Chất điện giải là gì? Ý nghĩa của các chỉ số của xét nghiệm điện giải đồ

Thao Tran

11-08-2023

goole news
16

Chất điện giải giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, bởi vì chúng được tế bào sử dụng để duy trì hoạt động. Vậy chất điện giải có những chất quan trọng nào hay ý nghĩa xét nghiệm điện giải đồ trong chẩn đoán, theo dõi điều trị các bệnh lý... Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu ngay về chủ đề này trong bài viết ngày hôm nay.

Chất điện giải và xét nghiệm điện giải đồ là gì?

Trước khi đi vào nội dung xét nghiệm điện giải đồ là gì, các bác hãy tìm hiểu qua về chất điện giải. 

Chất điện giải

Chất điện giải trong cơ thể bao gồm các hóa chất tích điện thực hiện vai trò kiểm soát chất lỏng và sự mất cân bằng kiềm - toan. Ngoài ra, chất điện giải còn tham gia vào quá trình điều chỉnh hoạt động cử nhịp tim, cơ, thần kinh cùng nhiều chức năng khác. 

chất điện giảiBạn có biết trong cơ thể của chúng ta có những chất điện giải chính nào không

Các chất điện giải chính trong cơ thể gồm:

  • Ion Natri: duy trì thể tích, nồng độ dịch ngoại bào; giữ tính kích thích, dẫn truyền thần kinh - cơ; duy trì thăng bằng kiềm - toan; điều hòa aldosteron, vasopressin.
  • Ion Kali: đảm nhận vai trò quan trọng trong tế bào, duy trì điện thế màng; trên cơ tim thì giảm điện thế, giảm co bóp; tham gia điều hòa kiềm - toan.
  • Ion Clorua: kiểm soát lượng chất lỏng trong cơ thể, duy trì lượng máu, huyết áp ở mức ổn định.
  • Ion Bicarbonate: duy trì cân bằng kiềm - toan, giữ vai trò quan trọng việc vận chuyển carbon dioxide trong máu.
  • Ion Calci: tham gia hỗ trợ tạo xương, răng; co cơ, dẫn truyền thần kinh, bài xuất tuyến tiết; đông máu; tính thẩm của màng.
  • Ion Magnesi: đóng vai trò cofactor chuyển phosphat, Na – K ATPase; thần kinh trung ương thì gây ngủ, mê, ức chế, an thần; thần kinh - cơ  thì giảm trương lực; ngoài ra, nếu dùng liều cao có thể gây ngừng tim. 

Chính vì vậy, một khi xảy ra tình trạng mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nguy hiểm nào đó như bệnh ung thư, mất nước nhưng không bổ sung đủ chất lỏng, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh về thận, bệnh về gan…  

Xét nghiệm điện giải đồ

Điện giải đồ là xét nghiệm tiến hành nhằm đo nồng độ của các chất điện giải bên trong cơ thể. Xét nghiệm này là một phần quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, thông qua kết quả thu được, bác sĩ có để đánh giá được tình trạng sức khỏe của người bệnh, xác định các vấn đề bệnh lý đang mắc phải, từ đó đưa ra phương pháp điều trị, bổ sung phù hợp.

xét nghiệm điện giải đồÝ nghĩa xét nghiệm điện giải đồ là gì mà bạn cần phải thực hiện 

Trong đó, một số vai trò điển hình của điện giải đồ có thể kể đến như:

  • Theo dõi chức năng thận.
  • Theo dõi chức năng gan
  • Kiểm tra tình trạng dinh dưỡng hoặc hydrat hóa nếu lo ngại về tình trạng suy dinh dưỡng hoặc mất nước. 
  • Kiểm tra nồng độ của các chất điện giải quan trọng đối với chức năng tim mạch, như: Canxi, Kali, Magie…
  • Kiểm tra chất điện giải đảm bảo hoạt động khỏe mạnh của não, điển hình như Natri
  • Theo dõi lượng đường, chất điện giải ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Xác định nguyên nhân của một số triệu chứng như suy nhược, chán ăn, mệt mỏi, chóng mặt... 

Ngoài ra, chỉ định xét nghiệm điện giải đồ còn hỗ trợ bác sĩ theo dõi mức độ ảnh hưởng của một số loại thuốc đế mức điện giải trong cơ thể và chức năng thận, gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Hydrochlorothiazide, Chlorthalidone và Bumetanide.
  • Thuốc điều trị các vấn đề nhịp tim: Procainamide, Digoxin và Amiodarone.
  • Thuốc huyết áp: thuốc chẹn thụ thể Angiotensin (ARB), thuốc ức chế men chuyển (ACE)...
  • Thuốc chống động kinh: Axit valproic, Primidone…
  • Thuốc kháng nấm.
  • Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc ung thư.

Xét nghiệm điện giải đồ cần làm khi nào?

Bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện xét nghiệm điện giải đồ nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng mất cân bằng chất điện giải như:

  • Buồn nôn.
  • Tâm lý hoang mang.
  • Cơ thể mệt mỏi và cảm thấy kiệt sức.
  • Nhịp tim không đều.

Quy trình tiến hành xét nghiệm điện giải đồ

E ngại việc tiến hành xét nghiệm điện giải đồ phức tạp và mất nhiều thời gian? Trên thực tế, nếu tìm hiểu kỹ thì sẽ thấy rằng quy trình xét nghiệm điện giải đồ được thực hiện khá đơn giản: 

Chuẩn bị trước xét nghiệm

Để kết quả điện giải đồ thu được chính xác nhất, trước khi làm xét nghiệm thì người bệnh cần lưu ý:

  • Uống đủ nước để đảm bảo máu lưu thông dễ dàng.
  • Tránh nicotine trước khi lấy máu vì chất này có thể co mạch, khiến việc đâm kim vào tĩnh mạch khó khăn.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu có tâm lý sợ kim tiêm hay sợ lấy máu trước khi tiến hành.
  • Không phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm, trừ những trường hợp được bác sĩ yêu cầu đo Cholesterol hoặc đường huyết.

Các bước tiến hành

Bác sĩ lấy máu từ tĩnh mạch ở cách tay của người bệnh và gửi đến phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích. Quá trình này sẽ mất khoảng vài ngày trước khi nhận được kết quả chi tiết. Sau lấy máu, người bệnh nên đeo bằng khoảng 2 - 4 giờ nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.

quy trình xét nghiệm điện giải đồLấy mẫu máu để thực hiện xét nghiệm điện giải đồ

Dấu bầm tím hoặc viêm nhẹ tại chỗ kim tiêm có thể sẽ xuất hiện và tự biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, có tham khảo một số giải pháp khắc phục tạm thời tương đối hữu ích như:

  • Chườm đá.
  • Uống thuốc giảm đau.
  • Tránh nâng vật nặng trong 24 giờ sau khi lấy máu.

Bên cạnh đó, tương tự như các xét nghiệm khác có lấy máu thì khi làm xét nghiệm điện giải đồ có thể gặp một số rủi ro (nhưng rất hiếm khi) như: hạ huyết áp, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Trong trường hợp này, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe.

Ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm điện giải đồ

Kết quả của xét nghiệm điện giải đồ gồm nồng độ các ion Na+, Cl-, K+, HCO3- và tổng lượng CO2 trong cơ thể. 

Nồng độ Natri trong máu

Nồng độ ion Natri máu bình thường giao động trong khoảng 137 – 147 mEq/L. Vậy nên nếu kết quả xét nghiệm điện giải đồ thu được lệch khỏi khoảng này thì nguy cơ cao người bệnh đang bị rối loạn Natri trong máu.

Thừa natri máu

Kết quả xét nghiệm Na+ máu cao hơn mức bình thường (>147 mEq/L). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do mất nước hoặc nhập nhiều Na+, cụ thể:

  • Mất nước qua da, qua phổi, tăng đường huyết, bệnh đái tháo đường, dùng lợi niệu thẩm thấu.
  • Nhập nhiều muối: ăn nhiều muối, truyền dung dịch muối ưu trương, NaHCO3, tăng aldosteron.

Thiếu natri máu

Là tình trạng chỉ số Natri trong máu thấp hơn mức bình thường (<137 mEq/L). Đây có thể dấu hiệu của một số vấn đề như thừa nước hoặc mất natri. 

Natri máu giảm kèm mất dịch, làm giảm thể tích dịch ngoài tế bào có thể do:

  • Tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, có ống thông hút dịch.
  • Thận: suy thượng thận, dùng lợi niệu.
  • Da: bỏng, dẫn lưu vết thương.

Natri máu giảm nhưng thể tích dịch tế bào bình thường hoặc tăng thường do nguyên nhân:

  • Hội chứng tăng ADH.
  • Phù do xơ gan, suy tim, thận hư.
  • Truyền vào tĩnh mạch quá nhiều dung dịch nhược trương

Nồng độ Clo trong máu

Nồng độ Clo máu được xác định ở mức bình thường khi giao động trong khoảng 98 - 107 mEq/L. Cl- tồn tại chủ yếu ở dịch ngoại bào, cùng với Na+ duy trì trạng thái trung hòa điện tích tế bào. Một khi xét nghiệm điện giải đồ cho kết quả lệch khỏi khoảng này thì có nghĩa người bệnh đang gặp các vấn đề bệnh lý và cần được điều trị sớm.

Tăng Clo máu

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Clo máu cao hơn 107 mEq/L thì có nghĩa người bệnh bị tăng Clo máu và nguy cơ mắc một số bệnh lý như:

  • Bệnh thận
  • Nhiễm toan chuyển hóa (máu chứa nhiều axit, khiến cơ thể mệt mỏi và gây nôn mửa).
  • Nhiễm kiềm hô hấp.
  • Tiêu chảy.

Giảm Clo máu

Nồng độ Clo máu thấp hơn bình thường (<98 mEq/L), đây là dấu hiệu cơ thể cảnh báo nguy cơ các bệnh lý nghiêm trọng không nên chủ quan như:

  • Suy tim.
  • Bệnh phổi.
  • Bệnh Addison.
  • Nhiễm kiềm chuyển hóa, xuất hiện các triệu chứng co giật cơ, ngứa ran khắp các ngón chân và ngón tay.

Nồng độ Kali trong máu

Nồng độ Kali máu ở mức bình thường dao động trong khoảng 3,5 - 5,0 mEq/L.

Tăng Kali máu

Khi kali máu > 5,0 mEq/L, nguyên nhân gây ra có thể do:

  • Uống hoặc truyền quá nhiều kali.
  • Tổn thương nặng mô, tế bào bị vỡ, giải phóng kali.
  • Bệnh Addison.
  • Acid huyết cấp tính (một số trường hợp acid huyết mạn tính).
  • Kích thích cấp tính receptor α giao cảm. 
  • Sử dụng lợi niệu lưu kali không đúng liều lượng. 
  • Tăng đường huyết.

Giảm Kali máu

Giảm Kali máu xảy ra khi nồng độ Kali trong máu dưới 3,5 mEq/L. Một số nguyên nhân làm cho nồng độ Kali trong máu thấp:

  • Giảm kali toàn bộ cơ thể: dùng thuốc lợi niệu thải K + (loại thiazid), hội chứng cường aldosteron, mất K+ qua đường tiêu hóa ( tiêu chảy, nôn nhiều, dẫn lưu), mất K + qua thẩm phân.
  • Nhập K+ từ ngoài tế vào và trong tế bào do tăng insulin nội sinh hoặc dùng insulin, thời kỳ phục hồi tổ chức sau chấn thương, sau bỏng.

Sự rối loạn điện giải kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vọng. Vì vậy, khi thấy bản thân có những biểu hiện của sự rối loạn điện giải điển hình như yếu ớt, mệt mỏi, cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường… thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm và điều trị kịp thời.

bác sĩ thực hiện xét nghiệm điện giải đồTrang thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ tối đa cho quá trình thực hiện xét nghiệm tại BVDDK Phương Đông

Để kết quả xét nghiệm điện giải đồ chính xác, cần thực hiện tại địa chỉ uy tín, có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi, chắc kiến thức, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một những cơ sở được nhiều người tin tưởng lựa chọn, với kết quả nhanh chóng và chính xác. Nếu bạn có nhu cầu đặt lịch khám và thực hiện xét nghiệm, hãy liên hệ đến Hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,440

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám