Trẻ bị đau mắt đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Nguyễn Thu Hà

04-02-2021

goole news
16

Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập và sinh hoạt của bé. Nếu bệnh không được điều trị ngay lập tức có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thị lực của bé về lâu dài. Vậy đau mắt đỏ có lây không, đau mắt đỏ lên làm gì, nhỏ thuốc gì và bao lâu thì khỏi?...  Việc tìm rõ các nguyên nhân và các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em giúp chúng ta chủ động phòng tránh cũng như có thêm cách xử trí tốt hơn và giup bệnh nhanh khỏi hơn.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng tổn thương lớp màng mỏng của mắt thường do siêu vi gây ra. Kết mạc mắt là lớp màng niêm mạc trắng trong lót bên trong mí mắt trên và dưới nhãn cầu phía trước, khi bị tổn thương, viêm nhiễm kết mạc sẽ xung huyết, đỏ ngầu.

Trẻ bị đau mắt đỏ nếu không được điều trị ngay có thể gây biến chứng nguy hiểm

Trẻ hay dụi mắt có thể làm tăng nguy cơ bị đau mắt đỏ

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ

Đau mắt đỏ ở trẻ em thường do virus adeno gây ra và dễ khởi phát thành dịch. Virus này có thể lây lan một cách nhanh chóng, trẻ nhỏ là đối tượng thường mắc bệnh vì khi thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, ẩm thấp hay những đợt nắng nóng kéo dài khiến cho cơ thể trẻ mệt mỏi, sức đề kháng yếu làm cho dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan mạnh. 

Bên cạnh đó, yếu tố môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém cũng là một tác nhân khiến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em lâu khỏi. Những nơi đông người như bệnh viện, nơi công cộng, trường học là môi trường dễ khiến bệnh lây lan.

Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ cũng có thể lây qua:

  • khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị đau mắt đỏ.
  • Dùng chung hay chạm vào những đồ vật cá nhân của người bệnh như: Thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, đồ chơi, đồ dùng cá nhân,.... 
  • Dùng chung nguồn nước.
  • Trẻ hay dụi mắt.

Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị đau mắt đỏ

Một số triệu chứng phổ biến nhất xuất hiện ngay từ ngày đầu tiên khi trẻ mới mắc bệnh đau mắt đỏ bao gồm:

  • Vào lúc thức dậy buổi sáng, nếu trẻ có cảm giác cộm, đau, nóng, ngứa hoặc nặng mí mắt.
  • Mắt có xuất hiện ghèn nhầy gây dính mi.
  • Chất tiết ghèn có thể là mủ trắng sữa, vàng nhạt hay xanh nhạt, có thể đặc hoặc lỏng và sau khi lau sẽ xuất hiện lại rất nhanh thì đây là những triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc, khó chịu.  
  • Kết mạc mắt mất tính trong bóng bình thường, sung huyết, sưng phù đỏ, nặng có thể kết mạc nhãn cầu bị phù nề ra ngoài hoặc sưng phù 2 mí mắt trên, dưới. 
  • Mắt đỏ khó chịu, đôi khi đau họng hoặc ho, với trẻ bị nặng có thể sốt nhẹ và có nổi hạch trước tai.

Mắt có xuất hiện ghèn nhầy gây dính mi khi trẻ bị đau mắt đỏ.

Mắt có xuất hiện ghèn nhầy gây dính mi khi trẻ bị đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ có biến chứng nguy hiểm như: viêm kết mạc mãn tính, đau mắt hột, viêm loét giác mạc, giảm thị lực, mù mắt…

6 lời khuyên của bác sĩ để phòng tránh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Hiện tại, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc đặc trị nên để phòng tránh và điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên tập trung vào chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và thực hiện những việc dưới đây để chống lại sự hoạt động, lây lan của virus: 

1. Cha mẹ nên lau rửa mắt thường xuyên cho trẻ

Khi bé bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên mỗi ngày đều phải lau rửa ghèn, gỉ mắt cho bé ít nhất 2 - 3 lần bằng khăn ẩm, ấm hoặc bông sạch. Sau khi vệ sinh mắt sạch sẽ cho bé, mẹ nên bỏ bông, không dùng lại, còn với khăn thì mẹ cần giặt sạch rồi luộc qua với nước sôi để khử trùng, sau đó phơi dưới ánh nắng để tiêu diệt vi khuẩn bám trên khăn. 

2. Tránh lây lan sang cả hai mắt

Khi trẻ bị đau mắt đỏ 1 bên, mẹ cần tránh để virus gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với bên mắt còn lại bằng cách chú ý giữ vệ sinh cẩn thận. Trước và sau khi vệ sinh mắt cho trẻ, mẹ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn để tránh tình trạng lây lan sang mọi người. Mẹ không nên dùng chung một lọ thuốc để nhỏ cả 2 bên mắt đau và mắt không bị đau, bông gòn vệ sinh cũng nên dùng 2 miếng riêng lẻ. 

3. Cho trẻ đeo kính để tránh bụi bẩn bay vào mắt

Để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng, cha mẹ nên cho trẻ đeo kính thường xuyên để mắt hạn chế tiếp xúc với khói bụi và giúp trẻ không dùng tay dụi lên mắt. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn được loại kính phù hợp, đảm bảo an toàn cho mắt của trẻ. 

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng, cha mẹ nên cho trẻ đeo kính thường xuyên

Đeo kính giúp giảm nguy cơ lây nhiễm khi bị đau mắt đỏ

4. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ không nên tự ý nhỏ thuốc hay đắp các loại lá cây bởi mắt là cơ quan nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể khiến tình trạng đau mắt trở nên nghiêm trọng hơn, nếu không xử lý kịp sẽ dẫn đến hậu quả xấu nhất là mù lòa. 

Trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám thì mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc các loại nước mắt nhân tạo để làm sạch mắt. Nếu trẻ bị đau mắt đỏ do nhiễm virus thì bệnh sẽ tự khỏi từ 1 - 3 tuần. Còn nếu đau mắt đỏ là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bé uống. 

5. Khi trẻ bị đau mắt đỏ mẹ hạn chế không cho tiếp xúc với mọi người

Bệnh đau mắt đỏ là một trong những loại bệnh lây lan qua đường hô hấp, nước bọt, nước mắt, bắt tay… Do đó, khi trẻ bị bệnh cần được cho nghỉ học ở nhà hoặc hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh ít nhất 7 ngày, không đến những nơi công cộng hoặc không nên để trẻ ôm, hôn người khác để tránh lây lan bệnh. 

6. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể

Tăng cường sức đề kháng là việc làm quan trọng giúp trẻ giảm bớt mệt mỏi, ít bị mất sức và bệnh sẽ không có nguy cơ tiến triển nặng hơn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị đau mắt đỏ cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khoa học với đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất. 

Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh và cơ thể bé sạch sẽ để hạn chế sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây bệnh và tăng cường đề kháng của da. 

Dù là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng đau mắt đỏ rất dễ lây lan và gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nhỏ và cả gia đình. Việc nhận biết các triệu chứng đau mắt đỏ sớm là việc làm cần thiết giúp có phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường cần được thăm khám hoặc muốn được tư vấn hãy liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,261

Bài viết hữu ích?

Chủ đề bệnh trẻ em

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám