Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Trần Hồng Nụ

07-08-2021

goole news
16

Trẻ sơ sinh đối tượng rất dễ bị cảm lạnh. Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bé vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến sự phát triển thế chất của bé nếu không được khắc phục sớm. Vậy trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao? Hãy cùng BVĐK Phương Đông tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách điều trị và phòng tránh bệnh lý này.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh cảm lạnh

Trẻ sơ sinh thuộc nhóm đối tượng rất dễ mắc bệnh cảm lạnh. Bởi khi trẻ mới chào đời, hệ miễn dịch của bé vốn yếu ớt và cần thời gian để hoàn thiện, thích nghi với môi trường mới. Đó cũng là lý do vì sao sức đề kháng của trẻ sơ sinh yếu và dễ bị virus xâm nhiễm, gây cảm lạnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ sơ sinh bị cảm lạnh không hẳn là điều xấu, loại virus cảm lạnh sẽ giúp cải thiện và tăng cường sức đề kháng cho bé.

Trẻ sơ sinh do có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm cảm lạnh
Trẻ sơ sinh do có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm cảm lạnh

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh thường xuyên vào thời điểm giao mùa. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và gây ra một số biến chứng như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản cấp,… 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, trong đó phổ biến nhất là:

  • Bé tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh cảm lạnh.
  • Bé chạm vào vật thể trung gian chứa Virus gây cảm lạnh, chẳng hạn như đồ vật trong nhà, bầu không khí.
  • Bé bị dị ứng bởi thời tiết hoặc môi trường sống của bé có nhiều khói thuốc, bụi bẩn.
  • Bé không được giữ ẩm khi thời tiết chuyển lạnh.

Những dấu hiệu khi trẻ sơ sinh cảm lạnh

Trẻ sơ sinh rất dễ bị bệnh cảm lạnh nếu thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường xung quanh không tốt. Vì vậy, các mẹ cần chú ý đến trẻ nhiều hơn và đặc biệt là khi trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc bệnh cảm lạnh là chảy nước mũi. Những ngày đầu, nước mũi, chất tiết từ niêm mạc xoang mũi sẽ loãng, có màu trong nhưng những ngày sau đó nước mũi sẽ đặc hơn và có màu vàng xanh. Lúc này, trẻ sẽ dễ bị nghẹt mũi và khó chịu.
  • Ho là triệu chứng tiếp theo của cảm lạnh ở trẻ sơ sinh, trẻ ho nhiều hơn vào buổi tối.
  • Trẻ bị hắt xì hơi và ăn uống kém hơn bình thường.
  • Bé không muốn bú sữa mẹ.
  • Trẻ không ngủ ngon giấc, trẻ quấy khóc về đêm.
  • Bé không hoạt bát như thường ngày và cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
  • Nếu bệnh nặng hơn sẽ dẫn đến sốt.

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh thường quấy khóc, nhất là vào ban đêm
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh thường quấy khóc, nhất là vào ban đêm

Chú ý: Trẻ được nuôi lớn bằng sữa mẹ có hiện miễn dịch tốt hơn so với những những trẻ uống sữa công thức từ khi lọt lòng. Bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể, tế bào bạch cầu và hệ enzym vô cùng cần thiết cho trẻ nhỏ. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn. Trẻ sơ sinh bú mẹ sẽ được kế thừa sự miễn dịch đối với những bệnh mà người mẹ đã từng mắc phải trước đây. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ sẽ được miễn dịch hoàn toàn với bệnh cảm lạnh.

Biến chứng khó lường khi trẻ sơ sinh cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh nếu kéo dài dai dẳng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:

  • Trẻ bị viêm tai giữa cấp tính: Là biến chứng thường gặp nhất khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh mà không được can thiệp điều trị kịp thời. Khi bị viêm tai giữa, bé sẽ có cảm giác đau, ngứa tai, chán ăn, khóc đêm, nôn trớ, sốt,...
  • Viêm họng: Cảm lạnh khi diễn biến  phức tạp có thể khiến trẻ sơ sinh bị viêm họng. Các triệu chứng điển hình của bệnh này là sốt cao, ho và đau rát họng.
  • Hen suyễn: Khi bị cảm lạnh nặng, trẻ sơ sinh thường thở khò khè và tức ngực. Đặc biệt, đối với những trẻ đã bị hen suyễn bẩm sinh, thì bệnh lý này rất dễ làm khởi phát những cơn hen cấp tính.
  • Viêm phổi: Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi,… rất dễ dẫn đến viêm phổi nếu không được can thiệp chữa trị kịp thời. Đây được xem  là biến chứng nguy hiểm nhất đối với trẻ khi bị cảm lạnh.

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi

Điều trị cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Nếu phát hiện trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, phụ huynh cần phải có những biện pháp điều trị kịp thời và thích hợp. Điều này có thể giúp bé dễ chịu hơn đồng thời tránh các biến chứng nguy hại ảnh hưởng đến trẻ về sau.

Vậy trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao để nhanh khỏi? Có một số các phương pháp tại nhà có thể giúp bé thuyên giảm triệu chứng và nhanh khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên các cách đó chỉ có tác dụng hiệu quả với bệnh cảm lạnh thông thường.

Các biện pháp tại nhà mà phụ huynh có thể áp dụng để giảm triệu chứng cảm lạnh cho trẻ một cách hiệu quả là:

  • Giảm sốt bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chườm khăn ấm. Trong trường hợp trẻ không cắt sốt, thậm chí thân nhiệt còn tăng thì cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ xử lý, ngăn ngừa tình trạng co giật.
  • Kê đầu trẻ sơ sinh cao lên khi nằm để giúp bé thở dễ dàng hơn.
  • Cho bé bú sữa nhiều hơn nhưng chia thành nhiều bữa để có thể cung cấp đầy đủ năng lượng, giúp bé mau hồi phục. Ngoài ra, việc bú nhiều còn hạn chế nguy cơ mất nước khi bé sốt do bị cảm lạnh.
  • Loại bỏ bớt chất nhầy và vệ sinh mũi sạch sẽ cho bé bằng nước muối sinh lý hoặc dụng cụ hút mũi cũng là cách chữa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh cực kỳ hiệu quả.
  • Duy trì độ ẩm của không khí trong phòng của bé bằng cách sử dụng máy làm ẩm.
  • Vệ sinh không gian sống sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây hại khiến bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh trở nên nghiêm trọng hơn.

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cần bú nhiều hơn để bù nước
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cần bú nhiều hơn để bù nước

Bên cạnh đó, khi điều trị cảm lạnh cho trẻ sơ sinh tại nhà, phụ huynh cũng cần tránh những việc sau:

  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh cảm lạnh cho trẻ sơ sinh. Bởi loại thuốc này hoàn toàn không có tác dụng đối với việc diệt virus gây bệnh.
  • Không tự ý dùng thuốc hạ sốt, giảm đau cho trẻ sơ sinh khi chưa sự cho phép của bác sĩ.
  • Thuốc giảm ho và thuốc Aspirin chống chỉ định với đối tượng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
  • Không để trẻ sơ sinh nằm sấp khi ngủ khi bé đang bị cảm lạnh.

Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị cảm lạnh đến gặp bác sĩ?

Trẻ sơ sinh từ 2 đến 3 tháng, khi có dấu hiệu cảm lạnh tốt nhất ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để thăm khám ngay. Bởi bé còn quá nhỏ để có thể chống chọi với căn bệnh này khi không có sự giúp đỡ của y, bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cũng nên đi khám bác sĩ khi có một trong các triệu chứng sau:

  • Trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi sốt cao từ 38 độ C trở lên.
  • Trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi sốt cao trên 39 độ C.
  • Bé bị phát ban da.
  • Trẻ sơ sinh bỏ bú, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Bé có triệu chứng ho kéo dài kèm đờm.
  • Đờm của trẻ khi tiết ra có màu vàng, xanh hoặc lẫn máu.
  • Trẻ sơ sinh bị khò khè, khó thở.
  • Trẻ bị sốt liên tục nhiều tiếng không hạ.
  • Trẻ bị mất nước với triệu chứng môi khô, khát sữa, nếp véo da mất chậm,...
  • Bé mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, quấy khóc liên tục.
  • Các đầu ngón tay hoặc môi của bé tím tái.

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có triệu chứng sốt cao cần được nhập viện ngay
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có triệu chứng sốt cao cần được nhập viện ngay

Biện pháp phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Để phòng tránh hiệu quả bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Cho bé sơ sinh bú sữa mẹ để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch.
  • Không để bé tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh.
  • Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi chạm vào bé, bế bé.
  • Rửa tay thường xuyên, vệ sinh cơ thể cũng như đồ chơi cho trẻ.
  • Hạn chế cho bé đến nơi công cộng hoặc nơi tập trung đông người. Bởi đây có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cảm lạnh cho trẻ.

Vừa rồi là những thông tin hữu ích mà phụ huynh cần nắm rõ khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh. Nếu bạn thấy bé yêu các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh này hãy liên hệ ngay 19001806 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,768

Bài viết hữu ích?

Chủ đề bệnh trẻ em

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám