giảm,... 
  • U nang hoàng tuyến: biến chứng này chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh này do có nồng độ hCG tăng cao. 
  • Nhiễm độc thai nghén: đây là một biến chứng rất nguy hiểm đối với các thai phụ, làm tổn thương tới các mạch máu và tác động đến các cơ quan như tử cung, thận, gan,... và dẫn đến triệu chứng tiền sản giật và sản giật.
  • Tử cung bị thủng: đối với các ca ác tính, nếu các túi dịch phát triển và bắt đầu xâm nhập sâu vào lớp cơ tử cung thì sẽ gây thủng tử cung. 
  • Một vài biến chứng khác: cường giáp, sảy thai, suy dinh dưỡng,... 

Các biện pháp chẩn đoán thai trứng

Đi khám thai theo định kỳ chính là cách an toàn và phát hiện thai trứng sớm nhất. Hiện nay, có 2 biện pháp giúp chẩn đoán có bị mắc thai trứng hay không bao gồm: 

  • Xét nghiệm: một số xét nghiệm được bác sĩ áp dụng là định lượng estrogen, định lượng beta-hCG và định lượng HPL (human placental lactogen). 
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh, siêu âm: khi thực hiện siêu âm thì bác sĩ sẽ thấy hình ảnh lỗ chỗ như tổ ong hoặc tuyết rơi, có thể thấy được nang hoàng tuyến hai bên, thấy được một phần bánh rau không bình thường (chửa trứng bán phần), hoặc không thể thấy phôi thai (thai trứng toàn phần). 

Điều trị chửa trứng như thế nào?

Hiện nay, quá trình điều trị thai trứng sẽ được thực hiện theo một trong hai phương án sau, cụ thể: 

Nạo hút thai trứng

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nong cổ tử cung kết hợp với máy hút để hút trứng. Tiếp theo, sử dụng kìm có hình tim, thia to và thìa cùn để nạo lại để tránh sự sót lại của trứng. Sau đó, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để đề phòng khả năng bị nhiễm khuẩn. 
  • Phương pháp này sẽ được áp dụng đối với ca mắc thai trứng không phức tạp. 

Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng

  • Nếu thai trứng đã xâm lấn thành tử cung, mức độ ăn lan phức tạp và nguy cơ cao tiến triển thành ung thư tế bào nguyên nuôi thì sẽ được chỉ định cắt tử cung dự phòng cả khối. 
  • Phương pháp này chỉ được áp dụng đối với những phụ nữ trên 35 tuổi, đã có con hoặc đang có bệnh lý tại tử cung phối hợp. 
  • Đối với các trường hợp ác tính thì không chỉ cắt trọn tử cung mà còn phải tiếp tục chữa trị bằng hóa chất chống ung thư bổ túc sau này. 

Theo dõi sau điều trị thai trứng

Vậy theo dõi sau hút thai trứng như thế nào? Sau khi nạo hút thai trứng, người bệnh cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, cần thận nhằm đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được theo dõi beta hCG sau khi hút thai trứng trong 2 tuần. Xét nghiệm này cần thực hiện theo định kỳ 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu rồi dần dần giãn cách 6 tháng/lần cho đến hết 12 tháng. 

Luu ý: Hãy sử dụng các biện pháp tránh thai trong khoảng 1 năm sau khi làm nạo hút thai trứng. 

Một số thắc mắc liên quan đến hiện tượng thai trứng

Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp của nhiều chị em phụ nữ về bệnh chửa trứng:

Khi bị thai trứng nên kiêng gì?

Hãy tránh những loại thực phẩm có thể gây kích thích co bóp tử cung như: táo mèo, mướp đắng, rau sam, đồ ăn nhanh, nước đậu, thực phẩm chua, nước ngọt có ga, rượu bia,... Bởi vì các loại thực phẩm này sẽ hạn chế sự phục hồi tử cung. 

Bên cạnh đó, cũng không nên ăn các thực phẩm cay nóng và có tính hàn như hải sản, tôm, cua, ốc, tiêu, ớt, dấm,... Bởi vì các loại thực phẩm này sẽ gây lạnh bụng và kích thích sự tụ máu ở bộ phận sinh dục, không tốt cho việc phụ hồi của tử cung. 

Hãy kiêng các loại hải sản, tôm, cua, ốc sau khi điều trị thai trứngHãy kiêng các loại hải sản, tôm, cua, ốc sau khi điều trị thai trứng

Thai trứng bán phần có giữ được con không? 

Thai trứng bán phần thông thường sẽ được phát hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhưng thường được chẩn đoán nhầm là bị sẩy thai sớm. Khả năng tồn tại của thai nhi cùng với thai trứng một phần là nhỏ hơn 25%. Vì vậy, khi người mẹ bị bệnh chửa trứng bán phần thì không thể giữ được con. 

Chửa trứng có tim thai không?

Nếu bệnh nhân bị chửa trứng thì có thể nhìn thấy nang hoàng tuyến hai bên nhưng lại không thể nhìn thấy tim thai và các bộ phận khác của thai nhi (trừ trường hợp có thai kèm theo). 

Khi nào có thể mang thai lại sau chửa trứng?

Sau khi đã hoàn thành quá trình điều trị thai trứng, phụ nữ cần chờ khoảng 1 năm để nồng độ beta hCG trở về mức bình thường thì mới có thể mang thai trở lại. Sau khi mang thai trở lại, thai phụ hãy đi siêu âm định kỳ trong vòng 3 tháng đầu để đảm bảo rằng không có bất kỳ vấn đề nào bất thường xuất hiện. 

Kết luận

Bài viết này đã chia sẻ một số thông tin cần thiết về căn bệnh thai trứng, hi vọng rằng nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này. Chửa trứng là một bệnh rất hiếm gặp ở phụ nữ mang thai nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm về sau. 

Nếu bạn vẫn còn một số thắc mắc và muốn được giải đáp chi tiết hơn về bệnh này thì hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 19001806 hoặc để lại thông tin tại Đặt lịch khám để đặt lịch.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,410

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám