Viêm VA: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Doan Nguyen

14-03-2023

goole news
16

VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi. Căn bệnh này được biết đến nhiều nhưng nhận thức được mức độ nguy hiểm và triệu chứng của bệnh là điều các bậc phụ huynh thường chủ quan. Bài viết dưới đây chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh viêm VA ở người lớn và trẻ em cùng những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Viêm VA là gì? 

VA là từ viết tắt tiếng Pháp, dùng để chỉ tổ chức bao gồm tế bào bạch cầu (lympho) nằm trong vòng họng. Khi hô hấp, không khí sẽ đi vào mũi, qua VA rồi tới phổi. Độ dài VA trung bình khoảng 4 - 5mm, không cản trở đường thở. VA phát triển mạnh nhất ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi, thoái triển khi bé 5 - 6 tuổi trở lên. 

Viêm VA (sùi vòm mũi họng) là từ ngữ chỉ tình trạng VA bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng do tác nhân gây bệnh tấn công. Điều này khiến khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, người bệnh thường mệt mỏi, dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. 

Nguyên nhân gây viêm VA

Lý do chủ yếu khiến VA bị viêm là thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhiệm vụ chính của VA là tạo kháng thể khi cơ thể bị viêm nhiễm. Nếu bị virus, vi khuẩn tấn công khiến suy giảm sức đề kháng, từ đó các tác nhân gây xâm nhập, cư trú và sinh sôi trong cơ thể người bệnh. Lúc này, VA đã thành ổ chứa vi khuẩn. Những vi khuẩn thường gặp như: Staphylococcus, Streptococcus; còn nếu bị viêm do virus thì là: adenovirus, virus Epstein-Barr, rhinovirus.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến sức đề kháng không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn, virus như: 

  • Sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
  • Ngủ không đủ giấc và uống đủ nước
  • Ăn, uống nhiều đồ ngọt. 
  • Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
  • Sinh hoạt ở môi trường ô nhiễm, khói bụi,..
  • Không vận động thường xuyên

Sử dụng chất kích thích khiến hệ miễn dịch bị suy giảm
Sử dụng chất kích thích khiến hệ miễn dịch bị suy giảm

Phân loại và những biểu hiện thường gặp của viêm VA 

Viêm VA cấp tính: 

Đối tượng dễ mắc bệnh là những trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi hoặc những trẻ lớn hơn từ 3  - 4 tuổi. Những dấu hiệu khi mắc bệnh này mà cha mẹ nên lưu ý: 

  • Sốt đột ngột: Trẻ thường bị sốt từ 38 - 39 độ C, đôi khi sốt cao lên đến 40 độ C. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em khiến cha mẹ chủ quan không nghĩ rằng con em mình mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.
  • Ngạt mũi: Khi VA bị viêm, dịch nhầy trong mũi tăng lên gây ngạt mũi nặng dần. Ban đầu, một bên mũi sẽ bị ngạt, sau đó lan dần sang bên còn lại. Khi bị ngạt mũi, trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc hô hấp, khiến trẻ phải há miệng ra để thở, nhiều bé sẽ khóc, thở khụt khịt. Đặc biệt, đối với trẻ còn bú sữa, ngạt thở khiến trẻ bú ngắt quãng để thở hoặc bỏ bú. 

  • Ho: Nhiều cha mẹ không quan tâm đến triệu chứng này, nhưng ho xuất hiện khi bị viêm VA cấp tính vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 mắc bệnh.  
  • Khả năng nghe suy giảm: Khi VA bị viêm cấp tính, thính giác của trẻ bị ảnh hưởng, kết quả là trẻ bị lơ đễnh và nghe kém hơn. 
  • Những triệu chứng khác: Nhiều trường hợp ghi nhận trẻ có dấu hiệu chán ăn, quấy khóc nhiều hơn, cơ thể mệt mỏi không muốn vui chơi như bình thường, dễ tiêu chảy… 

 
Khi thăm khám lâm sàng tại các cơ sở y tế uy tín, những biểu hiện bên trong cơ thể được thấy rõ như: 

  • Màng nhĩ trở nên xám đục 
  • Niêm mạc họng bị đỏ, có dịch mũi chảy ở thành sau họng. 
  • Sưng hạch góc hàm. 
  • Các khe và hốc mũi đọng dịch nhầy, niêm mạc nề sưng đỏ lên. 

Sưng hạch góc hàm là triệu chứng của viêm VA.
Sưng hạch góc hàm là triệu chứng của viêm VA.

Viêm VA mạn tính

Nếu không có phương pháp điều trị VA khi bị viêm cấp tính, để lâu dài sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm kéo dài, gây viêm VA mạn tính (viêm VA quá phát). Đây là trường hợp bị tấn công bởi nhiều vi khuẩn (bội nhiễm). Những triệu chứng đặc trưng bao gồm chảy nước mũi và ngạt mũi mạn tính. 

  • Khi khối VA bị viêm càng to khiến ngạt mũi và chảy nước nước tăng lên. Nếu không có biện pháp xử lý đúng cách, nước mũi sẽ chảy thường xuyên thậm chí có màu vàng hoặc xanh. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn bị chảy nước mũi mủ (bội nhiễm). 
  • Tần suất ngạt mũi có khi tăng lên, nhiều người ngạt vào ban đêm hoặc cả ngày. Trong nhiều ca ghi nhận người bệnh bị tắc mũi hoàn toàn nên phải thở bằng miệng, nói bằng giọng mũi. 

Đối tượng có nguy cơ bị viêm VA

Trẻ nhỏ thường dễ mắc bệnh do các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện khiến VA dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Viêm VA trẻ em xuất hiện ở những trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi hoặc trẻ từ 3 - 7 tuổi do sức đề kháng chưa đủ mạnh. Ngoài ra, những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ đẻ non hoặc có cơ địa dị ứng, đang mắc bệnh khiến hệ thống miễn dịch suy giảm là đối tượng mắc bệnh này. 

Đối với người lớn, viêm VA mạn tính ở người lớn dễ gặp khi gặp điều kiện sinh hoạt và môi trường thuận lợi khiến vi khuẩn, virus dễ cư trú và sinh sôi trong cơ thể.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do có sức đề kháng yếu
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do có sức đề kháng yếu

Viêm VA có lây nhiễm không?

Viêm VA có lây không là mối lo của nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ, bởi các bệnh về đường hô hấp được biết đến là rất dễ lây lan trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Tai - Mũi - Họng thì bệnh lý này không có khả năng lây truyền dù nguyên nhân chính gây ra bệnh là virus, vi khuẩn. Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây bệnh này cũng không có khả năng lây lan trong cộng đồng. Vì thế, mọi người không cần quá lo lắng về tính lây lan của bệnh, cũng như khi phải tiếp xúc với người bị viêm VA. 

Biến chứng của bệnh lý viêm VA

Viêm VA cấp tính:

  • Đường thở qua mũi bị bít tắc: cửa mũi sau bị tắc, hô hấp bằng mũi gặp khó khăn, dịch bị ứ đọng và có mủ ở mũi. 
  • Lỗ thông khi vào tai giữa bị bít tắc khiến tai giữa bị viêm cấp, viêm tai giữa mủ. Do đó, thính lực bị suy giảm đáng kể, khả năng phản ứng với âm thanh bị kém. 
  • Nếu kéo dài mà không có phương pháp chữa trị thích hợp gây viêm VA quá phát. 
  • Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngừng thở trong lúc ngủ do mức độ bệnh nghiêm trọng. 
  • Khó đi sâu và giấc ngủ do ngạt mũi, dễ bị giật mình, nghiến răng khi ngủ hoặc bị đái dầm. 
  • Sức khỏe thể chất và tinh thần ở trẻ bị chậm phát triển.  

Viêm VA mạn tính: 

  • Bệnh nhân dễ mắc bệnh đe dọa đến đường hô hấp như: viêm xoang, viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, viêm phế quản và viêm thanh quản. 
  • Người bệnh có cảm giác khó thở bằng mũi, qua nhiều năm chóp mũi trở nên nhỏ hơn. Xương hàm do đó bị kém phát triển, răng hàm trên mọc lởm chởm, cằm nhô ra bên ngoài. 
  • Biến chứng nguy hiểm nhất là ngừng thở lúc ngủ, bị chậm phát triển về thể chất, tinh thần (trong trạng thái đờ đẫn). 

Biện pháp chẩn đoán viêm VA

Khi nghi ngờ bị mắc bệnh, bác sĩ sẽ khai thác những triệu chứng bất thường liên quan đến đường hô hấp của bệnh nhân. Ngoài ra, những biểu hiện đặc trưng như viêm tai giữa kéo dài hoặc viêm mũi xoang cấp tái phát nhiều lần cũng được ghi nhận để chẩn đoán bệnh. 

Phương pháp mang lại hiệu quả nhất khi chẩn đoán là nội soi qua đường miệng hoặc đường mũi. Để xác định sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu hoặc phết dịch cổ họng. 

Để xác định sự hiện diện của vi khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành phết dịch cổ họng.
Để xác định sự hiện diện của vi khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành phết dịch cổ họng. 

Phương pháp điều trị viêm VA

Viêm VA cấp tính

  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý giúp bệnh nhân dễ thở hơn. 
  • Sử dụng thuốc điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý mua hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ. 
  • Thuốc kháng viêm và kháng sinh sẽ được chỉ định điều trị tại chỗ trong trường hợp nhiễm khuẩn hoặc bội khuẩn. 
  • Kháng sinh toàn thân được sử dụng cho mức độ bệnh diễn biến nặng có nhiều biến chứng. 

Viêm VA mạn tính

Viêm VA có tự khỏi hay không phụ thuộc nhiều vào mức độ bệnh lý và thể trạng của bệnh nhân. Khi bệnh chuyển biến sang giai đoạn mãn tính, cần điều trị bằng phẫu thuật, gọi là phẫu thuật nạo VA. Đây là kỹ thuật phổ biến và an toàn nên không gây nguy hiểm cũng như để lại nhiều biến chứng khác.

Khi nhắc đến phẫu thuật, nhiều bệnh nhân lo lắng vì sợ đau, mất nhiều máu, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và thời gian phục hồi lâu. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ Plasma trong việc nạo VA sẽ khiến bệnh nhân ít đau đớn, hạn chế biến chứng và thời gian phục hồi nhanh chóng. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm VA

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đến từ nhiễm trùng và dị ứng. Vì vậy, giữ gìn sức khoẻ để trẻ có hệ thống miễn dịch mạnh trong việc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Những biện pháp nên được thực hiện bao gồm: 

  • Thể dục hằng ngày, tham gia các hoạt động thể thao vừa sức. 
  • Bổ sung cho các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt cần hấp thu những thực phẩm giàu vitamin, chất xơ. 
  • Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh bị vi khuẩn tấn công. 
  • Hạn chế sinh sống và di chuyển đến những nơi không an toàn vệ sinh.
  • Không được sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. 
  • Thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế chất lượng và bệnh viện có uy tín. 

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục hằng ngày.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục hằng ngày. 

Những câu hỏi thường gặp: 

Viêm VA cấp là gì? 

Viêm VA chỉ tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn ở VA. Bệnh viêm cấp tính thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi hoặc những trẻ lớn tuổi hơn từ 3 - 7 tuổi. Những trẻ có hệ miễn dịch kém do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chưa bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc đang mắc bệnh mạn tinh đều có nguy cơ khiến VA bị viêm nhiễm. 

Viêm VA quá phát là gì?

Khi có dấu hiệu mắc bệnh sùi vòm mũi họng nhưng chủ quan không có phương pháp điều trị thích hợp khiến VA bị viêm nhiễm kéo dài. Từ đó, bệnh phát triển thành viêm quá phát. Đây là tình trạng bệnh tái phát nhiều lần trong năm khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong hô hấp, chịu nhiều đau đớn.  

Viêm VA và amidan có giống nhau không? 

Viêm VA và viêm Amidan hai căn bệnh thường gặp trong tai mũi họng. Viêm Amidan là hiện tượng nhiễm khuẩn hoặc virus quá tải làm amidan sưng lên và bị viêm. Trẻ bị Amidan thường bị sốt cao 38 - 39 độ C, người mệt mỏi, nuốt nước bọt bị đau. Ngoài ra khi bị viêm Amidan mạn tính thường có biểu hiện ngứa và rát họng, sốt vặt, thường khạc nhổ do xuất tiết. Trẻ bị viêm VA có triệu chứng đặc trưng là ngạt mũi và chảy mũi. 

Triệu chứng đặc trưng của viêm Amidan là ngứa rát cổ họng.
Triệu chứng đặc trưng của viêm Amidan là ngứa rát cổ họng. 

Viêm VA độ 2 là gì? Viêm VA quá phát độ 3 là gì? 

Mức độ viêm nhiễm của VA được chia thành 4 giai đoạn: 

  • Cấp độ 1: tình trạng viêm chiếm ít hơn 33% diện tích cửa mũi sau. 
  • Cấp độ 2: tình trạng viêm chiếm từ 33 - 66% diện tích cửa mũi sau. 
  • Cấp độ 3: tình trạng viêm chiếm 66 - 90% diện tích cửa mũi sau. 
  • Cấp độ 4: tình trạng viêm chiếm hết diện tích cửa mũi sau và có dấu hiệu lan sang hố mũi. 

Vậy viêm VA độ 3 có nguy hiểm không? 

Khi bị chẩn đoán VA bị viêm ở mức độ 3 sẽ khiến lỗ thông khí ở tai giữa bị tắc, gây ra bệnh viêm tai giữa mủ và viêm tai giữa cấp tính. Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm nhiễm VA sẽ lan ra hết cửa mũi và lan sang hố mũi. Người bệnh lúc đó mắc những bệnh lý khác như viêm nhiễm thận cấp, viêm tấy quanh amidan, viêm tấy thành bên họng hoặc hạch dưới hàm. 

Hy vọng bài viết này sẽ đem đến những kiến thức bổ ích về căn bệnh viêm VA. Đây là bệnh lý có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp của bệnh nhân. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần nên đi thăm khám ở cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn và giải đáp thắc mắc. 

Với đội ngũ y bác sĩ uy tín được đào tạo bài bản cùng trang thiết bị hiện đại, bệnh viện Đa khoa Phương Đông chúng tôi hân hạnh được phục vụ quý khách trong quá trình thăm khám. Đối với những bệnh liên quan đến VA, quý khách cần khám tại khoa Tai - Mũi - Họng để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,007

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám