Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân cách chăm sóc cha mẹ cần biết

Vũ Tuấn Ngọc

20-10-2020

goole news
16

Nếu phải kể về những điều khiến bố mẹ cảm thấy mệt mỏi nhất khi nuôi con nhỏ thì chắc chắn không thể thiếu việc chăm sóc trẻ biếng ăn. Tất nhiên trong trường hợp này, hầu hết phụ huynh đều tìm mọi cách ép con ăn, con không ăn, chậm lớn, còi cọc,... trở thành một vòng luẩn quẩn. Vậy cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn 

Trẻ biếng ăn chậm tăng cân không phải là tình trạng hiếm gặp mà còn rất phổ biến ở lứa tuổi từ 1 - 6. Các biểu hiện chính của chứng biếng ăn như: Trẻ không có hứng thú khi thấy thức ăn, không ăn hoặc ăn lượng rất ít, trẻ chỉ ăn một vài loại thức ăn, hay ngậm thức ăn trong miệng, bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, hay nôn trớ khi phải ăn, không tăng cân trong một thời gian dài. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc biếng ăn ở trẻ, trong đó phải kể đến các nguyên nhân sau. 

Trẻ biếng ăn thường rất thờ ơ, thậm chí sợ khi nhìn thấy thức ăn.

Trẻ biếng ăn thường rất thờ ơ, thậm chí sợ khi nhìn thấy thức ăn.

Phương pháp chăm sóc trẻ thiếu khoa học 

Nhiều ông bà, bố mẹ cứ loay hoay với câu hỏi “trẻ biếng ăn phải làm sao?” mà quên mất rằng nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng trẻ biếng ăn chính là do phương pháp chăm sóc con thiếu khoa học của bản thân. Dù trong tâm niệm luôn mong những điều tốt đẹp cho con cháu nhưng chính tâm lý đó lại có thể dẫn tới phương pháp chăm sóc phản khoa học mà bản thân cũng không nhận ra. Ví dụ như:  

- Với quan niệm trẻ ăn càng nhiều càng mau lớn nên bố mẹ ép con ăn quá no, ăn nhiều bữa ngay cả khi con đang no. Điều này khiến hầu hết trẻ phát sinh tâm lý sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn. Về lâu dài có thể dẫn tới trẻ biếng ăn.

- Người lớn thiếu kiên nhẫn, thấy trẻ không ăn là quát mắng khiến trẻ bị căng thẳng khi tới giờ ăn.

- Các món ăn đơn điệu, lặp đi lặp lại, ít hương vị, sáng tạo nên thiếu hấp dẫn với trẻ.  

- Khẩu phần dinh dưỡng bữa ăn thiếu chất xơ, khiến khẩu vị của bé không được kích thích để cảm thấy ngon miệng hơn.

- Thường xuyên cho trẻ ăn cơm chan nước canh tất cả các bữa khiến trẻ lười nhai, không ăn được nhiều loại thực phẩm như rau, thịt. 

- Cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng) khi chưa sẵn sàng về sự phát triển lẫn tâm lý cũng là nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn. 

- Trước bữa ăn hay cho con ăn bánh, kẹo đồ ngọt làm cho trẻ không còn muốn ăn bữa chính.  

- Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin, kẽm, sắt, gây thiếu chất kèm theo tình trạng không có hứng thú với thức ăn. 

Phụ huynh thường xuyên ép ăn, quát mắng khiến tình trạng biếng ăn ở trẻ thêm nghiêm trọng.

Phụ huynh thường xuyên ép ăn, quát mắng khiến tình trạng biếng ăn ở trẻ thêm nghiêm trọng.

Trẻ biếng ăn do vấn đề bệnh lý 

Trẻ biếng ăn lâu ngày cũng có thể bắt nguồn từ vấn đề bệnh lý nào đó. Cơ thể khó chịu khiến bé cảm thấy chán ăn, ăn không ngon. Trong đó phải kể tới:  

- Các bệnh rối loạn tiêu hóa: Nhiễm khuẩn đường ruột, đau bụng, đầy bụng, nôn trớ, tiêu chảy,... Khi mắc các bệnh này, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, không ngon miệng, dẫn tới chán ăn.

- Trẻ mọc răng hoặc gặp các vấn đề về răng miệng. Do các tổn thương, đau đớn trong khoang miệng khiến bé gặp khó khăn khi nhai nuốt, dẫn tới bé chán ăn và không chịu ăn.  

Trẻ biếng ăn do vấn đề tâm lý 

Nguyên nhân này cũng bắt nguồn từ thói quen chăm sóc con thiếu khoa học của bố mẹ. Ví dụ, cha mẹ thường xuyên ép con ăn quá mức, hay quát mắng con khi con ăn chậm, cho trẻ xem tivi khi ăn, … Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ khi bắt đầu bữa ăn. Trẻ sợ ăn hoặc phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ và đòi hỏi phải được xem mới chịu ăn.  

Ngoài ra, một số trường hợp bố mẹ còn cho thuốc con cần uống vào đồ uống hay thức ăn của con để dụ trẻ uống thuốc. Sau vài lần sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý sợ thức ăn. 

Trẻ biếng ăn do di truyền 

Trong các nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ cũng không ngoại trừ yếu tố di truyền. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những em bé sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như viêm khớp, xơ gan, suy thận,... sẽ có nguy cơ biếng ăn cao hơn.  

Trẻ biếng ăn kéo dài có nguy hiểm không? 

Nếu trẻ biếng ăn sinh lý thì cha mẹ không cần phải quá lo lắng vì chỉ sau khoảng vài ngày tới một tuần chán ăn, trẻ sẽ thèm ăn trở lại, thậm chí ăn bù nhiều hơn trước. Việc nóng vội, ép con ăn trong những giai đoạn biếng ăn sinh lý có thể gây tâm lý sợ hãi cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý, theo dõi sát sao. 

Không chỉ khiến trẻ chậm tăng cân và chiều cao, biếng ăn còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ.

Không chỉ khiến trẻ chậm tăng cân và chiều cao, biếng ăn còn ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.

Tuy nhiên, tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ biếng ăn hay ăn ngậm thường chậm tăng cân, kéo theo đó là nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương, thấp còi, sức đề kháng kém, trẻ dễ mắc bệnh. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biếng ăn ảnh hưởng đến cả sự phát triển não bộ do trẻ bị thiếu các chất DHA, Taurine, Omega 3,... Có nghĩa là trẻ biếng ăn thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.  

Về lâu dài, biếng ăn làm hình thành tâm lý thụ động, trẻ thiếu tự tin trong giao tiếp cũng như khi hòa nhập với bạn bè, môi trường mới, từ đó dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút.  

Cần làm gì để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ? 

Trẻ biếng ăn nên bổ sung vitamin gì hay trẻ biếng ăn chậm lớn phải làm sao là những câu hỏi được rất nhiều phụ huynh đặt ra hay tìm kiếm câu trả lời. Cũng dễ hiểu thôi, bởi làm cha làm mẹ ai mà không mong con cái khỏe mạnh, thông minh, tự tin. Muốn vậy khi thấy con rơi vào tình trạng biếng ăn, bố mẹ hãy bình tĩnh quan sát, trò chuyện cùng trẻ (nếu trẻ lớn), tìm hiểu xem theo độ tuổi của con thì cần bao nhiêu calo và lượng thức ăn mỗi ngày rồi từ từ khơi gợi niềm yêu thích với các món ăn. Tuyệt đối ép buộc, quát mắng để cho con ăn.  

Nếu bạn đang cho con xem điện thoại, ipad, tivi khi ăn hãy dừng lại ngay.

Cho con xem điện thoại, ipad, tivi khi ăn hãy khiến trẻ mất tập trung trong bữa ăn.

Tạo không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn của trẻ 

Đừng nghĩ con chỉ ăn bằng miệng mà hãy giúp con ăn bằng một tinh thần thoải mái, vui vẻ nhất. Bởi khi tâm lý thoải mái kích thích men tiêu hóa hoạt động tốt hơn và bé có cảm giác ngon miệng, ăn được lượng nhiều hơn. Trong những ngày đầu mới tập ăn bằng thìa, đũa, bé có thể làm rơi vãi nhiều thức ăn thậm chí đổ cả bát thức ăn, phụ huynh hãy giữ bình tĩnh, làm mẫu động tác ăn uống đúng để con thay đổi. Được tự mình gắp những miếng thức ăn vào miệng sẽ vui hơn nhiều là chỉ há miệng nhận thức ăn.  

Hạn chế tuyệt đối việc dỗ trẻ ăn nhanh, ăn nhiều bằng tivi hay điện thoại. Điều này khiến trẻ hình thành tâm lý ham chơi, phụ thuộc vào công nghệ khiến trẻ mất tập trung trong bữa ăn và lâu dài hình thành thói quen xấu, gây hại tới cả mắt, thần kinh của trẻ. 

Đa dạng về thực đơn của bé 

Nguyên tắc đầu tiên là mỗi bữa ăn cần có ít nhất một món bé yêu thích, muốn cho bé thử món mới hãy để bé đói hẳn trước khi bắt đầu bữa ăn. Một điều quan trọng nữa là với trẻ nhỏ, thực đơn chỉ đủ chất, ngon miệng thôi là chưa đủ. Mẹ cần đa dạng các món, chú ý tới hình thức món ăn hơn. Sự lặp đi lặp lại một món quá nhiều lần trong 1 tuần có thể khiến trẻ chán ăn.  

Thỉnh thoảng mẹ hãy thử trang trí món ăn màu sắc kích thích vị giác của trẻ.

Thỉnh thoảng mẹ hãy thử trang trí món ăn với màu sắc hấp dẫn để kích thích vị giác của trẻ.

Một biện pháp đơn giản giúp thực đơn của bé đa dạng hơn mà không thay đổi nhiều về mặt dinh dưỡng, đó chính là thay đổi cách trang trí thức ăn. Việc kết hợp các thực phẩm với nhau, thay đổi gia vị hay sáng tạo trong khâu trang trí món ăn cũng có thể khiến bé hứng thú hơn. Ví dụ, mẹ có thể phối hợp thịt cùng rau củ rồi dùng các khay hình thú để tạo hình cho món ăn, tự thêm những câu chuyện vào đó,...

Hạn chế cho trẻ ăn vặt 

Nhiều bố mẹ vẫn nghĩ rằng việc cho con ăn một hai chiếc kẹo hay cái bánh trước giờ ăn thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng thực ra vị ngọt trong kẹo bánh lại thường tạo ra cảm giác đầy bụng và không thèm ăn nữa, dẫn tới, trẻ không còn muốn ăn trong bữa chính. Trong khi đó, đồ ăn vặt chẳng thể cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu muốn con hạn chế ăn vặt, hãy chia nhỏ bữa ăn bằng thực đơn rõ ràng, bữa phụ là các thực phẩm tốt cho sức khỏe như sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt; bữa phụ giữ khoảng cách nhất định với bữa chính.

Khắc phục các vấn đề về bệnh lý của trẻ 

Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn của con là do ốm bệnh thì việc đầu tiên bố mẹ phải làm đó chính là điều trị khỏi bệnh cho con. Trong khi con ốm hãy động viên con ăn chứ không ép quá. Con ốm ăn không ngon mẹ hãy làm các món ăn mà con thích, dễ tiêu hóa với hương vị đậm đà hơn một chút. Hãy kể cho con nghe câu chuyện những em bé tí hon đã chiến thắng quái vật (ốm bệnh) như thế nào,...

Cho trẻ ăn đúng giờ và có thể ăn cùng gia đình 

Cha mẹ không được quát mắng nhưng không có nghĩa là cứ mềm lòng chấp nhận mọi yêu cầu của con. Hãy đặt quy ước rõ ràng và nghiêm túc thực hiện: Không tự tiện ăn bất cứ thứ gì khi chưa tới bữa ăn phụ hoặc trước bữa chính; thông báo cho bé trước khoảng 15 phút khi sắp tới giờ ăn. Và nếu có thể tốt nhất để con được ăn cùng gia đình, bố mẹ hãy ăn thật ngon miệng trong bữa ăn. Vừa ăn, bố mẹ có thể tả cho con nghe về hương vị món ăn.  

Ăn cùng gia đình và tự ăn là những thói quen tốt giúp phòng tránh tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ.

Ăn cùng gia đình và tự ăn là những thói quen tốt giúp phòng tránh tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ.

Luôn kiên nhẫn trong việc giúp trẻ ăn các thức ăn mới 

Trẻ thường rất e dè khi phải thử thức ăn mới, do đó, khi muốn giới thiệu món ăn mới cho con, mẹ nên kiên nhẫn. 

- Cho bé ăn món mới vào bữa sáng vì lúc này bé cảm thấy đói nhất, tâm lý sẵn sàng thử món mới hơn. Cho tới khi con ăn quen món đó, mẹ hãy chuyển vào thực đơn bữa trưa hoặc tối.  

- Nói cho trẻ biết về những loại vitamin có trong thức ăn này, nó tốt như thế nào với sức khỏe,... Có thể tả qua một chút về hương vị của nó và ăn cho con nhìn thấy. 

- Nếu trẻ nhất định không muốn thử, mẹ đừng ép. Mẹ có thể kết hợp món ăn đó cùng món ăn trẻ thích bằng cách trang trí…

Cho trẻ được cùng vào bếp 

Mẹ biết không, trẻ luôn có tính hiếu kỳ, thích được đưa ra quyết định sẽ ăn gì, thích được cùng mẹ nhặt rau, nhào bột, vo gạo,... Hãy để con được cùng vào bếp với mẹ, trong khi con nói thích gì, hãy trao đổi cùng bé bữa tiếp theo nên ăn gì, rồi chọn thực phẩm như thế nào để có bữa ăn cân bằng. Khi được thưởng thức bữa ăn mà chính mình cũng góp tay vào trẻ sẽ thấy thích thú và ăn ngon miệng hơn.  

Được vào bếp cùng mẹ là niềm yêu thích của bất cứ đứa trẻ nào.

Được vào bếp cùng mẹ là niềm yêu thích của bất cứ đứa trẻ nào.

Cho trẻ vận động mỗi ngày

Vận động nhiều không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh, lanh lẹ mà còn giúp quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra thuận lợi, trẻ tiêu hao năng lượng nhiều, nhanh đói hơn. Nếu có thể, bố mẹ hãy vận động, chơi cùng con. Với bé nhỏ, bố mẹ nên mát xa cho bé hàng ngày để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. 

Khi nào cần đưa trẻ biếng ăn kéo dài đi khám dinh dưỡng?

Trong trường hợp áp dụng tất cả cách trên nhưng trẻ vẫn biếng ăn, chậm tăng cân thì phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng để được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết và cho lời khuyên chính xác nhất cải thiện tình trạng biếng ăn cũng như đảm bảo cho tương lai phát triển của trẻ.

Thực tế thì không cần đợi đến khi trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng mới đưa đi thăm khám. Cha mẹ nên hiểu rằng, việc khám sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ cũng giống như việc người lớn đi khám sức khỏe định kỳ. Điều này giúp bố mẹ hiểu hơn về sự phát triển của trẻ, rằng trẻ có đang thực sự ổn hay trẻ có thiếu chất gì và kịp thời bổ sung. Bởi không thiếu trường hợp trẻ tăng cân, tăng chiều cao tốt nhưng vẫn bị thiếu chất. 

Để tìm hiểu chi tiết các bước thăm khám hay bảng giá gói khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ, bố mẹ vui lòng gọi hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,625

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám