Bệnh giun đũa là một loại nhiễm trùng giun đũa. Giun đũa này là ký sinh trùng lấy cơ thể con người làm vật chủ để phát triển từ ấu trùng hoặc trứng thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành khi sinh sản có thể dài tới hơn 30cm gây nên nhiều bệnh nguy hiểm cho người.
Nguyên nhân gây ra bệnh giun đũa
Giun đũa do một loại giun có tên là Ascaris lumbricoides gây ra. Giun đũa trưởng thành thường có kích thước lớn khoảng từ 20 - 30cm đối với giun cái, giun đực thì từ 15 đến 20cm. Giun đũa có màu trắng sữa hoặc hồng nhạt, thân hình ống.
Hình ảnh giun đũa dưới kính hiển vi
Trứng giun đũa được tìm thấy trong lòng đất, nước nhiễm phân và phân người. Trứng giun đi vào cơ thể con người khi họ ăn hoặc uống nước có trứng giun. Khi giun đũa cái đẻ trứng, nếu trứng rơi vào trong lòng đất sau khoảng từ hai đến ba tuần, trứng giun sẽ phát triển thành ấu trùng giun. Nhiệt độ môi trường bình thường là vô cùng thuận lợi để ấu trùng giun tiếp tục ẩn náu và phát triển vòng tuần hoàn của mình.
Nhiệt độ từ trên 60 độ sẽ tiêu diệt được trứng giun. Điều đó là điều không thể với một nước như Việt Nam và gần như toàn bộ những nước trên thế giới.
Con người có thói quen đi chân đất, tiếp xúc môi trường bên ngoài mà không đồ bảo vệ chân, không vệ sinh tay sạch sẽ,… là nguyên nhân gây nhiễm giun đũa.
Theo nhiều số liệu thống kê của các tổ chức y tế thế giới và các trang y tế thì tỉ lệ trẻ em bị nhiễm giun cao hơn người lớn. Vậy những nguyên nhân nào khiến các bé bị nhiễm giun đũa? Một vài nguyên nhân gây tình trạng được liệt kê dưới đây:
- Đưa tay bẩn vào miệng sau khi vui chơi ở ngoài sân.
- Ăn trái cây hoặc rau chưa gọt vỏ, rửa sạch hoặc chưa được nấu chín.
- Uống nước nhiễm bẩn, chưa được đun sôi kỹ.
Trẻ em có khả năng nhiễm giun cao hơn do chưa có ý thức về vệ sinh sạch sẽ và hay nghịch bẩn
Các bé với sự tò mò khám phá thế giới xung quanh qua các giác quan và chưa nhận thức được những điều xung quanh mình, nên bé thường có xu hướng cho mọi thứ vào miệng, kể cả bụi bẩn. Khả năng nhận thức về vệ sinh của bé không bằng người lớn, điều đó khiến cho trẻ em dễ bị mắc giun đũa. Đó cũng là lý do mà tỷ lệ nhiễm giun của trẻ thường cao hơn người lớn.
Ở các vùng nông thôn xa xôi, mặc dù chính quyền đã có nhiều khuyến cáo về việc hiểu biết hạn hẹp khiến tập quán ăn rau sống, dùng phân tươi bón rau vẫn còn tồn tại trong môi trường sống. Trứng giun được thải ra trong phân không được loại trừ dù cho có rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần. Con đường lây nhiễm của giun tạo thành vòng luẩn quẩn, nó khiến cho người ở vùng nông thôn xa xôi nhiễm giun và các bệnh lý khác nhiều hơn.
Triệu chứng khi mắc bệnh giun đũa
Những người bị giun đũa ban đầu sẽ không biểu hiện triệu chứng gì quá đáng ngại cho đến khi số lượng giun tăng lên tại chỗ. Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào cơ quan mà giun làm tổ nhiều trong người, chẳng hạn như là:
Nếu giun làm tổ trong đường hô hấp của người sẽ gây ra:
- Ho nhiều, thậm chí ho ra giun ( vô cùng nguy hiểm )
- Thở khò khè hay nặng hơn là khó thở
- Tức ngực dữ dội
- X-quang có nhiều nốt thâm rải rác ở hai phổi
Nếu giun làm tổ trong đường tiêu hoá của người sẽ gây ra:
- Giun sống hoặc xác giun trong phân khi vệ sinh
- Chán ăn, ăn ít
- Sốt cao
- Ói mửa và buồn nôn
- Tiêu chảy
- Nếu bé bị thì bé sẽ than phiền với cha mẹ về triệu chứng đau bụng hoặc đầy hơi. Vì ruột của trẻ có kích thước nhỏ hơn người lớn nên chắc chắn dễ bị tắc ruột.
- Thêm một điều là lượng giun lớn trong ruột sẽ khiến bé hấp thụ kém và suy dinh dưỡng.
- Điều nguy hiểm hơn là nếu trứng giun nở ra nhiều có thể làm tắc ruột thừa và các cơ quan liên quan khác, nó dẫn đến các bệnh nặng hơn như viêm ruột thừa hoặc các vấn đề với gan và tuyến tụy hoặc túi mật. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và phải đi cấp cứu nếu nặng.
Đau bụng là biểu hiện điển hình khi mắc bệnh giun đũa
Khi nào bạn cần đi khám bệnh giun đũa ?
Việc đi khám giun là điều bạn bắt buộc phải làm trong khoảng thời gian từ 6 tuổi đến khi vị thành niên và kể cả người lớn. Bạn cần ngay lập tức đi khám, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bản thân bị nhiễm giun đũa. Việc chần chừ quá lâu sẽ gây ảnh hưởng lớn và khó điều trị hơn. Việc đi khám cần đặc biệt chú trọng nếu bạn đã đi du lịch đến các khu vực phổ biến bệnh giun đũa.
Trong quá trình điều trị bệnh nếu tình trạng vẫn không giảm các triệu chứng bạn cũng cần đi kiểm tra lại để đổi phương pháp. Điều đó rất có thể bạn đang không đáp ứng thuốc và giun đã có thể chui vào những nơi nguy hiểm hơn và gây tác động xấu tới cơ thể.
Trẻ mới uống thuốc tẩy giun nhưng vẫn có biểu hiện mắc giun đũa thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám
Chẩn đoán bệnh giun đũa
Bệnh giun đũa được chuẩn đoán bằng cách quan sát người bệnh thấy giun chui ra khi ho hoặc đi tiêu. Bác sĩ còn có thể kiểm tra mẫu phân khi đại tiện của bệnh nhân để tìm trứng giun hoặc một đoạn cá thể giun.
Đôi khi, các bác sĩ còn áp dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh (như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp CT) đối với những bệnh nhân bị nặng. Phương pháp đó có thể cho hình ảnh gợi ý ổ giun trong các cơ quan ở ngực và bụng.
Hình ảnh giun đũa trên siêu âm
Điều trị bệnh giun đũa
Các bác sĩ đều điều trị giun đũa bằng thuốc diệt giun với nguyên tắc thuốc có tác dụng với nhiều loại giun. Việc dùng thuốc vừa ít độc và vừa chỉ cần một liều duy nhất mà vẫn đạt hiệu quả cao, khỏi bệnh. Các triệu chứng của bệnh thường chấm dứt trong vòng 1 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Bác sĩ rất hiếm khi tiến hành phẫu thuật để loại bỏ giun ra khỏi cơ thể, trừ khi giun gây ra biến chứng như tắc nghẽn ruột hoặc gây ra các vấn đề với gan, túi mật hoặc tuyến tụy.
Thuốc dùng để tẩy giun định kỳ hoặc dùng khi bị bệnh giun đũa
Cách phòng chống giun đũa
Vệ sinh sạch sẽ là biện pháp dễ làm và hiệu quả nhất để phòng chống nhiễm giun đũa, cũng như các loại ký sinh trùng khác.
- Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh đồ vật mà bé hay cầm nắm như đồ chơi, điều khiển từ xa,… bằng các dung dịch vệ sinh đồ vật an toàn với trẻ nhỏ cực kỳ quan trọng.
- Vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân và giun. Đặc biệt, cha mẹ nhắc bé thường xuyên rửa tay đúng cách sau mỗi bữa ăn hay những lần vui chơi bên ngoài.
- Trong những buổi ăn hằng ngày cần áp dụng phương châm “Ăn chín uống sôi”, tốt nhất bạn không nên ăn những đồ ăn như thịt tái hay rau sống.
- Trái cây, rau củ cũng cần được gọt vỏ và rửa sạch, bạn nên dùng nĩa để xiên ăn, không bốc ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh phòng tránh bệnh.
Vệ sinh đồ chơi cho trẻ sạch sẽ giúp loại bỏ nguy cơ mắc giun đũa
Ngoài ra, tẩy giun đúng cách là phương pháp phòng bệnh giun đũa được các chuyên gia khuyến cáo áp dụng. Theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thuốc tẩy giun được dùng cho trẻ em đủ 1 tuổi trở lên và trẻ đang sốt không được uống thuốc tẩy giun.
- Trẻ ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội: Tẩy giun 1 – 2 lần/ năm
- Trẻ ở các thành phố khác, nơi có điều kiện vệ sinh thấp, tỷ lệ nhiễm giun cao : 2 lần/ năm.
Thuốc tẩy giun có thể được dùng bất kỳ thời điểm nào mà bạn muốn trong ngày. Việc sử dụng thuốc tẩy giun không phụ thuộc vào bụng đói hay no nên không nhất thiết là phải tẩy sau khi ăn hay trước khi ăn. Thuốc tẩy giun mới người sử dụng không cần phải nhịn ăn. Tuy nhiên, một số người sẽ (hiếm gặp) có những tác dụng không mong muốn như đau bụng nhẹ, lâm râm, buồn nôn,... nên những người này nên uống sau bữa ăn sáng. Một số chuyên gia khuyên nên dùng sau bữa tối 2 giờ hoặc khi bụng đói sáng sớm để diệt giun tốt nhất.
Cách uống đúng cách nhất là:
- Những người khi bị nhiễm giun nên được tẩy giun theo định kỳ, đối với trẻ nhỏ trên 2 tuổi nên tẩy 2-3 lần/năm (4-6 tháng/lần). Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi uống theo bác sĩ quy định khi khám.
- Bạn nên tẩy giun cho cả gia đình cùng một lúc để tránh lây giun chéo trong nhà.
- Người tẩy giun nên chọn thuốc có chứa 1 trong 2 chất là Albendazol và Mebendazol, vì chúng tẩy được nhiều loại giun và không dùng kê đơn vẫn mua được.
- Bạn nếu thấy có những triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay,... hay những triệu chứng nặng hơn như sốt, mệt mỏi nên đi gặp bác sĩ để khám ngay lập tức.
- Những người mắc tiền sử mẫn cảm về một số thành phần của thuốc, bị nhiễm độc tủy xương, bệnh nhân suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, đang có con bú thì không dùng thuốc tẩy giun.
Trên đây là những thông tin mà Bệnh viện đa khoa Phương Đông chia sẻ về giun đũa và các vấn đề liên quan. Bệnh giun đũa không phải là một tình trạng hiếm gặp và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Nếu có thắc mắc cần giải đáp hoặc đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ 19001806.