Vôi hoá van tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, tình trạng này xảy ra khi canxi tích tụ trên van tim, làm hạn chế chức năng của van, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bơm máu của tim. Để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị vôi hoá van tim là điều cần thiết. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Vôi hoá van tim là gì?
Vôi hoá van tim là tình trạng các mảng canxi, mô mỡ và khoáng chất dư thừa bám trên bề mặt van tim khiến cho khả năng hoạt động của van bị giới hạn, tim hoạt động không hiệu quả, lưu lượng máu đi nuôi cơ thể bị giảm.
Vôi hóa van tim là tình trạng chức năng đóng mở bình thường của van bị hạn chế do cặn canxi và mô mỡ
Khi các mảng vôi hoá này xuất hiện lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc hẹp mạch máu. Đặc biệt, trong trường hợp bị tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não sẽ gây đột quỵ. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, các van động mạch chủ, van tim hai lá thường sẽ có tỷ lệ bị vôi hoá cao hơn so với các van tim ba lá, van động mạch phổi. Lý do bởi van động mạch chủ và van hai lá nằm ở các khu vực dòng máy chảy xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho canxi lắng đọng.
Căn nguyên gây ra vôi hoá van tim
Nguyên nhân dẫn đến vôi hoá van tim có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp, cụ thể:
- Do van tim bị lão hoá: Van tim là cơ quan phải làm việc không ngừng, chịu áp lực và ma sát rất lớn. Khi tuổi tác gia tăng, van tim sẽ dễ bị tổn thương hơn với các mảng vữa, chất béo tích tụ trên bề mặt theo năm tháng.
- Các bất thường van bẩm sinh: Những biến đổi gen làm cho cấu trúc van tim không bình thường, khiến chúng dễ bị vôi hoá và cứng dần theo thời gian.
- Lối sống và thói quen không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu bia, dung nạp thực phẩm nhiều chất béo,...làm gia tăng tình trạng xơ, thúc đẩy quá trình tích tụ mảng bám canxi tại van.
- Do mắc bệnh lý nền: Bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn tính, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ...làm tăng nồng độ triglyceride, cholesterol khiến các mảng bám dễ hình thành hơn.
- Tình trạng viêm nhiễm: Viêm nhiễm van tim gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, gây ra vôi hoá van.
- Bệnh nhân đang trong quá trình xạ trị: Việc xạ trị ở vùng ngực đối với một số bệnh nhân ung thư cũng có thể gây ra tình trạng vôi hoá van tim động mạch chủ, làm van dày cứng hơn.
- Do các dị tật bẩm sinh
Triệu chứng của vôi hoá van tim
Bệnh nhân bị vôi hóa van tim dài ngày có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tim
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ không cảm nhận được các triệu chứng bởi chúng chưa xuất hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh có những diễn biến phức tạp hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau thắt ngực;
- Khó thở;
- Đánh trống ngực;
- Chóng mặt;
- Mệt mỏi;
- Chân và mắt cá chân bị phù nề;
- Ho.
Để có thể phát hiện sớm tình trạng này, bệnh nhân nên đi thăm khám chuyên khoa tim mạch định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu,...
Xem thêm:
Biến chứng của bệnh vôi hoá van tim
Nếu tình trạng vôi hoá van tim không được phát hiện và điều trị sớm có thể để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng, cụ thể:
- Rối loạn nhịp tim: Do van tim bị vôi hoá nên tình trạng lưu thông máu ra vào tim có thể bị ảnh hưởng dẫn đến ứ trệ tuần hoàn. Vì vậy sẽ xảy ra tình trạng tim đập bất thường, khiến người bệnh cảm thấy hồi hộp và đánh trống ngực liên hồi.
- Viêm nội tâm mạc: Vôi hoá van tim khiến cho nội tâm mạc dễ bị viêm hơn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây hỏng van.
- Phì đại tâm thất trái: Khi tình trạng vôi hoá van động mạch chủ nặng sẽ gây ra thu hẹp lỗ van động mạch chủ. Lúc này lượng máu cung cấp cho các cơ quan khác sẽ bị giảm bởi dòng máu bị cản trở. Để đủ máu để bơm đi nuôi khắp cơ thể, tim phải co bóp nhiều hơn, lâu dài sẽ dẫn đến phì đại tâm thất trái.
- Suy tim: Do tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài có thể dẫn đến suy tim. Ở những bệnh nhân bị suy tim, dịch tích tụ ở các mao mạch phổi dẫn đến ứ huyết ở phổi. Vì thế, người bệnh thường cảm thấy khó thở, ho khan, đờm bọt,...Đồng thời, máu không thể trở về tim gây phù ở các chi.
- Ngừng tim, đột tử: Mặc dù là biến chứng ít gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Nếu bệnh nhân gặp vấn đề này cần nhanh chóng tiến hành can thiệp, phẫu thuật tim nhanh chóng để kịp thời cứu chữa.
Điều trị vôi hoá van tim bằng cách nào?
Phương pháp điều trị vôi hoá van tim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: Mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác cũng như sức khoẻ tổng thể của người bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh, nguy cơ để lại biến chứng,...Sau khi xem xét các yếu tố này, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc hay phẫu thuật theo từng phác đồ riêng biệt.
Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc để giảm sự tích tụ cholesterol trong van tim hạn chế quá trình vôi hóa
Thuốc là sự lựa chọn đầu tiên trong quá trình điều trị vôi hoá van tim. Những nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng như:
- Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin: Giảm sự tích tụ cholesterol ở van tim.
- Thuốc chẹn giao cảm: Điều hoà nhịp tim;
- Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ cục máu đông hình thành trong tim;
Điều trị không dùng thuốc
Đối với bệnh nhân bị vôi hoá van tim bị xơ cứng, chế độ dinh dưỡng và tập luyện là vô cùng quan trọng giúp phòng tránh bệnh tái phát.
Các thực phẩm mà người bệnh nên hạn chế tiêu thụ bao gồm: Mỡ động vật, các loại thịt đỏ, đồ uống có cồn, chất kích thích gây hại.
Nên bổ sung nhiều chất xơ hoà tan như rau củ quả sạch, omega 3 có trong các loại cá biển. Mỗi ngày có thể dành ra khoảng 30 phút để tập luyện thể dục nhẹ nhàng, vừa giúp tăng cường máu lưu thông, vừa tránh được quá trình tích tụ mỡ, hạn chế nguy cơ vôi hoá van.
Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật
Về phương pháp can thiệp có xâm lấn, có ba phương thức được lựa chọn, bao gồm:
- Phẫu thuật mở: Đây là một phương pháp tương đối phức tạp. Được thực hiện bằng cách thay van tim thông qua phẫu thuật mở xương ức, thay thế bằng van nhân tạo.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Thay van tim thông qua một vết mổ nhỏ trên ngực. Thủ thuật này ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi cũng ngắn hơn so với phương pháp phẫu thuật mở.
- Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR): Đối với bệnh nhân là người lớn tuổi, đây là một sự lựa chọn phù hợp và tối ưu bởi ít xâm lấn. Thay vì phẫu thuật mở, van được đưa vào vị trí thông qua ống thông chạy từ đùi tới cánh tay.
Tại Bệnh viện Phương Đông là nơi hội tụ của những chuyên gia, y bác sĩ đầu ngành về tim mạch. Vì vậy, nếu quý khách hàng cần tìm kiếm địa chỉ thăm khám phì vôi hoá van tim uy tín hoặc có thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ theo hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được đội ngũ tư vấn hỗ trợ sớm nhất.
Câu hỏi liên quan
Câu 1: Vôi hoá van tim có phải do chế độ ăn uống không?
Vôi hoá van tim không phải do chế độ ăn uống gây nên, phần lớn là do dòng xoáy của máu khiến van bị tổn thương dẫn đến tình trạng vôi hoá. Tuy nhiên, việc lưu ý tới chế độ ăn uống cũng như xây dựng một lối sống lành mạnh là điều vô cùng cần thiết để phòng ngừa bệnh..
Câu 2: Bị vôi hoá van tim có bị giảm tuổi thọ không?
Vôi hóa van tim thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tình trạng bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi do các bệnh lý nền hoặc lối sống không lành mạnh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người mắc vôi hóa van động mạch chủ có nguy cơ tử vong cao hơn gấp 2-3 lần so với người không mắc bệnh trong vòng 5 năm nếu không can thiệp điều trị.
Tuy nhiên, với tiến bộ y học hiện nay, các phương pháp điều trị như phẫu thuật thay van hoặc sửa van tim đã cải thiện đáng kể tiên lượng cho bệnh nhân. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, nhiều người có thể sống lâu hơn và duy trì chất lượng cuộc sống tốt. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, và duy trì lối sống lành mạnh.
Kết luận
Việc chăm sóc và bảo vệ trái tim không chỉ dừng lại ở chế độ ăn uống lành mạnh hay luyện tập thể thao, mà còn cần sự hiểu biết đúng đắn về các bệnh lý tim mạch như vôi hoá van tim. Nhận diện sớm các triệu chứng, tuân thủ phác đồ điều trị và thăm khám định kỳ là chìa khóa giúp bạn duy trì trái tim khỏe mạnh.