Xét nghiệm ThinPrep là gì? Bao lâu thực hiện một lần?

Võ Thu Thảo

21-09-2023

goole news
16

Xét nghiệm ThinPrep là một phương pháp xét nghiệm nhanh và đơn giản, dùng để kiểm tra các thay đổi ở tế bào cổ tử cung, đặc biệt hiệu quả trong việc phát hiện sớm các ca bệnh ung thư liên quan đến tử cung. Vậy xét nghiệm ThinPrep Pap là gì, bao lâu cần làm một lần, nên chọn xét nghiệm ThinPrep Pap hay Pap Smear, … hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu tại bài viết này để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe cho các chị em phụ nữ.

Xét nghiệm ThinPrep là gì?

Xét nghiệm ThinPrep là quá trình lấy các chất liệu ở cổ tử cung để cho vào một chất lỏng định hình trong một lọ ThinPrep. Máy ThinPrep với bộ vi xử lý tiên tiến sẽ phá hủy các tế bào máu, các chất nhầy và mảnh vật chất không có tác dụng, làm cản trở quá trình chẩn đoán. Xét nghiệm ThinPrep chỉ tập trung vào mẫu xét nghiệm thu được từ bệnh nhân và tiến hành phân tích sâu.

So với phương pháp xét nghiệm truyền thống, xét nghiệm ThinPrep đã có sự cải tiến. Phương pháp xét nghiệm này không làm theo cách thông thường: phết tế bào cổ tử cung vào 1 lam kính để làm tiêu bản nhưng lại đem lại hiệu quả lớn trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung, giúp nữ giới có thể phát hiện ung thư cổ tử cung sớm (độ nhạy lên đến 95%).

Xét nghiệm ThinPrep Pap được thực hiện theo quy trình bài bản, an toàn, nhanh chóng.

Mục đích khi làm xét nghiệm ThinPrep

Xét nghiệm ThinPrep được dùng để đánh giá mẫu tế bào ở khu vực cổ tử cung – âm đạo với mục đích giúp phát hiện các thay đổi tiền ung thư, ung thu và viêm tử cung và đưa ra chẩn đoán về bệnh ý một cách chính xác nhất. Xét nghiệm cho ra kết quả đánh giá các tế bào: cổ tử cung, ngoài tử cung, trong tử cung, âm hộ và âm đạo.

Xét nghiệm ThinPrep có khả năng phát hiện sớm những bất thường trong tế bào cổ tử cung như:

  • Xác định được tổn thương biểu mô vảy ở mức độ thấp.
  • Xác định được các tổn thương do virus HPV gây ra.
  • Chẩn đoán các vấn đề liên quan đến loạn sản với các nguyên nhân: do virus HPV, biểu mô vảy ở mức độ cao, loạn sản mức độ trung bình/nặng.

Xét nghiệm ThinPrep đem lại hiệu quả cao trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung.

Bao lâu cần làm xét nghiệm ThinPrep?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thời gian ủ bệnh khá lâu. Nữ giới nên thực hiện xét nghiệm ThinPrep định kỳ dưới dự chỉ định của bác sĩ để nhận được hiệu quả tốt nhất trong việc phòng và phát hiện bệnh sớm. 

Xét nghiệm ThinPrep Pap có thể thực hiện và nhận chỉ định từ bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Xét nghiệm Pap ThinPrep nên bắt đầu thực hiện ở tuổi 21 hoặc 3 năm sau lần quan hệ tình dục đầu tiên.
  • ThinPrep Pap cần được chỉ định mỗi năm một lần ở độ tuổi từ 21 đến 30.
  • Sau độ tuổi 30, xét nghiệm ThinPrep Pap nên được thực hiện 2-3 năm một lần theo chỉ định (nếu 3 lần xét nghiệm trước đó âm tính) và 3 năm một lần (nếu cả xét nghiệm HPV và ThinPrep Pap đều âm tính).
  • Phụ nữ đang bị ức chế miễn dịch, HIV hoặc những người sử dụng hormone tổng hợp diethylstilbestrol (DES) có khả năng gây ung thư cổ tử cung và âm đạo nên được theo dõi và thực hiện xét nghiệm ThinPrep Pap thường xuyên hơn.
  • Phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung hoặc trên 65 tuổi (trước đó không có ThinPrep Pap bất thường) có thể được dừng chỉ định thực hiện xét nghiệm.

Tuy nhiên, mỗi người đều có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh rất khó lường. Vậy nên phụ nữ có tiền sử phát hiện ung thư cổ tử cung, những cá nhân có lối sống quan hệ tình dục phóng khoáng vẫn cần phải tiếp tục theo dõi và tầm soát để loại trừ kết quả xấu xảy ra.

Xét nghiệm ThinPrep Pap cần được thực hiện theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Nên làm xét nghiệm ThinPrep hay Pap Smear?

Trên thực tế, xét nghiệm ThinPrep được đánh giá đem lại hiệu quả cao và tối ưu hơn hẳn Pap Smear. Ở phương pháp xét nghiệm PAP Smear, tỉ lệ bỏ sót các tế bào bất thường cao, hơn 80% các tế bào bị loại bỏ sau khi phết lên lam kính. Khi thực hiện Pap Smear, tế bào không được bảo tồn tốt, các thành phần không có tác dụng trong xét nghiệm như chất nhầy còn lưu lại, ảnh hưởng lớn tới kết quả cuối cùng.

Trong khi đó, xét nghiệm ThinPrep Pap cho ra hình ảnh tế bào khi soi trên kính hiển vi rõ ràng, sắc nét. Nhờ đó, các bác sĩ dễ dàng nhận diện tế bào tổn thương, bất thường, đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác đến 90%. 

Hiện nay, xét nghiệm ThinPrep đem lại tác dụng cao, đặc biệt trong quá trình phát hiện ung thư tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung – một loại ung thư cổ tử cung khó phát hiện, chiếm tỷ lệ tử vong cao.

Xét nghiệm ThinPrep Pap có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn Pap Smear.

Giá xét nghiệm ThinPrep Pap Test là thắc mắc khiến chị em phân vân khi đăng ký làm loại xét nghiệm này. Trên thực tế, chi phí xét nghiệm ThinPrep Pap Test  không hề cao, tuy nhiên chi phí cụ thể khi tiến hành xét nghiệm ThinPrep ở mỗi cơ sở y tế có mức giá khác nhau, dao động:

  • Xét nghiệm Pap Smear: 220.000 – 350.000 đồng
  • Xét nghiệm Pap ThinPrep: 500.000 – 650.000 đồng.

"Xét nghiệm ThinPrep Pap Test bao lâu sẽ có kết quả?" cũng là câu hỏi được nhiều chị em quan tâm khi tham gia làm xét nghiệm. Khoảng thời gian người bệnh có được kết quả ThinPrep Test thông thường sẽ là 1 tuần.

Lưu ý cần biết khi thực hiện xét nghiệm ThinPrep Pap 

Hiện nay, xét nghiệm ThinPrep đã được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán sớm tiền ung thư và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên chú ý hơn đến sức khỏe và tham gia xét nghiệm ThinPrep Pap sớm để đạt hiệu quả tốt trong phòng tránh và phát hiện các bệnh lý liên quan.

Dưới đây là một số lưu ý chị em cần lưu ý trong quá trình thực hiện xét nghiệm Pap ThinPrep:

  • Thời gian làm xét nghiệm ThinPrep Pap tốt là vào ngày thứ 10 - 14 chu kỳ hành kinh (không thực hiện trong thời gian có kinh nguyệt).
  • Không thực hiện xét nghiệm ngay sau 1 – 2 ngày quan hệ tình dục.
  • Hạn chế sử dụng chất bôi trơn, các loại thuốc đặt âm đạo do làm cản trở quá trình lấy tế bào cổ tử cung, ảnh hưởng đến chất lượng mẫu tế bào khi xét nghiệm. 
  • Có thể xảy ra kết quả xét nghiệm âm tính giả/dương tính giả khi thực hiện ThinPrep Pap Test (cần xác nhận lại với nghiên cứu bổ sung lâm sàng khi nhận kết quả dương tính).

Theo thống kê có khoảng 5000 ca phụ nữ Việt Nam hàng năm mắc ung thư cổ tử cung và gần một nửa số ca bệnh đã tử vong (theo báo cáo của HPV Information Center - 2018)

Sử dụng xét nghiệm Thinprep như một phương pháp để chẩn đoán sớm tiền ung thư và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là một thủ tục cần thiết để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình. 

Trên đây là thông tin chi tiết về phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm ThinPrep Pap. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm tiên tiến này cũng như nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện theo dõi và thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu dẫn đến ung thư cổ tử cung. 

Để được tư vấn về gói khám sàng lọc ung thư cổ tử cung - buồng trứng hay vấn đề về các bệnh phụ khoa khác, Quý khách có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc đặt lịch tại Đặt lịch khám để được hỗ trợ.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,426

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám