Viêm phế quản dị ứng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Bích Ngọc

15-10-2024

goole news
16

Viêm phế quản dị ứng là một trong những dạng của viêm phế quản, chúng xảy ra khi các yếu tố gây dị ứng xâm nhập và tấn công gây viêm nhiễm đường thở. Nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các vấn đề sức khỏe khác. Vậy bệnh có những biểu hiện như thế nào? Điều trị như nào là đúng cách? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu về viêm phế quản dị ứng qua bài viết sau. 

Viêm phế quản dị ứng là gì?

Người mắc bệnh viêm phế quản là do lớp niêm mạc phế quản bị viêm, lúc này cơ thể sẽ tăng tiết dịch nhầy để bảo vệ khỏi các yếu tố dị ứng gây bệnh. Khi dịch nhầy quá nhiều khiến đường thở bị tắc nghẽn. Nếu tình trạng kéo dài và tái phát nhiều lần sẽ dần trở thành viêm phế quản mạn tính. 

Viêm phế quản dị ứng hay hen phế quản dị ứng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, cả người lớn và trẻ em, nhất là vào thời điểm giao mùa. Ngoài ra, bệnh do cơ địa có thể kéo dài suốt đời khi tiếp xúc với yếu tố dị ứng. 

Viêm phế quản dị ứng là tình trạng cơ thể tăng tiết dịch nhầy khi gặp các yếu tố gây dị ứngViêm phế quản dị ứng là tình trạng cơ thể tăng tiết dịch nhầy khi gặp các yếu tố gây dị ứng

Nguyên nhân gây viêm phế quản dị ứng

Khi bị tác động bởi một số dị nguyên thì cơ thể có một số phản ứng để chống lại sự xâm nhập này. Phản ứng này sẽ giải phóng histamin gây tổn thương các cơ phế quản và gây viêm. 

Một số yếu tố có thể gây ra tình trạng này bao gồm: Thời tiết, lông động vật, phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất...

Các biểu hiện điển hình của viêm phế quản dị ứng

Viêm phế quản dị ứng sẽ xuất hiện những triệu chứng tương tự cảm cúm hoặc viêm phế quản, tuy nhiên khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thì mức độ bệnh tăng lên. 

Các biểu hiện thường thấy là ho kéo dài, sốt, ngứa mũi,... Khi các chất gây dị ứng hoặc chất kích thích làm sưng ống phế quản, cơ thể sẽ ho để đẩy các chất đó ra bên ngoài. 

Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ tiết dịch nhầy ở mũi, miệng, dịch nhầy có màu trắng, xanh lá hoặc màu vàng nhạt. Điều này khiến người bệnh cảm thấy khó thở hơn. 

Các biểu hiện khác mà bệnh hen phế quản dị ứng có thể gặp, bao gồm: 

  • Mắt sưng và đỏ. 
  • Cơ thể phát ban. 
  • Khó thở
  • Ngứa ở họng. 
  • Nhức đầu. 
  • Tức ngực. 
  • Hắt hơi hoặc ho liên tục. 

Bệnh viêm phế quản dị ứng thường có những triệu chứng nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, bệnh cần được điều trị đúng cách, đặc biệt là với trẻ em vì có thể gây nguy hiểm. Một số trường hợp dị ứng quá mức với tác nhân gây dị ứng khiến ống phế quản sưng nghiêm trọng khiến đường hô hấp bị chặn, dẫn đến tình trạng không được cung cấp lượng oxy cần thiết, từ đó gây tử vong. 

Chính vì vậy, khi có dấu hiệu bị dị ứng nên xác định tác nhân gây ra để xử lý kịp thời các cơn khởi phát, ngăn ngừa tình trạng chuyển sang giai đoạn cấp tính. 

Ho hoặc hắt hơi liên tục là triệu chứng điển hình của bệnhHo hoặc hắt hơi liên tục là triệu chứng điển hình của bệnh

Xem thêm:

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phế quản dị ứng

Để chẩn đoán viêm phế quản, bác sĩ sẽ dựa trên cả triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ thăm khám, đồng thời xem xét tiền sử bệnh để đưa ra những xác nhận ban đầu. Sau đó, chỉ định phương pháp chẩn đoán để đưa ra kết luận chính xác nhất. 

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh thường được chỉ định thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm đờm: Bác sĩ sẽ thu mẫu dịch nhầy (đờm) của người bệnh để xác định xem là nhiễm trùng hay dị ứng. 
  • Chụp X-quang ngực: Bác sĩ kiểm tra những bất thường và tình trạng nhiễm trùng của phổi qua chụp X-quang.
  • Đo phế dung: Sử dụng để đo lượng không khí của phổi có thể chứa, từ đó phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. 

Phương pháp điều trị viêm phế quản dị ứng

Để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân gây dị ứng để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời xây dựng hướng điều trị và loại thuốc phù hợp với từng người bệnh. 

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho tình trạng hen phế quản dị ứng: 

  • Thuốc kháng histamin H1: Làm giảm các triệu chứng viêm, giảm tiết dịch nhầy khi mắc bệnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, suy nhược thần kinh,... nên người bệnh cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Thuốc giãn phế quản: Làm giãn các cơ trơn của phế quản, giúp lưu thông không khí dễ dàng, từ đó người bệnh dễ thở hơn. Thuốc thường ở dạng hít và sử dụng trực tiếp. 
  • Thuốc chống viêm Steroid: Thuốc giúp giảm viêm phế quản nhanh chóng nhưng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. 

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dân gian khác để hỗ trợ quá trình chữa trị đạt hiệu quả cao hơn. 

Sử dụng thuốc giãn phế quản giúp người bệnh dễ thở hơnSử dụng thuốc giãn phế quản giúp người bệnh dễ thở hơn

Biện pháp cải thiện bệnh tại nhà

Ngoài sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị tại nhà cũng giảm khó chịu do bệnh gây ra, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Một số biện pháp cải thiện mà bạn có thể thực hiện tại nhà gồm: 

  • Uống đủ nước:Làm loãng đờm để dễ đẩy ra ngoài. Từ đó đường thở trở nên thông thoáng, người bệnh hít thở dễ dàng hơn. 
  • Súc miệng bằng nước muối: Ho do viêm phế quản khiến họng đau rát, vệ sinh học bằng nước muối giúp làm sạch cổ họng, giảm viêm. 
  • Sử dụng viên ngậm ho: Giúp giảm đau rát do ho nhiều, đồng thời giảm dịch nhầy ở vùng họng. 
  • Luyện tập các bài thở: Áp dụng các bài tập thở khi gặp tình trạng thở gấp, giúp người bệnh điều hòa nhịp thở nhanh chóng. 

Một số cách phòng tránh viêm phế quản dị ứng

Với nguyên nhân thường là do các yếu tố như thời tiết, khói bụi, phấn hoa, lông động vật,... Do đó cách phòng tránh dễ dàng và đạt hiệu quả tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Khi trời chuyển lạnh, hanh khô cần giữ cổ họng và mũi luôn ấm. Nếu sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất thì nên đeo khẩu trang. Đặc biệt, luôn đem theo thuốc dị ứng để tránh bệnh bùng phát đột ngột. 

Ngoài ra, để cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt chống lại bệnh, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên. Hơn nữa, bệnh có thể kiểm soát tốt bằng lối sống lành mạnh, khoa học và sử dụng thuốc phù hợp. 

Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị ứng gây bệnh là biện pháp có hiệu quả caoHạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị ứng gây bệnh là biện pháp có hiệu quả cao

Viêm phế quản dị ứng là bệnh do các tác nhân gây dị ứng như thời tiết, khói bụi, phấn hoa, lông động vật,... khiến người bệnh xuất hiện tình trạng ho khan, ho có đờm, khó thở,.... Đây là bệnh do cơ địa nên kéo dài suốt đời khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. 

Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh viêm phế quản dị ứng. Người bệnh nên xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học để cải thiện tình trạng bệnh, đồng thời thăm khám để được điều trị đúng cách, đạt hiệu quả cao. 

Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, Bệnh viện Đa Khoa Phương Đông là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Để đăng ký khám chữa bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản dị ứng, Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
254

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám