Viêm cơ tim virus: Cách điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm

Nguyễn Phương Thảo

23-11-2024

goole news
16

Viêm cơ tim virus là một bệnh lý có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tim, thường xuất hiện sau khi cơ thể bị nhiễm virus. Tuy không phải là bệnh phổ biến, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm cơ tim có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây để nhận biết và xử lý kịp thời bệnh viêm cơ tim do virus.

Khái quát về viêm cơ tim virus

Viêm cơ tim là một quá trình viêm của cơ tim với tình trạng tổn thương cục bộ hoặc lan tỏa của cả tim

Viêm cơ tim là một quá trình viêm của cơ tim với tình trạng tổn thương cục bộ hoặc lan tỏa của cả tim

Viêm cơ tim virus là một tình trạng viêm, hoại tử hay ly giải của tế bào cơ tim mà virus được cho là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Về mặt lâm sàng, viêm cơ tim có thể biểu hiện dưới dạng quá trình cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính. Quá trình bệnh lý này có ảnh hưởng tới cơ tim kèm hoặc không kèm theo các triệu chứng toàn thân, thường gặp nhất là mệt mỏi, khó chịu, đau ngực, suy tim sung huyết (CHF), sốc tim, loạn nhịp tim và nguy hiểm nhất là ngừng tim.  

Bệnh nhân bị viêm cơ tim virus nhẹ thường có tiên lượng tốt. Phân suất tống máu thấp, block nhánh trái và ngất là một trong các dấu hiệu cho thấy tiên lượng kém. Sốc tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Trong một nghiên cứu, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân là 93% sau 11 năm đã được chứng minh. Tiên lượng dài hạn cũng những người mắc bệnh ít nghiêm trọng nhìn chung là tốt, tỷ lệ sống sót sau 3-5 năm là 56% - 83%. 

Nguyên nhân gây viêm cơ tim virus

Viêm cơ tim được cho là nhiều nguyên nhân truyền nhiễm và không truyền nhiễm gây ra. Tuy nhiên, virus gây viêm cơ tim vẫn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, cụ thể: 

  • Cytomegalovirus (CMV): Bao gồm các virus Herpes simplex, virus Epstein-Barr, virus Varicella-Zoster (nguyên nhân gây bệnh thuỷ đậu và zona). Thông thường CMV vẫn có thể tồn tại trong cơ thể con người nhưng chúng hoàn toàn vô hại, tuy nhiên trong một số ít trường hợp chúng có thể gây ra nhiễm trùng các cơ quan, trong đó bao gồm viêm cơ tim. Những virus này lây lan thông qua dịch thể của người bệnh hoặc di truyền từ mẹ sang con khi mang thai. 
  • Adenovirus: Là virus phổ biến nhất gây nên bệnh viêm cơ tim cho cả người lớn lẫn trẻ em. Bên cạnh đó, virus adenovirus này cũng có thể gây nên các bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hoá và viêm bàng quang thông qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và họng của người bệnh. 
  • Enteric Cytopathic Human Orphan Virus (ECHO): Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiêu hoá và phát ban trên da. Trong một số trường hợp virus này có thể gây nên viêm cơ tim cấp thông qua việc tiếp xúc với phân, giọt bắn lơ lửng trong không khí của người bệnh. 
  • Coxsackievirus B: Virus Coxsackievirus B là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh, chiếm 50% các ca bệnh viêm cơ tim cấp tại Mỹ. Chúng có thể dẫn đến bệnh cúm, tấn công thẳng vào tim, gây nhiễm trùng kéo dài 2-10 ngày. Mặc dù không gây tử vong nhưng cũng để lại nhiều biến chứng nặng nề, đặc biệt là khi tái phát lần thứ 2. 
  • Rubella: Đối với những phụ nữ khi mang thai mắc bệnh rubella thường gặp nguy cơ sảy thai, thai lưu và con bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với người bình thường khi bị mắc bệnh. Khi virus tấn công trực tiếp vào tim, nó có thể gây bệnh viêm cơ tim cấp vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay đã có vaccine phòng bệnh rubella được khuyến cáo sử dụng cho mọi phụ nữ trước khi mang bầu và sinh con. 
  • Human parvovirus B19: Virus này lây truyền thông qua nước bọt và dịch tiết đường hô hấp. Vì thế khi bạn tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh cần phải đeo khẩu trang cẩn thận, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ để giảm sự phát tán của virus.

Triệu chứng của bệnh viêm cơm tim virus 

Đối với người bị mắc bệnh, ở giai đoạn đầu thường chưa có triệu chứng cụ thể và rõ ràng, thường sẽ chỉ xuất hiện các dấu hiệu như sốt, nhức mỏi cơ thể, đau họng, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, nôn, tiêu chảy. 

Đau tức ngực là một trong những dấu hiệu phổ biến của người bệnh bị viêm cơ tim virus

Đau tức ngực là một trong những dấu hiệu phổ biến của người bệnh bị viêm cơ tim virus

Sau khi xuất hiện các triệu chứng viêm cơ tim:

  • Khó thở khi ngủ nghỉ hay vận động, đau tức ngực;
  • Hạ huyết áp; 
  • Trống ngực đánh liên hồi, cảm thấy hồi hộp; 
  • Nghe thấy tiếng ngựa phi, tiếng thổi của tâm thu ở mỏm tim do hở van 2 lá cơ năng của buồng thất trái giãn. 

Khi tình hình viêm cơ tim trở nên nghiêm trọng hơn: 

  • Nhịp tim đập loạn xạ, nhanh chậm không đều; 
  • Khó thở; 
  • Chân tay sưng phù do bị ứ dịch; 
  • Mệt mỏi, không muốn cử động tay chân. 

Cách chẩn đoán bệnh viêm cơ tim virus 

Trên thực tế, bác sĩ rất khó để chẩn đoán được bệnh viêm cơ tim virus nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu giai đoạn đầu. Nhiều phương tiện cận lâm sàng thường hay được sử dụng để thiết lập chẩn đoán chính xác chẳng hạn: 

  • Chụp X-quang ngực; 
  • Xét nghiệm BNP/NT - proBNP (Brain Natriuretic Peptide/N-terminal pro-B-type natriuretic Peptide) nhằm phát hiện, chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh; 
  • Điện tâm đồ; 
  • Men tim; 
  • Siêu âm tim: Đánh giá chức năng co bóp thất trái bất thường cử động thành thất/vách liên thất, hở van hai lá và tràn dịch màng tim. Đồng thời loại trừ những bệnh tim mạch không viêm như bất thường mạch vành trái từ động mạch phải (Anomalous Left Coronary Artery From the Pulmonary Artery), loại trừ các bệnh lý liên quan đến van tim có biểu hiện tượng tự.
  • Sinh thiết nội mô cơ tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim, tuy nhiên độ nhạy biến vẫn chưa được đánh giá cao. 
  • Cấy virus từ mẫu sinh thiết giúp xác định nguyên nhân gây viêm cơ tim. Tuy nhiên, cách thức này hiếm khi dương tính, đặc biệt nếu lấy mẫu giai đoạn muộn của bệnh.  

Virus viêm cơ tim có lây không? 

Virus gây viêm cơ tim không lây trực tiếp từ người này sang người khác như các bệnh truyền nhiễm thông thường. Tuy nhiên, một số loại virus gây viêm cơ tim, chẳng hạn như Coxsackievirus B hoặc Adenovirus, có khả năng lây qua đường hô hấp, tiếp xúc hoặc tiêu hóa. Khi một người nhiễm loại virus này, virus có thể xâm nhập vào cơ tim và gây viêm, tùy thuộc vào khả năng miễn dịch và cơ địa của người bệnh.

Dù hai loại virus điển hình trên có thể lây lan, tuy nhiên không phải ai nhiễm virus cũng phát triển thành viêm cơ tim. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng miễn dịch, mức độ virus xâm nhập và cơ địa từng người.

Tham khảo: 

Cách điều trị cho bệnh nhân viêm cơ tim virus

Viêm cơ tim virus là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời và chính xác để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phương pháp điều trị thường phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và các triệu chứng đi kèm:

  • Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc thường được sử dụng gồm thuốc lợi tiểu (giảm gánh nặng cho tim), thuốc chẹn beta (giảm nhịp tim và huyết áp), và thuốc chống đông máu (ngăn ngừa hình thành cục máu đông). Đôi khi, thuốc chống virus có thể được kê nếu nguyên nhân do một loại virus cụ thể đã được xác định.  

Người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo sử dụng các loại thuốc điều trị có chỉ định rõ ràng

Người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo sử dụng các loại thuốc điều trị có chỉ định rõ ràng

  • Điều chỉnh lối sống: Bao gồm việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng bằng cách xây dựng kế hoạch ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, trái cây. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối hoặc chất béo bão hòa. Uống đủ nước và tránh đồ uống kích thích như cà phê, rượu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng sức khoẻ. Quan trọng nhất là phải luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan vui vẻ và thoải mái trong quá trình chữa bệnh thông qua việc ngồi thiền, hít thở sâu hoặc nghe nhạc thư giãn.  
  • Can thiệp và điều trị đặc biệt: Đối với các trường hợp virus gây viêm cơ tim nặng, bệnh nhân có thể cần cấy ghép máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim để kiểm soát rối loạn nhịp tim. Hoặc trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và bệnh nhân ở giai đoạn cuối của suy tim, ghép tim là giải pháp cuối cùng.

Biện pháp phòng ngừa virus viêm cơ tim

Viêm cơ tim do virus là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa chi tiết:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa được vệ sinh để giảm nguy cơ đưa virus vào cơ thể.
  • Sử dụng khẩu trang khi đến nơi đông người để hạn chế hít phải giọt bắn chứa virus.
  • Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm mốc.
  • Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến nghị. Tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm cơ tim.
  • Ăn uống cân đối, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và thực phẩm giàu vitamin để tăng cường hệ miễn dịch. Uống đủ nước và ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi và bảo vệ tốt hơn trước các loại virus.
  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia vì chúng làm suy giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về tim mạch. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus (như sốt, đau cơ, khó thở), hãy đi khám bác sĩ kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
  • Nắm rõ các triệu chứng của bệnh để có biện pháp can thiệp sớm.

Các biện pháp trên không chỉ giúp phòng ngừa viêm cơ tim mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình là bước quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống.

Liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được các bác sĩ tư vấn và thăm khám trực tiếp sớm nhất.

Kết luận 

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh viêm cơ tim virus hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt. Việc xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường sức đề kháng và tuân thủ các biện pháp phòng tránh virus là điều cần thiết để bảo vệ trái tim bạn. Hãy lắng nghe cơ thể, thăm khám kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng bất thường và luôn chủ động chăm sóc sức khỏe tim mạch của mình.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
60

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám