Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm hồi manh tràng

Phan Ngọc Linh

22-02-2023

goole news
16

Viêm hồi manh tràng là một trong những loại bệnh lý viêm nhiễm ở đường ruột. Bệnh viêm hồi manh tràng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng vô cùng phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Vậy viêm hồi manh tràng là gì, nguyên nhân là gì, triệu chứng và các phương pháp điều trị ra sao?

 

Viêm hồi manh tràng là bệnh gì, bệnh có nguy hiểm không?

Viêm hồi manh tràng là bệnh gì, bệnh có nguy hiểm không?

Viêm hồi manh tràng là gì?

Tổng quan về manh tràng 

Đại tràng được cấu tạo từ 4 đoạn chính, bao gồm đại tràng lên (ở bên phải), đại tràng xuống (ở bên trái), đại tràng ngang và đại tràng xích ma; và gồm 3 phần chính, đó là manh tràng, trực tràng và kết tràng. 

Manh tràng là phần đẩu của đại tràng lên tới phần đổ của hồi tràng vào manh tràng (hay gọi là van hồi - manh tràng), nằm ở ngay vị trí ngã ba của ruột non và ruột già. Chiều dài của manh tràng là khoảng 6cm, có thể giãn rộng ra với đường kính nhỏ hơn 7cm, nối liền với hồi tràng của ruột non.  

Vai trò của manh tràng

Manh tràng có vai trò giúp ngăn chặn các chất có trong ruột già bị trào ngược vào ruột non và ngược lại. Ngoài ra, nó còn là tạm giữ thức ăn và đào thải ra ngoài các chất có hại như muối mật thừa từ gan, muối kim loại nặng, thủy ngân,..., hấp thụ nước. 

Các vi sinh vật trong manh tràng có thể biến đổi các chất có trong đại tràng thành những dưỡng chất cần thiết và thiết yếu đối với cơ thể như vitamin B, vitamin K,... 

Bệnh viêm hồi manh tràng là gì?

Chức năng của manh tràng sẽ suy yếu dần theo thời gian. Đây là một thời điểm thích hợp rất dễ bị vi khuẩn tấn công và sẽ xuất hiện các ổ viêm loét, u, túi thừa ở thành manh tràng,... Viêm hồi manh tràng là một tình trạng bị tổn thương hay bị viêm ở vùng niêm mạc manh tràng. Mức độ viêm hồi manh tràng ở mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe.

Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, thậm chí là trẻ em. Bệnh này thường hiếm gặp nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hơn thế nữa, nó còn được xếp vào nhóm những bệnh lý di truyền. 

Manh tràng nằm ở vị trí ngã ba giữa ruột non và ruột thừa, là phần đầu của đại tràng

Manh tràng nằm ở vị trí ngã ba giữa ruột non và ruột thừa, là phần đầu của đại tràng

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm hồi manh tràng 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra bệnh viêm hồi manh tràng có thể đến từ một số lý do sau: 

  • Chế độ ăn uống, dinh dưỡng và nghỉ ngơi không khoa học. 
  • Viêm hồi manh tràng là một căn bệnh lý di truyền, vì vậy bị viêm hồi manh tràng có thể đến từ yếu tố di truyền trong gia đình. 
  • Do các vi khuẩn có hại tồn tại và phát triển trong ruột non và ruột già như Escherichia Coli, Bacteroides Fragilis, Enterobacter Aerogenes,... 
  • Những người mắc bệnh viêm đại tràng sẽ có nguy cơ mắc cao hơn. 

Viêm hồi manh tràng ở trẻ em là do yếu tố di truyền hoặc do những vi khuẩn tồn tại trong ruột non và ruột già. 

Bệnh nhân bị bệnh viêm hồi manh tràng do có chế độ ăn uống không hợp lý

Bệnh nhân bị bệnh viêm hồi manh tràng do có chế độ ăn uống không hợp lý

Một số triệu chứng của bệnh viêm hồi manh tràng 

Các triệu chứng hay dấu hiệu của viêm hồi manh tràng khá mơ hồ, khó nhận biết vì nó có những nét tương đồng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Sau đây là các triệu chứng phổ biến nhất của viêm hồi manh tràng ở hai giai đoạn bệnh là cấp tính và mạn tính. 

Triệu chứng của viêm hồi manh tràng cấp tính:

  • Cảm thấy buồn nôn, bị chướng bụng đầy hơi, ăn uống không ngon miệng, khó tiêu.
  • Cảm thấy mệt mỏi và chán ăn.
  • Người bị bệnh có thể sốt cao đến 40 độ C.
  • Có tình trạng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. 
  • Đau ở vùng chậu bên phải, sau khi ăn thì cơn đau bụng tăng lên và đi đại tiện xong thì cơn đau giảm hẳn. 
  • Đi đại tiện bị phân nát, phân lỏng hoặc rắn và đều có lẫn máu. 

Triệu chứng của viêm tràng mạn tính:

Khi bệnh viêm hồi manh tràng chuyển sang giai đoạn mạn tính, các dấu hiệu bệnh sẽ trở nên rõ ràng hơn và số lần xuất hiện cũng nhiều hơn. Ở giai đoạn này, nếu người bệnh sử dụng các loại thuốc giảm đau hay điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bệnh sẽ thuyên giảm đi. Tuy nhiên, bệnh sẽ tái phát lại chỉ sau một thời gian ngắn. 

Dấu hiệu của bệnh viêm hồi manh tràng là đau ở vùng chậu bên phải

Dấu hiệu của bệnh viêm hồi manh tràng là đau ở vùng chậu bên phải

Viêm hồi manh tràng có nguy hiểm không và các biến chứng của bệnh

Có nhiều người thắc mắc rằng bệnh viêm hồi manh tràng có nguy hiểm không? Nếu bạn lơ là và chủ quan nghĩ rằng đó chỉ là một vấn đề tiêu hóa bình thường thì bệnh sẽ chuyển biến rất nhanh, có khả năng bị suy giảm trí nhớ, thiếu máu, trầm cảm,... Nhưng nếu bạn đi thăm khám và điều trị kịp thời có thể sẽ ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm của bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: 

  • Tắc ruột: ở giai đoạn đầu của bệnh, ở trên thành bên trong của ruột sẽ xuất hiện những vết loét nhỏ nông nằm rải rác. Các vết loét này để lâu sẽ càng trở nên rộng và sâu hơn, cuối cùng nó sẽ hình thành vết loét to và làm cho ruột bị cứng hơn và gây tắc nghẽn tạo ra các dấu hiệu như chướng hơi, buồn nôn, đầy bụng,... 
  • Thủng ruột: đối với các trường hợp vết loét quá sâu sẽ làm cho ruột bị thủng, lúc này các vi khuẩn gây hại sẽ lây nhiễm sang các bộ phận khác hay chui vào trong ruột thông qua vết thủng. 
  • Ung thư đại tràng: sau khoảng từ 8 năm đến 10 năm mắc bệnh viêm hồi manh tràng, nó sẽ chuyển sang bệnh ung thư đại tràng nếu bệnh nhân không có phương pháp điều trị đúng đắn, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe hay thậm chí bị tử vong. 

Bị bệnh viêm hồi manh tràng kiêng ăn gì?

Đối với các bệnh nhân bị mắc bệnh viêm hồi manh tràng, bên cạnh những thực phẩm tốt cho sức khỏe thì người bệnh cũng nên cần hạn chế hoặc loại bỏ khỏi thực đơn hàng ngày để tránh bệnh chuyển biến nặng hơn:

  • Thực phẩm tanh: các loại đồ biển và hải sản chứa hàm lượng cao các dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng với người bệnh viêm hồi manh tràng thì nên hạn chế. Vì nó sẽ gây ra tình trạng khó tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng đường ruột và dạ dày. Ngoài ra, nếu không được chế biến kỹ thì các vi khuẩn có trong thực phẩm này sẽ làm cho bệnh viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. 
  • Đồ ăn sống: thịt sống, rau sống, nem sống,... là một trong những loại thực phẩm người bệnh không nên ăn. Vì thức ăn sống có chứa các loại vi khuẩn có thể khiến cho bệnh viêm nhiễm ở manh tràng bị nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn chín uống sôi để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. 
  • Thực phẩm sinh hơi: các thực phẩm sinh hơi như bắp cải, hành tây, tỏi, nấm, các loại đồ muối chua,... dễ sinh hơi khi đưa vào cơ thể có thể khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán, xúc xích, thịt xông khói,... nên hạn chế nhất có thể. cách chế biến ở dạng hấp hoặc luộc là cách đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải ăn đồ chiên rán thì nên sử dụng dầu thực vật và hạn chế tối đa hết mức có thể. 
  • Đồ uống có ga, rượu bia, chất kích thích: cần tránh các loại đồ uống nước ngọt có ga, cà phê, trà đặc, rượu bia, đồ uống có nhiều đường,... Vì những loại đồ uống này có thể làm cho đường ruột và niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng nề hơn. Đồng thời khiến bệnh viêm ngày càng trầm trọng và làm tăng nguy cơ gây xuất huyết. 

Bệnh nhân nên kiêng các loại đồ uống có ga, rượu bia và chất kích thích để bảo vệ sức khỏe

Bệnh nhân nên kiêng các loại đồ uống có ga, rượu bia và chất kích thích để bảo vệ sức khỏe

Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm hồi manh tràng

Vì các triệu chứng viêm manh tràng rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý tiêu hóa khác như viêm ruột thừa, u manh tràng,... nên người bệnh cần phải đến bệnh viện thăm khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết để bác sĩ đưa ra kết luận bệnh chính xác và phác đồ điều trị viêm hồi manh tràng. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bao gồm: 

  • Siêu âm ổ bụng: là phương pháp chẩn đoán viêm manh tràng đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Người bệnh viêm hồi manh tràng có nhiều hơi bị ứ đọng trong phần khung đại tràng, bụng chướng lên do hơi nên khá khó khăn để siêu âm chính xác. Nhưng bác sĩ có thể đánh giá gián tiếp thông qua bờm mỡ của manh tràng, vì bờm mỡ xung quanh thường phù nề và bị sưng viêm gián tiếp. 
  • Tìm ký sinh trùng trong phân hoặc máu ẩn: đây là một phương pháp đơn giản và có chi phí thấp. Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu phân và đưa đi xét nghiệm. Tùy thuộc vào loại máu hay nhân hem của tế bào máu mà sẽ được kiểm tra và đánh giá xem đoạn ruột nào sẽ có khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, các loại ký sinh trùng có trong phân cũng là một triệu chứng bệnh lý đi kèm. Ví dụ, vi khuẩn thương hàn là loại vi khuẩn hay gặp nhất và gây ra bệnh viêm hồi manh tràng. 
  • Nội soi đại tràng: đây là phương pháp chẩn đoán tiên tiến hơn, chẩn đoán bằng hình ảnh nên cần được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm. Đây là một thiết bị nội soi có gắn camera và được đưa vào đại tràng thông qua đường hậu môn. Nhưng nếu phần manh tràng bị viêm sẽ rất mỏng nên người thực hiện phương pháp này cần phải có kinh nghiệm để không làm thủng manh tràng. 
  • Chụp CLVT và MRI ổ bụng: đây là 2 phương pháp khá nhẹ nhàng đối với bệnh nhân nhưng đòi hỏi phải có máy móc kỹ thuật cao để chụp và khảo sát rõ phần manh tràng. Phim chụp sau khi chụp xong có thể đánh giá được độ co giãn của manh tràng, mức độ loét và cả vị trí thủng manh tràng nếu có. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân có thể bị dị ứng với chất cản quang khi chụp CLVT hay bị dị ứng với thuốc đối quang từ khi chụp MRI và chi phí để thực hiện 2 phương pháp này lại khá cao. 
  • Chụp X-quang khung đại tràng: bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn và xổ ruột. Sau đó, bệnh nhân sẽ được bơm từ từ chất cản quang tan trong nước thông qua đường hậu môn và tiến hành chụp X-quang. Phương pháp này lại có sự hạn chế là mất nhiều thời gian để chuẩn bị, xổ ruột còn có thể gây nguy cơ tai biến nếu bệnh nhân rặn quá mức và thuốc xổ cũng góp phần làm thủng ruột. Cho nên kỹ thuật này ít được sử dụng hiện nay. 

Bác sĩ siêu âm ổ bụng giúp chẩn đoán bệnh viêm hồi manh tràng

Bác sĩ siêu âm ổ bụng giúp chẩn đoán bệnh viêm hồi manh tràng

Các biện pháp điều trị bệnh viêm hồi manh tràng hiệu quả

Hiện nay, vẫn chưa có bất kì một loại thuốc nào điều trị triệt để trực tiếp bệnh viêm hồi manh tràng, vì vậy đối với những người bệnh mắc loại bệnh lý này sẽ có hai biện pháp điều trị được áp dụng:

Điều trị nội khoa: đây chính là một trong những phương án điều trị phổ biến nhất ngày nay. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn, làm giảm triệu chứng và sẽ được yêu cầu thăm khám và theo dõi định kỳ để kiểm soát được tình hình của bệnh. 

Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý lạm dụng khi sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, bởi vì nó có thể gây nguy hiểm hay thậm chí dẫn đến nhiều bệnh khác hoặc khiến bản thân gia tăng triệu chứng và khó chữa khỏi hoàn toàn. 

Điều trị ngoại khoa: đây là phương án có sự can thiệp phẫu thuật sẽ được sử dụng nếu bệnh có biến chứng nghiêm trọng hơn. Có thể bệnh nhân sẽ được mổ hở hoặc mổ nội soi để lấy phần manh tràng bị viêm ra ngoài cơ thể. 

Bên cạnh đó, mặc dù người bệnh có thể được điều trị nội khoa hay ngoại khoa thì cũng cần phải có chế độ ăn dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi khoa học, hợp lý để giúp bệnh giảm các triệu chứng cũng như tránh nguy cơ bị tái phát. 

Bài viết này đã cung cấp một số thông tin cần thiết về bệnh viêm hồi manh tràng cũng như giải đáp một số thắc mắc thường gặp của các bạn. Hy vọng những thông tin phía trên sẽ giúp bạn đề phòng cũng như đi thăm khám nếu có các dấu hiệu trên để sớm kịp thời phát hiện bệnh và được điều trị sớm nhất. Để đăng ký thăm khám tại BVĐK Phương Đông, Quý khách vui lòng bấm số 1900 1806. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

17,273

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám