Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp

Bích Ngọc

11-07-2024

goole news
16

Viêm khớp cùng chậu là một bệnh lý về xương khớp thường gặp ở cả nam và nữ. Những triệu chứng không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Cùng các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phương tìm hiểu thêm về căn bệnh viêm khớp cùng chậu qua bài viết dưới đây. 

1. Tổng quan về viêm khớp cùng chậu

Khớp cùng chậu có vị trí ở bên dưới cột sống thắt lưng và hông, đây là điểm nối giữa xương cùng và mặt sau của xương chậu. Khớp cùng chậu là một khớp bán di động, ở trạng thái bình thường chúng không di chuyển. Trong một vài trường hợp đặc biệt như quá trình sinh nở, khớp cùng chậu sẽ bị kéo căng và khiến cho đai chậu giãn ra, từ đó tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển.
Viêm khớp cùng chậu là một loại bệnh lý về xương khớp mạn tính, chúng gây viêm ở một hoặc hai bên khớp xương cùng. Những dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh sẽ kéo dài và dễ gặp ở người trưởng thành. 

Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ đau ở vùng cùng cụt, hông, mông, đùi, lưng dưới,... khi hoạt động. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau hơn khi đứng lâu, xoay người, bước lên cầu thang. 

Việc chẩn đoán bệnh cũng khó khăn khi có nhiều đặc điểm giống với các bệnh lý xương khớp khác như: Viêm đốt sống, thoát vị địa đệm, đau thần kinh toạ,...

Vị trí của viêm khớp cùng chậu trên cơ thểVị trí của viêm khớp cùng chậu trên cơ thể

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp cùng chậu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp ở vùng xương cùng chậu, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất: 

  • Thoái hoá khớp: Ở độ tuổi càng cao thì có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cao hơn, trong đó có viêm khớp cùng chậu. Chính vì điều đó, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này. 
  • Chấn thương: Người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh do chấn thương trong sinh hoạt hằng ngày, khi chơi thể thao hoặc tai nạn,... Những chấn thương này tác động lên xương khớp cùng chậu và dây chằng xung quanh, sau đó gây ra tình trạng bị viêm.
  • Viêm khớp: Khi mắc các bệnh như viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp,... có thể dẫn đến bào mòn và hư hại cột sống, trong đó có khớp cùng chậu. Từ đó, gây ra bệnh viêm khớp cùng chậu khi mắc các bệnh viêm khớp khác. 
  • Mang thai: Trong quá trình mang thai, người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là nội tiết tố. Khi thay đổi nội tiết tố, các dây chằng và cơ ở xương chậu sẽ bị giãn ra, từ đó khiến cho các khớp cùng chậu trở nên lỏng lẻo hơn bình thường. Ngoài ra, do trong thời gian mang thai, tình trạng tăng cân cũng tạo thêm áp lực lên vùng khớp cùng chậu. Vì vậy, vùng khớp này dễ bị mòn và viêm gây ra bệnh. 
  • Nhiễm trùng: Đây cũng là nguyên nhân gây ra viêm vùng khớp cùng chậu. Tình trạng viêm ở một số vị trí khác như nhiễm khuẩn dây chằng, viêm đại tràng, viêm phụ khoa,... cũng có thể gây ra viêm nhiễm ở khớp cùng chậu. 
  • Khác: Trong một vài trường hợp mắc bệnh Lupus ban đỏ, bệnh Gout,... cũng làm tăng nguy cơ viêm khớp cùng chậu cao hơn những đối tượng khác. 

Nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm khớp cùng chậuNhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm khớp cùng chậu

3. Dấu hiệu khi mắc bệnh viêm khớp cùng chậu

Dấu hiệu của bệnh viêm khớp cùng chậu khá giống các triệu chứng của các bệnh lý khác vùng thắt lưng. Khi khớp cùng chậu bị viêm, người bệnh có cảm giác đau âm ỉ, nóng rát ở vị trí giữa mông và xương chậu, tình trạng này dễ nhầm với các bệnh khác như đau lưng, đau thần kinh tọa,... Trong một số trường hợp, cơn đau còn có thể ảnh hưởng đến hàng, chân hay cả bàn chân. 

Tuỳ thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh mà sẽ có những triệu chứng khác nhau khi mắc bệnh viêm khớp cùng chậu. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp: 

  • Sưng và đau khớp vùng thắt lưng: Đau và sưng xương chậu và khớp cùng là biểu hiện chính của bệnh này. Cơn đau kéo dài từ vùng thắt lưng, mông, hông và xuống dần đến chân và bàn chân. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhiều hơn khi di chuyển như đứng lâu, đi bộ lâu, chạy bộ và leo cầu thang
  • Gặp khó khăn khi vận động: Người mắc bệnh sẽ di chuyển và vận động khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày do bị teo cơ đùi, teo cơ mông,... 
  • Cứng khớp: Vùng khớp cùng và xương chậu sẽ có cảm giác cứng, không linh hoả. Khi vùng viêm lan rộng đến dây thần kinh toạ có thể làm biến dạng cột sống. 
  • Đỏ da xung quanh khớp: Các khớp xung quanh khớp bị viêm sẽ xuất hiện tình trạng sưng và đỏ da. 
  • Sốt: Người bệnh có thể bị sốt cao và mệt mỏi khi tình trạng viêm không có dấu hiệu thuyên giảm. 

Xuất hiện tình trạng sưng đau, đỏ da ở vùng thắt lưngXuất hiện tình trạng sưng đau, đỏ da ở vùng thắt lưng

4. Biến chứng của viêm khớp cùng chậu

Tình trạng viêm khớp cùng chậu nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: 

  • Giảm khả năng vận động: Nếu bị bệnh lâu năm, những tổn thương sẽ ảnh hưởng nhiều đến dây thần kinh làm tăng nguy cơ teo cơ và làm giảm khả năng vận động của người bệnh.
  • Liệt chi: Với những trường hợp ảnh hưởng đến các dây thần kinh sẽ làm tăng khả năng dính khớp, hoặc nặng hơn có thể là biến dạng khớp. Lúc này, người bệnh sẽ khó vận động, di chuyển, có cảm giác các chi tê cứng, không thể xoay người và giữ một tư thế trong thời gian dài, dần dần dẫn đến liệt chi. 
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Nếu mắc bệnh trong độ tuổi sinh sản, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh như viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung,... khiến ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. 
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Những cơn đau khớp kéo dài nhiều năm khiến người bệnh gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt, lao động,... Từ đó mà gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, người bệnh phải chi trả những khoản chi phí cho việc điều trị bệnh. 

Viêm khớp cùng chậu là một bệnh lý về xương không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng sẽ có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh thì nên thăm khám và điều trị sớm để tránh được các trường hợp rủi ro về sau. 

5. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị viêm khớp cùng chậu

5.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Viêm khớp cùng chậu thường có những triệu chứng bệnh giống với một số bệnh lý về xương khớp ở cột sống nên khá khó chẩn đoán. Chính vì vậy, bệnh nhân nên thăm khám từ khi bắt đầu có những triệu chứng để phát hiện bệnh sớm, giúp ích cho việc điều trị bệnh. Một số phương pháp xác định bệnh viêm khớp cùng chậu như: 

Thăm khám lâm sàng

Dựa vào vị trí và hướng lan rộng của cơn đau mà bác sĩ kiểm tra mức độ của bệnh bằng cách ấn mạnh vào các vùng như mông hoặc hai chân của người bệnh. 

Nếu bệnh nhân có cảm giác đau ở cột sống, hông hoặc chân khi tác động lực lên xương khớp thì rất có khả năng người bệnh đã mắc viêm khớp cùng chậu.

Thăm khám lâm sàng để xác định chính xác bệnhThăm khám lâm sàng để xác định chính xác bệnh

Chỉ định thực hiện các xét nghiệm

Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,... 

Xét nghiệm máu giúp đo lượng vi khuẩn hoặc chất viêm có trong máu. Từ kết quả nhận được, bác sĩ có thể biết được mức độ viêm nhiễm của bệnh trong cơ thể. 

Xét nghiệm nước tiểu thường được chỉ định đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đang mang thai hoặc sau khi sinh. Nhờ xét nghiệm nước tiểu mà xác định được nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn ở tiết niệu, đường sinh dục lan đến khớp cùng chậu. 

Chẩn đoán bằng hình ảnh

Sau khi thăm khám, kiểm tra và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, người bệnh cũng cần thực hiện chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn. 

Chụp X-quang có thể kiểm tra được những tổn thương hoặc những biến dạng trong khớp cùng chậu. Việc chụp X-quang có thể xác định được mức độ tổn thương của vùng xương chậu cũng như khớp cùng chậu. 

Ngoài ra, chụp CT giúp chẩn đoán về bệnh viêm khớp cùng chậu bằng những đặc điểm chi tiết về xương khớp. Không chỉ vậy, chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng đánh giá được các mô mềm như cơ và dây chằng.

Thông qua kết quả của chụp MRI, bác sĩ không chỉ xác định được tình trạng viêm của khớp mà còn xác định được các vết gãy nhỏ mà không thể thấy qua kết quả X-quang. 

Chẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu bằng phương pháp chụp X-quangChẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu bằng phương pháp chụp X-quang

Tiêm Steroid

Tiềm steroid vừa là phương pháp hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh, vừa là phương pháp điều trị bệnh giúp giảm triệu chứng đau. Quá trình được kết hợp sử dụng tia X để hướng dẫn kim đến vị trí của tuỷ sống để tiêm. 

5.2. Cách điều trị bệnh

Bệnh viêm khớp cùng chậu cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Như các bệnh lý khác của xương, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bệnh. Các bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng các loại thuốc, chườm nóng, chườm lạnh và nghỉ ngơi. 

Phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc

Thuốc điều trị bệnh được kê theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến như: Thuốc chống viêm giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch,... Chúng có tác dụng giảm đau, sưng và viêm, nhờ đó mà người bệnh cảm thấy thoải mái, không còn cảm giác đau nhức. 

Phương pháp điều trị không bằng thuốc

  • Chườm nóng, chườm lạnh: Người bệnh có thể dùng nước có nhiệt độ cao hoặc nước đá để chườm vào vị trí đau để giảm tình trạng đau tại vùng xương cùng. 
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu giúp cho những người bệnh tăng khả năng vận động, thư giãn khớp và tăng phạm vi chuyển động của khớp. Người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ xương khớp để tránh làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. 
  • Kích thích điện: Phương pháp này còn được gọi là kích thích dây thần kinh qua da hoặc kích thích các cơ xung quanh vùng khớp cùng chậu. Sử dụng dòng điện cao, cường độ tăng dần giúp giảm đau, thư giãn cơ và giảm trương lực cơ co thắt. Thường được thực hiện trong các trường hợp nghiêm trọng, cần thực hiện để hợp nhất xương với nhau.
  • Sóng xung điện: Sử dụng nguồn sóng xung kích shockwave mang năng lượng cao để tác động vào các đầu mút dây thần kinh cảm giác ở vùng khớp cùng chậu. Phương pháp này giúp thúc đẩy quá trình tái tạo xương và các mô mềm, giảm đau,...

Điều trị viêm khớp cùng chậu bằng phương pháp vật lý trị liệuĐiều trị viêm khớp cùng chậu bằng phương pháp vật lý trị liệu

Phẫu thuật

Phương pháp điều trị này chỉ được thực hiện với những bệnh nhân không phản ứng với phương pháp điều trị bằng thuốc và điều trị không bằng thuốc. Người bệnh được chỉ định thực hiện phẫu thuật nếu không cải thiện sau khi sử dụng thuốc từ 6-8 tuần.

6. Cách phòng tránh bệnh viêm khớp cùng chậu

Khớp cùng chậu có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ phần trên của cơ thể khi đi đứng. Chính vì vậy, với áp lực khá lớn khiến cho vùng khớp này dễ bị tổn thương. Hiện nay, chưa có biện pháp để ngăn ngừa viêm khớp cùng chậu nhưng có thể ngăn ngừa khả năng bị bệnh bằng những cách như: 

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý: Bổ sung các thực phẩm từ nhiều nhóm khác nhau trong mỗi bữa ăn. Hạn chế sử dụng các chất kích thích, bia rượu và thuốc lá.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì mức cân nặng ở mức ổn định, giảm cân nếu cần. Bởi vì cân nặng trực tiếp gây áp lực lên khớp cùng chậu và xương chậu khiến tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Bảo vệ khớp, tránh chấn thương: Tránh các hoạt động có khả năng gây chấn thương làm tổn thương cho xương khớp cùng chậu như: thể thao quá mức, tai nạn,..
  • Xây dựng thói quen sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn giúp các khớp hoạt động linh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý giúp cơ thể khỏe mạnh. 
  • Giữ đúng tư thế ngồi và đứng: Khi ngồi hoặc đứng lâu cần ngồi đúng tư thế, nên sử dụng ghế hỗ trợ lưng và đứng dậy đi lại để thay đổi tư thế. 
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý khác: Những bệnh như viêm đại tràng, viêm vùng kín ở phụ nữ cần điều trị dứt điểm để tránh việc vi khuẩn lây lan ra vị trí khác gây ra bệnh viêm khớp. 
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khoẻ 6 tháng/lần để phát hiện các vấn đề về xương khớp nói chung và viêm khớp cùng chậu nói riêng. Tiến hành điều trị bệnh kịp thời, tránh kéo dài tình trạng bệnh khiến gây ra các biến chứng khác ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Xây dựng thói quen sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh viêm khớp cùng chậuXây dựng thói quen sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu là một bệnh lý về xương khớp khá phổ biến trong các bệnh về xương khớp. Bởi những dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp khác nên người bệnh chủ quan. Từ đó khiến căn bệnh trở nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bệnh nhân. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng bạn có thêm cho mình những thông tin hữu ích về bệnh viêm khớp cùng chậu. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm và kịp thời. 

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực về các bệnh xương khớp. Với đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị các bệnh về viêm khớp, trong đó có viêm khớp cùng chậu. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị bệnh hiệu quả.

Để Đặt lịch khám và điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!

431

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp
19001806 Đặt lịch khám