Bệnh tim bẩm sinh là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Đặc biệt, nhiều gia đình lo lắng về khả năng di truyền của bệnh này sang thế hệ sau. Vậy bệnh tim bẩm sinh có di truyền không, và nếu có thì làm sao để phòng ngừa hiệu quả? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá các thông tin quan trọng về nguyên nhân, yếu tố di truyền và các biện pháp phòng ngừa để giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho thế hệ tương lai.
Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?
Tổng hợp từ nhiều kết quả thống kê, khoảng 100 trẻ được sinh ra thì có đến 8 trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim bệnh sinh. Tuy nhiên, yếu tố di truyền của bệnh chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ trong số những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Di truyền chỉ là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh tim. Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bố mẹ mắc bệnh tim thì con cũng có thể mắc bệnh tim 100%.
Yếu tố di truyền trong bệnh tim bẩm sinh là rất nhỏ
Một số khuyết tật tim bẩm sinh hiếm gặp có thể là:
- Tim một thất (bệnh tâm thất độc nhất);
- Một trong hai bên trái hoặc phải của tim không hoàn chỉnh;
- Cả động mạch phổi và động mạch chủ đều phát sinh cùng một tâm thất;
- Động mạch phổi và động mạch chủ có thể phát sinh từ các tâm thất “không đúng vị trí”, gây ra sự bất thường trong lưu thông máu từ tim đến phổi và cơ thể;
- Các cơ chế di truyền dẫn đến sự phát triển của dị tật tim bẩm sinh phức tạp.
Các yếu tố di truyền của bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh có thể được di truyền theo những khả năng sau:
Hội chứng di truyền
Nhiễm sắc thể là cấu trúc trong tế bào chứa gen được di truyền từ cha mẹ. Mỗi tế bào trong cơ thể người thường chứa tổng cộng 46 nhiễm sắc thể, bao gồm 23 cặp nhiễm sắc thể từ cả bố và mẹ, đóng vai trò quan trọng trong việc quy định đặc điểm di truyền. Có thể rơi vào trường hợp có quá nhiều hoặc ít nhiễm sắc thể dẫn đến hội chứng di truyền, khiến cho những trẻ này cũng có tỷ lệ bị bệnh tim bẩm sinh cao hơn.
Các hội chứng di truyền bao gồm:
- Hội chứng Down: Hội chứng này là triệu chứng rối loạn di truyền phổ biến nhất do thừa một nhiễm sắc thể số 21. Có khoảng 50% số trẻ bị mắc hội chứng down bị bệnh tim bẩm sinh, chủ yếu là do bị khiếm khuyết vách ngăn ở tim.
- Hội chứng Turner: Chỉ ảnh hưởng tới những em bé nữ, có duy nhất nhiễm sắc thể giới tính X thay vì XX khi sinh ra, khác biệt so với những em bé gái bình thường. Nhiều trẻ em mắc hội chứng Turner sinh ra với bệnh tim bẩm sinh (hẹp động mạch chủ và hẹp van động mạch chủ)
- Hội chứng Noonan: Xảy ra trên nhiều gen, gây ra một loạt các triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh tiềm ẩn như rối loạn nhịp tim, phì đại cơ tim, hẹp van động mạch phổi.
Di truyền trên từng gen đơn lẻ
Dạng di truyền này chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi “Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?”
Mặc dù hiếm gặp nhưng sự thay đổi của một gen đơn lẻ có thể gây dị tật tim. 50% bệnh sẽ biểu hiện ra ngoài nếu trong gia đình có từ 2 người có khuyết tật tim bẩm sinh. Ngoài ra, dù cha mẹ không bị bệnh tim bẩm sinh nhưng nếu có gen bệnh thì khả năng khi em bé sinh ra bị bệnh cũng sẽ rất cao.
Tham khảo:
“Biến chứng người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh có thể gặp là gì?”
Mẹ bầu mắc bệnh tim bẩm sinh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ, bao gồm suy tim, rối loạn nhịp tim gây tim đập nhanh hoặc không đều, tăng huyết áp phổi làm tăng áp lực lên tim. Ngoài ra, nguy cơ thiếu oxy máu, sinh non hoặc sảy thai cũng cao hơn, do sức khỏe tim ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Việc theo dõi kỹ lưỡng với chuyên gia tim mạch và sản khoa là cần thiết để giảm thiểu rủi ro này.
Giải pháp giúp giảm nguy cơ bệnh tim bẩm sinh có di truyền
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cùng lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh
Vì nguyên nhân của bệnh tim bẩm sinh vẫn chưa được xác định rõ nên không có cách nào để phòng ngừa để tránh sinh con bị mắc bệnh này. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai, thì những lời khuyên dưới đây có thể phần nào giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Quản lý và kiểm soát đường huyết chặt chẽ nếu mắc bệnh tiểu đường.
- Không nên uống rượu, sử dụng bất kỳ chất kích thích có hại nào như ma túy, thuốc lá,..
- Khuyến khích tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh rubella và cúm nếu có ý định sinh con.
- Thay thế thuốc giảm đau ibuprofen bằng paracetamol để đảm bảo an toàn hơn.
- Uống 400 microgam axit folic bổ sung mỗi ngày trong 3 tháng đầu (12 tuần đầu) của thai kỳ để làm giảm nguy cơ sinh ra trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hay các dị tật thần kinh đi kèm khác.
- Tránh dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ mà không có sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều chất hoá học độc hại.
- Thường xuyên đi siêu âm định kỳ để nắm được tình trạng sức khoẻ của bản thân.
- Tất cả những loại thuốc, vitamin sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về uống.
- Tránh xa những người nghi ngờ bị nhiễm trùng.
Mọi thắc mắc cần giải đáp chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được hỗ trợ thăm khám sớm nhất.
Kết luận
Bệnh tim bẩm sinh có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, nhưng việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe đúng cách vẫn là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu nguy cơ cho thế hệ sau. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch của con em mình, mỗi gia đình cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, thực hiện các xét nghiệm di truyền nếu có nguy cơ cao, và tuân thủ chế độ sinh hoạt lành mạnh. Hy vọng rằng với những thông tin trong bài viết, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về bệnh tim bẩm sinh và cách phòng ngừa hiệu quả cho tương lai.