10 Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn tại nhà

Hoàng Lan

12-01-2021

goole news
16

Sốt là phản ứng thông thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn hay các tác nhân vật lý, hóa học khác. Tuy nhiên mỗi khi trẻ bị sốt đều khiến bố mẹ lo lắng và tìm cách hạ sốt. Vậy thì hãy lưu ngay 10 cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn tại nhà mà chúng tôi đưa ra dưới đây để giúp con yêu nhanh khỏi nhé.

Vì sao trẻ nhỏ hay bị sốt?

Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện dễ thấy nhất đó là nhiệt độ cơ thể cao hơn so với bình thường và có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt. Để việc chăm sóc và điều trị đúng cách thì ba mẹ nên xác định được nguyên nhân gây sốt là gì.

Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và có nhiều nguyên nhân gây sốt

Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và có nhiều nguyên nhân gây sốt

Đây là những lý do vì sao trẻ em hay bị sốt mà bạn cần nhớ khi nuôi con nhỏ:

  • Sốt do virus: có thể rơi vào một trong những trường hợp sau đây: sốt xuất huyết, cúm, sởi, bệnh tay- chân- miệng, thủy đậu,...
  • Sốt do nhiễm trùng: dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì hầu hết sốt đều là do nhiễm trùng, các bệnh thông thường gây sốt phải kể đến như là: viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sốt phát ban, nhiễm trùng gan - mật, nhiễm khuẩn não - màng não, viêm tai giữa, viêm amidan, nhiễm trùng máu…
  • Sốt do tiêm chủng: đây là phản ứng thông thường khi trẻ tiêm phòng, sốt sẽ cao hơn nếu là tiêm các mũi nặng.
  • Sốt do mọc răng: hầu hết trẻ khi mọc răng đều sốt, ngoài ra còn có thêm biểu hiện như chán ăn, đi ngoài,... Nhưng nếu trẻ sốt trên 38°C thì không phải do mọc răng nên bố mẹ cần chú ý.
  • Do tác dụng phụ của thuốc mà trẻ đang dùng.

Trẻ em bao nhiêu độ được coi là sốt?

Các bác sĩ Nhi khoa cho biết, thân nhiệt của trẻ thường cao hơn so với người lớn khoảng 0,5 độ C. Tức là nếu thân nhiệt ở người bình thường là 37 độ C thì của trẻ sẽ dao động từ 37- 37,5 độ C. Cha mẹ cần lưu ý điều này, đây là mức thân nhiệt bình thường ở trẻ chứ không phải trẻ bị sốt như nhiều người vẫn đang lầm tưởng.

Trẻ em vượt 37,5°C được coi là bị sốt

Trẻ em vượt 37,5°C được coi là bị sốt

Với người lớn thì khi nhiệt kế vượt 37°C là sốt còn trẻ em thì nhiệt kế phải vượt 37,5°C mới coi là bị sốt. Cùng với đó là mẹ cũng cần phải nắm được mức độ sốt của con trẻ (sốt nhẹ hay sốt cao) để có biện pháp xử trí đúng và kịp thời, tránh tình trạng lạm dụng thuốc hạ sốt bởi nó có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe trẻ.

  • Sốt nhẹ: nhiệt độ trẻ dao động từ 37,5 – 38,5°C
  • Sốt vừa: nhiệt độ từ 38,5- 39°C
  • Sốt cao: nhiệt độ đạt 39- 40°C
  • Sốt rất cao: khi nhiệt độ vượt 40°C.

Cách xử trí khi trẻ bị sốt

Cách hạ sốt nhanh cho trẻ mà bố mẹ của thể làm ngay tại nhà khi thấy thân nhiệt trẻ cao hơn mức bình thường đó là:

Dùng khăn ấm lau người để giảm nhiệt độ cơ thể trẻ

Dùng khăn ấm lau người để giảm nhiệt độ cơ thể trẻ

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ để thân nhiệt được tỏa bớt.
  • Để trẻ nằm ở nơi thoáng mát, rộng rãi và sạch sẽ
  • Cho trẻ uống nhiều nước, với trẻ sơ sinh thì mẹ tăng cữ bú và lượng bú của trẻ. Với những trẻ trên 1 tuổi thì có thể bổ sung thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh...
  • Dùng khăn ấm để lau người cho trẻ: dùng 5 chiếc khăn mềm nhúng nước ấm sau đó vắt ráo rồi  đặt vào 5 vị trí: trán, hai nách, hai bên bẹn của trẻ. Nước ấm khi bốc hơi sẽ làm mát thân nhiệt trẻ
  • Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Trường hợp thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường thì đưa ngay đến bệnh viện để thăm khám.

Trẻ cần được uống thuốc hạ sốt khi nào?

Như đã nói ở trên thì sốt là phản ứng có lợi cho cơ thể nên cha mẹ không cần quá lo lắng, tránh việc lạm dụng thuốc hạ sốt sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe trẻ. Vì thế, chỉ thực sự cần đến thuốc hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt từ 38,5 độ C trở lên.

Thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trong danh mục các loại thuốc hạ sốt cho bé được sử dụng có 3 loại:

  • Thuốc Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen): đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả nhất dành cho trẻ em nên được hầu hết các bác sĩ nhu khoa khuyên dùng. Khoảng cách giữa 2 liều thường là 4- 6 giờ. Với trường hợp trẻ bị suy thận thì khoảng cách ít nhất là 8 giờ.
  • Thuốc Ibuprofen: loại thuốc này có tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hơn so với Paracetamol. Tuy nhiên thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên phải tuân theo chỉ định và có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ điều trị.

Liều dùng là 7- 10mg/kg mỗi 6- 8 giờ uống. Chống chỉ định Ibuprofen cho trẻ trong các trường hợp sau:

- Loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa.

- Nghi ngờ sốt xuất huyết.

- Có tiền sử dị ứng với Ibuprofen, Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác.

- Trẻ bị hen suyễn hay bị viêm phế quản co thắt, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận.

- Hạn chế việc sử dụng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

  • Thuốc Aspirin: loại này được khuyến cáo không dùng cho trẻ vì có nhiều tác dụng phụ xấu với sức khỏe. Nếu trẻ đang bị nhiễm vi rút như bị cúm hoặc thủy đậu mà dùng Aspirin để hạ sốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye (hội chứng gây tổn thương não và gan cấp tính) đây là một biến chứng rất nguy hiểm đối với trẻ, nó có thể gây tử vong.

Bổ sung nước và chất dinh dưỡng khi trẻ bị sốt

Bố mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt

Sốt làm tăng nguy cơ mất nước ở trẻ nên cha mẹ hãy khuyến khích và bổ sung đủ nước cho trẻ. Các loại thức uống như sữa, nước cần được bổ sung với lượng cần thiết. Nếu trẻ không chịu uống nước cũng như sữa thì cha mẹ hãy hỏi ý kiến tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa Nhi để được hỗ trợ.

Bổ sung đủ nước và các dưỡng chất khi trẻ nhỏ bị sốt

Bổ sung đủ nước và các dưỡng chất khi trẻ nhỏ bị sốt

Sốt khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức nên hãy bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất cho trẻ như ăn nhiều trái cây, rau củ chứa vitamin C và vitamin nhóm B. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ dễ hấp thu và dễ tiêu. Tránh việc để trẻ bỏ bữa.

Theo dõi nếu thấy nước tiểu trẻ màu vàng nhạt, đi tiểu 4 giờ/lần có nghĩa là cơ thể trẻ đã được bù đủ lượng nước cần thiết.

Một số cách đơn giản hạ sốt cho bé tại nhà

Dưới đây là 10 kinh nghiệm hạ sốt cho bé ngay tại nhà vừa hiệu quả vừa an toàn mà cha mẹ có thể áp dụng ngay khi thấy con mình có dấu hiệu sốt:

  1. Hạ sốt bằng chanh tươi

Khi trẻ bị sốt cao trên 38 độ C, cha mẹ đừng vội cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay mà thay vào đó hãy dùng các lát chanh cắt mỏng để đắp lên các vùng trán, chân, khuỷu tay và dọc sống lưng. 

Tránh việc đắp lên vùng da trẻ bị xước hoặc nhạy cảm vì nó sẽ khiến bé bị xót, ngứa ngáy.

  1. Cách hạ sốt cho bé bằng hành tây

Ngoài dùng để ăn thì hành tây cũng có tác dụng hạ sốt, mẹ có thể áp dụng 1 trong 2 cách làm dưới đây nhé:

Hạ sốt bằng hành tây cho hiệu quả cao mà không cần thuốc

Hạ sốt bằng hành tây cho hiệu quả cao mà không cần thuốc

  • Cách 1: Quấn hành tây dưới cổ tay trái

Việc đặt hành tây dưới cổ tay trái sẽ khiến cơ thể giải nhiệt nhanh chóng do ở đây có các đường gân và huyệt đạo. Mẹ thái nhuyễn 1.4 củ hành tây rồi lấy khăn xô lớn bọc lại, đắp vào tay bé. Khi đó nước hành tây sẽ thấm xuống các huyệt đạo giúp giảm nhiệt cho cơ thể.

  • Cách 2: Chữa ho đờm và sốt cao

Bước 1: Nướng hành tây rồi lột sạch vỏ và băm nát.

Bước 2: Lấy 1 miếng vải sạch bọc hành tây vừa băm thành hình túi và cột kín.

Bước 3: Dùng túi hành tây chườm lên ngực bé trong khoảng 15 phút.

  1. Hạ sốt nhanh cho bé bằng cách uống nhiều nước

Khi bị sốt thì cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng mất nước nên mẹ hãy bổ sung nước cho con trẻ bằng cách cho uống nước lọc, nước trái cây, cháo, súp, sữa,... Ngoài ra để thanh lọc cơ thể và bù nước thì bạn cũng nên cho bé uống các chế phẩm bù nước và điện giải qua đường uống như oresol, hydrite sẽ giúp bé mau hạ sốt rất tốt.

Với trẻ sơ sinh thì cách tốt nhất chính là cho bé bú mẹ thường xuyên và lượng sữa nhiều hơn bình thường.

  1. Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh bằng dầu tràm hoặc tinh dầu oải hương

Khi con trẻ bị sốt, cha mẹ thường kiêng tắm cho con vì sợ con bị nhiễm lạnh. Nhưng nếu bạn cho thêm một vài giọt tinh dầu tràm hoặc oải hương sẽ vừa có tác dụng thông mũi, chống nhiễm lạnh vừa hạ sốt, cách này đặc biệt tốt với trẻ sơ sinh.

Tinh dầu tràm có tác dụng rất tốt trong việc hạ sốt cho trẻ và giữ ấm cơ thể

Tinh dầu tràm có tác dụng rất tốt trong việc hạ sốt cho trẻ và giữ ấm cơ thể

Đây là cách hạ sốt hiệu quả mà mẹ không cần phải dùng đến thuốc nên được nhiều mẹ áp dụng, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý tắm cho con trong phòng kín gió nhé.

  1. Dùng cách hạ sốt nhanh cho trẻ bằng rau diếp cá, ngải cứu hoặc lá bỏng

Đã có mẹ nào nghe đến cách hạ sốt này chưa! Trong Đông y, 3 loại lá gồm lá bỏng, ngải cứu và lá diếp cá là các vị thuốc có nhiều công dụng với sức khỏe, hỗ trợ lưu thông máu và giải cảm nhanh.

Nếu trẻ bị sốt cao, mẹ hãy dùng một ít lá diếp cá, lá ngải cứu hoặc lá bỏng giã nhỏ, tiếp đến là dùng miếng vải sạch bọc lại, đắp lên trán bé trong vòng nửa tiếng để hạ sốt. Sau khi đắp xong mẹ hãy dùng nước ấm lau sạch trán bé. Đây là cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh từ 0- 6 tháng tuổi cực tốt.

  1. Hạ sốt cho trẻ em bằng tía tô

Ngoài là gia vị cho các món ăn trong mâm cơm người Việt thì lá tía tô còn giúp giải cảm và hạ sốt nhờ chứa tinh dầu tốt cho sức khỏe. Nếu con trẻ bị sốt cao mẹ cứ giã tía tô lấy nước cốt cho bé uống, với mẹ cho con bú thì ăn trực tiếp, lá tía tô sẽ tiết vào sữa để bé bú.

Tinh dầu trong tía tô giúp hạ sốt an toàn

Tinh dầu trong tía tô giúp hạ sốt an toàn

  1. Bổ sung canxi để hạ sốt khi trẻ sốt cao

Theo các chuyên gia thì canxi có thể hỗ trợ rất tốt khi bé bị bệnh. Bạn có thể bổ sung cho con bằng cách dùng thuốc hoặc ăn đồ ăn chứa nhiều canxi như cá, rau có màu xanh đậm, yến mạch,...

  1. Dùng lá nhọ nồi để hạ sốt

Hãy lấy 1 nắm cây lá nhọ nồi, rửa sạch rồi ngâm vào nước muối pha loãng để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn bám trên lá. Sau đó đem đun sôi rồi để nguội, giã nát lá rồi lọc lấy nước cho con uống.

Uống nước lá nhọ nồi và chườm sẽ cho hiệu quả cao hơn

Uống nước lá nhọ nồi và chườm sẽ cho hiệu quả cao hơn

Liều lượng mỗi lần cho trẻ uống là 50ml. Với trẻ dưới 1 tuổi mẹ có thể dùng lá giã nát rồi cho vào khăn xô, bọc lại để chườm lên trán, nách, bẹn và gan bàn chân để hạ nhiệt.

  1. Dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ

Mẹ có thể dùng miếng dán hạ sốt Sakura, thành phần của Sakura có Hydrogel thân nước giúp làm mát lạnh tự nhiên, hạ sốt cho trẻ nhờ cơ chế hấp thụ nhiệt từ cơ thể để khuếch tán ra ngoài.

  1. Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Nếu trẻ sốt trên 38 độ C thì mẹ nên dùng thuốc hạ sốt. Thuốc thường được dùng cho trẻ là Paracetamol đơn chất dạng gói hay siro. Nó sẽ hạ sốt ngay sau 30 phút sử dụng và kéo dài từ 4 đến 6 tiếng. 

Liều dùng của thuốc là: 10- 15mg/kg thể trọng/lần, mỗi ngày không uống quá 4 lần, mỗi lần uống cách nhau ít nhất 4 tiếng.

Ngoài ra, thuốc Acetaminophen cũng có thẻ dùng để hạ sốt cho trẻ nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi trước khi cho trẻ uống dù là bất kỳ loại nào.

Bên cạnh đó thì bạn cũng không nên kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Điều này không chỉ không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu với cơ thể trẻ.

Cần làm gì khi trẻ sốt cao gây co giật

Trẻ sốt quá cao có thể dẫn đến co giật, nhất là ở độ tuổi từ 6- 18 tháng. Cơn co giật xảy ra dưới 5 phút và trẻ thường tỉnh táo sau đó. Nhưng mẹ cần nhớ rằng, việc trẻ bị sốt cao co giật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: ngạt thở, thiếu oxy lên não khiến não bị tổn thương…

Những việc bố mẹ cần làm khi trẻ bị sốt cao co giật

Những việc bố mẹ cần làm khi trẻ bị sốt cao co giật

Do vậy, nếu thấy trẻ sốt cao co giật, cha mẹ hãy làm những việc sau:

  1. Để trẻ nằm nghiêng, việc này sẽ giúp cho đờm, nhớt dãi chảy ra ngoài, tránh làm tắc đường thở
  2. Tiến hành hút đờm dãi nếu trẻ có nhiều
  3. Dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn
  4. Cởi bỏ quần áo để hạ thân nhiệt
  5. Dùng khăn ấm lau người sẽ giúp hạ sốt nhanh
  6. Sơ cứu cho trẻ rồi đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra.

Khi nào trẻ nhỏ bị sốt cần được đưa ngay đến bệnh viện?

Nếu trẻ bị sốt nhẹ bạn có thể tự xử lý tại nhà, nhưng bạn sẽ cần đưa con trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau:

  • Trẻ em dưới 3 tháng tuổi
  • Sốt cao trên 39,5 độ C
  • Trẻ bị sốt cao kèm quấy khóc mà ba mẹ không dỗ được
  • Trẻ sốt cao kèm các biểu hiện vật vã hoặc li bì, khó đánh thức
  • Trẻ sốt cao đi cùng với các biểu hiện như cứng cổ, đau khi chạm vào gáy, đầu
  • Trẻ sốt cao kèm phát ban ra da
  • Trẻ sốt cao kèm khó thở
  • Trẻ sốt cao và bỏ ăn uống lâu ngày
  • Trẻ sốt cao đồng thời nôn trớ mọi thứ ăn, uống vào
  • Trẻ sốt cao và đi tiểu ra máu
  • Trẻ sốt cao gây co giật...
  • Mẹ đã dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhưng không có hiệu quả
  • Tình trạng sốt cao tái đi tái lại nhiều lần
  • Trẻ sốt cao đã qua 3 ngày mà không đỡ.

Những Lưu ý cha mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ bị sốt

Nếu chẳng may con trẻ bị, cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc con:

Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt

Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt

  • Không ủ ấm cho trẻ hay cho cho mặc quá nhiều quần áo vì điều này sẽ khiến nhiệt độ cơ thể trẻ càng tăng mà thay vào đó là cho trẻ mặc đồ rộng thoáng, nếu trẻ sốt run lạnh thì có thể đắp thêm 1 chiếc chăn mỏng.
  • Nên để trẻ chơi ở nơi thoáng mát nhưng kín gió thay vì phòng quá kín, bí bách.
  • Tuyệt đối không dùng nước đá hay khăn lạnh để hạ sốt.
  • Không lạm dụng thuốc hạ sốt, chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Hãy để cơ thể trẻ hình thành cơ chế phòng vệ, tự “đối mặt” với các tác nhân gây bệnh sẽ giúp tăng sức đề kháng cho con.
  • Không tự ý sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến não trẻ bị tổn thương.
  • Nếu trẻ bị co giật thì hãy để trẻ nằm nghiêng và quan sát thời gian mỗi lần co giật, không nên dùng vật cứng để cạy miệng trẻ mà hãy tuân thủ theo hướng dẫn đã nêu trên.
  • Không tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian hoặc dùng thuốc bừa bãi.
  • Không chủ quan khi trẻ dưới 3 tháng bị sốt.

Bài viết vừa đưa ra cho bạn 10 cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn tại nhà. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp con yêu của bạn chóng khỏe lại. Để được tư vấn thêm các cách giúp hạ sốt ở trẻ, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 1900 1086 của Bệnh Viện Đa Khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

29,845

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám