Bệnh van tim hậu thấp là gì?
Bệnh van tim hậu thấp là tình trạng van tim bị tổn thương và dày lên, đây là một biến chứng của bệnh thấp tim - bệnh lý tự miễn do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra.
Bệnh thường khởi phát với tình trạng viêm họng hoặc các viêm nhiễm hầu họng khác như viêm xoang, viêm amidan,... kéo dài khoảng 2-3 tuần. Trong khoảng thời gian này, cơ thể có thể chống lại vi khuẩn gây bệnh nhờ sản sinh ra kháng thể. Tuy nhiên, chất cấu tạo của cơ tim và van tim khá giống nhau nên hệ thống miễn dịch có thể nhận dịch và tấn công nhầm cấu trúng van tim, cơ tim. Từ đó khiến lá van tim dày lên và dính lại với nhau. Đồng thời, hiện tượng lắng đọng canxi khiến lá van trở nên cứng, khả năng đóng - mở hoạt động kém linh hoạt gây ra tình trạng hẹp, hở van tim.
Đây là một trong những biến chứng của bệnh thấp tim, với tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp (chỉ khoảng 3%), chứng tỏ chỉ một số người có kháng nguyên tương tự với liên cầu khuẩn. Các kháng nguyên khiến hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm có cấu trúc:
- Thành phần hyaluronat trong glycoprotein của van tim giống màng liên cầu khuẩn.
- Màng sợi cơ tim tương tự kháng nguyên của màng liên cầu khuẩn.
- Myosin của cơ tim giống protein M - độc tố chính của vi cầu liên cầu tan huyết nhóm A.
Bên cạnh đó, thấp tim còn đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào liên quan đến tế bào lympho T và đại thực bào nên những tổn thương tim, trong đó có van tim có thể do hai cơ chế cùng xảy ra.
Bệnh van tim hậu thấp là một trong những biến chứng của bệnh thấp tim
Các triệu chứng của bệnh tim van thấp hậu
Một số dấu hiệu của bệnh van tim thấp hậu mà người bệnh có thể gặp bao gồm:
- Đau ngực, khó thở: Người bệnh có thể gặp tình trạng này khi làm việc nặng hoặc gắng sức. Khi bệnh nặng, mức độ đau và khó thở ngày càng nhiều, thậm chí có thể xuất hiện ngay có khi hoạt động nhẹ nhàng hoặc nghỉ ngơi.
- Ho kèm chút máu: Có thể khiến người bệnh và bác sĩ nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Chính vì vậy, phần lớn các vấn đề về tim thường được phát hiện khá muộn, dẫn đến điều trị khó khăn và dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề,
Ngoài ra, nếu trẻ gặp tình trạng hẹp van hai lá còn khiến cơ thể còi cọc, chậm phát triển, mắc các rối loạn về thần kinh và vận động. Do đó, cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu này của trẻ để phát hiện bệnh từ sớm.
Người bệnh thường có dấu hiệu đau ngực, khó thở
Một số biến chứng của bệnh van tim hậu thấp
Biến chứng của bệnh van tim hậu thấp thường gặp nhất là suy tim. Van tim hoạt động không đúng cách gây giảm hiệu quả trong quá trình bơm máu. Điều này khiến tim phải co bóp nhiều hơn so với bình thường để đảm bảo đủ lượng máu đi nuôi khắp cơ thể. Theo thời gian, hoạt động gắng sức kéo dài khiến tim mệt mỏi, yếu dần dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, bệnh van tim hậu thấp còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như rung nhĩ, huyết khối, viêm nội tâm mạc, đột quỵ, suy thận,...
Phương pháp chẩn đoán bệnh van tim hậu thấp
Chẩn đoán bệnh van tim thường không khó khăn nếu thăm khám sớm tại các chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, nghe tim để phát hiện tiếng thổi bất thường - dấu hiệu của bệnh hẹp, hở van tim.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm tim, điện tâm đồ. Đặc biệt, siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất đối với các bệnh van tim hiện nay. Bằng phương pháp này giúp đánh giá mức độ hẹp, hở van, tổn thương của van, mức độ dày, vôi hóa, tình trạng dây chằng của van tim,....
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất đối với van tim hậu thấp
Xem thêm:
Phương pháp điều trị bệnh van tim hậu thấp
Theo nghiên cứu và quá trình điều trị thực tế cho thấy rằng rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh van tim hậu thấp. Ngay cả khi đã thay van tim thì sau đó người bệnh vẫn phải sử dụng thuốc để dự phòng huyết khối và các rủi ro biến chứng. Chính vì vậy, điều trị bệnh van tim hậu thấp hầu hết là cải thiện các triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và phòng tránh suy tim. Một số biện pháp điều trị bao gồm:
Điều trị nội khoa
Dựa theo mức độ hẹp, hở van tim và các triệu chứng của người bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp, trong đó một số loại thuốc thường được sử dụng như trong điều trị bệnh van tim hậu thấp như:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp hạn chế tình trạng tích nước, giảm các triệu chứng như ho, khó thở, phù,...
- Thuốc chống loạn nhịp: Giúp kiểm soát nhịp tim, giảm tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực.
- Thuốc ức chế men chuyển: Giúp các mạch máu giãn, hạ huyết áp, giảm áp lực lên van tim.
- Thuốc chẹn beta: Chủ yếu sử dụng nếu người bệnh bị huyết áp cao, giúp ổn định nhịp tim.
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa tập kết tiểu cầu, hạn chế tình trạng rách van, tắc mạch do hình thành cục máu đông lên tim.
Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Phẫu thuật điều trị bệnh
Nếu van tim của người bệnh bị tổn thương nặng nề, điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các biện pháp can thiệp, phẫu thuật van tim.
Các biện pháp sửa van được ưu tiên trong các trường hợp như:
- Van tim bị hẹp hoặc hở đơn thuần.
- Lá van còn mềm.
- Dây chằng van tim chưa tổn thương nặng.
Trong biện pháp sửa van, nong van tim qua da là hình thức can thiệp thường được áp dụng vì chi phí thấp và có độ an toàn cao hơn so với phương pháp mổ hở truyền thống.
Nếu lá van dày, vôi hóa van tim nhiều, dây chằng lá van bị co rút nặng thì người bệnh cần thay van tim nhân tạo. Tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn loại van tim phù hợp để thay thế.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Trong quá trình điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, lối sống khoa học có vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng, đồng thời nâng cao sức khỏe người bệnh. Để cải thiện bệnh nên:
- Bổ sung nhiều loại trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt, các loại thịt trắng,...
- Giảm chất béo không lành mạnh bằng cách không sử dụng đồ ăn nhanh, thịt mỡ, đồ chiên xào.
- Hạn chế ăn mặn, chỉ sử dụng lượng muối trong mức khuyến nghị tùy vào tình trạng bệnh.
- Tập luyện thể dục mỗi ngày, nên lựa chọn các hoạt động vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội,....
Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học giúp hỗ trợ điều trị bệnh
Bệnh van tim hậu thấp là một bệnh tự miễn khá nguy hiểm. Bệnh có những triệu chứng điển hình như ho, khó thở khi hoạt động gắng sức. Hầu hết người mắc bệnh đều không thể điều trị bệnh khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị các triệu chứng, hạn chế sự tiến triển của bệnh. Hơn nữ, nếu không can thiệp sớm có thể dẫn đến suy tim, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng bất thường nào của bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh van tim hậu thấp. Việc thăm khám định kỳ các bệnh lý tim mạch rất quan trọng, giúp phát hiện sớm bệnh từ giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám các bệnh lý Tim mạch, trong đó có bệnh van tim hậu thấp có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin tại . Nhân viên bệnh viện sẽ nhanh chóng liên hệ tư vấn và đặt lịch thăm khám với chuyên gia.