1. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi đóng vai trò như thế nào?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Việc lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng và phù hợp với người bệnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ trong việc điều trị và giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Ngược lại, nếu không xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi khoa học, cân đối có thể làm tăng tình trạng viêm, gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng của phổi. Từ đó khiến quá trình phục hồi diễn ra lâu, thậm chí bệnh trở nên nghiêm trọng, khó điều trị.
Theo một nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng khoa học có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi từ 6-12%. Nếu đang mắc bệnh, chế độ ăn uống hợp lý giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh viêm phổi
2. Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm phổi
Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm phổi cần lưu ý một số điều sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống nhiều năng lượng và đa dạng chất dinh dưỡng cho người bệnh để duy trì sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch.
- Lựa chọn các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin C, E, beta-carotene, chất chống oxy cao để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, chống viêm và đẩy nhanh quá trình chữa lành những tổn thương.
- Dựa vào từng giai đoạn bệnh, người bệnh cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với tình trạng bệnh. Có thể chế biến thành các món ăn mềm, lỏng, dễ nuốt đối với người bệnh mệt mỏi, chán ăn,...
- Nên ưu tiên các thực phẩm nấu chín, ăn khi còn ấm nóng, tránh thực phẩm tái sống vì tăng nguy cơ viêm nhiễm, tránh ăn đồ ăn lạnh.
3. Bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh viêm phổi
Khi xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh viêm phổi cần đảm bảo bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết để quá trình điều trị thuận lợi. Một số dưỡng chất cần bổ sung bao gồm:
- Chất đạm: Cần bổ sung đầy đủ chất đạm cho quá trình điều trị bệnh để tái tạo những mô bị tổn thương và tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh viêm phổi trong quá trình điều trị nên bổ sung khoảng 1,2-1,3 kcal/kg từ đạm động vật, đạm thực vật.
- Rau xanh và trái cây: Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng,... Cần bổ sung khoảng 200-300g rau xanh trong 1 ngày và trái cây khoảng 300-400g/ngày.
- Nước: Đây là nhu cầu thiết yếu của cơ thể, người bệnh nên bổ sung khoảng 2 lít/ngày. Nếu có tình trạng sốt, lượng nước cũng cần tăng lên.
Xây dựng chế độ ăn uống cần đảm bảo bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết
4. Người bị viêm phổi nên ăn gì?
Đối với người bị bệnh viêm phổi nên ăn gì trong quá trình điều trị bệnh? Dưới đây là một số loại thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.
Rau xanh và hoa quả
Đây là nguồn dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh viêm phổi. Rau xanh và hoa quả chứa nhiều chất chống oxy hóa, các loại vitamin, đồng thời chúng hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, chống viêm và bảo vệ màng phổi.
Đặc biệt, các loại rau chứa nhiều vitamin C giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh. Một số loại rau chứa nhiều vitamin C bao gồm: Cải xoăn, cải bó xôi, cải bắp, rau chân vịt,... các loại quả như cam, bưởi, quýt, ổi,...
Ngũ cốc nguyên hạt
Bệnh viêm phổi dễ khiến năng lượng của người bệnh suy giảm, cạn kiệt. Bên cạnh đó, các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở,... càng khiến người bệnh mệt mỏi hơn.
Để lấy lại nguồn năng lượng nhanh chóng, người bệnh có thể bổ sung bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt như diêm mạch, gạo lứt, lúa mạch, yến mạch,...
Ngũ cốc nguyên hạt đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho bệnh nhân
Các loại thực phẩm giàu protein
Chế độ ăn chứa nhiều protein được khuyến nghị cho người bệnh viêm phổi. Protein chứa nhiều trong các loại hạt đậu, thịt trắng,... chúng có khả năng chống viêm, hỗ trợ chữa lành và tái tạo mô trong cơ thể.
Bổ sung nhiều nước
Khi mắc bệnh, người bệnh nên bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng mất nước khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Ngoài ra, uống nước giúp loãng đờm, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể bổ sung các loại sinh tố hoặc nước ép để cung cấp vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Nên lưu ý không dùng thêm đá vì có thể gây hại cho hệ hô hấp.
Các loại thực phẩm giàu omega-3
Axit béo omega-3 có tác dụng hiệu quả trong việc chống viêm, việc bổ sung omega-3 đầy đủ giúp giảm phản ứng viêm đối với người bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn. Chính vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá hồi, hạt óc chó, hạt lanh,...
Các loại thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng trong việc chống viêm
Gừng, nghệ và tỏi
Gừng có công dụng làm giảm tình trạng viêm phổi, cải thiện các triệu chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Một thành phần quan trọng trong nghệ là Curcumin, chúng có khả năng làm giảm tổn thương phổi, cải thiện phản ứng miễn dịch và ức chế phản ứng viêm. Ngoài ra, nghệ giúp giảm tình trạng đau ngực, loãng đờm,...
Tỏi có khả năng khử trùng, kháng khuẩn và chống nấm giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây hại bằng các tăng cường hệ thống miễn dịch.
Mật ong
Mật ong luôn được biết đến đặc tính kháng khuẩn và hỗ trợ chữa lành vết thương. Khi bị viêm phổi, người bệnh có thể bổ sung mật ong giúp kháng khuẩn, chống viêm, ngăn chặn tình trạng viêm gây tổn thương mô phổi.
Trà xanh
Trà xanh là một liều thuốc tự nhiên đối với người viêm phổi. Trong trà xanh chứa các thành phần chống oxy hóa, ngăn ngừa viêm, từ đó giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng.
Trà xanh hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh viêm phổi
Một số loại thực phẩm người bệnh nên tránh
Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh viêm phổi nên chú ý không thêm các loại thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày. Cụ thể như:
- Thực phẩm chứa nhiều muối: Các loại thực phẩm chứa nhiều muối khiến cơ thể giữ nước gây các vấn đề về hô hấp trở nên nặng nề hơn. Vì vậy, người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm này, ví dụ như đồ hộp, dưa muối, cà muối, khô bò, các món mắm,...
- Thịt đỏ: Trong thịt đỏ chứa nhiều chất béo hòa tan gây tăng lượng cholesterol trong máu gây các vấn đề tim mạch. Hơn nữa chúng làm quá trình viêm trở nên nặng hơn, các mô và cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng.
- Các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Các loại thực phẩm dầu mỡ làm các phản ứng viêm trong cơ thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, chúng khiến người bệnh dễ tăng cân, tạo áp lực lên phổi,... làm quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn.
- Các sản phẩm từ sữa: Mặc dù sữa và các sản phẩm từ sữa luôn tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng chứa nhiều casomorphin làm tăng dịch nhầy trong ruột và làm tăng các triệu chứng ho đờm.
- Chất kích thích: Người bệnh không được sử dụng rượu bia, trà, cà phê,... chúng gây kích thích phản ứng viêm
Người bệnh không nên ăn các loại thịt đỏ
6. Nguyên tắc trong chế độ ăn uống cho người bị bệnh viêm phổi
Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm phổi, cần lưu ý một số lưu ý quan trọng sau để tăng hiệu quả điều trị và giảm các triệu chứng như:
- Chia nhỏ bữa ăn để duy trì mức năng lượng ổn định của cơ thể. Ngoài ra, việc này giúp người bệnh dễ ăn, tránh bỏ bữa gây thiếu dinh dưỡng.
- Thực đơn của người bệnh viêm phổi cần lưu ý những loại thực phẩm nên ăn và kiêng để đảm bảo tốt cho quá trình điều trị.
- Người bệnh viêm phổi cần ăn đủ chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu năng lượng và cơ thể, từ đó quá trình phục hồi bệnh diễn ra nhanh chóng.
- Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn xây dựng chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm phổi.
Chia nhỏ bữa ăn để duy trì năng lượng ổn định cho người bệnh
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi khoa học, cân bằng và hợp lý giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, người bệnh hồi phục nhanh chóng. Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho bệnh như rau củ, chất đạm, nước, thực phẩm giàu omega-3. Ngoài ra, hạn chế các loại chất kích thích, thực phẩm nhiều muối và dầu mỡ,...
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi. Để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.