Xét nghiệm Covid-19 giá bao nhiêu, làm ở đâu tốt? 

Nguyễn Mai Phương

05-06-2021

goole news
16

Nhiều cơ sở y tế đã chủ động thực hiện xét nghiệm Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Vậy xét nghiệm Covid-19 giá bao nhiêu, làm ở đâu tốt?

Tầm quan trọng của xét nghiệm Covid-19

Đại dịch Covid-19 được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau Thế chiến II bởi những ảnh hưởng sâu sắc của nó tới mọi khía cạnh trong đời sống kinh tế, xã hội. Tính tới ngày 1 tháng 6 năm 2021, đã có hơn 171 triệu ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại hơn 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 3,5 triệu ca tử vong.

Cuộc khủng hoảng do Covid 19 đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế công cộng và vai trò của nhân viên y tế, đặt ra nhiều thách thức trong công tác ngăn chặn, khắc chế và kiểm soát dịch lây lan. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng để đưa ra các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch hợp lý, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là yêu cầu cấp thiết về kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ sở xét nghiệm tại địa phương để có thể xét nghiệm trên diện rộng cho các trường hợp nghi ngờ, từ đó phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

Công tác xét nghiệm Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, dập dịch

Công tác xét nghiệm Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, dập dịch

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế, Việt Nam đã lần lượt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19 qua 3 đợt bùng phát. Ở đợt dịch thứ 4, Việt Nam phải ứng phó cùng lúc với hai biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, cả hai biến thể này đều có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt trong môi trường kín, vì vậy xét nghiệm Covid-19 cũng phải thần tốc hơn nữa, chuyển từ thế “chạy theo” sang thế “tấn công”.

Ai cần được xét nghiệm Covid-19?

Xét nghiệm Covid-19 áp dụng cho những đối tượng có triệu chứng bệnh Covid-19 bao gồm: 

  • Sốt, ớn lạnh
  • Ho
  • Đau họng
  • Khó thở, đau tức ngực
  • Mệt mỏi 
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Mất vị giác 
  • Mất khứu giác
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy

Đồng thời phải có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

  • Tiếp xúc gần (trong phạm vi 2 mét, từ 15 phút trở lên trong vòng 24 giờ) với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
  • Người trở về từ vùng dịch có ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày (được WHO ghi nhận) kể từ khi nhập cảnh.
  • Người trở về từ các vùng dịch tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.
  • Người mắc bệnh Covid - 19 đang trong quá trình điều trị.
  • Các đối tượng có nguy cơ cao khác theo chỉ định của bác sĩ/ cán bộ điều tra/ cơ quan y tế.

Người có triệu chứng bệnh và có yếu tố dịch tễ cần làm xét nghiệm Covid-19

Người có triệu chứng bệnh và có yếu tố dịch tễ cần làm xét nghiệm Covid-19

Xét nghiệm Covid 19 có mấy loại?

Xét nghiệm Covid-19 là phương pháp phân tích mẫu bệnh phẩm nhằm kiểm tra, đánh giá sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại hoặc trong quá khứ.

Có hai phương pháp xét nghiệm Covid-19 để phát hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm virus: Phát hiện sự hiện diện của virus cho biết hiện tại người được xét nghiệm có bị nhiễm hay không, có tác dụng chẩn đoán, cho phép cơ quan y tế công cộng theo dõi và ngăn chặn bùng phát. Hai loại xét nghiệm virus có thể sử dụng gồm: xét nghiệm phân tửxét nghiệm kháng nguyên.
  • Xét nghiệm kháng thể: Xác định tình trạng phơi nhiễm với virus cho biết cơ thể đã từng mắc bệnh trong quá khứ hay chưa. Phương pháp này không được sử dụng để chẩn đoán tình trạng lây nhiễm hiện tại do cơ thể phải mất 1-3 tuần để sản sinh kháng thể sau khi nhiễm bệnh. Xét nghiệm kháng thể giúp đánh giá tỷ lệ hiện mắc bệnh, ước tính tỷ lệ tử vong.
 

Xét nghiệm virus

Xét nghiệm 

kháng thể

Xét nghiệm phân tử

Xét nghiệm 

kháng nguyên

Còn được biết đến là

• Xét nghiệm chẩn đoán

• Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT)

• Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR hoặc PCR)

• Xét nghiệm chẩn đoán nhanh

• Xét nghiệm huyết thanh học

• Xét nghiệm máu

• Huyết thanh học

Tác dụng

Kiểm tra tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại.

Kiểm tra tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại.

Kiểm tra tình trạng nhiễm virus Sars-CoV-2 trước đó (trong quá khứ).

Cách thức hoạt động

Phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS CoV 2.

Phát hiện thành phần protein vỏ (trên bề mặt) của virus SARS CoV 2.

Phát hiện kháng thể được cơ thể tạo ra đáp ứng phản ứng với việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Phải mất từ 1-3 tuần sau khi nhiễm virus các kháng thể mới hiển thị trên xét nghiệm.

Ai cần xét nghiệm?

• Người có triệu chứng bệnh Covid-19

• Người tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19

• Người sống/làm việc trong môi trường có nguy cơ cao mắc bệnh

• Người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch (cách ly tập trung)

• Các đối tượng khác theo chỉ định của bác sĩ/ cán bộ điều tra/ cơ quan y tế.

• Chỉ được khuyến nghị dùng trong một số trường hợp nhất định:

- Xuất hiện biến chứng muộn do các bệnh có thể liên quan đến COVID-19 như hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

- Người có triệu chứng của Covid-19 trong nhiều tuần và xét nghiệm virus cho kết quả âm tính.

• Không được dùng để chẩn đoán xác định hay loại trừ các trường hợp nhiễm Covid-19.

Loại mẫu xét nghiệm

Mẫu dịch đường hô hấp trên (mũi, họng);

Mẫu dịch đường hô hấp dưới (phế quản, nội khí quản)

Mẫu lấy từ mũi/cổ họng bằng tăm bông.

Máu (lấy máu đầu ngón tay hoặc rút máu).

Khi nào có kết quả?

Sau 4-6 giờ có kết quả.

Khoảng 15-30 phút có ngay kết quả.

• Kỹ thuật ELISA: giúp định lượng nồng độ kháng thể IgM và IgG trong máu, trung bình sau 1-5 giờ có kết quả.

• Kỹ thuật sắc ký miễn dịch: giúp định tính kháng thể, tương tự như que thử thai, từ 15-20 phút có kết quả.

Kết quả dương tính nghĩa là gì?

Phát hiện có virus SARS-CoV-2 → Bạn bị nhiễm Covid 19, cần phải cách ly và thông báo cho những người đã tiếp xúc gần để làm kiểm dịch.

Phát hiện có virus SARS-CoV-2 → Bạn bị nhiễm Covid 19, cần phải cách ly và thông báo cho những người đã tiếp xúc gần để làm kiểm dịch.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng kết quả xét nghiệm đó là dương tính giả. Vì vậy, cần lấy mẫu bệnh phẩm hầu, họng và dịch đờm để thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (RT-PCR), đồng thời tiến hành cách ly người bệnh.

Phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 → Bạn đã từng bị nhiễm Covid 19 trước đây

Tuy nhiên kết quả này chưa đủ khẳng định hiện tại có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không, bởi có khả năng là dương tính giả do test làm muộn. Do đó bạn cần làm thêm xét nghiệm RT-PCR tìm virus SARS-CoV-2.

Kết quả âm tính nghĩa là gì?

Không phát hiện virus tại thời điểm xét nghiệm được tiến hành → Bạn không nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Tuy nhiên kết quả âm tính giả cũng có thể xảy ra do thời gian lấy mẫu không phù hợp với diễn tiến của bệnh hoặc có thiếu sót trong kỹ thuật lấy mẫu, nhất là phết mũi họng.

Nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid 19, phải duy trì kiểm dịch trước, trong và sau khi được xét nghiệm RT-PCR ở lần tiếp theo vì bạn có thể đã nhiễm bệnh nhưng vẫn còn quá sớm để xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Không phát hiện virus tại thời điểm xét nghiệm được tiến hành → Bạn không nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm. 

Tuy nhiên xét nghiệm này có tỷ lệ âm tính giả cao, cần tiến hành xét nghiệm phân tử vào thời điểm này vì xét nghiệm kháng nguyên có thể bỏ sót tình trạng nhiễm bệnh.

Nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid 19, phải duy trì kiểm dịch trước, trong và sau khi được thực hiện RT-PCR vì bạn có thể đã nhiễm bệnh nhưng vẫn còn quá sớm để xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả dương tính.

Không phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 → Bạn có thể chưa bao giờ nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Tuy nhiên xét nghiệm này không giúp loại trừ trường hợp mắc bệnh. Bạn vẫn phải cách ly 14 ngày và làm thêm RT-PCR để chẩn đoán.

Kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm Covid-19

Lấy mẫu ngoáy dịch họng như thế nào?

- Bệnh nhân há rộng miệng, dùng đè lưỡi ấn nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân bộc lộ vùng họng.

- Dùng tăm bông miết và xoay nhẹ khoảng 3 đến 4 lần ở vị trí 2 bên amidan và thành sau họng để lấy dịch và tế bào vùng họng. Tránh để tăm bông chạm vào lưỡi, răng, phần bên trong má và tránh chạm lưỡi gà vì sẽ gây kích thích phản xạ buồn nôn của bệnh nhân.

Bệnh nhân được lấy mẫu dịch họng làm xét nghiệm Covid-19

Bệnh nhân được lấy mẫu dịch họng làm xét nghiệm Covid-19

- Đưa que tăm bông lấy mẫu bệnh phẩm vào ống chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. Lưu ý đầu tăm bông phải ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển. Nếu que tăm bông dài hơn ống đựng cần bẻ/cắt cán cho phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.

Mẫu ngoáy dịch mũi

- Bệnh nhân ngồi yên, nếu là trẻ nhỏ phải có người lớn giữ.

- Nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau, một tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

- Đưa que lấy mẫu vào mũi sâu khoảng 2cm, nhẹ nhàng xoay tăm bông vào thành mũi khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong một bên mũi, dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với mũi còn lại.

Dùng tăm bông lấy dịch mũi làm xét nghiệm Covid-19

Dùng tăm bông lấy dịch mũi làm xét nghiệm Covid-19

- Đặt đầu tăm bông vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển, cắt/bẻ cán tăm bông tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.

Cắt cán que tăm bông cho phù hợp với độ dài ống chứa mẫu bệnh phẩm

Cắt cán que tăm bông cho phù hợp với độ dài ống chứa mẫu bệnh phẩm

- Đóng nắp, siết chặt và bọc ngoài ống đựng bệnh phẩm bằng giấy parafin (nếu có).

- Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ 2-8°C trước khi chuyển về các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 48 giờ từ khi lấy mẫu thì phải được bảo quản âm 70°C (-70°C), sau đó phải giữ đông trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Mẫu ngoáy dịch tỵ hầu

- Bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ phải có người lớn giữ, đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ, ngả đầu trẻ ra phía sau.

- Người bệnh nghiêng đầu ra sau khoảng 70 độ, người lấy mẫu đỡ sau cổ bệnh nhân.

- Tay kia đưa nhẹ nhàng tăm bông vào mũi theo hướng song song với vòm miệng tới khoang mũi họng, vừa đẩy vừa xoay tăm bông đi vào sâu một khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía. Nếu chưa đạt được độ sâu mà cảm thấy có lực cản thì rút tăm bông ra và lấy mũi bên kia. Khi cảm nhận thấy tăm bông chạm vào thành sau mũi họng thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút ra nhẹ nhàng.

Lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid-19

Lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid-19

- Giữ tăm bông tại vùng lấy mẫu trong 5 giây, từ từ xoay 1 vòng rồi nhẹ nhàng rút tăm bông ra.

- Đặt đầu tăm bông vào ống đựng chứa môi trường vận chuyển, bẻ/cắt cán tăm bông sao cho có độ dài phù hợp với ống.

- Đóng nắp, siết chặt, bọc ngoài ống bằng giấy parafin (nếu có).

- Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ 2-8°C trước khi chuyển về các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

- Nếu bệnh phẩm không được chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 72 giờ phải được bảo quản âm 70°C (-70°C) và sau đó phải được giữ đông trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Mẫu dịch rửa mũi/tỵ hầu

- Ống catheter hút vô trùng gắn vào dụng cụ hút.

- Người bệnh nghiêng đầu ra phía sau khoảng 70 độ, người làm xét nghiệm dùng tay đỡ sau cổ bệnh nhân.

- Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vô trùng vào hai bên mũi.

- Đưa ống catheter vào mũi, độ sâu bằng khoảng cách từ cánh mũi đến dái tai.

- Bắt đầu hút nhẹ nhàng. Từ từ vừa xoay nhẹ vừa lấy ống catheter ra.

- Cho mẫu bệnh phẩm vào ống chứa môi trường vận chuyển.

Lưu ý: Việc súc mũi hầu không thực hiện được cho trẻ sơ sinh.

Dịch súc họng

Bệnh nhân súc họng với 10ml dung dịch rửa (nước muối sinh lý). Cho mẫu dịch súc họng vào cốc/đĩa petri, pha loãng tỉ lệ 1:2 trong môi trường bảo quản virus.

Dịch nội khí quản

- Bệnh nhân đang thở máy, đã được đặt nội khí quản. 

- Sử dụng ống hút dịch đặt theo đường nội khí quản và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt. 

- Cho mẫu dịch nội khí quản vào tuýp có chứa môi trường bảo quản virus.

Mẫu máu

Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy 3-5 ml máu tĩnh mạch, chuyển vào tuýp không có chất chống đông, tách huyết thanh và bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C trong vòng 48 giờ. Nếu bảo quản lâu hơn thì mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong điều kiện âm 70°C (-70°C).

Lưu ý khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Việc thu thập mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới (dịch nội khí quản, phế nang, màng phổi) cần có sự phối hợp của các bác sĩ lâm sàng.

Chất lượng bệnh phẩm có vai trò then chốt, quyết định đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Vì vậy việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế (điều dưỡng, kỹ thuật viên) được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng. 

Phòng xét nghiệm Covid-19 cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gì?

Theo QĐ 1282/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời việc xét nghiệm Covid-19" ngày 21/3/2020, phòng xét nghiệm Covid-19 phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Đối với phòng xét nghiệm khẳng định:

  • Có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện phù hợp để thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR (theo Phụ lục 1 đính kèm Quyết định 1282).
  • Cán bộ xét nghiệm phải được tập huấn kỹ càng về kỹ thuật xét nghiệm và an toàn sinh học.
  • Phòng xét nghiệm phải đảm bảo an toàn sinh học cấp II hoặc có phòng tách mẫu áp lực âm.
  • Được phân vùng phụ trách đánh giá xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định bởi Viện Vệ sinh dịch tễ hoặc Viện Pasteur.

Phòng xét nghiệm khẳng định yêu cầu phải có máy khuếch đại và phân tích kết quả Realtime PCR

Phòng xét nghiệm khẳng định yêu cầu phải có máy khuếch đại và phân tích kết quả Realtime PCR

Đối với phòng xét nghiệm sàng lọc:

  • Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phù hợp với các kỹ thuật xét nghiệm sử dụng (theo Phụ lục 2 và Phụ lục 3 đính kèm Quyết định 1282).
  • Cán bộ xét nghiệm phải là người được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm và an toàn sinh học.
  • Có đầy đủ dụng cụ phòng hộ, đảm bảo an toàn cho người xét nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm Covid-19 phổ biến hiện nay

Thế giới hiện đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm tìm virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh/ test nhanh). Theo thông tin của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã làm chủ được cả 2 phương pháp này. 

Xét nghiệm RT-PCR

Phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase Chain Reaction, viết tắt PCR) là quá trình khuếch đại (sao chép) một đoạn DNA (đã được tách chiết từ mẫu) lên hàng trăm nghìn lần đủ để phân tích. 

Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (Reverse Transcription PCR, viết tắt RT-PCR) là phương pháp sử dụng quá trình phiên mã ngược, tức là chuyển RNA thành DNA (do cấu tạo của virus SARS-COV-2 là RNA), sau đó dùng PCR khuếch đại DNA đó đủ để phân tích, cho phép xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể nên được dùng để xét nghiệm Covid-19. Quá trình thực hiện cần khoảng 3 giờ hoặc hơn. 

Thực hiện xét nghiệm RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2

Thực hiện xét nghiệm RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2

RT-PCR thường được chỉ định cho nhóm người bị phơi nhiễm trong 14 ngày hoặc dùng để theo dõi quá trình điều trị người bệnh nhiễm Covid-19. Phương pháp RT-PCR có thể phát hiện virus ngay từ ngày đầu tiên của triệu chứng và nhạy nhất trong vòng một tuần đầu sau khi có triệu chứng. 

Độ nhạy của phương pháp xét nghiệm này lên tới 99% và độ đặc hiệu là 100%, đồng nghĩa với tỷ lệ dương tính giả gần như bằng không. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu phơi nhiễm, khi virus chưa nhân lên đủ lớn và chưa xuất hiện nhiều trong dịch đường hô hấp, xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả. Ngoài ra, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm nếu không đảm bảo cũng sẽ cho kết quả không chính xác. 

RT-PCR hiện tại được coi là tiêu chuẩn vàng để xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự chuyên môn hóa cao ở các khâu, có chuyên gia thực hiện, cơ sở xét nghiệm phải đủ điều kiện chuẩn về phòng ốc, máy móc, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ), giá thành khá cao.

Xét nghiệm kháng thể (Test nhanh)

Xét nghiệm này giúp phát hiện kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong máu, cho phép xác định người bệnh trước đó có phơi nhiễm với virus hay không.

Test nhanh phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2 trong máu

Test nhanh phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2 trong máu

Test nhanh Covid-19 thường được chỉ định cho trường hợp từ 10-14 ngày sau phơi nhiễm, là thời gian để một người sản xuất kháng thể. Nếu làm xét nghiệm sớm hơn 14 ngày, cơ thể chưa tạo ra kháng thể thì có thể cho kết quả âm tính giả, vì vậy người dân không nên chủ quan, lơ là việc cách ly ngay cả khi test nhanh âm tính.

Mặt khác, kết quả dương tính chỉ có thể xác định trong người có kháng thể nhưng không xác định được thời gian kháng thể đó sinh ra là ở lần nhiễm gần đây hay trong quá khứ. Vì vậy người bệnh cần làm thêm RT-PCR để khẳng định chính xác.

  • Test nhanh dương tính và xét nghiệm RT-PCR âm tính: Người được xét nghiệm đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc từng nhiễm bệnh. 
  • Test nhanh âm tính và xét nghiệm RT-PCR dương tính: Người được xét nghiệm mới nhiễm bệnh gần đây (< 7 ngày), kháng thể chưa kịp sản sinh trong máu.

Test nhanh Covid-19 là kỹ thuật đơn giản, thời gian xét nghiệm ngắn, người làm xét nghiệm không cần thiết phải là chuyên gia được đào tạo chuyên biệt, không cần trang thiết bị đặc biệt kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với PCR nên dễ trả kết quả sai và bỏ sót.

Vì vậy, PCR thường được áp dụng để khẳng định lại kết quả của xét nghiệm kháng thể/ test nhanh. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, việc phối hợp cả 2 phương pháp sẽ giúp khoanh vùng cách ly, kiểm soát dịch nhanh, giảm tải áp lực cho ngành y tế, tập trung nguồn lực chính vào điều trị những ca thực sự mắc Covid - 19.

Sơ đồ phiên giải kết quả xét nghiệm Covid-19 theo QĐ 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021

Sơ đồ phiên giải kết quả xét nghiệm Covid-19 theo QĐ 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021

Phương pháp test nhanh Covid 19 có hiệu quả không?

Phương pháp test nhanh chỉ giúp phát hiện đáp ứng miễn dịch của cơ thể với SARS-CoV-2, không phải xét nghiệm khẳng định nhằm phát hiện người nhiễm mới, vì vậy có tỷ lệ cao cho kết quả âm tính giả. 

Tùy từng trường hợp, test nhanh có tác dụng:

  • Theo dõi kết quả điều trị ở người đã nhiễm SARS-CoV-2 sau đó có xuất hiện hay còn kháng thể không, từ đó giúp điều chỉnh phác đồ, thuốc men phù hợp.
  • Điều tra, nghiên cứu dịch tễ học trong cộng đồng, biết được nguy cơ lây nhiễm ở địa phương, từ đó xây dựng chiến lược phòng chống dịch.

Hiện nay, xét nghiệm RT-PCR vẫn là phương pháp chủ đạo để phát hiện SARS CoV 2. Kết hợp giữa xét nghiệm RT-PCR và test nhanh tìm kháng thể sẽ biết được sự tiến triển của bệnh qua các giai đoạn một cách cụ thể hơn.

Cần làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm Covid 19?

Kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính: xác định người được xét nghiệm đang nhiễm virus SARS-CoV-2 và có khả năng phát tán, lây truyền virus cho cộng đồng. Vì vậy, người bệnh cần thông báo ngay tới các cơ sở y tế điều trị, khai báo trung thực và đầy đủ lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc với người khác trong vòng 14 ngày trước khi xét nghiệm dương tính để thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch.

Người có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính cần nhanh chóng thực hiện khai báo và cách ly

Người có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính cần nhanh chóng thực hiện khai báo và cách ly

Kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính: xác định người được xét nghiệm không nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu. Bạn chưa nhiễm bệnh nhưng vẫn có khả năng nhiễm nên cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 (tự cách ly 14-21 ngày). Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, cần liên hệ các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chỉ định xét nghiệm lại.

Xét nghiệm Covid-19 ở đâu?

“Xét nghiệm Covid-19 ở đâu” là băn khoăn của khá nhiều người dân. Thực tế không phải cơ sở y tế nào cũng đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn để thực hiện, hơn nữa, để triển khai thực hiện xét nghiệm Covid-19 còn cần phải có sự cho phép của Bộ Y tế.

Tính đến ngày 31/5/2021, đã có 141 đơn vị y tế trên cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19, bao gồm:

Miền Bắc: 65 đơn vị

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng

Trường Đại học Y tế công cộng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Thái Nguyên Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Kạn, Hà Giang

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Bệnh viện K

Bệnh viện Thanh Nhàn

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Bệnh viện Bưu điện

.....

Miền Trung: 20 đơn vị

Viện Pasteur Nha Trang

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên

Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế

Bệnh viện C Đà Nẵng

Bệnh viện 199 - Bộ Công an

.....

Tây Nguyên: 4 đơn vị

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông

Miền Nam: 52 đơn vị

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh

Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau

Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh

.....

Một số câu hỏi thường gặp về xét nghiệm Covid 19

Xét nghiệm Covid-19 bao nhiêu tiền?

Với hơn 140 cơ sở y tế trên cả nước được cấp phép làm xét nghiệm Covid-19 thì vấn đề “xét nghiệm Covid-19 bao nhiêu tiền” hiện là một trong những thắc mắc của khá nhiều người dân.

  • Đối với xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR: Công văn 4356/BYT-KHTC do Bộ Y tế ban hành ngày 28/5/2021 quy định tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ số 1735 quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
  • Đối với xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh: Công văn 5834/BYT-KH-TC ngày 27/10/2020 quy định mức giá dịch vụ số 1736 quy định tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm

Hiện tại một số công ty trong nước đã sản xuất và được cấp số lưu hành test xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể và kháng nguyên virus SARS-CoV-2, số khác cũng đã được cấp phép nhập khẩu các loại xét nghiệm này. Do mức giá của các loại test này đang rất khác nhau, Bộ Y tế đề nghị trước mắt thực hiện thanh toán thực thanh, thực chi đối với các trường hợp xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh. Thời điểm áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 theo Công văn 4356/BYT-KHTC do Bộ Y tế ban hành ngày 28/5/2021.

Xét nghiệm Covid-19 có được thanh toán bảo hiểm y tế không?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 02/6/2021 ban hành công văn 1537/BHXH-CSYT hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, các đối tượng được thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo BHYT như sau:

Trường hợp xét nghiệm Covid-19 được thanh toán BHYT

Người có thẻ BHYT đến khám và bệnh nhân điều trị nội trú có biểu hiện nghi nhiễm được cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chỉ định thực hiện xét nghiệm và điều trị Covid-19, gồm:

  • Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân nào khác;
  • Người bệnh có bất kỳ triệu chứng bệnh hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, người bệnh phải cách ly y tế: thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo Mục 1 Công văn 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021, cụ thể là:

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người có thẻ BHYT đang trong thời gian cách ly tập trung do Covid-19 phải khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT:

  • Ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19, gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
  • Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến, trừ chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19 được ngân sách Nhà nước chi trả theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
  • Người có thẻ BHYT tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về BHYT.

Trường hợp kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính: thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo Mục 6 Công văn 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021, cụ thể như sau: 

Người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh được cơ sở y tế kết luận không phải cách ly y tế tập trung được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT theo mức hưởng của từng đối tượng: đúng tuyến và trái tuyến.

Người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh được cơ sở y tế kết luận không phải cách ly y tế tập trung được quỹ BHYT thanh toán theo quy định pháp luật

Người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh được cơ sở y tế kết luận không phải cách ly y tế tập trung được quỹ BHYT thanh toán theo quy định pháp luật

Trường hợp xét nghiệm Covid-19 không được thanh toán BHYT

Trường hợp đã được các nguồn khác chi trả sẽ không được thanh toán chi phí KCB BHYT. Các cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid - 19 tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất theo quy định hiện hành hoặc theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc Ủy ban phòng chống Covid - 19 trong giai đoạn phòng chống dịch.

Xét nghiệm Covid-19 có cần kiêng gì không?

Đối với xét nghiệm máu, người dân được yêu cầu nhịn ăn ít nhất từ 4 đến 6 giờ trước khi lấy máu/ mẫu bệnh phẩm hoặc không ăn sáng sau khi ngủ dậy nhằm tránh lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Ngoài ra, người dân không được sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện trước khi làm xét nghiệm Covid-19.

Nên xét nghiệm Covid-19 lần 2 cách lần 1 bao lâu?

Tùy từng nhóm đối tượng sẽ có phương pháp giám sát và chỉ định xét nghiệm phù hợp, cụ thể như sau:

  • Bệnh nhân sau xuất viện: tiếp tục cách ly 14 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và 14 sau khi xuất viện.
  • Người có tiếp xúc gần với người nhiễm, người tái dương tính cách ly tập trung: Xét nghiệm ít nhất 2 lần ngay khi cách ly (ngày thứ nhất), lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly (ngày thứ 14), đồng thời lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
  • Người nước ngoài tới Việt Nam làm việc ngắn ngày, thực hiện cách ly được cấp phép di chuyển theo lịch trình đã khai báo: Xét nghiệm Covid-19 lần 1 ngay khi về nơi cách ly, lấy mẫu 2 ngày một lần khi lưu trú tại Việt Nam và trước khi rời khỏi Việt Nam 1 ngày, đồng thời lấy mẫu khi có triệu chứng nghi ngờ. Người nhập cảnh làm việc trên 14 ngày phải cách ly tập trung, xét nghiệm lần đầu ngay khi về nơi cách ly tập trung, lần 2 vào ngày thứ 6 và lần 3 vào ngày 14.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên địa bàn Hà Nội, nhằm hạn chế tối đa tốc độ lây truyền của dịch bệnh cũng như để đảm bảo an toàn cho khách hàng và cán bộ nhân viên, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông triển khai dịch vụ xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh tìm kháng nguyên.

Quy trình test nhanh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Quy trình test nhanh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông bao gồm các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Nhân viên lấy mẫu trang bị phòng hộ: mang đầy đủ trang phục bảo hộ trong quá trình lấy mẫu, đeo khẩu trang N-95, đeo kính bảo vệ mắt/che mặt, đeo găng tay, khử khuẩn các dụng cụ y tế cũng như đồ bảo hộ trước và sau khi làm việc.

Bước 2: Nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm.

Bước 3: Bảo quản mẫu bệnh phẩm. 

Bước 4: Vận chuyển mẫu bệnh phẩm về phòng xét nghiệm.

Bước 5: Xét nghiệm phát hiện virus tại phòng xét nghiệm. Trường hợp dương tính sẽ được chuyển đến khu cách ly và tiếp tục làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.

BVĐK Phương Đông triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19

BVĐK Phương Đông triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19

Tại sao nên chọn test nhanh Covid-19 tại Phương Đông?

Được Bộ Y tế đánh giá là Bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đảm bảo đủ năng lực thực hiện test nhanh Covid-19 phát hiện kháng nguyên:

  • Đảm bảo an toàn trong lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tại phòng xét nghiệm, tránh lây nhiễm cho người và ra môi trường.
  • Nhân viên lấy mẫu được tập huấn bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt thao tác an toàn khi thực hiện test nhanh và khi mặc/tháo trang phục bảo hộ cá nhân theo quy định.
  • Sử dụng bộ kit test nhanh cao cấp cho kết quả nhanh chỉ sau 30 phút.
  • Khách hàng được tư vấn, giải đáp kỹ lưỡng sau khi có kết quả xét nghiệm.
  • Chi phí hợp lý và minh bạch.
  • Khám sàng lọc toàn bộ khách hàng ngay từ cổng vào cách xa tòa nhà chính.
  • Phân loại và chuyển tuyến người nhiễm/nghi nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế.
  • Toàn bệnh viện thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Lời kết

Như vậy, giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đợt bùng phát đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa biến chủng hiện nay, xét nghiệm Covid-19 là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết. Với dịch vụ xét nghiệm Covid-19 đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước, người dân có thể dễ dàng đăng ký thực hiện xét nghiệm, tuy nhiên cần xem xét lựa chọn những cơ sở đã được Bộ Y tế phê duyệt triển khai, đảm bảo uy tín, chất lượng để kết quả đạt tính chính xác cao nhất. Để đăng ký test nhanh Covid-19 tại Phương Đông, quý khách vui lòng liên hệ hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,847

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám