1. Tổng quan về thuốc trị đau đầu
Tình trạng đau đầu là gì?
Đau đầu là một triệu chứng phổ biến, chúng gây ra cảm giác khó chịu, nhức nhối ở một hoặc nhiều vị trí khác trên đầu. Cơn đau có thể diễn ra theo từng cấp độ nhẹ đến nặng. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau đầu như: Căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ, sốt, tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Có những trường hợp, cơn đau còn cảnh báo người bệnh có thể mắc các bệnh nguy hiểm và cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhức đầu thông thường, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau. Người bệnh có thể sử dụng thuốc trị đau đầu để làm giảm các triệu chứng đau đầu, dưới đây là các loại thuốc điều trị đau đầu thông thường.
Thuốc trị đau đầu là gì?
Thuốc trị đau đầu là loại thuốc giúp làm giảm tình trạng đau đầu hoặc ngăn ngừa đau đầu. Sử dụng thuốc với các mục đích sau:
- Thuốc giảm đau đầu và các triệu chứng khác đi kèm.
- Giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhức đầu.
- Thuốc ngăn ngừa sau khi bị đau đầu.
Sử dụng thuốc trị đau đầu giúp giảm tình trạng đau đầu hoặc ngăn ngừa nguy cơ đau đầu
Khi bị đau đầu nên uống thuốc gì?
Cơn đau đầu thường được chia thành 2 nhóm chính:
- Đau đầu nguyên phát: Có đến 90% các cơn đau đầu thuộc nhóm này. Các cơn đau xảy ra không do tổn thương cấu trúc bộ nào, chúng thường đau thành từng cụm, đau do căng cơ, đau đầu migraine,...
- Đau đầu thứ phát: Nguyên nhân gây ra cơn đau này là do có chấn thương cụ thể ở đầu như: U não, chấn thương sọ não, tim mạch, nhiễm khuẩn toàn thân,... Các cơn đau này chiếm khoảng 10% tổng số các cơn đau.
Các loại thuốc giảm đau đầu giúp phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng đau đầu ở nhiều mức độ khác nhau. Thuốc trị đau đầu có hai nhóm chính là: Thuốc trị đau đầu không kê đơn và kê đơn. Tuỳ vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng nhức đầu mà người bệnh có thể tự sử dụng thuốc hoặc thăm khám chuyên sâu và sử dụng thuốc kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa.
2. Những loại thuốc trị đau đầu không kê đơn
Khi xuất hiện các cơn đau đầu, nên uống thuốc gì để chúng được thuyên giảm? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi gặp triệu chứng nhức đầu mà muốn điều trị tại nhà với các loại thuốc không kê đơn. Sử dụng thuốc trị đau đầu không kê đơn thường ít tác dụng phụ, có thể tìm mua dễ dàng tại các nhà thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường được sử dụng cho cơn đau ở mức độ nhẹ đến vừa.
Acetaminophen (Paracetamol, Panadol)
Trong 2 loại thuốc trị đau đầu phổ biến là Panadol và Paracetamol thường có hoạt chất Acetaminophen giúp giảm tỉnh trạng đau đầu. Thuốc có tác dụng nhanh chóng, ít gây ra các phản ứng phụ và khá an toàn đối với các trường hợp nhức đầu từ nhẹ đến trung bình.
Thông thường, thuốc được bào chế dưới dạng viên sủi, viên nén hoặc viên con nhộng. Khi bị đau đầu, người bệnh có thể dùng từ 1-2 viên/lần (liều 500mg) và trong 24h không dùng quá 4 lần. Giữa các lần uống tối thiểu là 4 tiếng.
Đối với trẻ em, có thể sử dụng thuốc Paracetamol dưới dạng siro hoặc đặt hậu môn. Cần chú ý về cân nặng và liều lượng khi cho trẻ sử dụng. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, các bậc phụ huynh nên tham khảo từ bác sĩ trước khi cho bé dùng thuốc.
Thuốc chứa hoạt chất Acetaminophen giúp giảm tình trạng đau đầu nhanh chóng
Ibuprofen (nhóm NSAID)
Đây cũng là loại thuốc giúp giảm nhức đầu hiệu quản, đặc biệt là nguyên nhân do căng thẳng. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm viêm.
Ibuprofen có thể bào chế ở dạng viên sủi, viên nén, viên nhộng hoặc gel bôi ngoài da. Đối với người lớn, liều lượng khuyến nghị là 200mg/lần (khoảng 2 viên), mỗi lần sử dụng cách nhau tối thiểu 6 tiếng.
Người bệnh khi có triệu chứng đau đầu dữ dội, có thể tăng liều lượng lên 800mg nhưng cần có chỉ định từ bác sĩ. Không sử dụng Ibuprofen cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.
Thuốc Ibuprofen là loại thuốc thuộc dòng chống viêm không steroid (NSAID)và có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, khó tiêu, tiểu lỏng, viêm loét và đau dạ dày, chảy máu đường tiêu hoá, dị ứng thuốc,...
Naproxen (nhóm NSAID)
Naproxen cũng là một loại thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAID, chúng có tác dụng làm giảm các triệu chứng đau đầu, đặc biệt là những cơn đau đầu dai dẳng kéo dài.
Loại thuốc này được sản xuất theo dạng viên con nhộng, viên nén, viên sủi và dạng gel. Khi bị đau đầu, người bệnh có thể sử dụng thuốc và mỗi lần uống cách nhau khoảng 8-12 giờ. Naproxen không sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú.
Là thuốc thuộc nhóm NSAID nên có thể gây ra một số tác dụng phụ tương tự Ibuprofen.
Naproxen thuộc nhóm NSAID có tác dụng giảm triệu chứng đau đầu kéo dài
Aspirin
Aspirin là loại thuốc giảm nhức đầu, kháng viêm, hạ sốt phổ biến. Hầu hết, loại thuốc này được bào chế theo dạng viên nén hoặc bột hoà tan.
Đối với người lớn, sử dụng aspirin theo liều 300mng/lần, mỗi lần uống cách nhau từ 4-6 giờ. Aspirin không nên dùng cho trẻ dưới 16 tuổi, trừ trường hợp có chỉ định từ bác sĩ.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng aspirin như: Xuất huyết đường tiêu hoá, ù tai chóng mặt, giảm thính lực, đau dạ dày,...
3. Thuốc trị đau đầu kê đơn
Thuốc trị đau đầu
Với những người có tình trạng đau đầu mạn tính, các cơn đau xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng thì cần thăm khám và sử dụng thuốc trị đau đầu theo đơn của bác sĩ chỉ định. Một số loại thuốc phổ biến trong toa thuốc điều trị nhức đầu gồm:
- Oxaprozin
- Triptans
- Nabumetone
- Etodolac
- Diclofenac
- Indomethacin
Tùy thuộc vào tần suất, biểu hiện, nguyên nhân và tình trạng của sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp nhất. Nếu người bệnh sau khi sử dụng thuốc mà không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng Opioids. Đây là thuốc giảm nhẹ triệu chứng đau đầu từ vừa đến nặng và tình trạng đau kéo dài.
Sử dụng thuốc đau đầu kê đơn giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng
Thuốc phòng ngừa đau đầu
Bên cạnh thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng đau, bác sĩ có thể kê thêm thuốc phòng ngừa cơn đau tái phát. Các loại thuốc thường được kê đơn nhằm ngăn ngừa tình trạng đau đầu như:
- Thuốc chống trầm cảm: Để ngăn ngừa tình trạng đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc này. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên bác sĩ sẽ cân nhắc trước khi kê toa.
- Thuốc chống động kinh: Chúng có tác dụng kiểm soát tần suất của các cơn đau đầu kéo dài từng đợt.
- Thuốc an thần: Người bệnh có thể dùng các loại thuốc an thần để giảm căng thẳng, cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc giãn cơ: Làm giảm tình trạng căng cơ, cứng khớp gây ra tình trạng đau đầu.
4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc trị đau đầu
Bất cứ loại thuốc nào đều có khả năng gây ra những tác dụng phụ khi dùng sai liều lượng hoặc lạm dụng thuốc trong thời gian dài, từ đó khiến tình trạng đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Khi sử dụng thuốc đau đầu liên tục có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của não bộ.
Lạm dụng nhóm thuốc không kê đơn (Ibuprofen, acetaminophen, aspirin) trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến khả năng cảnh báo tín hiệu của bộ phận kiểm soát cảm giác đau và truyền tín hiệu trong hệ thần kinh. Khi đó, thay vì cảm thấy bớt đau đầu, người bệnh sẽ có cảm giác đau hơn, thuốc ngày càng không có tác dụng và đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, thuốc giảm đau đầu có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai nếu lạm dungj chúng, đồng thời còn gây ra những tác dụng không mong muốn khá như:
- Chóng mặt, tay chân tê.
- Da mẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy.
- Đau ngực, đau lưng, căng cơ.
- Nhiệt độ cơ thể thất thường, có thể bị bốc hoả hoặc ớn lạnh.
- Miệng khô, đắng.
- Người mệt mỏi, cảm thấy buồn ngủ.
- Đổ mồ hôi thường xuyên.
- Rối loạn tiêu hoá: Buồn nôn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy,...
- Tâm trạng thay đổi thất thường.
Đau ngực là một triệu chứng của tác dụng phụ thuốc trị đau đầu
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc làm giảm đau đầu
Để sử dụng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất cũng như tránh tác dụng phụ, khi sử dụng các loại thuốc trị đau đầu, người bệnh cần lưu ý một số điều như:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để hiểu rõ thành phần thuốc và cách liều lượng.
- Đảm bảo không sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo.
- Không lạm dung thuốc.
- Có thể nhờ bác sĩ tư vấn về loại thuốc không kê đơn để đảm bảo thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
- Trước khi sử dụng thuốc, cần cung cấp đầy đủ thông tin bệnh sử và tình trạng bệnh cho bác sĩ.
- Chú ý cẩn thận khi sử dụng thuốc cho trẻ.
- Không sử dụng loại thuốc có chứa cafein, thuốc an thần và chất gây nghiện.
6. Những phương pháp khác giúp giảm tình trạng đau đầu
Bên cạnh sử dụng thuốc trị đau đầu, người bệnh có thể kết hợp thêm một số phương pháp khác để giảm tình trạng đau đầu tốt nhất, cụ thể như:
- Chườm nóng, lạnh luân phiên tại vùng đau.
- Massage vùng đầu - cổ - vai - gáy.
- Sử dụng tinh dầu giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Châm cứu, bấm huyệt.
- Một một số loại thức uống giảm đau đầu như: Trà xanh, trà gừng,...
- Nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, thoải mái,... Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung magie, vitamin nhóm B.
- Tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng: Yoga, ngồi thiền, đi bộ,...
Tham gia các hoạt động thể thao với cường độ nhẹ giúp giảm tình trạng đau đầu
Thuốc trị đau đầu là một trong những cách giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể gây ra những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc đau đầu cần hiểu rõ thành phần của thuốc và liều lượng phù hợp. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp với những phương pháp khác không dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh tốt nhất.
Qua bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng đã cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích cho bạn đọc về những loại thuốc trị đau đầu. Nếu triệu chứng đau đầu không thuyên giảm kèm theo các biểu hiện khác, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám. Bởi vì, đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn.