Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) hơn 60% nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp ở trẻ nhỏ là do RSV gây ra. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Trong số các trẻ đến 1 tuổi có tới 70% trẻ đã từng nhiễm RSV, cho đến 2 tuổi thì có khoảng 90% trẻ em trên thế giới đã ít nhất 1 lần nhiễm RSV. Đáng báo động là mỗi năm trên thế giới có khoảng 100.000 trẻ em tử vong do biến chứng của virus hợp bào hô hấp (RSV). Vậy virus này nguy hiểm như thế nào, làm thế nào để phòng tránh, mời bạn theo dõi bài viết của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được giải đáp chi tiểt!
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì? Có thể gây ra bệnh lý gì?
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là loại virus phổ biến thuộc nhóm paramyxovirus chủ yếu gây ra các bệnh lý hô hấp như viêm phổi ở trẻ em, viêm tiểu phế quản và nghiêm trọng hơn là suy hô hấp. Đây là virus có khả năng lây nhiễm, thậm chí lây rất nhanh qua người lớn sang trẻ em từ các chất dịch đường hô hấp khi hắt hơi, bắt tay,....
Điều nguy hiểm là bệnh có triệu chứng khá mờ nhạt, ban đầu bệnh nhân chỉ có triệu chứng khò khè, khó thở nhưng có thể diễn biến xấu. Điều này xảy ra khi virus thâm nhập vào đường mũi, gây viêm niêm mạc đường hô hấp, dịch mũi tiết nhiều bít tắc đường thở dẫn đến người bệnh không thở được.

Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý nguy hiểm về đường hô hấp
Như đã đề cập đến ở trên, các biến chứng có xu hướng ngày càng nghiêm trọng khi ở giai đoạn tiếp theo, virus hợp bào hô hấp (RSV) tiếp cận phổi và ống phế quản gây ra các vấn đề sức khoẻ như:
- Viêm phổi ở trẻ em: Đây là biến chứng phổ biến nhất, đặc biệt phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi, khi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
- Viêm phế quản: RSV có thể gây viêm nhiễm các ống phế quản, khiến người bị nhiễm khó thở, thở khò khè, thở nhanh,...
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính: Đặc biệt nguy hiểm đối với người già, trẻ sơ sinh hoặc những người có bệnh lý nền. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng, yêu cầu can thiệp y tế khẩn cấp.
- Hội chứng tràn dịch màng phổi: Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhiễm RSV không được điều trị kịp thời.
Nếu như ở người lớn, bị nhiễm virus RSV 2 - 8 ngày mới có biểu hiện, trẻ khoẻ mạnh không cần điều trị thì đối với trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có bệnh lý nền, RSV vô cùng nguy hiểm. Virus có khả năng diễn biến nhanh với các trẻ nhỏ, khiến bé bị khó thở và chuyển biến xấu nhanh.
Ai dễ bị lây nhiễm virus RSV? Lây nhiễm như thế nào?
Như đã nhắc đến ở trên, virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng những đối tượng dễ bị lây nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người cao tuổi.
Về đường lây nhiễm, theo Bộ Y Tế, RSV lây lan chủ yếu qua 2 con đường sau:
- Lây qua các giọt bắn, dịch tiết trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi
- Qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp nhiễm trên các bề mặt chung như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa,.... sau đó, người khoẻ mạnh lại đưa tay lên mắt mũi miệng,...

Một số đường lây truyền và đặc tính của virus (Nguồn: Bệnh viện Nhi TW)
Trung bình, RSV có thể tồn tại hơn ½ giờ trên tay hoặc tối đa 5 giờ trên bề mặt vật dụng, đồ đạc. Nếu gia đình bạn có người lớn nhiễm RSV nhưng không phát hiện hoặc không cách ly thì khả năng trẻ nhỏ, người già cùng chung sống mắc bệnh là rất cao.
Đặc biệt, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi TW cho hay: Trẻ em dưới 2 tuổi là nhóm dễ mắc phải nhất do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ và có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất vì đường thở còn nhỏ, dễ bị tắc nghẽn khi bị nhiễm bệnh.
Biểu hiện của trẻ nhiễm virus RSV
Theo các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhi TW: Triệu chứng của RSV rất đa dạng với thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 ngày. Cha mẹ có thể theo dõi các triệu chứng đi kèm với từng giai đoạn bệnh của bé như sau:
- 1 - 2 ngày đầu: Sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, ho ít, mệt mỏi, chán ăn. Đây là giai đoạn bệnh nhẹ nhưng thường bị bỏ qua do biểu hiện rất giống với cảm cúm, cảm lạnh thông thường
- 3 - 5 ngày: Giai đoạn bệnh nặng với các mức độ triệu chứng nặng hơn như sốt cao hơn, ho nhiều hơn, khò khè, quấy khóc, khó thở. Đặc biệt với trẻ sơ sinh có thể xuất hiện các cơn ngừng thở
- 6 - 7 ngày: Trẻ bắt đầu lui bệnh và giảm dần triệu chứng. Tuy nhiên, tình trạng khò khè có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng

Một số triệu chứng của trẻ sơ sinh nhiễm RSV
Nguyên nhân và các yếu tố tăng nguy cơ lây nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)?
Như đã nói đến ở trê, RSV chủ yếu lây lan qua các giọt bắn trong không khí, nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh nặng thường xảy ra với nhóm đối tượng sau:
- Trẻ sơ sinh nhỏ hơn 3 tháng
- Trẻ sinh non
- Trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh
- Trẻ có bệnh lý nền như bệnh phổi mãn tính, bị suy giảm miễn dịch
- Trẻ sinh ra trong thời điểm giao mùa dễ mắc RSV
- Bệnh nhi Down, bại não
- Bệnh nhân xơ nang
Khi nào nên đưa trẻ đến Bệnh viện?
Các bác sĩ của khuyến cáo, bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay nếu con có các dấu hiệu:
- Sốt cao kéo dài, không hạ dù đã dùng thuốc
- Tay chân tím tái - biểu hiện của tình trạng thiếu oxy
- Nôn nhiều
- Bỏ bú, kém ăn
- Thở nhanh, rút lõm lồng ngực
- Li bì, co giật
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Việc phát hiện sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và phục hồi nhanh chóng.

Một trong các triệu chứng của RSV là sốt cao kéo dài
Cách chẩn đoán virus hợp bào hô hấp cho trẻ
Virus hợp bào hô hấp (RSV) thường được phát hiện qua các phương pháp xét nghiệm chuyên biệt. Thông thường, các bác sĩ sẽ chẩn đoán theo trình tự dưới đây:
- Kiểm tra lâm sàng: Đánh giá các triệu chứng lâm sàng như ho, khó thở, sốt, sổ mũi và khai thác tiền sử bệnh lý để xác định trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh hay không.
- Xét nghiệm test nhanh: Phương pháp này giúp phát hiện các protein đặc trưng của virus RSV bằng cách thu thập dịch tiết của đường hô hấp
- Xét nghiệm PCR: Đây là tiêu chuẩn vàng để phát hiện virus RSV. Thử nghiệm này rất chính xác và giúp phát hiện virus từ mẫu dịch mũi họng.
- Chẩn đoán qua siêu âm hoặc X-quang: Đối với những trường hợp RSV nặng dẫn đến viêm phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm hoặc X-quang ngực để kiểm tra sự hiện diện của dịch trong phổi và đánh giá mức độ tổn thương.
Điều trị cho trẻ em nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV như thế nào?
Theo nguyên tắc, không phải trẻ em nào bị nhiễm virus RSV cũng cần đến Bệnh viện. Nếu bệnh nhi chỉ bị viêm đường hô hấp nhẹ thì hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, các bé bị Việc điều trị virus RSV phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Dưới đây là các phương pháp điều trị chủ yếu:
Điều trị tại nhà
- Bổ sung nước hoặc sữa: Đảm bảo trẻ uống đủ nước để tránh mất nước, đặc biệt là khi trẻ bị sốt hoặc khó ăn uống. Nếu bé không uống, không ăn được hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để truyền dịch
- Hạ sốt và giảm đau: Sử dụng thuốc hạ sốt cho bé nếu sốt trên 38,5 độ C cách 4 - 6 giờ/ lần theo chỉ định của bác sĩ để giảm sốt
- Rửa mũi, hút dịch mũi, nhỏ mũi cho con bằng nước muối sinh lý 0,9%
- Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc vì các chất độc trong thuốc lá có thể làm bệnh diễn biến nặng và tăng nguy cơ hen suyễn
- Chia nhỏ bữa ăn hoặc cữ bú để tránh bé bị nôn trớ hay ho nhiều
- Giữ ấm tránh để trẻ bị lạnh
- Tái khám định kỳ

Cha mẹ nên bổ sung nước hoặc sữa cho con khi chăm sóc tại nhà
Điều trị tại bệnh viện
Tập trung vào đảm bảo thông thoáng đường thở, đảm bảo em bé được cung cấp đủ oxy, đủ nước khi cần
- Hỗ trợ hô hấp: Đối với trẻ bị suy hô hấp, các bác sĩ có thể phải bổ sung thêm oxy để gia tăng cường lượng oxy trong máu.
- Dịch truyền tĩnh mạch: Nếu trẻ không thể uống đủ nước do nôn mửa hoặc biếng ăn, mất nước do sốt cao, rối loạn tiêu hoá bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch tĩnh mạch để duy trì thể trạng.
- Uống thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm
Đối với trẻ em bị RSV nhẹ, bé chỉ cần điều trị tại nhà để tự hồi phục. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng, nhập viện và theo dõi chặt chẽ là điều cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhi có thể được phải bổ sung oxy nếu bị khó thở nặng
Phòng ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) như thế nào?
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW cho hay: Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus hợp bào hô hấp (RSV). Để chủ động phòng ngừa bệnh, cha mẹ có thể tập trung vào các biện pháp chủ động phòng tránh bệnh lý như đây:
- Rửa tay cho bé sạch sẽ với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc ở nơi đông người
- Giữ môi trường sạch sẽ: Đảm bảo không gian sống, giường ngủ và đồ chơi của trẻ luôn sạch sẽ sẽ giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn từ các bề mặt bị nhiễm.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế để trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, ho, hay các bệnh hô hấp khác.
- Tiêm kháng thể đơn dòng (Palivizumab): Đây là kháng thể đầu tiên được FDA cấp phép sử dụng, nó ức chế sự sao chép và của virus ngay từ giai đoạn đầu giúp giảm 68% nguy cơ ở trẻ sinh non và giảm 50% tỷ lệ thở máy nhập viện cho bé. Hiện nay thuốc đã được Bộ Y Tế Việt Nam cấp phép sử dụng và lưu hành.
Thấu hiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ em, đặc biệt là các bé sinh non, trẻ em có bệnh nền, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong số các cơ sở y tế đầu tiên ứng dụng tiêm kháng thể đơn dòng cho các em bé từ khi chào đời.
Với thế mạnh về nguồn vắc xin dồi dào, đội ngũ bác sĩ khám sàng lọc và tư vấn được đào tạo chuyên biệt, hệ thống trang thiết bị hiện đại, trong thời gian sắp tới, Bệnh viện sẽ tiến hành tiêm kháng thể đơn dòng cho trẻ đến khám ngoại trú và lưu viện nội trú. Điều này là một trong số những biện pháp chủ động mang tới hiệu quả tốt nhất trong phòng tránh viêm phổi do RSV.

Bệnh nhi tiêm vắc xin tại Trung tâm Tiêm chủng Phương Đông
Có thể nói, virus hợp bào hô hấp (RSV) là một loại virus rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em dưới 2 tuổi, có thể gây ra các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản và suy hô hấp cấp. Để chủ động phòng tránh bệnh, cha mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với người lớn di chuyển nhiều, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tiêm kháng thể đơn dòng phòng tránh từ sớm.