Trẻ sơ sinh chảy nước miếng: Nguyên nhân do đâu?

Nguyễn Thu Hà

27-04-2021

goole news
16

Trẻ sơ sinh chảy nước miếng là tình trạng khá phổ biến và thường bắt đầu ở giai đoạn 3 tháng tuổi do cấu tạo cơ quan miệng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện hoặc tuyến nước bọt tăng tiết dẫn đến điều này.

Chảy nước dãi là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện trong khoảng 2 năm đầu đời. Đây được xem là một phần trong quá trình phát triển thể chất của trẻ nhỏ bởi nước bọt tiết ra rất có lợi cho quá trình tiêu hóa thức ăn và làm sạch vùng miệng. Tuy nhiên, khi lượng nước bọt tiết ra không được kiểm soát khiến cảm giác như miệng toàn nước bọt, đó rất có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang mắc phải bệnh lý nào đó. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều? 

Tuyến nước bọt đóng vai trò như thế nào đối với trẻ nhỏ? 

trẻ sơ sinh chảy nước miếng

Việc tiết nước bọt đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh

Nước bọt là chất tiết có dạng nhờn, trong, hay có bọt, được tiết ra từ các tuyến nước bọt vào khoang miệng với nhiều công dụng khác nhau. Việc tiết nước bọt đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số vai trò của tuyến nước bọt đối với sức khỏe của trẻ nhỏ có thể kể đến như: 

- Giữ cho miệng trẻ luôn ẩm

- Trong nước bọt có chứa các enzym hữu ích giúp làm nhuyễn và tiêu hóa một phần thức ăn trước khi chúng được tống xuống dạ dày.

- Nước bọt có đặc tính trơn nên giúp bé dễ nuốt hơn, đồng thời giúp kết dính thức ăn với nhau và tạo điều kiện để trẻ dễ dàng nuốt thức ăn hơn.

- Việc tiết nước bọt giúp trung hòa axit trong dạ dày và giúp phát triển đầy đủ niêm mạc ruột của trẻ và bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi bị kích ứng. Đồng thời điều hòa độ axit trong miệng giữ cho răng bớt bị sâu mòn. 

Nguyên nhân trẻ sơ sinh chảy nước miếng

Theo các chuyên gia khoa Nhi, nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng thường xuyên có thể xuất phát từ sinh lý hoặc bệnh lý. Vậy trẻ chảy nước miếng nhiều có sao không? Đây là điều hết sức bình thường và phổ biến ở trẻ sơ sinh nên các mẹ đừng quá lo lắng. 

Trẻ sơ sinh chảy nước miếng do nguyên nhân sinh lý 

Mọc răng

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều. Khi bắt đầu mọc răng, những chiếc răng bắt đầu nhú ra khỏi nướu có thể làm trẻ khó chịu và tiết nước bọt nhiều hơn bình thường, dẫn đến tình trạng chảy nước miếng. Trong giai đoạn này, bé thường xuyên có các biểu hiện như cắn hay mút tay khiến cho tuyến nước bọt hoạt động nhiều hơn. Ngoài ra, khi trẻ đang mọc răng sẽ có một số triệu chứng như khó chịu, khó ngủ, bồn chồn, bị sốt và đặc biệt là nhai tất cả mọi thứ cầm nắm trên tay. 

Tư thế mở miệng hoặc bé đang quá tập trung

Nếu trẻ có thói quen há miệng thường xuyên thì có thể không nuốt được nước bọt đều đặn, khiến cho nước dãi chảy ra nhiều hơn bình thường. Đó có thể là do bé đang bị ngạt mũi hay thậm chỉ là cấu tạo quai hàm và khuôn miệng của bé đặc biệt. Nó dẫn đến việc bé khó khăn hơn trong việc khép môi lại. 

Bên cạnh đó, khi tập trung quá mức vào một hoạt động, thích thú với một đồ vật hay hoạt động nào đó, cơ thể trẻ có thể tăng sản xuất nước bọt lên nhiều hơn mức bình thường. Đồng thời, sự chú ý của trẻ lại không nằm ở việc phải nuốt lượng nước bọt đã tiết ra dư nên điều này dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều hơn và mất kiểm soát.  

Tiêu hóa

Nước bọt được sản xuất trong miệng có chức năng giúp bé dung hòa môi trường axit trong dạ dày. Điều đó giúp hạn chế chứng đau bụng và giúp cho hệ tiêu hóa non nớt của bé được ổn định hơn. Việc được nếm một số thức ăn chứa nhiều axit như cam, chanh, nho có thể kích thích tuyến nước bọt của trẻ sản xuất nhiều hơn. Điều này có thể khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng. Nhiều mẹ thường lo ngại khi thấy con mình chảy nước dãi nhiều có sao không? Câu trả lời là không. Thực tế, đây là điều có lợi đối với bé. 

Chống trào ngược

Một trong những nguyên nhân khiến cho bé bị trào ngược axit, gây nôn trớ là do van thực quản của các bé còn chưa được hoàn thiện nên có thể đóng, mở bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, việc chảy nước dãi sẽ có tác dụng tốt giúp làm dịu thực quản bị kích thích, giúp bé giảm cảm giác nóng rát ở cổ họng. 

trẻ sơ sinh chảy nước miếng

Tiết nhiều nước dãi có thể là “tín hiệu” của việc mọc răng

Nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng

Viêm miệng

Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công khiến bé bị các bệnh viêm nhiễm lưỡi, môi, gò má, lợi… Nếu không may bị viêm nhiễm do vi khuẩn herpes thì trẻ có thể bị nổi phồng rộp xung quanh miệng, khiến nước miếng chảy ra nhiều hơn. Đặc biệt những ngày hè nóng bức khiến bệnh trở nên càng nghiêm trọng hơn. Do đó, mẹ càng phải lưu ý vấn đề vệ sinh cho bé và tăng cường hệ miễn dịch cho bé vào mùa hè. 

Bệnh tay chân miệng

Khi mắc bệnh tay chân miệng cũng khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều bởi trên cơ thể bé sẽ xuất hiện những vết phồng rộp ở tay, chân và miệng. Những vết phồng rộp đó có thể mọc ở hạch và cổ khiến bé gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn làm cho nước dãi chảy ra nhiều hơn bình thường. Khi thấy tình trạng trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều sau khi ra ngoài hoặc chơi chung đồ chơi với bạn, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám ngay để nắm rõ được bệnh tình của con nhỏ. 

Trẻ sơ sinh chảy nước miếng vì rối loạn tâm thần

Khi mắc các bệnh rối loạn thần kinh như chấn thương vùng đầu, chậm phát triển, tự kỷ, bại não hay khuyết tật bẩm sinh đều có thể khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều hơn so với các bạn cùng lứa. Trong đó, bại não là một rối loạn não bộ thường gặp ở các bé dưới 3 tuổi khiến bé mất chức năng có động cơ và co thắt không tự nguyện. 

Các nguyên nhân khác khiến bé bị chảy nước miếng

Ngoài các nguyên nhân trên, trẻ sơ sinh chảy nước miếng có thể xảy ra khi bé mắc các bệnh như rối loạn về răng miệng, nhiễm siêu vi… Khi thấy bé có những triệu chứng trên, các bậc phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và kịp thời có hướng điều trị thích hợp. 

Trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều mẹ phải làm sao?

trẻ sơ sinh chảy nước miếng

Mẹ nên thường xuyên lau lợi cho bé để vệ sinh miệng

Mặc dù hiện tượng trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều khá phổ biến và là một trong những dấu mốc quan trọng của sự phát triển ở các bé. Nhưng nếu trẻ hơn 2 tuổi mà vẫn còn xuất hiện tình trạng này thì các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ. Điều cần làm là nên đưa trẻ đi kiểm tra ngay, xử lý chậm trễ thì việc này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của con trẻ sau này. 

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều không có liên quan đến nguyên nhân bệnh lý, cha mẹ có thể giúp bé hạn chế tiết nước bọt bằng các biện pháp dưới đây: 

Chăm sóc vùng da xung quanh miệng

Khi trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều, vùng da xung quanh miệng của bé như gò má, cằm sẽ có thể bị viêm nhiễm giống như dị ứng. Để tránh việc trẻ bị khó chịu bởi cơn ngứa, đau, cha mẹ nên lấy khăn sạch hoặc gạc để lau thật nhẹ nhàng. Đồng thời, làn da của trẻ sơ sinh còn rất non nớt nên rất dễ bị tổn thương bởi những yếu tố bên ngoài, do đó cần thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm cho bé. 

Dùng áo yếm nếu trẻ chảy dãi nhiều

Hãy cho bé sử dụng một chiếc yếm để tránh viêm da ở vùng cổ. Nên chọn loại yếm làm từ bông để tăng khả năng thấm hút. Thay mới và giặt yếm cho bé thường xuyên, nên giặt bằng các dung dịch giặt tẩy an toàn với làn da của trẻ. 

Luôn giữ sạch sẽ

Việc giữ cơ thể trẻ luôn sạch sẽ mỗi khi đi ra ngoài về là điều cần thiết. Làm vệ sinh môi trường sống để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và định kỳ khử trùng các vật dụng trong nhà. Không cho bé mút tay hoặc các đồ vật khác khi ngủ. Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ vì ngủ nghiêng hay ngủ sấp đều là những tư thế dễ khiến trẻ chảy dãi nhiều. Bên cạnh đó, với trẻ từ khi mới sinh đến 1 tuổi, mẹ nên thường xuyên lau lợi cho bé để vệ sinh miệng, sau 2 tuổi hướng dẫn bé đánh răng, chăm sóc răng miệng cẩn thận. 

Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ?

Chảy nước miếng là tình trạng bình thường, nếu trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều nhưng vấn sinh hoạt bình thường thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, tình trạng đó sẽ tự biến mất. Nhưng nếu trẻ đã quá tuổi chảy nước miếng và không có dấu hiệu thuyên giảm thì cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ nhi khoa. Việc nước miếng chảy quá nhiều có thể xảy ra do sự phối hợp kém giữa miệng và lưỡi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khó nuốt ở trẻ. 

Ngoài ra, trẻ sơ sinh chảy nước miếng kèm theo các triệu chứng như đau bụng, sốt cao trên 38 độ, ngủ không đúng cữ, thường xuyên bỏ bữa, thường xuyên chảy nước mắt… thì hãy nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế hay bác sĩ nhi khoa để được thăm khám kịp thời. 

Nhìn chung, trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều là tình trạng khá phổ biến, thậm chí trong một vài trường hợp còn có lợi. Mặc dù việc tiết nước bọt đáp ứng nhiều chức năng sinh lý quan trọng cho trẻ, nhưng cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời nhận ra nếu bé có dấu hiệu lạ. Đồng thời phải luôn giữ vệ sinh cẩn thận để tránh các viêm nhiễm cho bé. Hãy liên hệ hotline 19001806 để được tư vấn thêm. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

17,316

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám