Đau lưng bên phải là bệnh gì?
Đau sau lưng bên phải là những cơn đau nhức âm ỉ, xuất hiện tại vùng thắt lưng gần eo, gần dưới mông hoặc bả vai phải. Thông thường, cơn đau đến và đi nhanh chóng nhưng cũng có thể kéo dài, gây đau từ vị trí này sang vị trí khác trong cơ thể.
(Đau lưng bên phải xuất hiện tại vùng thắt lưng, dưới mông hoặc bả vai phải)
Nguyên nhân gây đau lưng phải tương đối đa dạng, bị ảnh hưởng bởi chấn thương tai nạn, hoạt động thể chất hoặc các vấn đề bất thường của cột sống lưng, cơ bắp, cơ quanh khớp. Dẫn đến tình trạng cơ thể ê ẩm, người bệnh gặp khó khăn trong cử động, đặc biệt khi cúi gập người.
Triệu chứng đau lưng bên phải
Triệu chứng đau thắt lưng bên phải tương đối rõ ràng, người bệnh hoàn toàn có thể nhận biết bằng các biểu hiện lâm sàng như:
- Các vị trí đau lưng bên phải như đau lưng bên phải gần eo, đau lưng bên phải gần mông, đau lưng bên phải phía trên gần vai.
- Cơn đau âm ỉ như có vật nặng đè lên hoặc đau đột ngột, dữ dội như bị dao đâm.
- Đau lưng bên phải lan tỏa từ vị trí này sang vị trí khác trên cơ thể.
- Cử động qua lại gặp khó khăn, nhất là cúi gập người.
(Triệu chứng cơ bản của cơn đau lưng phải)
Khi đau lưng bên phải kèm triệu chứng nghiêm trọng nêu dưới đây, người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám:
- Nước tiểu đục hoặc có máu, mùi hôi.
- Khi tiểu cảm thấy đau rát.
- Đi đại tiện xuất hiện máu hoặc mủ.
- Nôn mửa.
- Kinh nguyệt không đều.
- Đau vùng kín.
- Đau khi quan hệ hoặc sau khi quan hệ.
- Cơ thể mất khả năng vận động.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc tại nhà, phòng tránh nguy cơ sức khỏe và tính mạng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây đau thắt lưng bên phải
Đau nhói lưng bên phải đôi khi là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý, vậy nên việc xác định đúng nguyên nhân từ ban đầu hỗ trợ quá trình điều trị dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
Giãn dây chằng hoặc căng cơ lưng
Dây chằng là mô liên kết sợi, có nhiệm vụ kết nối các xương với nhau. Khi cơ quan này bị kéo căng quá mức sẽ gây hiện tượng giãn dây chằng (hay còn gọi bong gân). Còn căng cơ lưng xuất hiện khi phần cơ hoặc gân bị rách.
(Đau lưng phải do bong gân hoặc căng cơ lưng)
Bong gân và căng cơ lưng là hai tác nhân hàng đầu gây đau lưng phải cấp tính, cần chú ý hạn chế các hành động sau để phòng tránh:
- Nâng vật nặng, dùng sai kỹ thuật.
- Xoay hoặc giật cơ thể đột ngột.
- Không khởi động hoặc khởi động sai cách khi tập luyện thể thao.
- Thể dục thể thao quá sức.
Hẹp ống sống
Ống sống là phần khoang rỗng được tạo thành từ sự xếp chồng lên nhau các lỗ sống của xương sống, chứa đựng tủy sống và các rễ thần kinh. Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị chèn ép hoặc thu hẹp, gây áp lực lên tủy sống dẫn đến tê và đau bên phải lưng dưới.
(Hẹp ống sống khiến lưng bên phải bị đau)
Bệnh nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống viêm, tiêm steroid hoặc vật lý trị liệu. Còn trường hợp hẹp ống sống nặng, bác sĩ thường đề xuất phẫu thuật để trị dứt điểm.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống tràn ra ngoài, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức thắt lưng phải. Cơn đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, hoặc khởi phát từ lưng và kéo dài đến đùi, bàn chân, ngón chân.
(Đau lưng bên phải do thoát vị đĩa đệm)
Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là thuật ngữ chỉ tình trạng cột sống, xương dưới sụn, sụn khớp, đĩa đệm bị mài mòn, suy yếu hoặc tổn thương. Nếu tình trạng này xảy ra tại thắt lưng sẽ gây cơn đau âm ỉ, xu hướng dữ dội hơn khi vận động, người bệnh cứng cột sống vào buổi sáng.
(Người bị thoái hóa cột sống thường đau lưng phải)
Khối u cột sống
Khi cột sống xuất hiện khối u bất thường bên trong sẽ gây chèn ép dây thần kinh, xương khớp vùng lân cận. Đây là tình trạng nguy hiểm, người bệnh không chỉ gặp các cơn đau thắt lưng mà còn có nguy cơ yếu, tê liệt hoặc mất cảm giác tay chân.
(Khối u cột sống chèn ép thần kinh và xương khớp gây đau lưng phải)
Gãy xương cột sống
Xương cột sống là bộ phận quan trọng, đảm nhiệm chống đỡ cơ thể nên nếu bị chấn thương hoặc bị gãy, các mảnh vỡ nhỏ có thể chèn ép, thậm chí đâm thủng dây thần kinh và tủy sống. Đây là tác nhân hàng đầu gây nên tình trạng đau lưng dưới bả vai bên phải.
(Gãy xương cột sống là nguyên nhân hàng đầu gây đau lưng dưới bả vai phải)
Loãng xương
Loãng xương là hệ quả của quá trình rối loạn chuyển hóa xương, làm giảm mật độ chất khoáng trong xương kèm theo sự suy giảm cấu trúc xương, gia tăng nguy cơ gãy xương. Triệu chứng đau lưng bên phải rõ rệt nhất khi người bệnh di chuyển nhiều, thay đổi trạng thái cơ thể đột ngột như đứng lên, ngồi xuống, xoay.
(Loãng xương khiến các xương dễ bị gãy, gây đau vùng lưng)
Viêm ruột thừa
Ruột thừa là cơ quan nhỏ, liên kết với đoạn đầu tiên của ruột già, đến nay y học chưa xác định được chức năng của bộ phận này. Viêm ruột thừa gây đau dữ dội vùng bụng phải, dần lan ra phía sau lưng, gây đau âm ỉ khó chịu.
(Viêm ruột thừa gây đau bụng, dần lan ra phía sau lưng)
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu lan sang một hoặc hai quả thận, bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh lý này cần được xử lý kịp thời và dứt điểm, tránh những biến chứng nguy hiểm như đau lưng bên phải, suy thận hoặc nhiễm trùng huyết.
(Nhiễm trùng thận gây đau lưng phải, suy thận hoặc nhiễm trùng huyết)
Sỏi thận
Sỏi thận được hình thành từ một số tạp chất, cặn cứng với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Trường hợp sỏi nhỏ có thể đào thải qua đường nước tiểu, không để lại triệu chứng nguy hiểm.
(Sỏi thận gây đau lưng phải)
Ngược lại với viên sỏi thận to, người bệnh có thể gặp tình trạng tắc nghẽn, dẫn đến buốt một hoặc cả hai bên lưng. Một số bệnh nhân có thể gặp cơn đau lan xuống háng hoặc bụng dưới, gây khó chịu khắp cơ thể.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là một bệnh lý mãn tính, gây tiêu chảy liên tục kèm đại tiện ra máu hoặc mủ. Người bệnh cũng có thể gặp các cơn đau nhức ở vùng bụng, chuột rút, lan tỏa sang một hoặc hai bên lưng.
(Viêm loét đại tràng gây đau nhức bụng rồi lan tỏa sang hai bên lưng)
Nguyên nhân ở nữ giới
Ước tính có khoảng 60 - 80% nữ giới bị đau lưng trong suốt cuộc đời, đặc biệt vùng lưng bên phải. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng ở phụ nữ, điển hình là:
(Nguyên nhân gây đau lưng phải ở nữ giới)
- Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô phát triển ở các bộ phận buồng trứng, ống dẫn trứng, âm đạo, cổ tử cung,... tức bên ngoài tử cung. Người bệnh thường bị đau mãn tính vùng chậu hoặc lưng dưới bên phải, việc điều trị chỉ nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa sự tiến triển.
- U xơ tử cung là khối u phát triển trong thành tử cung, thường không diễn tiến thành ung thư. Tuy nhiên, người bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm, giảm triệu chứng cơn đau lưng phải.
- Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng, xuất hiện do cơ thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu,... Căn bệnh này lan tới tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, gây đau vùng lưng bên phải.
- Đau vùng chậu khi mang thai là hiện tượng phổ biến, thường gây đau một hoặc cả hai bên lưng dưới. Một số trường hợp nặng, cơn đau có thể lan xuống đùi, trở nên trầm trọng hơn khi đi bộ, thai phụ gặp khó khăn khi đứng lên hoặc cử động xoay người.
Xoắn tinh hoàn ở nam giới
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn bị xoay vào bên trong bìu, khiến thừng tinh bị xoắn. Hiện tượng này làm giảm, chặn hoàn toàn lưu lượng máu đến tinh hoàn, gây tổn thương nghiêm trọng khó phục hồi. Đau lưng phải là triệu chứng thường gặp nhất.
(Đau lưng phải do xoắn tinh hoàn ở nam giới)
Các yếu tố nguy cơ khác
Như đã chia sẻ từ đầu bài viết, đau lưng bên phải không chừa bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào nên trẻ em, thanh thiếu niên, thanh niên đều có nguy cơ mắc phải. Tuy nhiên, cơn đau dễ tiến triển và thường gặp hơn ở các nhóm người sau:
- 30 tuổi trở lên dễ xuất hiện các cơn đau lưng phải.
- Lười vận động khiến các cơ bị yếu, dẫn đến tình trạng đau lưng.
- Thừa cân, béo phì tạo áp lực cho lưng, gây đau.
- Tâm lý luôn lo lắng, mắc bệnh trầm cảm cũng là nguyên nhân gây đau lưng.
- Bệnh lý như viêm khớp, ung thư có nguy cơ đau 1 bên lưng phải cao hơn người bình thường.
- Hút thuốc ảnh hưởng đến phổi, gây ho dẫn đến thoát vị đĩa đệm, làm giảm lưu lượng máu đến cột sống, tăng loãng xương nên gây đau lưng phải.
Đau lưng dưới bên phải có nguy hiểm không?
Đau lưng dưới bên phải thường không gây nguy hiểm, tình trạng nhẹ do bong gân, mang thai,... có thể điều trị, kiểm soát bằng cách chườm nhiệt. Tuy nhiên, cơn đau là triệu chứng của các bệnh lý như khối u cột sống, nhiễm trùng thận, hẹp ống sống thì có thể gây nguy hiểm khi không điều trị kịp thời.
Vậy nên, để tránh hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng, người bệnh cần đến cơ sở y tế khi có biểu hiện. Việc làm này không chỉ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn ngăn chặn được các tổn thương vĩnh viễn.
Chẩn đoán đau lưng phải
Để đưa ra được kết luận nguyên nhân gây đau lưng phải, bệnh nhân trước tiên được thăm khám lâm sàng bằng một số câu hỏi như tiền sử, triệu chứng, cường độ và tần suất cơn đau. Trường hợp xuất hiện nghi ngờ, hoặc cần hình ảnh để khẳng định thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm:
(Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đau lưng bên phải)
- Chụp CT nhằm đánh giá tổn thương, phát hiện bất thường ở xương.
- Chụp X-quang giúp kiểm tra sự liên kết giữa các xương, phát hiện sớm những vấn đề như viêm, gãy,...
- Chụp MRI phát hiện các vấn đề tại mô, cơ, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu, xương,...
- Điện cơ hoặc EMG với mục đích đo xung điện tạo ra bởi các dây thần kinh, phát hiện nguyên nhân chèn ép do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống,...
Từ việc xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ của bệnh lý, đội ngũ y bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị tương ứng với tình trạng, thể trạng bệnh nhân, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Điều trị đau vùng lưng bên phải
Phác đồ điều trị cơn đau vùng lưng phải tùy thuộc vào tình trạng, nguyên nhân gây ra. Hiện nay, các phương pháp phổ biến nhất bao gồm:
- Massage, xoa bóp đối với hiện tượng bong gân, đau vùng chậu,...
- Uống thuốc kháng sinh với tình trạng nhiễm trùng lậu, nhiễm trùng đường tiết niệu,...
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn (nhóm thuốc NSAID) với hiện tượng bong gân, đau cột sống,...
- Vật lý trị liệu kèm các bài tập tăng cường áp dụng cho trường hợp hẹp ống sống, bong gân, đau xương chậu,...
- Thực hiện phẫu thuật với người bệnh viêm ruột thừa, sỏi thận, hẹp ống sống nặng, lạc nội mạc tử cung,...
Biện pháp phòng ngừa đau bên phải lưng dưới
Ngay bây giờ, bạn có thể phòng ngừa đau lưng bên phải bằng cách thay đổi lối sống, từ chế độ ăn uống đến tần suất hoạt động thể dục thể thao. Một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện tại nhà:
(Biện pháp phòng ngừa chứng đau lưng bên phải)
- Cung cấp đủ chất cho cơ thể, ưu tiên bổ sung canxi, vitamin D, kẽm, magie,... để xương chắc khỏe.
- Thể dục thường xuyên, đều đặn, nên lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng, tránh quá sức.
- Hạn chế mang vác vật nặng.
- Thực hiện tư thế ngồi chuẩn.
- Khi di chuyển, đi đứng và ngồi cẩn thận để tránh té ngã, gây chấn thương.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh lao động quá sức.
Ngoài các gợi ý nêu trên, bạn nên thực hiện khám sức khỏe đều đặn 6 - 12 tháng một phần để tầm soát sức khỏe, kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Liên hệ 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.
Kết lại, nguyên nhân gây đau lưng bên phải có thể đến từ chấn thương hoặc bệnh lý của các bộ phận trong cơ thể. Khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh cần lập tức thăm khám để có phương hướng điều trị phù hợp, tránh kéo dài gây biến chứng nguy hiểm.