Đau lưng sau sinh là tình trạng không hiếm gặp, chiếm khoảng 50% số ca sinh nở hàng năm. Một số mẹ chỉ đau 1 - 2 tháng đầu sau sinh nhưng cũng có trường hợp cơn đau dai dẳng, kéo dài trong nhiều năm làm suy giảm sức khỏe người phụ nữ.
Đau lưng sau sinh là tình trạng không hiếm gặp, chiếm khoảng 50% số ca sinh nở hàng năm. Một số mẹ chỉ đau 1 - 2 tháng đầu sau sinh nhưng cũng có trường hợp cơn đau dai dẳng, kéo dài trong nhiều năm làm suy giảm sức khỏe người phụ nữ.
Đau lưng sau sinh là sự nối dài những tổn thương xương khớp do quá trình mang thai gây ra, bao gồm nhiều nguyên nhân. Người mẹ cần được tư vấn, chữa trị kịp thời nhằm phòng tránh cuộc sống hay khả năng lao động bị ảnh hưởng.
(Hình ảnh đau lưng sau sinh ở thai phụ)
Nhiều thai phụ lầm tưởng gây tê ngoài màng cứng hay gây tê tủy sống là tác nhân gây đau lưng sau sinh, trên thực tế biến chứng của hai phương pháp này chỉ xảy ra trong hoặc ngay sau khi dùng thuốc. Có thể kể đến tình trạng run, ngứa, hạ huyết áp, đau đầu hoặc đau lưng tại vị trí chọc kim.
Nguyên nhân khiến thai phụ bị đau lưng sau sinh tương đối đa dạng, phần lớn liên quan đến việc thay đổi về thể chất và sinh lý trong thai kỳ. Thay đổi nội tiết tố, tăng cân, loãng xương, tư thế cho con bú sai cách là những yếu tố nguy cơ đau lưng hàng đầu.
Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormone relaxin giúp vùng xương chậu được nới lỏng, hỗ trợ quá trình sinh em bé trở nên dễ dàng. Tình trạng này dẫn đến trục cột sống mất ổn định, làm tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng.
3 - 4 tháng sau khi sinh, hormone relaxin vẫn tồn tại trong cơ thể nên mẹ thường gặp chứng đau lưng, đặc biệt ở vùng giữa lưng và lưng dưới. Cơn đau chỉ thuyên giảm khi hormone trở về mức bình thường.
Phụ nữ Việt Nam khi mang thai thường tăng từ 10 - 20 cân, điều này khiến cột sống phải chịu đồng thời trọng tải của cơ thể và trọng lượng tử cung. Khối cơ thành bụng bị giãn, mất sự hỗ trợ từ cơ bụng dẫn đến tình trạng căng cơ nhiều hơn ở phía lưng phần thấp.
(Tăng cân là nguyên nhân khiến mẹ gặp chứng đau lưng sau sinh)
Trọng lượng của thai nhi và tử cung phát triển cũng gây áp lực đến các mạch máu và dây thần kinh xung quanh xương chậu, lưng và vùng xương cụt, trở thành tiền đề cho những cơn đau lưng sau sinh ở mẹ.
Vùng xương chậu của bà bầu thường có những thay đổi đáng kể, nhằm chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên thời gian xương chậu hồi phục tương đối lâu, thường từ vài tháng đến vài năm, một số trường hợp cơn đau tiến triển thành mạn tính, buộc thai phụ phải sống chung.
(Đau xương chậu dẫn đến tình trạng đau lưng sau khi sinh)
Khi cho bé bú, các mẹ thường có thói quen cúi xuống nhìn con bú, việc làm này vô tình khiến cổ bị căng cứng, từ đau nhức vùng xương cổ dần lan xuống lưng. Ngoài ra, hành động nhún vai hướng về phía con cũng có thể khiến thai phụ bị đau lưng sau khi sinh.
(Đau lưng do sai tư thế cho con bú)
Chị em phụ nữ thường được sử dụng thuốc gây tê màng cứng hoặc gây tê tủy sống khi sinh nở, đặc biệt trường hợp sinh mổ. Khi thuốc tê đi vào tủy sống khiến khu vực xung quanh co thắt từng cơn, thường hết ngay sau sinh nhưng một số tiếp diễn trong vài tháng, gây đau lưng ở mẹ.
Mang thai và sau khi sinh là hai thời kỳ nhạy cảm, các mẹ dễ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ, lo lắng và hồi hộp gây căng cơ đặc biệt ở lưng. Tuy nhiên tình trạng căng thẳng hiếm khi gây một cơn đau cấp tính, thông thường tạo cảm giác mỏi, nặng hoặc dãn vùng lưng.
(Căng thẳng là gây căng cơ vùng lưng)
Trong quá trình mang thai và cho con bú, mẹ dễ gặp hiện tượng loãng xương vi thể, tức là sự mất canxi trong các bè xương, không thể nhìn thấy trên X-quang thông thường. Hoặc ở những thai phụ lớn tuổi, quá trình thoái hóa đĩa đệm cột sống dần phát triển cùng các biến đổi hệ dây chằng giữ vững cột sống bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ đau lưng.
(Đau lưng sau sinh do bị loãng xương vi thể)
Tình trạng viêm thường xảy ra do sự lỏng lẻo của các khớp, dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng và vùng khung chậu. Viêm được cho là một phản ứng bảo vệ cơ thể, tín hiệu đau rung lên hồi chuông cảnh báo sức khỏe cần được quan tâm và chữa trị.
(Những cơn đau sau sinh do tình trạng viêm)
Phụ nữ sau sinh dễ bị tổn thương khí huyết nên cần giữ ấm cơ thể, tránh sự tấn công từ những cơn gió lạnh. Nếu bị khí lạnh xâm nhập, cơ thể có thể xuất hiện tình trạng thừa độ ẩm, gây đau vùng lưng hoặc toàn bộ vùng xương khớp.
(Nhiễm lạnh khiến cơ thể thừa độ ẩm, gây đau vùng lưng)
Xem thêm:
Sau sinh bao lâu thì hết đau lưng? Thông thường đau lưng sau sinh sẽ hết trong vài tháng, tuy nhiên có khoảng 20% số thai phụ bị đau lưng dai dẳng lên tới vài năm, thậm chí trở thành bệnh mạn tính.
Nếu các mẹ không muốn cơn đau lưng cấp tính trở thành mạn tính, thì cần có những hành động cụ thể như sử dụng thuốc theo tư vấn của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ hay thay đổi suy nghĩ.
Hiện nay có nhiều loại thuốc Tây hỗ trợ giảm đau lưng, như Acetaminophen, Opioid,... Tuy nhiên, các mẹ đang trong thời gian cho con bú không được tự ý sử dụng thuốc, cần được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nguồn sữa cũng như em bé.
Hoạt động thể dục thể thao với cường độ vừa phải hỗ trợ chữa đau thắt lưng sau sinh, đau vùng chậu sau khi sinh hiệu quả. Các mẹ nên bắt đầu với việc đi lại quanh nhà mỗi ngày, đi chậm và ngắn trong vài tuần đầu, sinh thường và sinh mổ đều áp dụng được.
(Sau sinh phụ nữ nên bắt đầu đi bộ để giảm cơn đau lưng)
Khi dần hồi phục, bạn có thể thử tập các bài kéo dài nhẹ nhàng như yoga, pilates hoặc bài tăng sức mạnh cơ lưng và cơ bụng. Thai phụ không nên tập quá sức, hãy lắng nghe cơ thể, nếu xuất hiện bất kỳ khó chịu cần dừng tập.
Trong trường hợp mẹ không thể sử dụng thuốc giảm đau, có thể tham khảo thực hiện vật lý trị liệu tại các trung tâm, cơ sở y tế uy tín. Một số phương pháp thường áp dụng với thai phụ như:
(Chữa đau lưng sau sinh bằng vật lý trị liệu)
- Liệu pháp thủy sinh.
- Liệu pháp nhiệt nóng lạnh.
- Dùng điện xung, sóng âm hoặc laser kích thích dây thần kinh.
- Dùng máy áp lực hơi, massage, xoa bóp bằng tay giúp cơ và cột sống được thư giãn.
Sau sinh, mẹ thường dành toàn bộ tâm sức để chăm con, tuy nhiên hy sinh thời gian nghỉ ngơi không chỉ gây ảnh hưởng đến vết mổ sau sinh mà còn khiến tình trạng đau lưng gia tăng, kéo dài. Vậy nên, trong những tháng đầu mẹ cần được chăm sóc hồi phục sức khỏe, tránh làm công việc nặng.
(Chế độ nghỉ ngơi quyết định đến tình trạng đau lưng)
Như đã chia sẻ trong nội dung trên, căng thẳng và mệt mỏi sau sinh khiến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đi xuống. Các mẹ nên có những hoạt động thiết thực như ngồi thiền, đọc sách, giải trí lành mạnh để tâm lý thoải mái và ổn định.
(Ngồi thiền giúp giữ tâm lý thoải mái trong thời kỳ cho con bú)
Sau sinh, mẹ cần được bổ sung các dưỡng chất để bù đắp khoáng chất, canxi mất đi trong quá trình sinh nở. Gia đình nên ưu tiên những thực phẩm như thịt bò, nấm, rau xanh, trái cây hoặc ngũ cốc dinh dưỡng, hạn chế ăn thịt mỡ.
(Chế độ ăn uống lành mạnh giúp mẹ bù đắp khoáng chất và canxi đã mất)
Ngoài ra, các mẹ cần uống đủ nước mỗi ngày, dao động từ 2 - 2,5 lít nước. Có thể thay đổi linh động, kết hợp sử dụng sữa tươi, nước trái cây hoặc nước lọc trong ngày, hạn chế đồ uống ngọt hoặc có gas.
Thuốc nam tương đối lành tính vì được điều chế từ dược liệu tự nhiên, không gây tác dụng phụ nên phụ nữ sau sinh và cho con bú có thể sử dụng. Một số bài thuốc giảm đau lưng cho mẹ sau sinh:
(Sử dụng phương thuốc nam để chữa đau lưng ở phụ nữ sau sinh)
- Ngải cứu rửa sạch, ráo nước mang trộn cùng muối rồi rang nóng. Đổ hỗn hợp vào khăn mỏng, đem chườm lên vùng lưng bị đau đến khi nguội, có thể tái sử dụng bằng cách rang lại.
- Rễ cây lá lốt rửa sạch, ngâm cùng rượu trắng trong 1 tháng. Lấy một lượng dung dịch vừa đủ vào khăn, tiến hành xoa lên vùng lưng bị đau, đồng thời thực hiện massage nhẹ để tăng hiệu quả.
- Lá ớt cay rửa sạch, giã nát đem sao nóng cùng rượu trắng. Đổ hỗn hợp vừa làm vào khăn hoặc túi vải, chườm lên vùng lưng bị đau, di chuyển nhẹ nhàng theo vùng bị đau.
Vì là phương thuốc sử dụng ngoài da nên các mẹ cần thực hiện liên tục ít nhất 2 tuần, mỗi ngày 1 lần để thấy được kết quả, ngăn chặn cơn đau lưng tiếp diễn.
Khi mang thai, mẹ thường tăng từ 10 - 20 kg nên sau khi sinh, mẹ cần lên kế hoạch giảm cân để làm giảm áp lực đến cột sống. Tuy nhiên, mẹ lưu ý không thực hiện phương pháp giảm cân cấp tốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân cũng như trẻ nhỏ.
Đau lưng sau sinh là cơn đau cấp tính, thường hết sau vài ngày đến vài tháng. Tuy nhiên, các mẹ không nên vì thế mà lơ là, chủ quan với các dấu hiệu nguy hiểm như:
- Đau lưng liên tục, tình trạng tồi tệ theo từng ngày.
- Đau lưng do chấn thương, kèm sốt.
- Bị mất cảm giác ở một hoặc hai chân, hoặc chân tay không phối hợp với nhau, hoặc cảm thấy yếu cơ.
- Mất cảm giác ở mông, háng hoặc bộ phận sinh dục.
(Đau lưng sau sinh kèm sốt là dấu hiệu nguy hiểm)
Nếu xuất hiện các triệu chứng nêu trên, thai phụ cần được đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Tây y hay Đông y tại nhà khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông vừa thông tin đến bạn đau lưng sau sinh là hiện tượng đau cấp tính, một nửa phụ nữ mang thai có thể gặp phải. Bên cạnh đó là nguyên nhân, biện pháp và dấu hiệu nguy hiểm của đau lưng sau khi sinh mà các mẹ cần chú ý.