Chụp X quang cột sống cho biết điều gì? Quy trình thực hiện như thế nào?

Phan Thị Hoàn

15-04-2024

goole news
16

Chụp x quang cột sống là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường, giúp Bác sĩ phát hiện những vấn đề bất thường trong vùng cột sống của bệnh nhân như gãy xương, viêm khớp, khối u…

Chụp X quang cột sống là gì? 

Cột sống là trụ cột chịu trách nhiệm về việc nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Nó bao gồm 33 đốt sống cùng với các thành phần quan trọng như đĩa đệm, tủy sống và các rễ thần kinh.

Chụp X quang cột sống có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng của bất kỳ vùng nào trên cột sống bao gồm ngực, cổ, thắt lưng, xương cùng và xương cụt. Đây là quá trình sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh giải phẫu của các cấu trúc và xương ở vị trí chụp.

Các mô mềm trong cơ thể như da, mỡ, máu và cơ cho phép tia X đi qua một lượng lớn, dẫn đến màu xám đen trên hình ảnh chụp phim X quang. Ngược lại, xương cho ít tia X đi qua hơn, dẫn đến màu trắng trên hình ảnh.

Chụp x quang cột sống có thể chẩn đoán bệnh gì?

Chụp x quang cột sống có thể chẩn đoán bệnh gì?

Khi nào cần chụp X quang cột sống?

Chụp X quang cột sống thường được tiến hành khi có chấn thương hoặc cảm giác tê bì và đau dai dẳng. Bác sĩ sẽ kiểm tra hình ảnh X quang để đánh giá tổn thương tại các đốt sống, đặc biệt là trong trường hợp chấn thương hoặc thoái hóa ở vùng cột sống thắt lưng. Từ đó, họ có thể xác định một số vấn đề như:

  • Trật khớp nhẹ. 
  • Bị tổn thương gãy vỡ các thân đốt sống.
  • Loãng xương, một bệnh phổ biến đặc biệt ở người cao tuổi trên 60 tuổi.
  • Cột sống bị dị tật kể từ sinh ra hoặc do va chạm, tai nạn gây chấn thương.
  • Bệnh thoái hóa ở vùng cột sống thắt lưng.
  • Sự xuất hiện của khối u hoặc u nang trên xương.
  • Sự mọc gai xương không bình thường.

Chụp X quang cột sống thường được tiến hành khi có chấn thương hoặc cảm giác tê bì và đau dai dẳng.

Chụp X quang cột sống thường được tiến hành khi có chấn thương hoặc cảm giác tê bì và đau dai dẳng.

Có những phương pháp chụp X quang cột sống nào?

Chụp thẳng, nghiêng cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt

Phương pháp chụp này nhằm phát hiện các dấu hiệu của thoái hoá cột sống, xẹp trượt, vỡ thân đốt và các vấn đề khác như chấn thương, các dị tật bẩm sinh như gai đôi, cùng hóa, thắt lưng hoá, trượt thân đốt và hở eo, dính thân đốt, gù vẹo bẩm sinh, cùng với các hình bệnh lý như ung thư, lao hoặc di căn ung thư...

Chụp chếch ¾ cột sống cổ

Tia X được chiếu chéo với bình diện thẳng của cột sống cổ ở một góc 45 độ. Mục đích của thủ tục này là phát hiện hẹp lỗ ghép trong trường hợp có dấu hiệu của việc chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép động mạch sống của cột sống cổ.

Chụp CI - CII

Chụp CI - CII nhằm phát hiện gãy mỏm nha. Tia X chiếu từ phía trước ra sau, xuyên qua miệng ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa, há miệng.

Chụp tủy cản quang và chụp bao rễ thần kinh 

Trước khi tiến hành chụp, Bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào ống tủy hoặc vào vùng bao rễ. Mục đích của phương pháp này nhằm phát hiện chèn ống tủy, hẹp tắc ống tủy, chèn ép bao rễ thần kinh do suy tủy hoặc thoát vị đĩa đệm.

Hình chụp x quang cột sống chẩn đoán bệnh gì?

Chụp X quang cột sống, bao gồm cả cột sống cổ và thắt lưng, có thể được thực hiện để hỗ trợ quá trình chẩn đoán nguyên nhân gây đau ở lưng hoặc cổ, gãy xương, viêm khớp, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống, đồng thời cũng có thể phát hiện các vấn đề bất thường như độ cong của cột sống như gù hoặc vẹo cột sống.

Dị dạng cột sống

Dưới đây là một số dị dạng thường gặp:

  • Hở eo, gai đôi: Nguyên nhân chính là sự không hoàn chỉnh trong quá trình cốt hóa cột sống, dẫn đến hình thành gai đôi và hở eo.
  • Bị dính hai thân đốt bẩm sinh: Nếu như hai thân đốt bị dính với nhau ở vùng khe đĩa đệm và dính vào phần cung sau. Cả hai thân đốt không bị phá hủy vì vậy trục cột sống không bị vẹo hoặc gù.
  • Dị dạng cột sống bởi sự rối loạn chuyển tiếp: Đốt sống cổ có 8 đốt và cuộc sống thắt lưng có 6 đốt. 
  • Điểm cốt hóa góc trước đốt sống: Thường nằm ở các góc trong của thân đốt. Trong trường hợp quá trình cốt hóa không hoàn thiện, điểm cốt hóa có thể hiện như một mảng xương tách khỏi góc trước của thân đốt, gây ra bệnh Scheuermann.
  • Gù đốt sống: X quang cột sống chụp nghiêng có thể hiển thị cột sống bị lồi do thân đốt sống biến dạng thành hình chêm.
  • Cột sống bị cong vẹo: Hình ảnh X quang cột sống có thể cho thấy tư thế lệch trục của cột sống, với một số đốt sống bị xoay trục và biến dạng thân đốt theo kiểu hình chêm.

Thoái hóa cột sống

  • Thoái hóa cột sống là quá trình thoái hóa vòng xơ xung quanh vùng đĩa đệm, thường gặp ở người trên 40 tuổi. 
  • Khi xảy ra thoái hóa cột sống, vùng đĩa đệm có thể lồi ra, căng phồng, dây chằng vùng đốt sống bị đóng vôi và kéo dài ở gần bờ đĩa đệm để tạo ra mỏ xương. 
  • Mỏ xương thường xuất hiện ở bờ trước và hai bên của thân đốt sống, ít thấy ở bờ sau. 
  • Ban đầu, thoái hóa cột sống có thể không làm thay đổi chiều cao của khe đĩa đệm, nhưng có thể sau một thời gian, nó vẫn bị hẹp lại do thoái hóa của xương sụn.

Bệnh thoái hóa cột sống lưng và cổ có thể phát hiện nhờ chụp X-quang.

Bệnh thoái hóa cột sống lưng và cổ có thể phát hiện nhờ chụp X-quang.

Bệnh thoát vị đĩa đệm

  • Đây là hiện tượng thoát nhân nhầy, khi nhân nhầy trượt ra qua lỗ rách của vòng xơ xung quanh đĩa đệm, thường xảy ra ở những người mắc bệnh loãng xương cột sống mức độ nặng. 
  • Khi nhân nhầy di chuyển ra phía sau, nó có thể chèn ép ống tủy và rễ thần kinh, gây ra thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng, đôi khi có thể xảy ra ở cột sống cổ và rất hiếm khi ở cột sống ngực.
  • Hình ảnh chụp X quang thường không thể hiện trực tiếp thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, thoát vị Schmorl có thể được thấy trên hình ảnh X quang.

Chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống là tình trạng phổ biến thường xảy ra do tai nạn giao thông, hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc lao động. Các tổn thương thường gặp bao gồm:

  • Xẹp thân đốt: Xẹp thân đốt sống thường xảy ra khi chiều cao bình thường của thân đốt giảm xuống, dẫn đến mức độ cản quang tăng đậm hơn so với các đốt lân cận. Thường thì phần bờ trước của thân đốt sẽ bị lún, tạo thành hình dạng xẹp và giống như hình chêm.
  • Vỡ thân đốt: Vỡ thân đốt là khi có đường gãy chạy ngang qua thân đốt, gây ra gián đoạn hoặc gập góc ở phần bờ trên của thân đốt.
  • Trượt thân đốt: Trượt thân đốt thường xảy ra khi thân đốt trượt ra phía trước, phía sau hoặc sang một bên, có thể gây chèn ép hoặc cắt đứt tủy hoàn toàn.

Ngoài ra các tổn thương cột sống khác có thể kể đến như gãy mỏm nha C2, gãy mỏm ngang, gãy cung sau, mỏm gai.

Bệnh lao cột sống

Lao cột sống là một trong những bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lao xương khớp, thường xuất hiện ở đốt sống DIX - DX và LI - LII. Quá trình lao cột sống thường đi qua ba giai đoạn:

  • Giai đoạn sớm: Hẹp khe đĩa đệm, có thể nhìn thấy trên cả hai hình X quang thẳng và nghiêng, nhưng rõ nhất là trên hình nghiêng. Giai đoạn đầu, hẹp khe đĩa đệm có thể không rõ ràng, cần phải so sánh với khe đĩa đệm ở các đốt lân cận.
  • Giai đoạn toàn phát: Cùng với dấu hiệu của hẹp khe đĩa đệm là sự phá hủy của vi khuẩn lao vào thân đốt sống. Bờ thân đốt gần đĩa đệm thường sát nham nhở, thân đốt có thể bị xẹp thành hình chêm và đường cong sinh lý bị biến dạng, gập ra phía trước gây ra tình trạng gù.
  • Giai đoạn hồi phục và di chứng: Các thân đốt bị lao dính liền với nhau, mất khe đĩa đệm; ở cột sống ngực có hình dạng như “chân nhện”.

Bệnh viêm cột sống dính khớp (Bechterew)

  • Bệnh Bechterew bắt đầu bằng viêm khớp cùng - chậu chiếm tới 70%, tiếp theo là thưa xương ở cột sống. Sau khoảng 3 năm, thường sớm nhất, sẽ xuất hiện vôi hoá các dây chằng và dính các khớp của cột sống. 
  • Khi vôi hoá các dây chằng dọc trước, liên gai và dây chằng bên của cột sống, sẽ tạo ra hình ảnh giống như “cột sống cây tre” hoặc “đường ray của xe lửa”.
  • Bệnh Bechterew là một bệnh viêm cột sống dính khớp lan tỏa, giai đoạn đầu của tổn thương chủ yếu là ở cột sống và khớp cùng chậu, sau đó, hàng loạt các khớp khác cũng bị dính, bao gồm cả khớp háng.

Bệnh u tủy sống

  • Các loại u tủy sống thường gặp bao gồm u ngoài và u trong màng cứng, cũng như u trong tủy sống.
  • Sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sẽ mang lại hiệu quả chẩn đoán tốt nhất, đây cũng là phương pháp tạo hình ảnh với độ tin cậy cao nhất trong việc chẩn đoán u tủy sống.

Chụp X quang cột sống có thể phát hiện chấn thương cột sống.

Chụp X quang cột sống có thể phát hiện chấn thương cột sống.

Quy trình chụp x quang cột sống như thế nào?

Chuẩn bị chụp X quang cột sống

Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về quy trình chụp Xquang cột sống và sẵn lòng trả lời các câu hỏi của người bệnh liên quan đến quá trình này. Người bệnh không cần phải nhịn ăn hoặc dùng thuốc an thần trước khi thực hiện. Nếu bạn thuộc một trong các đối tượng sau đây, hãy thông báo ngay cho bác sĩ trước khi chụp Xquang:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Người bệnh đã thực hiện chụp X quang và sử dụng thuốc cản quang Barium trong thời gian gần đây (vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc đạt được độ phơi sáng X-quang tối ưu cho vùng lưng dưới).

Ngoài những điều trên, đa phần người bệnh không cần phải chuẩn bị quá nhiều, vì quá trình chụp X quang cột sống thường diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn.

Quy trình chụp X quang cột sống

Trước khi tiến hành chụp Xquang cột sống, người bệnh cần điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu ở từng bệnh viện. Chụp X quang nói chung và X quang cột sống nói riêng chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ điều trị.

Bước 1: Chuẩn bị

  • Người bệnh sẽ được yêu cầu cởi bỏ trang phục, trang sức, máy trợ thính,... và các đồ dùng kim loại khác.
  • Sau khi cởi bỏ trang phục, người bệnh sẽ mặc lên áo choàng chuyên dụng để chụp X quang.
  • Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm lên trên bàn chụp sao cho phần cột sống cần chụp nằm giữa máy X-quang và bảng chứa phim X-quang hoặc phương tiện kỹ thuật số.

Bước 2: Thực hiện chụp X quang

  • Ngoài tư thế nằm, nếu cần thiết, người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện chụp X quang với tư thế đứng.
  • Các bộ phận không cần lấy hình X quang có thể sẽ được che bằng tấm chắn (tạp dề chì) để tránh tiếp xúc với tia bức xạ X.
  • Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh giữ yên tại một vị trí nhất định trong vài giây.
  • Nếu vùng chụp X quang đang nghi ngờ có tổn thương, người bệnh sẽ được chăm sóc đặc biệt để ngăn ngừa tổn thương trở nên nghiêm trọng (ví dụ: sử dụng nẹp cổ nếu có nghi ngờ gãy ở xương cột sống cổ).

Bước 3: Tuân thủ và phản hồi

  • Người bệnh cần tuân thủ những yêu cầu từ bác sĩ để hình ảnh X quang đạt hiệu quả chẩn đoán tốt nhất.
  • Quá trình chụp X quang cột sống được khẳng định không gây đau đớn, nhưng việc thao tác trên vùng cơ thể cần chụp có thể gây ra cảm giác khó chịu với một số người.
  • Nếu có bất kỳ cảm giác không thoải mái nào, người bệnh cần chia sẻ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.

Sau khi chụp X quang cột sống

  • Thông thường, kỹ thuật chụp X quang cột sống, cổ, lưng không yêu cầu người bệnh phải tuân thủ quá nhiều nguyên tắc khắt khe. 
  • Sau quá trình chụp X quang, người bệnh có thể mặc lại quần áo và tiếp tục sinh hoạt bình thường.
  • Thường thì kết quả hình ảnh X quang cột sống sẽ được có ngay sau thời gian chụp. 
  • Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán liên quan đến bệnh lý vùng cột sống hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như chụp CT Scanner, chụp MRI, để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Bác sĩ có thể quan sát cột sống nhờ chụp X quang. 

Bác sĩ có thể quan sát cột sống nhờ chụp X quang. 

Chụp X quang cột sống giá bao nhiêu?

Mặc dù có thể giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý tại vùng cột sống, kỹ thuật chụp X quang cột sống lại có mức giá tương đối thấp, chỉ từ 190.000 VNĐ mỗi lần chụp. Tuy nhiên, chi phí này có thể thay đổi tùy theo cơ sở y tế. Chính vì vậy mà khách hàng cần liên hệ trực tiếp với bệnh viện để có thông tin chi tiết và cập nhật.

Đối với việc chụp X quang, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện uy tín, có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình chụp và đảm bảo kết quả hình ảnh chính xác, phục vụ cho quá trình chẩn đoán hiệu quả nhất.

Chụp x quang cột sống có hại không?

  • Tia X có khả năng xuyên qua các mô mềm và chất lỏng trong cơ thể, nhưng cũng mang theo nguy cơ gây hại. Việc tiếp xúc quá nhiều với tia X và ở cường độ mạnh có thể gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và thậm chí gây tử vong.
  • Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế đã đề ra các tiêu chuẩn cho việc thực hiện kỹ thuật chụp X-quang. Quá trình chụp cần được thực hiện trong môi trường an toàn, sử dụng phòng chụp và thiết bị đạt chuẩn để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. 
  • Đồng thời, đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện chụp cũng cần được đào tạo chuyên môn đúng cách, vì nếu không, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn đọc có thông tin hữu ích về chụp X quang cột sống. Đặc biệt là chụp X quang cột sống biết được điều gì và quy trình thực hiện diễn ra như thế nào. Nếu như bạn vẫn còn thắc mắc về chụp X quang và chụp X quang cột sống ở đâu uy tín? Hãy liên liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám một cách nhanh chóng và chính xác. Phương Đông luôn sẵn lòng phục vụ quý khách!



45

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

ThS.Bác sĩ

NGUYỄN ĐỨC HẢI

Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh

ThS.Bác sĩ

NGUYỄN ĐỨC HẢI

Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh
19001806 Đặt lịch khám