Bệnh viêm tai giữa ở trẻ là gì?
Nói về các bệnh lý phổ biến ở tai có thể kể đến: Viêm tai giữa, nhiễm trùng tai, rối loạn thính lực, ù tai,... Trong đó, viêm tai giữa thường gặp hơn, đặc biệt ở trẻ nhỏ 6 tháng - 3 tuổi. Đó là tình trạng tai giữa bị tổn thương, xuất hiện viêm nhiễm do vi khuẩn sinh sôi hoặc bị dị vật từ môi trường bên ngoài.
Hình ảnh viêm tai giữa có chảy mủ.
Bệnh viêm tai giữa hay gặp ở trẻ nhỏ bởi đây là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch non nớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm. Hơn nữa, trẻ bị sổ mũi, ho đờm lâu ngày cũng có thể chuyển sang viêm tai giữa. Bệnh thường được phân loại thành 2 dạng chính:
- Viêm tai giữa cấp tính: Tình trạng ổ viêm ở tai giữa kéo dài làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ. Nếu không được điều trị triệt để, chất dịch trong tai ứ đọng liên tục chảy qua lỗ thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực, giảm chất lượng cuộc sống.
- Viêm tai giữa có dịch: Nghĩa là tai giữa không bị nhiễm trùng nhưng lại tiết nhiều dịch (Thường kéo dài khoảng 3 tháng). Trường hợp này trẻ thường không có triệu chứng rõ ràng, cảm giác nặng tai hơn bình thường.
Viêm tai giữa thường bắt đầu ở dạng cấp tính và nếu không xử lý, điều trị đúng cách có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ. Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thanh dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa chủ yếu do hệ miễn dịch non yếu và cấu trúc tai cũng chưa hoàn thiện. Cụ thể, ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, vòi nhĩ thường ngắn hơn, rộng hơn, nằm ngang hơn so với người trưởng thành khiến các chất lỏng từ cổ họng và tai ngoài có chứa vi khuẩn dễ dàng đi qua ống vào tai giữa. Khi đó, vòi nhĩ bị tắc nghẽn, sưng viêm hoặc rối loạn chức năng dẫn đến chất dịch tiết ra bị mắc kẹt trong đó, tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi gây nhiễm trùng. Trong trường hợp này có thể kể đến các tác nhân gây bệnh như: Phế cầu, hemophilus Influenzae (HI), liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu vàng,...
Hình ảnh mô tả cấu tạo ống tai và vị trí tai giữa.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ gặp tình trạng viêm tai giữa cấp tính khá phổ biến đó là do trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên (viêm họng, viêm amidan, viêm xoang) hoặc cúm, sởi. Khi không điều trị triệt để, bệnh kéo dài dễ dẫn tới biến chứng gây viêm tai giữa. Vì thế, trẻ có cơ địa dị ứng hay sống trong môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nếu phát hiện sớm thì quá trình điều trị sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn. Trong khi đó, trẻ còn nhỏ chưa thể mô tả chi tiết về tình trạng cũng như các khó chịu của bản thân nên việc người lớn nắm rõ các triệu chứng bé bị viêm tai giữa rất quan trọng. Nếu quan sát thấy trẻ có một số dấu hiệu dưới đây thì bố mẹ cần nghĩ ngay đến khả năng con đã bị viêm tai.
- Đa số trường hợp trẻ sẽ bị sốt, thậm chí sốt cao hơn 39 độ C. Khi sờ người con sẽ thấy nóng ran.
- Bé sẽ hay đưa tay dụi, gãi hoặc kéo vành tai liên tục.
- Khi nằm ngủ thì trẻ hay bị trằn trọc, khó ngủ hoặc quấy khóc bởi bị đau do áp lực gia tăng ở tai.
- Tai chảy mủ tạo thành vệt khô bên ngoài vành tai. Đây là dấu hiệu cho thấy màng nhĩ của bé đã bị vỡ do áp lực quá mức.
- Khả năng nghe kém, nên trẻ không phản ứng với các âm thanh lớn.
- Một số trường hợp, trẻ viêm tai giữa kèm theo hiện tượng chán ăn, nôn ói hoặc tiêu chảy.
Hầu hết trường hợp trẻ bị viêm tai giữa thường cảm thấy khó chịu, bứt rứt và lấy tay giựt tai.
Trẻ bị viêm tai giữa có nguy hiểm không (biến chứng)
Tuy đa số các trường hợp trẻ bị viêm tai giữa sẽ khỏi khi được chăm sóc đúng cách nhưng không vì thế mà bố mẹ chủ quan. Bởi thực tế đã có không ít trường hợp trẻ viêm tai giữa kéo dài, không được điều trị triệt để dẫn tới thủng màng nhĩ, liệt mặt, giảm thính lực,... Biến chứng nặng nhất của viêm tai giữa chính là gây viêm màng não, áp-xe não. Cụ thể:
- Thủng màng nhĩ: Biến chứng này thường gặp, bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính là do diễn tiến tự nhiên của bệnh và do quá trình điều trị. Nếu lỗ thủng màng nhĩ xuất hiện do bị ứ đọng trong tai giữa, lỗ thủng to nhỏ không đều và diễn tiến thành thể mạn tính thì lỗ thủng không thể tự liền làm trẻ giảm khả năng nghe. Còn quá trình điều trị, bác sĩ chủ động trích rạch màng nhĩ để hút mủ thì sau khi điều trị khỏi, lỗ thủng sẽ tự liền và hồi phục như ban đầu.
Hình ảnh màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa lâu ngày hoặc trong quá trình điều trị bệnh.
- Viêm tai giữa mạn tính: Xuất phát từ tình trạng viêm tai giữa cấp tính điều trị không đúng cách hoặc không được điều trị hay các bệnh viêm mũi họng mạn tính,... Khi gặp biến chứng này, trẻ có thể gặp tình trạng tai chảy mủ, đau nhói tai nhưng thường không sốt.
- Biến chứng hoại tử các thành phần trong tai giữa: Ví dụ xương con, viêm tai trong dẫn tới trẻ bị điếc không phục hồi được.
- Viêm xương chũm và các biến chứng nguy hiểm khác: Hậu quả là tình trạng nhiễm trùng tai tái đi tái lại nhiều lần, xương chũm bị thủng khiến dịch rò ra ngoài. Nguy hiểm hơn là nó dẫn tới viêm não, viêm màng não,...
Điều trị viêm tai giữa cho bé như thế nào?
Trẻ bị viêm tai giữa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như khả năng nghe lâu dài. Do đó, dù nhiều nguồn thông tin chính thống đều khẳng định hầu hết trường hợp trẻ viêm tai giữa sẽ tự khỏi sau vài ngày nhưng ngay từ lần đầu con mắc bệnh lý này, bố mẹ vẫn nên chú ý điều trị triệt để. Việc bố mẹ cho con đi thăm khám kịp thời, dùng thuốc đúng hướng dẫn từ bác sĩ, giữ gìn cẩn thận tai của con sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả điều trị bệnh.
Bố mẹ cũng cần biết rằng, bệnh viêm tai giữa thể cấp tính thường chia thành 3 thời kỳ: Thời kỳ xung huyết, thời kỳ ứ mủ và thời kỳ vỡ mủ. Thêm nữa, nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa là vi khuẩn, đặc biệt phế cầu khuẩn. Dựa vào những điều này, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Nguyên tắc chính vẫn là điều trị triệu chứng đau nhói tai, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, theo dõi tiến triển. Cụ thể như sau:
Giảm đau, hạ sốt
Áp dụng với trường hợp trẻ bị viêm tai giữa kèm theo bị nóng sốt, có khi sốt trên 39 độ C. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau phổ biến hay được bác sĩ kê cho trẻ gồm: Paracetamol, ibuprofen. Song song với đó, bố mẹ nên chườm ấm và mặc đồ thoáng mát cho trẻ.
Theo dõi thân nhiệt thường xuyên, hạ sốt kịp thời giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Sử dụng thuốc kháng sinh
Một số loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp tính có thể kể đến là amoxicillin, azithromycin, augmentin, cephalosporin thế hệ mới. Thông thường, bác sĩ sẽ kê cho trẻ thuốc amoxicillin đơn thuần nếu trẻ chưa từng uống kháng sinh. Thời gian dùng thuốc là 7 ngày. Ngay cả khi đã thấy trẻ đã hết triệu chứng, khỏe bình thường, hãy tiếp tục cho trẻ uống đủ 7 ngày để tránh hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh, lờn thuốc. Các trường hợp trẻ có triệu chứng nặng, dị ứng với amoxicillin hoặc đã dùng trước đó không hiệu quả, bác sĩ có thể thay đổi loại kháng sinh mạnh hơn. Nếu tai trẻ chảy mủ sẽ dùng kết hợp kháng sinh với thuốc nhỏ tai cho mủ thoát ra ngoài làm sạch tai.
Theo dõi sau điều trị
Trẻ bị viêm tai giữa cấp tính cần được khám lại trong vòng từ 1-4 tuần sau điều trị để kiểm tra xem trẻ đã hết nhiễm trùng chưa, dịch trong tai đã thoát hết ra ngoài chưa. Nếu lại xuất hiện nhiễm trùng tai thì xem đó là đợt nhiễm trùng mới hay là diễn biến của đợt nhiễm trùng cũ để sử dụng loại thuốc kháng sinh phù hợp.
Amoxicillin là loại kháng sinh nhẹ thường được kê khi trẻ bị viêm tai giữa chưa từng điều trị bằng kháng sinh.
Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa đúng cách
Dựa vào các yếu tố nguy cơ cũng như phương pháp điều trị cho thấy cách chăm sóc trẻ khi bị viêm tai giữa góp phần không nhỏ vào việc chữa trị. Bởi vậy, bố mẹ nuôi con nhỏ nên bỏ túi sẵn các kiến thức dưới đây để tự tin bảo vệ con thật tốt.
Luôn giữ vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ
Không chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa mà bình thường, bố mẹ cũng cần chú ý vệ sinh tai mũi họng cho trẻ. Đây chính là những cửa ngõ của đường hô hấp.
- Tai: Đa số trường hợp viêm tai sẽ gây chảy mủ dịch nhầy nên bố mẹ cần chú ý lau sạch chất bẩn này. Lưu ý không lau quá sâu hoặc dùng bông tai để chặn kín lỗ tai không cho dịch thoát ra vì có thể khiến tình trạng bệnh tăng nặng. Khi tắm gội cho trẻ tránh để nước rơi vào tai.
Phụ huynh cần thường xuyên lau sạch sẽ dịch chảy ra từ tai của trẻ.
- Mũi, họng: Mũi họng có liên quan mật thiết với tai, mũi còn dịch nhầy thì rất khó khỏi viêm tai giữa. Vì thế, song song với giữ tai sạch sẽ, khô ráo, bố mẹ cần tiến hành xịt hút sạch mũi cho trẻ 2-3 lần/ngày bằng các dụng cụ chuyên dụng. Nếu trời lạnh hãy làm ấm nước muối sinh lý trước khi xịt, nhỏ; đồng thời, vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ dụng cụ hút mũi.
Chế độ ăn uống vệ sinh, đủ chất và hợp lý
Một trong những triệu chứng khi mắc bệnh viêm tai giữa là trẻ thường chán ăn, bỏ ăn. Để trẻ có đủ dinh dưỡng, tăng đề kháng nhanh khỏi bệnh thì bố mẹ cần dỗ dành trẻ ăn, chia nhỏ bữa ăn chứ không nhất thiết ăn nhiều như hàng ngày. Chú ý, chọn các thực phẩm ít mùi giàu dinh dưỡng, dễ tiêu cho trẻ. Tăng cường cho trẻ uống nước trái cây giàu vitamin C. Riêng với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn nên cho con bú nhiều lần nhất có thể.
Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Sau khi thăm khám cho trẻ và kê đơn, bác sĩ thường dặn dò mẹ cách chăm sóc, cho trẻ uống thuốc. Mẹ nhớ tuân thủ đúng hướng dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự dừng thuốc, đổi sang mua thuốc khác điều trị cho con. Điều này dễ dẫn tới di chứng nặng nề của thuốc: Điếc không phục hồi,... Muốn an tâm hơn hãy cho con tái khám hoặc liên hệ bác sĩ để hỏi rõ cách xử trí.
Việc phụ huynh đưa con đi thăm khám kịp thời giúp hạn chế nguy cơ biến chứng.
Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường
Không phải lúc nào các biểu hiện bên ngoài cũng nói lên đầy đủ tình trạng của trẻ. Nên bất cứ khi nào cảm thấy con khó chịu ngoài kiểm soát của bố mẹ hoặc con gặp một trong các dấu hiệu dưới đây hãy đưa con tới bệnh viện ngay:
- Trẻ uống thuốc nhưng vẫn tiếp tục đau tai nhiều hơn.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt hay dùng các biện pháp hạ sốt nhưng không đỡ.
- Tai trẻ chảy dịch mủ có mùi hôi.
- Trẻ bứt rứt, bỏ ăn, bỏ bú.
- Dấu hiệu bệnh không giảm sau 2 ngày điều trị.
- Các triệu chứng viêm tai giữa xuất hiện ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Cách phòng tránh nguy cơ bị viêm tai giữa cho bé
Trẻ dưới 3 tuổi là nhóm đối tượng rất dễ bị viêm tai giữa do cấu tạo tai và hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Theo đó, để giữ gìn sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ viêm tai giữa cho trẻ, bố mẹ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh dưới đây:
- Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ trong mùa đông hoặc những ngày trời đột nhiên trở lạnh, nhất là khu vực cổ, bàn chân.
- Giúp trẻ bỏ các thói quen xấu như hay đưa tay vào miệng, ngoáy mũi, ngoáy tai; đồng thời, xây dựng thói quen vệ sinh mũi họng khi mới ra ngoài về.
- Nếu trẻ mắc bệnh viêm mũi họng, amidan,... hãy điều trị sớm cho con để hạn chế nguy cơ biến chứng viêm tai giữa.
- Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì lâu nhất có thể giúp củng cố hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng trong những năm tuổi đầu tiên.
- Tiêm phòng đầy đủ cho con, đặc biệt là vắc xin cúm, vắc xin phế cầu. Vắc xin phế cầu được coi như một loại vắc xin phòng viêm tai giữa hiệu quả, bên cạnh, phòng các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết.
- Trường hợp con bị viêm tai giữa lần đầu nên điều trị triệt để, tránh tình trạng bị tái đi tái lại và biến chứng nguy hiểm.
Luôn giữ cho tai trẻ khô thoáng, sạch sẽ, nhất là sau tắm.
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm tai giữa
Tiêm phế cầu vẫn bị viêm tai giữa đúng hay sai?
Nếu từng đọc các bài viết về chủ đề con bị viêm tai giữa trong các hội nhóm hẳn bố mẹ đã nghe một số phụ huynh phàn nàn rằng “bé tiêm phế cầu vẫn bị viêm tai giữa”. Trước khi phân tính xem điều này đúng hay sai, bố mẹ cần biết rằng phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn thường gặp gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Đặc biệt phải kể đến, viêm tai giữa cấp tính, viêm não, viêm màng não,... Việc tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn (Synflorix) được đánh giá là biện pháp chủ động phòng ngừa các bệnh trên.
Tiêm vắc xin phế cầu giúp con củng cố hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh viêm tai giữa.
Thực tế, vắc xin Synflorix có chứa tới 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu với tác dụng kích thích phản ứng miễn dịch nhằm sản sinh ra kháng thể chiến đấu đánh bại vi khuẩn khi vi khuẩn vô tình xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại vắc xin khác, vắc xin phế cầu không thể phòng ngừa bệnh 100% nên những trường hợp trẻ tiêm phòng phế cầu khuẩn rồi vẫn mắc bệnh (viêm tai giữa, viêm phổi,...) là bình thường. Nhưng hầu hết các trường hợp trẻ đã tiêm phòng mà nhiễm bệnh sẽ chỉ bị nhẹ và mau khỏi hơn trẻ chưa tiêm. Cố gắng tiêm phòng đầy đủ được cho con vẫn tốt nhất bố mẹ nhé.
Bé bị viêm tai giữa kiêng ăn gì?
- Khi trẻ bị viêm tai giữa thường kèm cảm giác đau đớn, bứt rứt ở tai, trở nên khó ăn vì mỗi cử động của hàm đều liên quan đến tai, khiến tai bị đau hơn. Do đó, mẹ nên tránh các loại thức ăn cứng, dai và cả đồ ăn nhiều dầu mỡ (Có thể làm tăng đờm ở cổ họng).
- Trẻ cũng nên kiêng các thực phẩm làm tăng tình trạng đau nhức, kích thích tạo mủ như: xôi, các loại bánh làm từ gạo nếp, đồ hải sản, thịt bò.
Tốt nhất nên cho trẻ kiêng đồ nếp, hải sản,... khi bị viêm tai giữa.
Viêm tai giữa có khỏi dứt điểm được không?
Không ít phụ huynh truyền tai nhau rằng, trẻ bị viêm tai giữa rồi sẽ dễ bị tái đi tái lại, không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Đây là thông tin phiến diện vì thực tế đã có nhiều trẻ bị viêm tai giữa đã được điều trị khỏi dứt điểm, không để lại di chứng khi phát hiện bệnh sớm, bố mẹ cho thăm khám, điều trị đúng phương pháp.
Theo đó, sự kết hợp giữa việc cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ và các bước chăm sóc trẻ tại nhà là vô cùng quan trọng. Bố mẹ đừng chủ phó mặc cho những liều thuốc bác sĩ kê mà thấy trẻ bị chảy mũi hay ho có đờm thì mặc kệ. Muốn con khỏi viêm tai giữa thì phải giúp con khỏi hẳn bệnh viêm mũi, họng bằng cách vệ sinh hút sạch dịch mũi họng cho con hàng ngày. Khi không tự tin hoặc nhận thấy biểu hiện nặng hơn của con hãy đưa con tới phòng khám tai mũi họng ngay để được điều trị triệt để.
Cho bé bú nằm bị viêm tai giữa đúng không?
Đây là một trong những thông tin đang được khá nhiều mẹ truyền miệng nhau. Thực tế thông tin này có ý đúng và chưa đúng. Bởi với trẻ bú mẹ hoàn toàn dù tư thế bú mẹ của trẻ sơ sinh như thế nào thì cũng làm giảm tỷ lệ viêm tai do sữa mẹ chứa kháng thể giúp ức chế sự hình thành của vi khuẩn. Hơn thế nữa, trẻ bú mẹ sẽ không bị ứ đọng sữa trong miệng hay chảy ngược lên tai gây viêm tai giữa.
Trẻ bú mẹ dù theo tư thế nào cũng không làm tăng nguy cơ viêm tai giữa mà còn giúp phòng bệnh tốt hơn.
Còn trường hợp trẻ bú sữa công thức thì tư thế nằm bú có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa. Giải thích điều này, các chuyên gia tai mũi họng nêu rõ: Trẻ bú bình đôi khi không làm chủ được lượng sữa chảy từ bình vào họng, một lượng sữa có thể bị tràn vào các ống Eustach và ống tai giữa gây ra tình trạng nhiễm trùng tai. Bởi vậy, bố mẹ hãy lưu ý tư thế bú bình của con để phòng tránh viêm tai giữa.
Nói tóm lại, bệnh viêm tai giữa ở thể cấp tính không quá nguy hiểm nhưng cũng dễ bị chuyển sang mạn tính với những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe lâu dài của trẻ. Nắm chắc kiến thức về viêm tai giữa, đưa con đi thăm khám kịp thời, bố mẹ sẽ giúp con tránh xa được những hậu quả nặng nề. Cần đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm, bố mẹ vui lòng gọi ngay 19001806.