Lưu ý về những điều cần biết về cổ tử cung

Ngọc Anh

22-04-2024

goole news
16

Cổ tử cung là một phần thuộc hệ sinh dục nữ, đóng vai trò tối quan trọng trong chu kỳ sinh sản, kinh nguyệt của người phụ nữ. Không chỉ giúp cho trứng gặp tinh trùng, đây còn là “hàng tiền đạo” chống lại sự xâm nhập của các hại khuẩn có hại vào sâu bên trong tử cung. 

Cổ tử cung là gì? 

Cổ tử cung (Cervical) là một phần của cơ quan sinh dục nữ, là cầu nối giữa âm đạo và tử cung.  Bộ phận này rất nhỏ, có độ dài chỉ khoảng 2 - 3cm và có hình trụ. Nó tiếp giáp với:

  • Ống cổ tử cung - bộ phận nối giữa phần cổ và khoang tử cung, nơi tinh trùng phải di chuyển qua để thụ tinh cho trứng.
  • Âm đạo (lỗ ngoài ống tử cung) - bộ phận hình ống nằm bên trong âm hộ. Âm hộ khác với âm đạo. Âm hộ là bộ phận bạn có thể nhìn thấy bên ngoài. 

(Hình 1 - Vị trí của cổ tử cung trong hệ sinh dục nữ)

Vị trí của cổ tử cung trong hệ sinh dục nữ

Đây là bộ phận được ví như có chức năng “diệu kỳ”, rất quan trọng trong hệ sinh dục nữ như:

  • Tiết ra chất nhầy vào thời kỳ rụng trứng để tinh trùng dễ di chuyển và thích nghi để thụ tinh cho trứng. Đồng thời, nó cũng có khả năng thay đổi hình dạng khi mang thai và phục hồi hình dạng khi sinh nở xong.
  • Thay đổi hình dạng tuỳ hoàn cảnh. Nó giãn ra giúp thai nhi lọt xuống từ tử cung xuống âm đạo và ra ngoài.
  • Hàng rào bảo vệ chống lại vi khuẩn, nấm từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Vị trí của cổ tử cung?

Cổ tử cung nằm ở phía sau bàng quang, niệu đạo và nằm trước trực tràng và hậu môn. Đây là cơ quan nằm bên trong khoang chậu, nối từ đáy tử cung đến âm đạo. Nó cách âm hộ từ 3 - 6cm và là phần phình ra ở trên cùng của âm đạo. 

Cấu tạo của cổ tử cung

Bộ phận này có chiều dài và chiều rộng thay đổi khác nhau giữa những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời người phụ nữ. Ví dụ chiều dài của ống cổ tử cung ở phụ nữ mãn kinh chỉ 8mm. Ngược lại trong thai kỳ hoặc quá trình sinh nó có thể giãn nở tới 2 - 10 cm. 

Cấu tạo cổ tử cung bao gồm:

  • Cổ ngoài được bao bọc bởi lớp biểu mô lát tầng không sừng hoá, là nơi nhô vào trong âm đạo.
  • Cổ trong tức ống hình trụ nối từ cổ ngoài với buồng tử cung, bao quanh là lớp biểu mô trụ đơn tiết chất nhầy. 
  • Lỗ ngoài phần cổ là đường biên giới giữa cổ trong và cổ ngoài, nhô vào âm đạo 
  • Đường tiếp hợp gai - trụ tiếp nối giữa biểu mô trụ đơn ở cổ trong với biểu mô lát tầng không sừng hoá.

(Hình 2 - Các bộ phận của cổ tử cung)

Các bộ phận của cổ tử cung

Chức năng, vai trò và nhiệm vụ của cổ tử cung

Đây là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng với sinh lý và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. 

Trong hành kinh và rụng trứng

Trong chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tiết ra lượng lớn các chất nhầy (nút nhầy cổ tử cung) - hàng rào ngăn tinh trùng xâm nhập vào bên trong. Nhìn chung trong suốt cả chu kỳ, cổ tử cung vẫn khá vững chắc, ở vị trí thấp và đóng lại ngăn cho trứng và tinh trùng thụ thai. Đồng thời, nó cũng dẫn máu kinh nguyệt từ tử cung ra âm đạo để đào thải ra ngoài. 

Tuy nhiên, khi ngày rụng trứng đến gần, cổ tử cung lại thay đổi. Nó trở nên mềm mại mà mở ra dưới tác động của nội tiết tố nồng độ cao. Đồng thời, lớp chất nhầy vốn có trở nên mỏng hơn tạo điều kiện cho tinh trùng di chuyển vào bên trong. 

Trong thai kỳ và sinh nở

Khi có thai, phần cổ này sẽ được bịt kín bởi chất nhầy để bảo vệ thai nhi khỏi các tạp khuẩn, hại khuẩn, virus từ âm đạo ngược dòng lên. Cho tới ngày sinh nở, các nút nhầy sẽ tan ra khiến cổ tử cung giãn rộng, giúp thai nhi di chuyển từ tử cung qua âm đạo.

(Hình 3 - Để trải qua thai kỳ thuận lợi, cổ tử cung đóng vai trò rất quan trọng)

Để trải qua thai kỳ thuận lợi, cổ tử cung đóng vai trò rất quan trọng

Những vấn đề thường gặp ở cổ tử cung

Bệnh lý thường gặp ở phụ nữ không mang thai

Là cầu nối giữa âm đạo và buồng tử cung, các bệnh lý phụ khoa thường gặp ở vị trí này là:

  • Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm do virus u nhú ở người (HPV chủng 16, 18) gây ra. Bệnh gặp nhiều hơn ở người có nhiều bạn tình, đời sống tình dục hỗn loạn, hút thuốc và mắc các bệnh về hệ miễn dịch.
  • Loạn sản cổ tử cung do virus HPV gây nhiễm trùng và biến đổi các tế bào ở biểu mô bề mặt cổ tử cung. Biến chứng nguy hiểm của bệnh lý là diễn biến thành tế bào ung thư ác tính và âm thầm trong suốt 10 - 15 năm. 
  • Viêm cổ tử cung do các loại vi khuẩn, nấm gây ra. Khi bộ phận này bị tổn thương, vi khuẩn dễ tấn công vào niêm mạc tử cung, ống dẫn chậu gây viêm vùng chậu,...
  • Polyp, u xơ hoặc u nang là các khối u lành tính tăng sinh trên bề mặt. 

(Hình 4 - Polyp ở phần cổ của tử cung)

Polyp ở phần cổ của tử cung

Bệnh lý thường gặp trong thai kỳ

  • Suy cổ tử cung - tai biến sản khoa xảy ra khi cổ tử cung yếu, mở quá sớm khiến thai nhi sinh non không đủ tháng hoặc sảy thai.
  • Nhau tiền đạo khiến lỗ thông tử cung bị che phủ hoàn toàn làm thai phụ buộc phải sinh mổ
  • Mang thai ngoài tử cung khi phôi thai không làm tổ trong buồng tử cung mà làm tổ trong ống dẫn trứng, kẽ tử cung, thành tử cung,... Điều này rất nguy hiểm vì mẹ không những không thể giữ thai mà còn phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết, nhiễm trùng nặng sau sinh.

(Hình 5 - Hình ảnh cổ tử cung đẹp - Hình ảnh cổ tử cung bất thường)

Hình ảnh cổ tử cung đẹp - Hình ảnh cổ tử cung bất thường

Bất thường giải phẫu 

  • Hẹp cổ tử cung là tình trạng bị hẹp hoặc tắc lỗ tử cung
  • Dày cổ tử cung do bẩm sinh bộ phận này phát triển không hoàn toàn, liên quan đến âm đạo phát triển không tương xứng
  • Polyp cổ tử cung là các tế bào lành tính của nội mạc tử cung phát triển quá mức gây chảy máu  tử cung

(Hình 6 - Hình ảnh hẹp cổ tử cung)

Hình ảnh hẹp cổ tử cung

Những dấu hiệu cảnh báo cổ tử cung đang gặp vấn đề?

Bạn nên đi khám ngay nếu phát hiện các dấu hiệu như sau:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Trễ kinh, rong kinh, lượng máu kinh ra quá nhiều, quá ít giữa các kỳ kinh 
  • Bất thường dịch âm đạo: Tính chất bất thường như màu sắc, liều lượng có sự thay đổi và có mùi hôi khó chịu. 
  • Đau vùng chậu hoặc đau vùng lưng dưới 
  • Khó chịu khi đi tiểu

Hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ cổ tử cung 

Cách tốt nhất để phát hiện những bất thường ở cổ tử cung là đi thăm khám định kỳ và tiêm phòng virus HPV từ sớm. Đồng thời, các chị em phụ nữ cũng nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung trung bình 3 năm/ lần. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý:

  • Quan hệ tình dục chung thuỷ, an toàn và lành mạnh
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất dinh dưỡng từ hoa quả và trái cây tươi
  • Rèn luyện thể dục thể thao điều độ giúp nâng cao sức đề kháng ngăn vi khuẩn gây bệnh xâm nhập
  • Ổn định cảm xúc, duy trì trạng thái vui vẻ và tích cực

(Hình 7 - Quan hệ tình dục an toàn là hết sức quan trọng)

Quan hệ tình dục an toàn là hết sức quan trọng

Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Phương Đông quy tụ đội ngũ bác sĩ Sản phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Đồng thời, Bệnh viện còn trang bị hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám cá nhân hoá và thực hiện điều trị theo đúng chuẩn của Bộ Y Tế. Chính vì thế, chúng tôi tự tin sẽ đảm bảo chăm sóc để bảo vệ toàn diện sức khoẻ sinh sản toàn diện cho chị em phụ nữ.

Có thể nói, cổ tử cung là bộ phận tối quan trọng, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Để phòng tránh những bệnh lý có thể xảy ra, chị em nên chủ động khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để được hỗ trợ y tế từ bác sĩ chuyên môn!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,256

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám