Viêm khớp ngón chân cái: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị hiệu quả

Bích Ngọc

06-04-2024

goole news
16

Viêm khớp ngón chân cái là một trong những căn bệnh khá phổ biến và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ chia sẻ về bệnh viêm khớp ngón chân cái qua bài viết dưới đây.

1. Viêm khớp ngón chân cái là gì? 

Viêm khớp ngón chân cái là tình trạng khớp ngón chân cái bị viêm. Khớp nối ngón chân cái của người bệnh sẽ bị đau, cứng khớp gây khó khăn trong các hoạt động thường ngày. 

Đau khớp ngón chân cái có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt là những người thường xuyên vận động mạnh, người cao tuổi, người chơi thể thao quá sức, người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như bia rượu,...

Các khớp ngón chân là vị trí dễ đọng lại các tinh thể muối urat khiến người bệnh gặp các cơn đau dai dẳng. Có khoảng 80% người mắc các bệnh lý về xương khớp có những triệu chứng đau khớp ngón chân cái. Ngón chân cái cùng ngón chân út có chức năng cung cấp thêm lực đòn bẩy cho bàn chân khi đi, chạy hoặc nhảy và hỗ trợ cân bằng bằng cơ thể khi đứng . Do đó, khi khớp ngón chân bị ảnh hưởng dẫn đến chức năng của bàn chân cũng bị ảnh hưởng theo. 

Vì vậy, khi có tình trạng đau khớp ngón chân cái, người bệnh không nên chủ quan mà nên đi thăm khám ngay để đảm bảo sức khỏe và cuộc sống thường ngày. 

So sánh giữa bàn chân bình thường và bàn chân mắc bệnhSo sánh giữa bàn chân bình thường và bàn chân mắc bệnh

2. Nguyên nhân gây ra viêm khớp ngón chân cái

2.1. Thoái hoá khớp

Thoái hoá khớp không phải là một bệnh lý viêm, tuy nhiên một số trường hợp thoái hoá khớp có liên quan đến mức độ viêm. Tình trạng viêm có khả năng phát triển khi sụn khớp ngón chân cái bị mòn theo thời gian hoặc chấn thương. Thoái hoá khớp ngón chân cái còn được gọi là tình trạng cứng ngón chân cái.

2.2. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn gây ra hiện tượng viêm tại khớp. Do đó, khi mắc bệnh sẽ có những triệu chứng rõ rệt như: Sưng, đau, nóng đỏ. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng đến toàn cơ thể, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng sốt, mệt hoặc các triệu chứng khác.

2.3. Bệnh Gout (Gút)

Đây là tình trạng bệnh lý do có sự hình thành của các tinh thể acid uric trong khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái . Bệnh gout thường liên quan đến các bệnh lý về thận, di truyền hoặc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, sử dụng rượu bia và béo phì. 

2.4. Chấn thương

Tình trạng viêm khớp ở ngón chân cái có thể do gặp các chấn thương hoặc thường xuyên tạo áp lực lên ngón chân cái (như mang giày cao gót thường xuyên, cúi khom lưng hay ngồi xổm). 

3. Biểu hiện của viêm khớp ngón chân cái

Khi khớp ngón chân cái có tình trạng viêm, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: 

  • Đau trong hoặc xung quanh ngón chân cái. Bệnh nhân thường đau ở trên đầu ngón chân hoặc cũng có thể đau sâu ở bên trong khớp. 
  • Sưng xung quanh khớp ngón chân cái. Bệnh nhân cần điều chỉnh giày để di chuyển dễ hơn. 
  • Khớp ngón chân cái bị cứng, không thể hoạt động linh hoạt như uốn cong lên/xuống. 

Ngoài ra, có một số yếu tố khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như: Đứng hoặc di chuyển; Ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, ẩm ướt; Sử dụng giày dép chật hoặc không hỗ trợ tốt cho các hoạt động của bàn chân. 

Các biểu hiện thường gặp của viêm khớp ở ngón chân cáiCác biểu hiện thường gặp của viêm khớp ở ngón chân cái

4. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị bệnh 

4.1. Phương pháp chẩn đoán viêm khớp ngón chân cái

Nếu người bệnh xuất hiện một số biểu hiện đặc trưng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán: 

  • Hỏi tình trạng bệnh và khám bàn chân: Bác sĩ hỏi về tình trạng sưng đau, thời gian xuất hiện triệu chứng và các biểu hiện khác mà bạn gặp phải. Đồng thời thăm khám bàn chân của người bệnh. 
  • Chụp X-quang bàn chân: Để quan sát được tình trạng của ngón chân cái, đánh giá sụn và những biến dạng của xương. Người bệnh sẽ chụp X-quang lúc đứng để xác định chính xác trọng lượng của cơ thể ảnh hưởng đến cấu trúc ở bàn chân. 
  • Chụp MRI hoặc chụp CT: Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI hoặc CT để xác định tình trạng viêm khớp ở ngón chân cái (phương pháp này ít được sử dụng). 
  • Xét nghiệm máu: Tiến hành thực hiện xét nghiệm máu để hỗ trợ đánh giá tình trạng viêm, acid uric hay yếu tố dạng thấp khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân do bệnh gout hay viêm khớp dạng thấp. 
  • Chọc hút dịch khớp: Bác sĩ có thể chỉ định trọng một số trường hợp chọc lấy dịch khớp để xét nghiệm kiểm tra tinh thể acid uric hoặc nhiễm trùng. Kết quả sẽ loại trừ các tình trạng bệnh hay các loại viêm khớp khác.

Chụp X-quang bàn chân giúp xác định viêm khớp ngón chân cáiChụp X-quang bàn chân giúp xác định viêm khớp ngón chân cái

4.2. Cách điều trị viêm khớp ngón chân cái

Cách điều trị viêm khớp ở ngón chân cái thường bắt đầu bằng các bước đơn giản, hiếm khi thực hiện phẫu thuật ngay lập tức. 

  • Liệu pháp nhiệt hoặc lạnh: Đối với các tình trạng viêm nặng, đặc biệt sau khi đứng hoặc hoạt động một ngày dài, chườm lạnh giúp giảm tình trạng sưng đỏ. Bên cạnh đó, trước khi hoạt động có thể áp dụng phương pháp chườm nóng để làm ấm giúp giãn các cơ ở bàn chân và ngón chân sẽ hoạt động linh hoạt hơn. 
  • Sử dụng thuốc chống viêm: Loại thuốc chống viêm không steroid có thể giúp giảm đau và giảm sưng. Nên sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cho thấy nghệ có đặc tính chống viêm giúp giảm đau viêm khớp. Hãy tham khảo thêm với bác sĩ khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào. 
  • Tiêm Cortisone: Khi thực hiện tiêm cortisone khiến bệnh nhân cảm thấy không thoải mái nhưng giúp giảm đau nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này không thể giảm đau lâu dài. Nhưng nếu người bệnh bị viêm khớp ở ngón chân cái không phản ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng phương pháp này để cải thiện tình trạng đau của bệnh nhân.
  • Phẫu thuật: Phương pháp điều trị này hiếm khi áp dụng trong bệnh. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, phẫu thuật là cách để giảm và loại bỏ đau duy nhất và hiệu quả.
  • Khác: Bên cạnh những cách điều trị ở trên, bác sĩ có thể kê toa thuốc khác nhau dựa vào nguyên nhân gây ra viêm khớp ở ngón chân mà bệnh nhân mắc phải. Như thuốc chống thấp khớp hoặc thuốc hạ acid uric trong máu. Đồng thời, người bệnh cần điều chỉnh sinh hoạt và thay đổi lối sống để điều trị dứt điểm căn bệnh này. 

 Sử dụng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh trong quá trình điều trị bệnhSử dụng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh trong quá trình điều trị bệnh

5. Các biện pháp phòng tránh viêm khớp ngón chân cái

Khi khớp ngón chân cái bị viêm do bất kì nguyên nhân nào đề gây ra tổn thương đến các thành phần của khớp, ảnh hưởng tới sức khoẻ và đời sống thường nhật của người bệnh. Chính vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm bằng những thói quen như:  

  • Hạn chế nguy cơ mắc chấn thương khi làm việc, chơi thể thao hay khi tham gia các hoạt động giải trí khác. 
  • Lựa chọn kiểu giày, kích thước giày vừa vặn, thoải mái. Hạn chế sử dụng giày cao gót quá nhiều. 
  • Khi mắc các bệnh lý viêm khớp tự miễn, hãy thực hiện đúng theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa những tổn thương ở khớp. 
  • Mỗi ngày nên tập luyện, thực hiện các bài tập bàn chân và ngón chân ít nhất 20 phút. Việc này giúp chúng trở nên linh hoạt và tăng cường điều tiết dịch nhờn cho các khớp. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Nên có chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường rau củ quả, hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, đường và chất kích thích như bia rượu, thuốc lá. 
  • Bỏ thói quen bẻ khớp ngón chân, ngón tay. 
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định, hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. 
  • Khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để phát hiện sớm mầm mống bệnh. Từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa bệnh phát triển nặng. 

Xây dựng thói quen lành mạnh giúp phòng tránh bệnh viêm khớp ngón chân cáiXây dựng thói quen lành mạnh giúp phòng tránh bệnh viêm khớp ngón chân cái

Viêm khớp ngón chân cái là bệnh lý khá nhiều người mắc phải và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường nhật của bệnh nhân. Chính vì vậy, hãy phòng ngừa bằng những thói quen hằng ngày và thực hiện thăm khám, điều trị bệnh từ sớm để tránh những rủi ro nghiêm trọng. Qua bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng bạn có thêm cho mình những thông tin hữu ích về căn bệnh Viêm khớp ngón chân cái.

Bệnh viện đa khoa Phương Đông là đơn vị chuyên khám và điều trị các bệnh xương khớp bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc tiến tiến và hiện đại, đảm bảo mang đến hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Để Đặt lịch khám và điều trị bệnh viêm khớp ngón chân cái, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

91

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám