Trẻ bị viêm họng cấp thực chất chỉ là một viêm nhiễm của đường hô hấp trên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bố mẹ chớ nên chủ quan bởi bệnh này cũng dễ biến chứng khiến con gặp nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.
Trẻ bị viêm họng cấp thực chất chỉ là một viêm nhiễm của đường hô hấp trên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bố mẹ chớ nên chủ quan bởi bệnh này cũng dễ biến chứng khiến con gặp nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.
Trẻ bị viêm họng cấp là tình trạng rất phổ biến, khi đó, niêm mạc họng của trẻ thường bị sưng nề một cách nhanh chóng do có virus, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng hoặc ăn uống đồ quá lạnh. Cụ thể:
Hình ảnh cổ họng của trẻ khi bị nhiễm trùng.
Đây được coi là nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm họng ho nhiều, thậm chí kèm sốt. Nhiễm trùng xảy ra tại cấu trúc vòm họng do virus, vi khuẩn xâm nhập. Trong đó, 70 - 80% trường hợp nguyên nhân là nhiễm virus. Có thể kể đến: Virus cúm, virus sởi, virus adeno,... chủ yếu là virus cúm, sởi, virus adeno… Khi trẻ bị viêm họng do virus thì các triệu chứng tương đối nhẹ, bố mẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà, vệ sinh mũi họng, cho trẻ uống siro, bệnh sẽ thuyên giảm sau khoảng 3-5 ngày.
Ngược lại, nếu trẻ viêm họng cấp do vi khuẩn, các biểu hiện thường nặng hơn, một số trường hợp trẻ phải kết hợp dùng kháng sinh điều trị. Tác nhân chính gây bệnh là nhóm vi khuẩn liên cầu tán huyết β nhóm A (Streptococcus). Trẻ mắc bệnh viêm họng cấp do vi khuẩn được nhận biết bởi các biểu hiện như: quan sát thấy cổ họng con sưng đỏ, con kêu đau họng, không chịu ăn, dễ nôn trớ khi ăn, amidan trẻ bị sưng tấy,...
Trẻ bị viêm họng cấp kèm theo nghẹt mũi, sổ mũi rất khó chịu.
Ngoài virus, vi khuẩn, nấm Candida cũng có thể gây tình trạng nhiễm trùng ở họng khiến trẻ gặp các triệu chứng đau rát, khó chịu.
Nguyên nhân khác
Như các bố mẹ đã biết, họng được coi là cửa ngõ giúp dẫn không khí vào phổi, đồ ăn thức uống vào thực quản xuống dạ dày nên rất nhiều yếu tố bên ngoài đều có thể tác động khiến cổ họng bị kích ứng, viêm tấy. Các yếu tố thường gặp là:
- Sự thay đổi thất thường của thời tiết, nhiệt độ: Nhất là vào những ngày chuyển mùa, thời tiết thất thường, hôm nay nắng to, mai lại mưa lớn kèm gió lạnh tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập. Hoặc vào mùa hè, trẻ đang chơi ở trong phòng điều hòa mát mẻ, sau đó lại chạy ra ngoài môi trường nóng ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm mồ hôi không thoát ra được, bị sốc nhiệt,... Lâu dần khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, nếu bố mẹ vừa đưa trẻ đi ngoài trời nắng về, đang đổ nhiều mồ hôi mà đã cho tắm ngay cũng khiến cơ thể trẻ bị hạ nhiệt đột ngột dễ gây ra chóng mặt, viêm họng,...
- Thói quen ăn uống đồ quá lạnh: Một số cha mẹ thường hay cho con uống nước lạnh, ăn kem thường xuyên nhất là trong mùa hè khiến cho lớp nhầy bảo vệ niêm mạc họng bị khô dẫn đến hiện tượng bỏng lạnh, dễ kích ứng. Và hậu quả, cổ họng khô rát, dễ bị vi sinh vật có hại tấn công gây viêm nhiễm, điển hình là tình trạng viêm họng cấp.
Ăn đồ lạnh nhiều khiến cổ họng trẻ dễ bị kích ứng.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên, sống trong môi trường ô nhiễm: Không chỉ trực tiếp hút thuốc lá mà thường xuyên hít khói thuốc lá cũng gây nhiều hệ lụy cho hệ hô hấp, nhất là trẻ em dễ gặp tình trạng ho, khó chịu ở cổ họng. Tương tự vậy môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ.
- Dùng điều hòa không đúng cách: Nhiệt độ mùa hè rất cao, oi bức, việc cho con chơi trong phòng điều hòa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa sai cách của bố mẹ thì lại dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm hô hấp ở trẻ, trong đó có viêm họng cấp. Cụ thể: Bố mẹ duy trì mức nhiệt độ thấp kéo dài, để gió điều hòa lớn thổi thẳng vào mặt trẻ, điều hòa dùng lâu ngày không vệ sinh khiến vi khuẩn, virus trong gió điều hòa quẩn quanh ở phòng xâm nhập làm viêm đường hô hấp.
- Trẻ không chú ý giữ vệ sinh cá nhân: Chẳng hạn, trẻ thường xuyên nghịch đất cát bẩn, lại không rửa tay thường xuyên hoặc rửa tay không đúng cách,… khiến vi khuẩn, virus gây hại vẫn tồn tại trên tay và sẽ xâm nhập vào cơ thể khi trẻ đưa tay vào miệng hoặc bốc thức ăn.
- Trẻ có tiền sử mắc các bệnh tai mũi họng: Ở những trẻ này, các bệnh lý về đường hô hấp thường bị tái đi tái lại không chỉ riêng tình trạng viêm họng cấp.
So với các bệnh lý về đường hô hấp khác thì viêm họng cấp dễ dàng được nhận biết. Cha mẹ chỉ cần chú ý quan sát là nhận ra.
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Biểu hiện ban đầu của viêm họng cấp thường là trẻ khó chịu, quấy khóc, kèm theo chán ăn hoặc bú kém, nôn trớ liên tục khi ăn vào, chảy nước mũi. Một số trường hợp, trẻ có thể sốt cao khoảng 39 đến 40 độ C.
- Với trẻ lớn hơn (Trên 3 tuổi): Khi trẻ bị viêm họng cấp, mẹ sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng ho khan, trẻ lạc giọng hoặc giọng khàn, bị nghẹt mũi, cổ đau rát và trẻ cảm thấy đau họng khi nuốt thức ăn dẫn đến ăn không ngon, amidan trẻ sưng to, nổi hạch ở cổ.
Trẻ bị viêm họng cấp thường đau rát họng kèm theo ho nhiều.
Không phải tất cả trẻ viêm họng đều bị đầy đủ các triệu chứng kể trên nhưng cảm giác đau rát ở họng, chán ăn, ăn hay bị nôn là thường gặp. Do đó, cha mẹ cần chú ý để chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ mau khỏe.
Như đã nói ngay từ phần đầu bài viết, viêm họng cấp chỉ là một trong những bệnh lý về viêm đường hô hấp trên và khởi phát không gây tác động gì nguy hiểm đến sức khỏe trẻ nhỏ. Nhưng đây cũng chính điều này khiến bố mẹ lơ là, vẫn chủ quan khi trẻ viêm họng kéo dài, tái đi tái lại mà không điều trị. Từ đó, trẻ có thể bị biến chứng thành các viêm nhiễm nghiêm trọng hơn như: viêm amindan, viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi,...
Một số nghiên cứu Y khoa cũng khẳng định rằng có tới 80% trường hợp trẻ gặp phải tình trạng bệnh chuyển nặng, biến chứng nguy hiểm mà lúc đầu chỉ là bị viêm mũi, viêm họng (nhiễm virus). Đặc biệt nếu trẻ có tiền sử bị viêm VA, hen phế quản hay còi xương, nhẹ cân, suy dinh dưỡng là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng cao khi bị viêm họng. Bởi tình trạng viêm họng sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn đang ký sinh tại khu vực mũi họng trỗi dậy tác động xấu tới các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra các bệnh nguy hiểm. Các biến chứng thường gặp do viêm họng gồm: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, viêm tim, nhiễm khuẩn huyết, sốt cao co giật,...
Trẻ viêm họng cấp bị sốt cao không được hạ sốt kịp thời dễ dẫn tới tình trạng co giật nguy hiểm.
Thông tin này hẳn sẽ giải đáp được thắc mắc của nhiều phụ huynh khi tìm hiểu về bệnh viêm họng thường gặp ở trẻ. Và một lần nữa giúp bố mẹ hiểu rằng khi chăm con nhỏ phải hết sức thận trọng, thay vì thắc mắc trẻ viêm họng có nguy hiểm không, nên tìm cách để điều trị giúp con sớm khỏi bệnh triệt để, tránh chuyển sang thể mạn tính hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm.
Viêm nhiễm ở họng gây ra nhiều đau đớn, khó chịu và trở ngại trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Vậy trẻ bị viêm họng phải làm sao? Điều đầu tiên là bố mẹ cần bình tĩnh để chăm sóc con, nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tốt nhất nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, điều trị đúng cách. Bởi thực tế có không ít trường hợp trẻ có dấu hiệu viêm họng nhưng đó lại là biểu hiện của bệnh lý khác, không phải viêm họng cấp.
Vả lại, tình trạng viêm họng không do một nguyên nhân nhất định, mỗi một nguyên nhân gây bệnh cần cách điều trị khác nhau. Ví dụ, viêm họng do virus (Cúm mùa B, C, adenovirus,... thì cần được bù nước, tăng đề kháng, hạ sốt (nếu có), vệ sinh mũi họng, không cần dùng kháng sinh, kháng viêm ngay từ đầu vì không có tác dụng mà ngược lại còn tiềm ẩn nguy hại lâu dài cho sức khỏe trẻ.
Khi trẻ xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây thì cần phải tới ngay cơ sở Y tế gần nhất:
- Họng sưng tấy, đau rát khiến trẻ không ăn gì kèm theo liên tục sốt cao 39 - 40 độ C.
- Trẻ bị nghẹt mũi, xổ mũi, ho khan gây nôn trớ, cứ ăn là nôn.
- Trẻ sơ sinh sốt cao, thở nhanh hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác.
Khi con viêm họng cũng như mắc bất kỳ bệnh lý gì thì cách chăm sóc của bố mẹ chính là yếu tố quan trọng góp phần giúp trẻ mau khỏe, khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu điều trị đúng cách, chăm sóc hợp lý, bệnh viêm họng sẽ ổn định sau tầm 5 ngày hoặc 1 tuần. Và dưới đây là những bước chăm sóc cơ bản khi trẻ bị viêm họng ho có đờm hoặc sốt.
Đa số trẻ bị viêm họng thường kèm theo biểu hiện nghẹt mũi, xổ mũi nên bên cạnh cho con uống siro hay thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, mẹ nên duy trì vệ sinh mũi họng hàng ngày. Bước chăm sóc này giúp trẻ dễ chịu ngay lập tức và mau khỏe hơn (áp dụng cả với trẻ sơ sinh).
Vệ sinh mũi họng là bước chăm sóc cần thiết giúp trẻ giảm nhẹ các triệu chứng viêm họng.
- Nếu triệu chứng ngạt mũi nhẹ, dịch mũi lỏng trong thì mẹ nên dùng khăn giấy mềm lau nước mũi. Đồng thời, mẹ hãy nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, dùng tay day cánh mũi để các gỉ mềm bong ra rồi lau lại bằng khăn giấy, nên thực hiện khoảng 3 lần/ngày. Lau mũi cho trẻ tốt nhất mẹ dùng khăn giấy mềm rồi vứt ngay sau khi dùng, hạn chế việc dùng khăn xô lau mũi dãi cho trẻ bởi vì việc dùng đi dùng lại khăn cũ rất có thể vẫn còn vi khuẩn/virus bám trên khăn làm trẻ tái nhiễm.
- Trường hợp dịch mũi ra nhiều, thậm chí xanh đặc thì mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi sau khi nhỏ nước muối sinh lý. Lưu ý, mẹ hãy dùng loại dụng cụ hút mũi chất liệu silicon mềm và nên tham khảo kỹ cách hút mũi cho con, tránh làm sai thao tác hay lạm dụng việc hút mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi trẻ.
Khi trẻ ốm thường không muốn ăn, ăn kém nhưng nếu cứ mặc kệ để trẻ không ăn sẽ không có dưỡng chất giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Cha mẹ chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con bằng cách dưới đây:
- Chia nhỏ hơn các bữa ăn, mỗi bữa cho trẻ ăn lượng ít hơn thường ngày.
- Nấu các loại thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa và phù hợp với sở thích của con.
- Tăng cường nước trái cây, sinh tố trái cây bổ sung vitamin tự nhiên cho cơ thể.
- Với trẻ còn đang bú mẹ, trẻ bị viêm họng không chịu bú, quấy khóc, mẹ hãy dỗ dành và chia nhỏ các cữ bú, cho bé bú nhiều lần trong ngày hơn; đồng thời để con được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
Điều đặc biệt cần lưu ý là không nên ép trẻ bú, ép trẻ ăn hết phần thức ăn mà mẹ đã chuẩn bị. Tâm lý sốt ruột cộng với việc cố gắng ép trẻ ăn uống có thể gây ra tác dụng ngược khiến tình trạng bệnh của trẻ tăng nặng, ví dụ làm trẻ khó thở, sợ hãi hơn.
Khi trẻ viêm họng, hãy cho trẻ ăn nhiều bữa thay vì ép trẻ ăn.
Thực ra hầu hết các trường hợp viêm họng cấp không cần dùng thuốc kháng sinh, để hệ miễn dịch của trẻ tự chiến đấu với các tác nhân gây hại và hình thành đề kháng, tự khỏi sau 3 ngày đến 1 tuần. Nhưng cũng có trường hợp, bác sĩ kê thuốc kháng sinh. Lúc này, mẹ cần tuân thủ cho con uống thuốc theo đúng liều, đúng ngày mà bác sĩ chỉ định; không tự ý dừng hoặc thay đổi thuốc giữa chừng, dễ khiến vi khuẩn gây bệnh lờn thuốc, bệnh trở nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con dùng.
Ngoài chú ý trẻ bị viêm họng mủ nên ăn gì, trẻ bị viêm họng có nên dùng kháng sinh,... thì bố mẹ cần lưu tâm các vấn đề dưới đây:
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt trong mùa lạnh, có gió mùa. Mẹ giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi cho trẻ sẽ hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
- Mẹ có thể bôi chút dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân hoặc nhỏ vào nước tắm với tác dụng làm ấm cơ thể cho con.
- Theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ, nếu thấy con khó thở, thở nhanh,... cần đưa đi thăm khám với bác sĩ ngay.
Dưới đây chỉ là các thông tin tham khảo nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản về các loại thuốc điều trị hoặc hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng khi trẻ bị viêm họng cấp. Việc dùng thuốc kháng sinh cho trẻ, đặc biệt trẻ sơ sinh nhất định cần có tư vấn, chỉ định từ bác sĩ.
Không phải bé cứ viêm họng sẽ kèm theo sốt nhưng trong trường hợp con bị sốt viêm họng, mẹ cũng không cần lo lắng quá. Sốt là phản ứng hết sức bình thường khi cơ thể có viêm nhiễm gì đó. Thuốc hạ sốt hay được chỉ định cho các trường hợp trẻ sốt cao khoảng 39 độ, chườm mát không hạ. Cụ thể:
- Paracetamol: Các loại thuốc có thành phần này thường được chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng của trẻ, bác sĩ sẽ kê liều lượng khác nhau. Về cơ bản, liều dùng paracetamol là 10-15mg/kg cân nặng cơ thể; khoảng cách giữa 2 lần dùng hạ sốt từ 4-6 tiếng.
- Ibuprofen: Cũng hay được chỉ định khi trẻ viêm họng. Thuốc hạ sốt này có nhiều dạng nhưng dùng cho trẻ thường là dạng viên nén đặt tại trực tràng của trẻ (nhiều phụ huynh vẫn quen gọi là thuốc hạ sốt đút hậu môn). Thuốc Ibuprofen nên bảo quản trong tủ lạnh, lấy ra ngoài khoảng 15-20 phút trước khi dùng.
Hình ảnh viên hạ sốt đặt ở hậu môn hay được bác sĩ chỉ định cho trẻ.
Một số cha mẹ hay nhầm lẫn và đánh đồng thuốc kháng sinh với kháng viêm nhưng thực tế hai loại này khác nhau. Thuốc kháng viêm là nhóm thuốc hay được bác sĩ kê nhằm làm lành ổ viêm loét, điều trị triệt để tình trạng viêm họng cấp ở trẻ. Các loại thuốc kháng viêm corticoid dùng an toàn với trẻ em như: Hydrocortisone, prednisolone, betamethasone, dexamethasone,... Chú ý với trường hợp trẻ khó uống thuốc hoặc tình trạng viêm họng đã lan rộng gây viêm nhiễm tại nhiều vị trí khác thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm dạng tiêm.
Tuy an toàn với trẻ nhỏ nhưng thuốc kháng viêm vẫn có thể gây ra một vài tác dụng phụ, chủ yếu là: chóng mặt, hoa mắt, tăng nhãn áp, chân tay sưng đau, vết thương hở lâu lành,...
Thuốc kháng sinh chỉ được kê khi nguyên nhân gây viêm họng do vi khuẩn (chủ yếu là vi khuẩn Streptococcus nhóm A). Nó không có tác dụng, thậm chí gây tác hại nếu trẻ bị viêm họng do virus mà vẫn dùng. Khi trẻ viêm họng uống kháng sinh sẽ giúp làm dịu họng, giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu khác, phục hồi nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, giảm nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh như con dao hai lưỡi, bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua cho con dùng, không thay đổi liều lượng để tránh các rủi ro cho sức khỏe của con. Dưới đây là một số loại kháng sinh hay được bác sĩ kê để điều trị viêm họng cấp ở trẻ:
Đây là một trong những loại thuốc kháng sinh thế hệ mới hay được kê khi trẻ viêm họng cấp do vi khuẩn.
- Amoxicillin: Thuộc nhóm Penicillin áp dụng với các biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, thuốc có dạng viên, bột, tiêm. Tuy nhiên, thuốc này không có tác dụng trong các trường hợp viêm họng do cảm cúm, cảm lạnh do virus.
- Ampicillin: Thuộc nhóm Penicillin giúp đặc trị các trường hợp trẻ bị viêm họng amidan. Thuốc Ampicillin ngăn cản việc hình thành màng tế bào vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn nhanh chóng, được kê liều lượng và dạng thuốc (viên uống, bột, tiêm) tùy theo cân nặng, độ tuổi của trẻ.
- Erythromycin: Có hoạt lực kháng khuẩn hiệu quả cao, được chỉ định với đối tượng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nặng. Tuy nhiên, kháng sinh này gây nhiều tác dụng phụ nên nếu con được bác sĩ kê, bố mẹ nên theo dõi sát sao nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra.
- Cephalexin: Nằm trong nhóm thuốc kháng sinh thế hệ mới, thường xuyên được chỉ định điều trị viêm nhiễm ở trẻ. Đặc biệt các trường hợp trẻ dị ứng với nhóm thuốc Penicillin (Amoxicillin hay Ampicillin) thì dùng Cephalexin là hợp lý.
Thông thường, một liệu trình điều trị viêm họng bằng thuốc kháng sinh cho trẻ sẽ kéo dài khoảng 10 ngày nhưng thuốc đã có thể phát huy hiệu quả sau khoảng 2 ngày sử dụng. Bố mẹ sẽ thấy trẻ khỏe hẳn ra, đi học trở lại được. Hãy tiếp tục cho con uống tới khi hết liều bác sĩ kê, việc bỏ dở thuốc ngay khi thấy con tốt hơn có thể khiến vi khuẩn còn sống kháng thuốc, gây bệnh trở lại.
Thuốc long đờm hay các bố mẹ hay gọi là thuốc làm loãng đờm, tiêu chất nhầy. Nếu trẻ bị viêm họng ho có đờm sẽ được kê thuốc này với mục đích làm long, làm loãng các chất dịch tiết ra từ họng hay cả niêm mạc khí quản, phế quản. Từ đó, đờm nhầy có thể dễ dàng được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hành động ho, khạc đờm, vỗ rung, hút đờm.
Một số loại thuốc thuộc nhóm long đờm gồm: Carbocysteine, eprazinon, ambroxol,... Trong đó, thuốc long đờm đơn chất chỉ chất chất thuần túy long đờm có thể kể đến: Acemuc, Mucosolvan,... Còn thuốc long đờm kết hợp giảm ho như: Solmux Broncho, Atussin,...
Như đã nói ở phần cách chăm sóc cho trẻ bị viêm họng thì biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng ngay tại nhà phổ biến, lại hiệu quả chính là vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Các loại nước muối sinh lý bán phổ biến ở các hiệu thuốc, bố mẹ nên chủ động mua và vệ sinh cho con. Cổ họng được làm sạch thì các vi sinh vật gây bệnh khó thể sinh sôi gây viêm nhiễm nữa giúp các ổ viêm nhanh lành, giảm triệu chứng.
Hãy cho con đi thăm khám với bác sĩ khi trẻ bị khó chịu nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường.
Dưới đây là gợi ý một số cách chữa viêm họng cho trẻ đơn giản tại nhà bằng việc sử dụng các loại cây, củ, nguyên liệu có sẵn. Tuy chỉ là cách dân gian nhưng thực tế đã có nhiều cha mẹ áp dụng cho con, các nguyên liệu lành tính giúp giảm nhẹ triệu chứng, góp phần giúp trẻ mau khỏi bệnh, bạn có thể tham khảo.
Đây là cách làm giảm triệu chứng đau rát họng nhanh chóng và rẻ tiền nhất. Ngoài ra, nước muối còn giúp tiêu viêm, sát khuẩn, loại bỏ đờm ứ đọng. Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con thực hiện súc họng bằng nước muối hàng ngày để phòng các bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng với trẻ lớn, trẻ nhỏ, bố mẹ vẫn chỉ nên vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý.
Súc họng bằng nước muối hàng ngày giúp các ổ viêm nhiễm ở họng mau lành.
Lưu ý: Nên pha muối cùng nước ấm, tầm 1 thìa nhỏ muối với 300ml nước ấm dùng súc miệng, súc họng 2 lần mỗi ngày. Khi súc cần ngậm giữ nước muối trong miệng tầm 3 phút.
Quất hấp đường phèn cũng là một trong những cách trị viêm họng hiệu quả được nhiều phụ huynh áp dụng cho con nhỏ. Do quả quất có vị chua, tính ấm giúp tiêu đờm, giải cảm rất tốt; vitamin C trong quất còn giúp tăng đề kháng, hỗ trợ diệt virus, vi khuẩn. Còn đường phèn là loại đường tốt cho sức khỏe được chế biến từ thốt nốt, củ cải, mía, vị ngọt tự nhiên với công dụng thanh nhiệt, nhuận phế. Khi kết hợp quất và đường phèn làm giảm cảm giác ngứa, rát họng. Loại siro này cũng rất dễ uống, cách làm đơn giản như sau:
- Mẹ chọn khoảng 5 quả quất tươi (quất bao tử càng tốt, nhưng nên tăng lượng quả lên); một ít đường phèn.
- Rửa sạch, ngâm quất với muối khoảng 30 phút rồi cắt đôi cho vào bát cùng đường phèn đã giã nát.
- Hấp cách thủy hỗn hợp trên trong khoảng 20 phút rồi để nguội cho trẻ uống nước vài lần/ngày.
- Húng chanh (Rau tần dày lá) có chứa nhiều tinh dầu với hợp chất như phenol, salixylat eugenol,kháng sinh mạnh; vị chua, đắng rất hay được dùng để làm giảm chứng ho do viêm họng, ho khản tiếng. Bố mẹ có thể lấy lá húng chanh rửa sạch, giã nát hấp cùng đường phèn cho bé uống 2 - 3 lần/ngày.
- Lá hẹ có vị cay ngọt, tính cấm với tác dụng điều hòa tạng phủ, tán ứ huyết,... được ghi chép trong nhiều sách Đông Y, Y học hiện đại cũng đã chứng minh lá hẹ chứa nhiều chất tốt cho việc chữa bệnh. Phải kể đến, 85% nước; dồi dào chất potassium, sắt, vitamin A, C, chất sulfide. Trong đó, chất sulfide có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, tăng đề kháng.
Hình ảnh cây hẹ với tác dụng giảm triệu chứng ho, chữa viêm họng cho trẻ rất tốt.
Để điều trị viêm họng, ho húng hắng ở trẻ, bố mẹ lấy một nắm lá hẹ rửa sạch thái nhỏ rồi cho đường phèn hấp chín nhừ. Nếu trẻ ăn được lá hẹ thì có thể uống nước và ăn cái luôn để đạt hiệu quả tốt nhất. Mỗi lần cho trẻ uống từ 2-3 thìa, ngày khoảng 3 lần.
Cách này chỉ nên dùng cho trẻ trên trên 1 tuổi, cẩn trọng với trẻ có tiền sử dị ứng nhiều loại thực phẩm, dị ứng mật ong.
Sở dĩ, mật ong chanh đào thường được nhiều gia đình sử dụng để chữa viêm họng hay các chứng ho khan, ho có đờm,... bởi nguyên liệu dễ kiếm, có thể làm nhiều để dùng quanh năm. Mật ong ngoài đặc tính tiêu viêm, long đờm, giảm ho, còn chứa nhiều khoáng chất, vitamin tốt cho sức khỏe; đặc biệt, chất defensin trong mật ong có tác dụng tuyệt vời trong việc tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng niêm mạc đường hô hấp. Quả chanh đào chứa nguồn vitamin C dồi dào có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, thanh nhiệt, tiêu đờm hiệu quả. Hai thực phẩm này kết hợp với nhau sẽ giúp tăng hiệu quả trị đau họng, giảm ho. Về cách làm: Cứ 1 lít mật ong ngâm với khoảng 1kg chanh đào và 0.5kg đường phèn. Cụ thể:
- Chanh đào quả tươi mọng rửa sạch, tiếp đó, ngâm nước muối khoảng 30 phút rồi mới vớt để ráo nước.
- Chanh đào đã ráo nước dùng dao sắc cắt thành lát mỏng đều nhau, giữ nguyên hạt ngâm cùng (hạt cũng có tác dụng nhất định trong việc trị viêm họng).
- Nên ngâm chanh đào mật ong bằng bình thủy tinh, rửa sạch và tiệt trùng bình trước.
- Tiến hành xếp một lớp chanh đào rồi một lớp đường phèn cho tới hết thì đổ mật ong và đậy kín nắp ngâm trong khoảng 1-2 tháng là dùng được. Hãy dùng vỉ chèn để chanh được ngập kín trong nước mật ong đường phèn.
Với mỗi lọ chanh đào mật ong có thể để dùng dần cả năm. Mỗi lần dùng, mẹ lấy 1-2 thìa cho con uống ngay hoặc hấp ấm lại.
Chanh đào trị ho và chữa viêm họng cho trẻ hiệu quả
Chọn thực phẩm, chế độ ăn uống khá quan trọng khi chăm sóc và điều trị viêm họng cho trẻ. Mẹ nên chọn các thực phẩm dưới đây để bổ sung vào bữa ăn của trẻ:
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin C: Rất tốt cho việc tăng đề kháng để trẻ chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh. Theo đó, mẹ nên cho con ăn nhiều chuối, cà rốt, cà chua, các loại rau xanh, trái cây như cam, bưởi. Để trẻ dễ ăn, mẹ hãy dùng thực phẩm này chế biến các món cháo, súp: Cháo táo đỏ bí ngô, cháo gà súp lơ xanh, súp rau củ, súp gà ngô,...
- Bổ sung nhóm thực phẩm giàu omega 3: Đây là chất béo tốt giúp giảm hiện tượng sưng tấy ở đường hô hấp, giảm viêm nhiễm hiệu quả. Omega 3 có nhiều trong cá hồi, cá nục, cá thu, các loại hạt. Trẻ đang viêm họng khó ăn, mẹ nên nghiền hoặc bằm nhỏ nấu cùng các món cháo, cơm nát hoặc bún.
- Các món từ trứng: Đa số trẻ đều thích ăn trứng gà, trứng gà lại dễ tiêu hóa và cung cấp lượng đạm cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể nên mẹ có thể làm cho con ăn nhé. Tuy nhiên, nếu con sốt thì không nên ăn trứng gà
- Sữa chua: Trẻ cũng rất khoái sữa chua, hơn nữa, đây còn là thực phẩm giàu lợi khuẩn, vitamin, giúp con tăng đề kháng, tiêu hóa tốt, mau chóng phục hồi. Tuy nhiên, mẹ nên bỏ sữa chua ra bên ngoài cho hết lạnh rồi hãy lấy cho trẻ ăn.
Mẹ nên làm các món súp, cháo, miến,... cho con ăn khi bị viêm họng cấp.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần biết trẻ bị viêm họng không nên ăn gì để tránh làm con khó chịu, tăng nặng triệu chứng. Các thức ăn khô cứng như bánh mì, bánh quy hay đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên; đồ có ga; đồ có mùi tanh, tính lạnh… rất dễ gây kích ứng niêm mạc họng khiến trẻ bị ho nhiều. Mẹ hãy tránh các loại thức ăn này trong thời gian điều trị viêm họng cho con nhé.
Muốn phòng ngừa tình trạng viêm họng cấp hay các bệnh về hô hấp cho trẻ, bố mẹ cần chú ý:
- Hướng dẫn và tạo thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ.
- Giữ ấm cho trẻ: Luôn đảm bảo giữ ấm vùng cổ họng, ngực, mũi.
- Hạn chế cho trẻ ăn các loại đồ ăn lạnh, uống nước lạnh hay đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ. Thay vào đó hãy thường xuyên bổ sung đầy đủ nước, cho trẻ uống thêm các loại nước trái cây để giải nhiệt, kháng viêm, tăng đề kháng.
- Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất tinh bột, đạm, chất béo, vitamin khoáng chất sẽ giúp hệ miễn dịch tốt, trẻ khỏe mạnh và nhanh chóng tự khỏe khi mắc bệnh đường hô hấp.
- Tránh tắm cho trẻ bằng nước lạnh khi vừa đi chơi về, cơ thể còn nhiều mồ hôi, ngay cả trong thời tiết mùa hè nóng bức.
- Giữ cho môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những người đang có triệu chứng bệnh hô hấp.
- Bố mẹ nên cho trẻ tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch, bao gồm cả các mũi tiêm phòng cúm,...
Tiêm vắc xin đầy đủ giúp trẻ có đề kháng, tránh được nhiều bệnh lý phổ biến trong những năm đầu đời.
Cuối cùng, bố mẹ cần hiểu rằng, viêm họng cấp ở trẻ là bệnh lý dễ bị mắc lại mỗi năm nên việc chủ động phòng tránh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ vận động thường xuyên rèn luyện, nâng cao miễn dịch tự nhiên chính là cách tốt nhất để hạn chế các hệ lụy cho sức khỏe. Khi cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ Nhi giàu kinh nghiệm hạn chế kháng sinh đã từng công tác tại bệnh viện Nhi TW, bố mẹ vui lòng gọi hotline 19001806.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.