Nguyên nhân gây bệnh u nguyên bào võng mạc và một số triệu chứng thường gặp

Thu Hiền

15-09-2023

goole news
16

Bệnh u nguyên bào võng mạc là một khối u ác tính ở nội nhãn và thường xuất hiện ở trẻ nhỏ ngay sau khi sinh. Bệnh này chiếm khoảng 3% trong số tất cả các bệnh khối u ở trẻ em. Khối u bắt nguồn từ các tế bào võng mạc, là nơi tiếp nhận ánh sáng có thể giúp mắt nhìn thấy được tất cả sự vật. Dấu hiệu xuất hiện đầu tiên và thường thấy nhất chính là ánh đồng tử trắng, hay còn gọi là ánh mắt mèo. Vậy u nguyên bào võng mạc là bệnh như thế nào, nguyên do gây bệnh và có thể điều trị khỏi hoàn toàn không? 

U nguyên bào võng mạc là gì?

U nguyên bào võng mạc hay còn được biết đến là ung thư võng mạc (UNBVM), là một trong những bệnh lý ác tính nguy hiểm hàng đầu trong các bệnh khối u ở trẻ em. Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở các trẻ nhỏ, trong đó có khoảng 95% bé dưới 5 tuổi bị mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh được các bác sĩ ghi nhận là từ 1/15000 đến 1/18000 trẻ sau sinh. Ở miền Bắc Việt Nam mỗi năm có khoảng từ 40 đến 50 bé được chẩn đoán là mắc phải bệnh u nguyên bào võng mạc mắt. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và chữa trị đúng lúc thì khối u sẽ phát triển rất nhanh, nó không chỉ khiến người bệnh mất thị lực mà còn có nguy cơ sẽ di căn đến những bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như tủy xương, xương, hệ thần kinh trung ương và gây tác động đến tính mạng. 

Biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện ở một bên mắt (chiếm 60%) hoặc cả hai bên mắt (chiếm 40%), có khả năng di truyền hoặc không di truyền, mang tính chất gia đình hoặc chỉ ở cá thể riêng lẻ. 

Hình ảnh trẻ bị u nguyên bào võng mạcHình ảnh trẻ bị u nguyên bào võng mạc

Triệu chứng thường gặp của u nguyên bào võng mạc

Dấu hiệu lâm sàng điển hình và thường thấy nhất chính là ánh đồng từ trắng, hay còn được gọi là mắt mèo, với biểu hiện là ở giữa đồng tử (tức là lòng đen của mắt) có đốm trắng. Ban đầu, ánh đồng tử trắng sẽ không thể nhìn thấy thường xuyên mà chỉ có thể nhận thấy ở một vài góc độ hoặc dưới một vài điều kiện ánh sáng như khi chụp ảnh dưới ánh đèn flash. 

Hơn thế nữa, một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện như bị lé hay lác mắt, thị lực suy giảm khiến cho bé dễ vấp ngã mỗi khi di chuyển, khó lấy đồ vật hơn. Bên cạnh đó, còn có một số biểu hiện khác ít gặp hơn, ví dụ như lồi mắt, mắt bị sưng đỏ, mắt xuất ngoại (chỉ xảy ra khi phát hiện muộn). Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua việc soi vào đáy mắt (nếu trẻ không chịu phối hợp thì có thể gây mê), chụp cộng hưởng từ hốc mắt - sọ não, siêu âm mắt, xét nghiệm tìm gen đột biến và tư vấn di truyền. 

Phân loại bệnh lý u nguyên bào võng mạc mắt

Tùy thuộc vào kích thước và triệu chứng lan tỏa tại chỗ u nguyên bào võng mạc mắt mà nội nhãn sẽ được phân loại như dưới đây: 

  • Nhóm A (nhóm khả năng rất thấp): u nhỏ hơn hoặc bằng 3mm, cách đĩa thị  > 1,5mm và cách hoàng điểm > 3mm. 
  • Nhóm B (nhóm khả năng thấp): u ở võng mạc không thuộc nhóm A, quầng thị ở dưới võng mạc thì nhỏ hơn hoặc bằng 3mm. 
  • Nhóm C (nhóm khả năng trung bình): u lưu trú tại chỗ ở võng mạc và bắt đầu reo rắc khu trú ở trong dịch kính hoặc ở dưới võng mạc. 
  • Nhóm D (nhóm khả năng cao): u bắt đầu lan tỏa ở võng mạc và reo rắc dần dần ở trong dịch kính hoặc ở dưới võng mạc. 
  • Nhóm E (nhóm nguy cơ rất cao): u lớn bắt đầu có dấu hiệu phá hủy chức năng và cấu trúc của mắt (u đã lớn hơn 1/2 nhãn cầu, u xuất hiện ở bán cầu phần trước, có triệu chứng hoại tử u, xuất huyết nội nhãn, viêm tổ chức ở hốc mắt,...).
  • U hai bên: u xuất hiện ở cả hai bên mắt. 
  • U ba bên: hay còn gọi là trilateral, u nguyên bào võng mạc mắt ở 1 hoặc 2 bên mắt kết hợp với u nội sọ có cùng tính chất. 
  • U di căn: u đã xâm lấn hạch cổ, hốc mắt hặc bắt đầu di căn xa vào trong xương, tủy xương và hệ thần kinh trung ương. 

Bệnh u nguyên bào võng mạc mắt được phân loại thành nhiều nhóm khác nhauBệnh u nguyên bào võng mạc mắt được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau

Nguyên nhân khởi phát u nguyên bào võng mạc

Căn bệnh này có thể bắt nguồn từ sự di truyền. Sự di truyền chủ yếu là loại di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường nhưng nó lại không biểu hiện kiểu hình không rõ ràng, bởi các biểu hiện lâm sàng không phải lúc nào cũng xuất hiện ở những người có gen đột biến gây ra bệnh. Có khoảng 25% người bệnh có khối u nguyên bào võng mạc ở 2 bên mắt (thường là do di truyền), khoảng 15% người bệnh có u võng mạc ở 1 bên mắt do di truyền và 60% còn lại có u ở 1 bên mắt nhưng lại không phải do sự di truyền. 

Ngoài ra, bệnh có thể khởi phát là do sự đột biến gen RB1 ở nhiễm sắc thể số 13. Sinh bệnh học của di truyền có thể liên quan đến sự hoạt động đột biến của cả 2 allene ở gen ức chế u nguyên bào võng mạc mắt, RB1, nằm ở nhiễm sắc thể 13q14. Ở dạng di truyền, sẽ có một đột biến dòng mầm làm thay đổi 1 allene của tất cả các tế bào và 1 đột biến soma, tiếp theo, sẽ làm thay đổi allene khác của các tế bào võng mạc (là lần tấn công thứ 2 của mô hình 2 lần tấn công này), từ đó dẫn đến tình trạng ung thư. Ở dạng không phải do di truyền, có thể do sự đột biến thể khảm của cả 2 allene bên trong tế bào võng mạc. Cho dù thuật ngữ “lẻ tẻ: có thể được sử dụng nhằm miêu tả các dạng u nguyên bào võng mạc không do di truyền, nhưng xét về mặt kỹ thuật, thuật ngữ này lại là một cách gọi không đúng bởi có nhiều trường hợp lẻ tẻ là do sự đột biến dòng mầm nouvo và cũng thể di truyền. 

Có khoảng 60% ca bệnh u nguyên bào võng mạc không phải do sự di truyền, có thể xuất hiện do sự đột biến gen RB1 của nhiễm sắc thể thứ 13Có khoảng 60% ca bệnh u nguyên bào võng mạc không phải do sự di truyền, có thể xuất hiện do sự đột biến gen RB1 của nhiễm sắc thể thứ 13

Biến chứng có thể gặp của u nguyên bào võng mạc

Nếu các bé mắc phải căn bệnh này mà không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nó sẽ phát triển rất nhanh to dần lên, sau đó bắt đầu xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác. Từ đó, có thể khiến bệnh nhân mất đi thị lực hoàn toàn, phải chịu nhiều đau đớn trên nhiều bộ phận, hoặc thậm chí có thể gây tử vong. 

Chính vì vậy bố mẹ nên quan sát những biểu hiện khác thường của trẻ cũng như đưa bé đến khám tại Khoa nhi có chất lượng tốt để kịp thời phát hiện bệnh, không bị những biến chứng nguy hiểm.

Cách điều trị u nguyên bào võng mạc

Sau đây là một số phương án điều trị bệnh ung thư võng mạc cho trẻ thường được áp dụng nhất: 

Hóa trị liệu toàn thân

Bệnh ung thư võng mạc mắt rất nhạy cảm với các loại hóa chất, do đó bác sĩ sẽ chỉ định hóa chất tân bổ trợ nhằm có thể làm giảm kích thước của khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa trị tại chỗ một cách hiệu quả hoặc thực hiện phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu an toàn. Một số loại hóa chất thường được áp dụng như topotecan, cisplatin, etoposide, cisplatin, ifosphamid, vincristine và doxorubicin. Phương án hóa trị liệu toàn thân nhằm tăng khả năng bảo tồn thị lực và nhãn cầu. Ngoài ra, nó cũng có thể được chỉ định ngay sau khi phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu cho các người bệnh nào có nguy cơ phải làm giải phẫu để làm giảm tỷ lệ tái phát, đồng thời còn ở các người bệnh đang ở giai đoạn di căn với mục đích tăng tỷ lệ sống sót. 

Điều trị tại chỗ

  • Tiêm hóa chất cho động mạch mắt: phương án này sẽ làm giảm bớt các tác dụng phụ của biện pháp hóa chất toàn thân và cho phép có thể đưa liều hóa chất cao trực tiếp tập trung vào khối u. Sau khi đã gây mê toàn thân, một catheter sẽ được đưa vào trong động mạch bẹn lên tận động mạch ở mắt, sau đó là các hóa chất topotecan melphalan và carboplatin sẽ được truyền qua catheter đó trong khoảng 30 phút. Chỉ được áp dụng khi bắt đầu xuất hiện các biến chứng như bong võng mạc, sụp mí, phù nề quanh hốc mắt, xuất huyết dịch kính, tổn thương mạch máu,...
  • Tiêm hóa chất nội nhãn: được áp dụng kết hợp với phương án tiêm hóa chất động mạch mắt hoặc hóa chất toàn thân đối với các trường hợp tái phát reo rắc dịch kính hoặc không đáp ứng điều trị, có thể làm giảm tỷ lệ xạ trị hốc mắt. 
  • Xạ trị áp sát: áp dụng đĩa xạ trị với l-125 được đặt tại vị trí của khối u với liều xạ trị 40-45 Gy. Tuy nhiên, phương pháp này không thể hiệu quả đối với các trường hợp có khối u cực sau, nhiều u, u to và reo rắc trong dịch kính. 
  • Lạnh đông hoặc Laser nhiệt: được áp dụng để chữa trị các khối u nhỏ có đường kính dưới 6mm và bề dày nhỏ hơn 3mm, có thể được kết hợp với hóa chất toàn thân. Các biến chứng có thể xảy ra như tắc mạch võng mạc, co kéo võng mạc, bong võng mạc và xuất hiện dịch kính. 
  • Phẫu thuật bỏ nhãn cầu: thường chỉ được sử dụng cho các bệnh nhóm E và một số ca ở nhóm D có khối u to và không có khả năng có thể bảo tồn thị lực. Trong quá trình phẫu thuật, bé sẽ được đặt bị tại hốc mắt và sau khoảng 6 tuần, các mô liên kết hốc mắt đã tái tạo thì sẽ lắp mắt giả vào. 
  • Xạ trị ngoài: hiện nay, phương pháp này ít được sử dụng do các phương án điều trị tại chỗ khác đem lại sự hiệu quả nhất định cũng như tỷ lệ gây ung thư thứ phát ở những người bệnh có đột biến gen RB1 giảm. 

Hóa trị liệu toàn thân được áp dụng cho quá trình điều trị ung thư võng mạcHóa trị liệu toàn thân được áp dụng cho quá trình điều trị ung thư võng mạc

Hy vọng rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho mọi người. Nếu bố mẹ nhận thấy con đang có một số dấu hiệu được đề cập phía trên thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác, phát hiện bệnh sớm và được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, còn có thể hạn chế những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tái phát trong tương lai. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
833

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám