Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z

Chế Thị Thùy Linh

18-08-2020

goole news
16

Bà nội bảo chăm bé thế này, bà ngoại lại nói ngày xưa mẹ chăm mày thế khác, thông tin trên mạng thì tràn lan nhưng đâu mới là thông tin chính xác? Lần đầu tiên làm mẹ biết bao bỡ ngỡ, vậy chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào mới đúng? Mẹ hãy cùng các chuyên gia Phương Đông gỡ rối nhé.

Những điều cần biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Khoảng thời gian một tuần đầu sau sinh rất quan trọng, tỷ lệ trẻ tử vong có thể lên tới 50% nếu không được chăm sóc đúng cách. Giai đoạn này hệ thống thần kinh của bé bị ức chế do ngủ nhiều, bé có thể ngủ từ 16-20 tiếng/ngày và chỉ thức dậy khi đói hoặc tã ướt. Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp trẻ hấp thụ được sữa non bổ dưỡng đồng thời kích thích sữa mẹ về.

Em bé sơ sinh cần được chăm sóc cẩn thận để đảm bảo sự phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần
Em bé sơ sinh cần được chăm sóc cẩn thận để đảm bảo sự phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần

Em bé sơ sinh cần được giữ ấm cơ thể. Nếu trẻ không có bệnh lý cần chăm sóc đặc biệt, hãy cho trẻ nằm với mẹ, nằm áp vào ngực mẹ theo tư thế Kangaroo để ủ ấm. Nếu không được bảo vệ khỏi sự mất nhiệt, nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh có thể giảm nhanh từ 0,2-1 độ C mỗi phút.

Mỗi gia đình lại có những kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh trong tháng khác nhau, tuy nhiên vẫn có một số nguyên tắc cần phải tuân thủ để đảm bảo sức khỏe cho bé. Cha mẹ có thể tham khảo một số kinh nghiệm chăm trẻ sơ sinh dưới đây để bé yêu luôn khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Với trẻ sơ sinh, việc chăm sóc rốn dễ làm các bố mẹ trẻ lúng túng nhất. Cuống rốn của trẻ sơ sinh là một vết thương hở, cần được chăm sóc cẩn thận nếu không sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu cho trẻ. 

Bố mẹ cần ghi nhớ những lưu ý khi chăm trẻ sơ sinh vùng rốn khi chưa rụng như sau:

  • Trước khi vệ sinh rốn cho trẻ, bạn cần rửa tay thật sạch, sát trùng tay bằng cồn 90°.
  • Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn của bé ra.
  • Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hay bất thường nào khác không.
  • Lau rốn bằng bông gòn với nước chín vô trùng, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
  • Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
  • Có thể để hở hoặc che bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
  • Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ thứ gì vấy bẩn vào vùng rốn.

Cuống rốn của trẻ sơ sinh là một vết thương hở nên cần được chăm sóc cẩn thận
Cuống rốn của trẻ sơ sinh là một vết thương hở nên cần được chăm sóc cẩn thận

Lưu ý quan trọng, nếu quan sát thấy rốn trẻ có những dấu hiệu bất thường như rỉ nước vàng, có mủ, có mùi hôi, chảy máu, rốn chưa rụng dù bé đã sinh được 3 tuần thì bố mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ ngay. Không nên tự ý bôi hoặc cho con uống thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Làn da của em bé sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên việc chăm sóc da cho bé cần được chú trọng không kém gì chăm sóc rốn. Một trong những kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh trong tháng đầu là nên chọn các sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm gội, kem dưỡng, kem chống hăm, nước giặt xả… có thành phần dịu nhẹ, an toàn, có tên tuổi uy tín, dành riêng cho trẻ sơ sinh. Ngay cả quần áo dành cho bé cũng nên chọn loại vải cotton, mềm mại, thấm mồ hôi tốt cộng thêm loại tã giấy có nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp bé hạn chế hăm tã.

Một số nguyên tắc chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ, khô ráo vùng cổ, nách, bẹn và các vùng khớp chân tay, nhất là với các em bé trộm vía bụ bẫm để phòng tránh hăm da.

Ba mẹ cần luôn giữ cho da bé có độ ẩm thích hợp bằng cách thoa kem dưỡng da ở những vùng da khô hay bong tróc cho bé. Chú ý thay tã thường xuyên, rửa sạch vùng mang tã với chất làm sạch dịu nhẹ và lau khô cho bé trước khi mặc tã mới. 

Trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt nên bố mẹ cần giữ bé tránh xa khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm. Dùng các sản phẩm chăm sóc da, tóc dịu nhẹ, không gây cay mắt. 

Bạn nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày để con có đủ lượng vitamin D cần thiết cho quá trình phát triển. Phơi nắng cho trẻ sơ sinh còn là cơ hội cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nâng cao sức đề kháng. Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh không nên để mắt bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Theo dõi tình trạng vàng da của trẻ sơ sinh

Vàng da có hai dạng là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, khoảng 30% trẻ sinh đủ tháng và gần 100% trẻ sinh non, nặng dưới 1,5kg bị vàng da.

Trẻ sơ sinh bị chẩn đoán vàng da bệnh lý cần được chiếu đèn để điều trị
Trẻ sơ sinh bị chẩn đoán vàng da bệnh lý cần được chiếu đèn để điều trị

Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh chỉ được coi là vàng da sinh lý tại thời điểm được khám nếu: Vàng da xuất hiện sau sinh 24 giờ, mức độ vàng da nhẹ (chỉ ở vùng mặt, cổ, ngực). Trẻ chỉ vàng da và không có các triệu chứng bất thường như thiếu máu, bỏ bú, lừ đừ… Bé bị vàng da và hết trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.

Khi trẻ có bất thường với một hoặc vài yếu tố kể trên thì có thể đó là vàng da bệnh lý, bé cần được bác sĩ khám, theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh chỉ có thể điều trị được các trường hợp vàng da nhẹ nhưng sẽ giúp bạn theo dõi mức độ vàng da của bé dễ dàng hơn.

Tiêm phòng cho bé sơ sinh

Một trong những lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh quan trọng là tiêm phòng cho trẻ. Bạn hãy tìm hiểu trẻ cần phải chích ngừa những vắc xin gì và chích như thế nào. Hãy cố gắng ghi nhớ lịch tiêm chủng cho bé tiêm phòng đầy đủ, đúng hẹn để giúp trẻ tránh được nhiều bệnh dịch nguy hiểm.

Các mũi tiêm quan trọng cho trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Mũi tiêm viêm gan B giúp trẻ chống lại virus viêm gan B
  • Mũi tiêm DTaP giúp bảo vệ trẻ trước các bệnh bệnh bạch hầu, bệnh uốn ván, bệnh ho gà.
  • Mũi tiêm MMR giúp chống lại ba loại virus: sởi, quai bị và rubella.
  • Mũi tiêm thủy đậu.
  • Vắc xin Haemophilus cúm B (Hib) gây viêm màng não
  • Mũi tiêm phòng bệnh bại liệt (IPV)
  • Mũi tiêm bệnh bại liệt (IPV) giúp trẻ sơ sinh chống lại 13 loại vi khuẩn như bệnh viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm trùng tai,...

Theo dõi thân nhiệt cho trẻ

Bạn nên mua một nhiệt kế để đo nhiệt độ cho trẻ bất cứ lúc nào. Khi thấy bé nóng sốt, bạn nên đo nhiệt độ cho bé trước khi cân nhắc đến việc có nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt hay không. Tùy theo thân nhiệt của bé, bạn có các điều chỉnh việc chăm sóc bé cho phù hợp:

  • Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5 - 37,5°C.
  • Nếu thân nhiệt của bé thấp hơn 36,5°C, bạn cần ủ ấm cho bé ngay.
  • Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 37,5°C, bạn nên bỏ bớt khăn, mền, cởi bớt quần áo, mũ, bao chân bao tay, cho bé bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ của bé thật kỹ.
  • Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 38°C, bé đã bị sốt. Cha mẹ làm như trên, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng và nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.

Trẻ sơ sinh cần được bố mẹ theo dõi thân nhiệt thường xuyên
Trẻ sơ sinh cần được bố mẹ theo dõi thân nhiệt thường xuyên

Khi đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh, bạn cần lưu ý đến vị trí lấy nhiệt độ của bé:

  • Ở nách: Lau khô nách trước khi đo, ép sát khuỷu tay của trẻ vào ngực để giữ nhiệt kế trong 4-5 phút.
  • Ở hậu môn: Cho trẻ nằm sấp vào lòng. Thoa chất bôi trơn (như vaseline) vào phần cuối nhiệt kế. Đặt nhiệt kế vào hậu môn bé tới khi không còn thấy phần đuôi bạc, giữ nguyên nhiệt kế từ 1-2 phút.

Tái khám định kỳ cho trẻ

Trẻ sơ sinh cần được thăm khám sức khỏe định kỳ theo các mốc: 1 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng tuổi. Đây là việc làm quan trọng để theo dõi sức khỏe của bem bé đồng thời đảm bảo cho trẻ phát triển tốt cả về thể chất, trí não lẫn tâm sinh lý. Bởi vậy cha mẹ nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa nhi để thăm khám cho bé.

Những điều không nên làm với trẻ sơ sinh

Ngoài những thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh đã nêu trên, cha mẹ cũng cần lưu ý một số việc không nên làm với em bé như sau:

Không cho em bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước

Trên thực tế, rất nhiều gia đình đang có thói quen cho em bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước để đỡ khát hoặc tráng miệng cho bé. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe của trẻ.

Cụ thể, việc cho trẻ sơ sinh uống nước khiến bé dễ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng hơn. Nguyên nhân là do nguồn nước có thể chứa vi khuẩn gây hại gây nhiễm trùng đường ruột. Bên cạnh đó, dạ dày của em bé sơ sinh vốn dĩ chỉ có dung tích nhỏ, bởi vậy việc cho bé uống thêm nước sẽ làm cho bé bị no và ít hoặc ngừng bú sữa mẹ. Tình trạng này kéo dài khiến bé kém hấp thu dưỡng chất kém và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, việc cho bé uống thêm nước sau mỗi cữ bú cũng dễ khiến bé bị trớ hay bị sặc. Bên cạnh đó, việc các bà mẹ cho con uống nước thay vì bú cũng dễ khiến nguồn sữa mẹ bị ít đi trong tương lai.

Trẻ sơ sinh chỉ cần bổ sung thêm nước khi được trên 6 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh chỉ cần bổ sung thêm nước khi được trên 6 tháng tuổi

Theo nghiên cứu khoa học, sữa mẹ chứa hơn 80% là nước, đặc biệt là sữa đầu dòng (tức sữa đầu mỗi cữ bú). Do đó, bất cứ khi nào cảm thấy con mình khát, các chị em có thể cho con bú. Điều này không chỉ thỏa mãn “cơn khát” của bé mà còn giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Theo khuyến cáo của WHO, em bé sơ sinh không cần uống thêm nước trước khi được 6 tháng tuổi, ngay cả khi đang sống trong điều kiện khí hậu nóng.

Không quấn tã quá kín

Việc quấn tã quá kín cho em bé sơ sinh sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của da. Bởi da được bao bọc quá kín nên những chất thải tiết ra từ cơ thể của trẻ sơ sinh cùng với mồ hôi sẽ không thoát được ra ngoài. Phần lớn những chất thải đó đều chứa nhiều CO2 - một chất không có lợi cho sự phát triển da của trẻ. Như vậy, trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nếu người lớn không chú ý, da của trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Không rung lắc để ru trẻ sơ sinh ngủ

Việc rung lắc trẻ khi nựng hay lúc ru ngủ hoặc khi dỗ dành trẻ là thói quen cực xấu mà không ít phụ huynh mắc phải do họ lầm tưởng làm vậy em bé sẽ thích. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, việc rung lắc trẻ càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại não trẻ, thậm chí là tử vong do dập não, phù, chảy máu trong não.

Những tổn thương kể trên tại não có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây. Đáng chú ý, chúng rất khó phát hiện, trừ trường hợp nặng. Nếu ít ảnh hưởng hơn, trẻ cũng có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém hay rối loạn hành vi nghe, nói, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng và nhận thức,....

Tránh để trẻ sơ sinh nằm cùng cha mẹ

Rất nhiều gia đình trẻ hiện nay đang có thói quen để con nằm giữa khi ngủ. Các chuyên gia cho biết điều này là hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của một em bé sơ sinh. Nguyên nhân là do người lớn cần nhiều  oxy hơn so với trẻ nhỏ. Do vậy trong quá trình ngủ, nếu để trẻ nằm giữa, trẻ sẽ khó thở vì không lấy được oxy.

Bên cạnh đó, lượng CO2 do người lớn thải ra khi ngủ nếu không thoát được ra bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bé sơ sinh luôn bất an, ngủ không ngon giấc, thậm chí quấy khóc nhiều lúc nửa đêm.

Trẻ sơ sinh nên được nằm nôi thay vì ngủ cùng ba mẹ
Trẻ sơ sinh nên được nằm nôi thay vì ngủ cùng ba mẹ

Hạn chế việc sử dụng chất tẩy để giặt quần áo cho trẻ

Trong hầu hết các loại nước giặt đều chứa nhiều sulfonate alkyl benzen và vài chất hóa học khác. Những chất này đều có thể tác động không tốt cho da em bé sơ sinh. Cụ thể, nếu các mẹ giặt không sạch da của trẻ sẽ bị nhiễm độc và dị ứng. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên dùng các chất này để giặt quần áo cho trẻ.

Không đặt hoa trong phòng ngủ của trẻ

Trẻ sơ sinh rất dễ bị dị ứng phấn hoa. Ngoài ra, trong một số loài hoa cũng có chứa độc tố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, chẳng hạn như lá và hoa trúc đào; hoa đinh hương, hoa nhài mới mùi hương mạnh cũng sẽ gây dị ứng,...Do vậy, ba mẹ không nên để hoa trong phòng ngủ của trẻ, nhất là những bé sơ sinh.

Không tắm quá kỹ cho trẻ

Da của trẻ rất mỏng nên vô cùng nhạy cảm. Bên cạnh đó dưới da em bé sơ sinh còn có rất nhiều mạch máu. Như vậy,nếu tắm cho trẻ quá kỹ bằng xà phòng chứa chất kiềm mạnh có thể khiến da bé bị mẩn đỏ và giảm chức năng bảo vệ.

Ngoài ra, trong cách chăm bé sơ sinh, mẹ cũng không nên tắm cho con trước khi đi ngủ. Theo ý giải của các chuyên gia, điều này rất dễ khiến bộ não của trẻ hưng phấn nên ham vui chơi, hoạt động nhiều hơn thay vì đi vào giấc ngủ. Thời điểm tắm cũng sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể của em bé và làm chậm quá trình giải phóng hormone. Đặc biệt, sau khi tắm dù đã người bé đã được lau khô nhưng phần đầu vẫn có nguy cơ cao bị nhiễm lạnh, khiến trẻ dễ bị ốm.

Việc tắm quá kỹ có thể gây hại cho làn da vốn rất nhạy cảm của trẻ sơ sinh
Việc tắm quá kỹ có thể gây hại cho làn da vốn rất nhạy cảm của trẻ sơ sinh

Tuy nhiên, các ba mẹ cần lưu ý, việc tắm cho trẻ mỗi ngày cũng là cách để làm sạch cơ thể bé cực tốt. Việc làm này còn cho phép bé cảm nhận được sự kích thích giác quan, hỗ trợ nhận thức và thúc đẩy sự phát triển trí não của bé. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cũng nên lưu ý 2 điểm sau:

  • Không tắm cho bé sơ sinh quá 15 phút đồng thời nhiệt độ nước không quá nóng quá lạnh để đảm bảo bé không cảm lạnh.
  • Trong quá trình tắm, sự tương tác giữa mẹ và em bé là cần thiết và quan trọng. Việc tiếp xúc da, trò chuyện khi tắm được xem là sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái sâu sắc hơn, từ đó tăng cảm giác an toàn cho bé.

Nếu chỉ đọc cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z như vậy thì thấy khá nhiều bước phức tạp, tuy nhiên trong quá trình chăm sóc hàng ngày bố mẹ sẽ hiểu việc này không hề khó. Hơn thế nữa, với tình yêu thương sẵn có, chắc chắn bố mẹ sẽ tự biết xử trí phù hợp, hiểu rõ những điều nào là cần thiết và tốt nhất cho con. Nếu còn thắc mắc hoặc cần biết thêm về kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ hãy liên hệ ngay hotline 19001806 để được tư vấn miễn phí.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
10,560

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám