Viêm gai lưỡi là gì?
Viêm gai lưỡi là hiện tượng các gai lưỡi (hay nhú lưỡi) trên bề mặt lưỡi bị viêm, gây sưng đỏ, đau rát, xuất hiện đốm trắng hoặc thay đổi màu sắc. Tình trạng này không gây nguy hiểm cho sức khỏe, song có thể cản trở hoạt động sinh hoạt thường ngày như ăn uống và giao tiếp.

Viêm gai lưỡi là tình trạng bề mặt lưỡi bị viêm, sưng và đau rát
Trên phương diện giải phẫu học, lưỡi người được bao phủ bởi các loại gai khác nhau gồm:
- Gai dạng chỉ (filiform papillae): Trên toàn bộ bề mặt lưỡi, tạo ma sát, không chứa tế bào vị giác.
- Gai dạng nấm (fungiform papillae): Rải rác ở giữa các gai chỉ. Đặc biệt là ở đầu lưỡi, cảm nhận được vị ngọt, mặn, chua.
- Gai dạng lá (foliate papillae): Nằm ở hai bên lưỡi, giúp cảm nhận vị chua.
- Gai dạng đài (circumvallate papillae): Gần gốc lưỡi, xếp theo hình chữ V ngược, có tác dụng cảm nhận vị đắng.
Trong đó viêm gai lưỡi dạng chỉ phổ biến nhất do dễ bị kích thích và tổn thương bởi các yếu tố ngoại sinh. Khi viêm các gai này dễ bị phì đại, tạo thành các chấm nhỏ màu đỏ hoặc trắng trên bề mặt lưỡi.
Hình ảnh viêm hai lưỡi theo các cấp độ
Để kịp thời phát hiện, can thiệp điều trị gai lưỡi bị viêm nhiễm bạn cần quan sát dựa trên hình ảnh ở hai trạng thái bình thường và bất thường. Dưới đây là các cấp độ mà bạn có thể theo dõi:
Hình ảnh gai lưỡi bình bình thường
Gai lưỡi có cấu trúc nhỏ, hình nấm, chứa các nụ vị giác giúp cảm nhận hương vị đồ ăn, nước uống. Ở trạng thái bình thường các nhú lưỡi có màu hồng nhạt, phân bổ đều trên các bề mặt lưỡi.

Hình ảnh nhú lưỡi bình thường, không có mảng trắng hay vết loét
Hình ảnh viêm gai lưỡi giai đoạn 1
Gai lưỡi viêm nhiễm giai đoạn đầu sẽ có biểu hiện sưng nhẹ, sắc đỏ hơn bình thường. Một số vùng gai có thể nhạy cảm, rát hoặc đau nhức khi ăn uống.

Giai đoạn 1 bề mặt lưỡi xuất hiện các vùng ửng đỏ khu trú nhưng chưa lan rộng
Hình ảnh viêm gai lưỡi giai đoạn 2
Chuyển sang giai đoạn 2 tình trạng viêm chuyển biến rõ rệt hơn với nhiều gai lưỡi phì đại, có màu đỏ đậm hoặc hồng sẫm. Trên bề mặt lưỡi có thể xuất hiện các mảng trắng, màu vàng hoặc vết loét nhỏ.

Gai lưỡi viêm độ 2 khiến người bệnh cảm thấy đau rát rõ rệt khi ăn đồ cay nóng, tính axit cao
Hình ảnh viêm gai lưỡi giai đoạn 3
Tình trạng viêm nhiễm lan rộng trên bề mặt lưỡi, các gai lưỡi có thể bị teo hoặc phồng to bất thường. Khi này bạn có thể bị chảy máu, xuất hiện các ổ loét sâu khó chịu dữ dội, hơi thở có mùi hoặc sốt nhẹ.

Bề mặt gai lưỡi viêm độ 3 thường có màu đỏ tươi
Nguyên nhân viêm gai cuống lưỡi
Nguyên nhân gây viêm gai lưỡi tương đối đa dạng, bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể. Xác định nhóm tác nhân gây bệnh giúp tối ưu hiệu quả điều trị bệnh, ngừa các nguy cơ biến chứng hoặc hệ lụy kéo dài không mong muốn.
- Thiếu vitamin B12 và axit folic có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe niêm mạc miệng, bao gồm cả gai lưỡi. Cơ thể không được bổ sung, suy giảm hoặc mất khả năng hấp thụ nhóm dưỡng chất này làm tăng nguy cơ về viêm nhiễm.
- Mắc các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, nấm miệng, viêm nha chu,... về lâu dài lây lan sang lưỡi, dẫn đến viêm nhiễm. Kết hợp với điều kiện vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý do tiêu thụ lượng lớn đồ ăn cay nóng, chua, mặn hoặc các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá làm kích ứng lưỡi. Thực phẩm quá cứng, sắc nhọn cũng có thể khiến lưỡi bị tổn thương, thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
- Căng thẳng, stress kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho các bệnh lý nhiễm trùng phát triển, bao gồm viêm gai lưỡi.
- Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, kinh nguyệt, mãn kinh cũng là yếu tố tác động đến tình trạng sức khỏe gai lưỡi.
- Các chấn thương như cắn vào lưỡi, chải răng mạnh, can thiệp thủ thuật nha khoa không đúng cách có thể khiến gai lưỡi bị ảnh hưởng. Vì vậy cần hạn chế tối đa các tác động mạnh lên vùng mô mềm này.

Tác nhân khiến gai lưỡi bị viêm nhiễm khó chịu
Dấu hiệu viêm gai lưỡi
Gai lưỡi bị viêm về cơ bản có thể nhận biết thông qua các triệu chứng lâm sàng như:
- Đau rát, khó chịu ở lưỡi là triệu chứng phổ biến nhất khi gai lưỡi bị viêm nhiễm, tùy theo mức độ bạn có thể cảm nhận cơn đau nhẹ hoặc nặng. Có thể tăng lên khi ăn uống, đặc biệt khi tiêu thụ đồ ăn chua, cay nóng.
- Gai lưỡi sưng đỏ hơn bình thường, thậm chí xuất hiện các đốm tắng trên lưỡi mà người bệnh dễ dàng quan sát qua gương.
- Ăn uống nói chuyện gặp khó khăn do tình trạng đau rát, sưng tấy. Người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng về việc phát âm.
- Tăng tiết nước bọt trong một số trường hợp, khi tình trạng viêm kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh mẽ.

Biểu hiện nhận biết gai lưỡi bị viêm
Hoặc có thể nhận biết theo từng giai đoạn tiến triển bệnh như sau:
Giai đoạn 1: Dấu hiệu khởi phát
Ở giai đoạn này, lưỡi mới chỉ bắt đầu có những dấu hiệu sưng nhẹ, xuất hiện các đốm nhỏ li ti trên bề mặt lưỡi gây cảm giác cộm, khó chịu trong sinh hoạt, nhưng chưa quá đau.
Giai đoạn 2: Tình trạng viêm nhiễm rõ rệt hơn
Khi viêm gai lưỡi tiến triển, các gai lưỡi sưng to hơn, chuyển sang màu đỏ đậm hoặc trắng gây cảm giác đau rõ rệt, đặc biệt là khi bạn ăn uống đồ cay nóng, chua hay thực phẩm có tính axit. Một số trường hợp đặc biệt, người bệnh còn có cảm giác ngứa ran hoặc rát lưỡi kéo dài.
Giai đoạn cuối: Biến đổi cấu trúc của lưỡi
Ở giai đoạn cuối, tình trạng sưng đỏ có thể giảm dần. Tuy nhiên, ở bề mặt lưỡi có nguy cơ bị trơn nhẵn do nhú lưỡi bị teo đi và cảm giác tạm thời ở một số vùng trên lưỡi, ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận hương vị.
Viêm gai lưỡi có nguy hiểm không?
Viêm gai lưỡi thường không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, song có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cá nhân. Bệnh cần được điều kịp thời, phòng ngừa các biến chứng không mong muốn như:
- Tình trạng viêm nhiễm lan rộng ra các vùng xung quanh như nướu, họng, niêm mạc miệng.
- Triệu chứng đau rát kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống, chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Tâm lý người bệnh bị ảnh hưởng do viêm nhiễm kéo dài, làm giảm sự tự tin trong giao tiếp hoặc sinh hoạt đời thường.

Những biến chứng không mong muốn của viêm gai lưỡi
Bên cạnh đó, gai lưỡi bị viêm có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý liên quan khác như u nhú tế bào có vảy, giang mai, u xơ, u nang bạch huyết, ung thư miệng. Những trường hợp này cần được can thiệp điều trị kịp thời và dứt điểm.
Phương pháp điều trị viêm gai lưỡi kéo dài tại nhà
Qua thăm khám y tế chuyên môn, nếu được xác định viêm gai lưỡi độ nhẹ bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chăm sóc khắc phục tại nhà. Trong thời gian này, người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu tình trạng diễn biến chuyển nặng cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được can thiệp chuyên sâu.
Bổ sung vitamin B12 và acid folic
Thiếu hụt axit folic, vitamin B12 là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến gai lưỡi bị viêm nhiễm. Để khắc phục, bạn nên bổ sung nhóm chất này vào bữa ăn hàng ngày, thông qua các loại thực phẩm tự nhiên như cá ngừ, cá hồi, hải sản, thịt đỏ, rau xanh, măng tây, chuối, bơ, khoai tây, ngũ cốc thô,...

Bổ sung vitamin B12 và acid folic khi bị viêm nhú lưỡi
Uống ít nhất 2 lít nước/ngày
Nước lọc là một phần thiết yếu trong quá trình đào thải độc tố, loại bỏ cặn bã cùng vi khuẩn gây hại cũng như tăng hiệu quả trao đổi chất. Bổ sung nước lọc đều đặn mỗi ngày cho cơ thể còn giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu như khô rát, sưng tấy do viêm nhiễm gây ra.
Súc miệng với nước muối
Nước muối loãng có công dụng sát khuẩn cao, tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm trên bề mặt lưỡi. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý thay thế, thực hiện súc miệng kỹ trong 30s và lặp lại đều đặn trong 2 - 3 lần/ngày.
Tránh ăn thực phẩm kích thích lưỡi
Đồ cay, nóng, chua, cứng có thể khiến lưỡi bị kích ứng, gia tăng tình trạng viêm gai khó chịu. Cho nên người bệnh cần đặc biệt hạn chế, cụ thể:
- Đồ cay nóng như canh vừa mới nấu, lẩu, trà, cà phê nóng,...
- Đồ cay được chế biến với nhiều gia vị tiêu, ớt,...
- Thực phẩm chua giàu tính axit như cam, quýt, chanh, bửa, dưa chua, dấm, đồ ăn lên men,...
- Thực phẩm cứng như ổi, mía, bánh quy, các loại hạt, kẹo,...
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể sử dụng khắc phục tình trạng đau nhức, khó chịu do viêm gai lưỡi thường bao gồm Paracetamol, Ibuprofen. Liều dùng về cơ bản như sau:
- Paracetamol dùng 10 - 15mg/kg/liều với khoảng cách giữa các liều dùng là 4 - 6 giờ. Người lớn dùng không quá 4g/ngày; trẻ nhỏ dùng liều thấp tối đa.
- Ibuprofen dùng 7 - 10mg/kg/liều với khoảng cách giữa các liều trung bình 6 - 8 giờ. Khuyến cáo người lớn dùng không qua 1200mg/ngày, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi dùng tối đa 40mg/kg/ngày.

Liều lượng tham khảo khi dùng thuốc không kê đơn
Dù đây là nhóm thuốc giảm đau không kê đơn nhưng trước khi sử dụng, người bệnh cần thăm khám và nhận được đồng thuận sử dụng từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, tránh tình trạng quá liều dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị viêm gai lưỡi chuyên sâu
Viêm gai lưỡi nếu không đáp ứng điều trị với các hướng khắc phục tại nhà hoặc tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ xem xét chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus đặc dụng. Dưới đây là danh sách loại thuốc thường được sử dụng:
- Clotrimazol là loại thuốc kháng nấm thường được sử dụng khi nhiễm nấm Candida, có tác dụng diệt nấm trong khoang miệng và thuyên giảm triệu chứng bệnh. Liều lượng khuyến nghị là viên 10mg, dùng 3 lần/ngày.
- Corticoid hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng gai lưỡi viêm, xoa dịu cơn đau và tình trạng sưng tấy ở lưỡi. Bạn nên thoa một lớp mỏng lên vùng lưỡi bị bệnh, lặp lại từ 1 - 2 lần/ngày.
- Nystatin là loại thuốc kháng sinh được báo chế từ dịch streptomyces noursei, nên dùng 1 - 2 viên/lần với tần suất 3 - 4 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh lý khoang miệng uy tín. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cùng trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, bệnh nhân có thể an tâm sử dụng dịch vụ.
Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám xác định nguyên nhân, can thiệp điều trị tình trạng viêm gai lưỡi kịp thời.
Biện pháp phòng tránh gai lưỡi bị viêm nhiễm
Trong thời gian điều trị viêm gai lưỡi người bệnh gặp không ít bất lợi trong sinh hoạt nên cần có biện pháp chăm hợp phù hợp. Những gợi ý dưới đây cũng là cách phòng ngừa nguy cơ tái phát mà bạn có thể áp dụng thực hiện:
- Ưu tiên làm sạch răng với bàn chải lông mềm, đều đặn đánh răng mỗi ngày 2 lần vào sáng và tối. Có thể dùng chỉ nha khoa, tăm nước để làm sạch lại kẽ răng.
- Dùng nước súc miệng chứa chất kháng khuẩn ngăn ngặn vi khuẩn gây hại, ngăn chặn cơ hội sinh sôi và phát triển.
- Thiết lập lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng, stress bằng cách tập thiền, tập thể dục thể thao.
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá khiến bệnh viêm gai lưỡi tiến triển nặng.
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12, acid folic có trong rau củ, trái cây, cá biển,... vào thực đơn dinh dưỡng thường ngày.
- Tránh tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường, gia vị cay nóng, giàu tính axit khiến viêm nhiễm trở nên trầm trọng.
- Duy trì độ ẩm niêm mạc miệng lưỡi bằng cách uống đủ hoặc nhiều hơn 2 lít nước/ngày.
- Định kỳ thăm khám sức khỏe răng miệng 6 tháng/lần, phòng ngừa các vấn đề liên quan đến răng miệng.

Chủ động vệ sinh bảo vệ lưỡi tránh khỏi tình trạng viêm nhiễm
Viêm gai lưỡi là tình trạng nhú lưỡi bị kích thích, xuất hiện những cục u nhỏ trên lưỡi hoặc làm sưng phồng các nụ vị giác. Khi này bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó chịu trong sinh hoạt, đặc biệt khi ăn uống và giao tiếp nên cần can thiệp điều trị sớm.