Đau thắt lưng ở phụ nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Phương Loan

28-02-2024

goole news
16

Đau thắt lưng ở phụ nữ không giới hạn về độ tuổi, tuy nhiên bệnh gia tăng nhiều sau khi mãn kinh. Để phòng tránh hiệu quả, nữ giới cần biết nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán bệnh đau vùng thắt lưng.

Đau thắt lưng ở phụ nữ là gì?

Đau thắt lưng ở phụ nữ là tình trạng xuất hiện những cơn đau nhức, có thể lan xuống dưới gần sát mông, hoặc xảy ra bên phải, hoặc xảy ra bên trái, hoặc tập trung giữa lưng. Theo nghiên cứu, có khoảng 60 - 80% nữ giới gặp các cơn đau vùng thắt lưng trong suốt cuộc đời.

Khoảng 60 - 80% phụ nữ bị đau thắt lưng

(Khoảng 60 - 80% phụ nữ bị đau thắt lưng)

Nguyên nhân đau thắt lưng ở phụ nữ tương đối đa dạng, ví dụ như do thể trạng, ảnh hưởng từ thời kỳ sinh nở, sự suy giảm estrogen làm giảm mật độ xương,... Hoặc xuất hiện cơn đau do các bệnh lý vùng liên quan như thận, tuyến tụy, dạ dày, buồng trứng hoặc tử cung.

Nguyên nhân đau thắt lưng ở phụ nữ

Đau vùng thắt lưng ở nữ giới có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự liên quan đến cấu trúc khung xương chậu, độ tuổi, nghề nghiệp hay hormone sinh dục. Cụ thể như sau:

Hội chứng cơ hình lê

Cơ hình lê là cơ lớn nằm sâu trong vùng mông, nằm dưới cơ mông lớn, chạy theo đường chéo vắt ngang qua dây thần kinh tọa. Cơ này đảm nhiệm chức năng nâng chân, xoay hông, xoay chân và bàn chân ra ngoài.

Hội chứng cơ hình lê gây đau thắt lưng

(Hội chứng cơ hình lê gây đau thắt lưng)

Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng Piriformis là tình trạng cơ hình lê bị co thắt, phì đại hoặc viêm, gây đau ở vùng mông. Cơ hình lê cũng có thể kích thích dây thần kinh hông gần đó, khiến đau, tê và nhức dọc theo mặt sau của chân, gần giống đau dây thần kinh hông to.

Rối loạn chức năng khớp cùng chậu

Khớp cùng chậu là nơi kết nối giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh chậu (xương trên của xương chậu). Diện tích bề mặt khớp cùng chậu ở phụ nữ thường nhỏ hơn nam giới, tăng nguy cơ lệch khớp cùng chậu ở nữ giới, đặc biệt người trẻ.

Rối loạn chức năng khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trẻ

(Rối loạn chức năng khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trẻ)

Cơn đau thông thường tập trung ở lưng dưới, có thể âm ỉ hoặc bùng phát khiến người bệnh đau nhói xuống đùi. Rối loạn chức năng khớp cùng chậu thường bị nhầm tưởng với đau thần kinh tọa, cần được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Thoái hóa khớp cột sống

Thoái hóa khớp cột sống là bệnh viêm khớp phổ biến ở phụ nữ, được phát hiện nhiều tại đầu nối các đốt sống (khớp mặt), dễ gặp ở người có độ tuổi và cân nặng cao. Sự phân hủy sụn xơ ở các khớp xương được cho là nguyên nhân chính gây đau thắt lưng ở phụ nữ.

Đau thắt lưng do thoái hóa khớp cột sống

(Đau thắt lưng do thoái hóa khớp cột sống)

Sụn xơ ở các khớp xương được ví như bộ phận giảm xóc của cơ thể, việc chúng biến mất có thể khiến các xương va đập và cọ xát với nhau, gây đau lưng trên hoặc dưới, bẹn, mông và đùi. Cơn đau lưng dưới gần mông thường đi kèm với tình trạng cứng khớp buổi sáng, đau dữ dội một bên lưng khi cúi người.

Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống xảy ra khi một đốt sống trượt qua đốt sống bên dưới, đây là một trong những tác nhân gây đau vùng thắt lưng ở phụ nữ, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Lượng estrogen thấp khiến thoái hóa đĩa đệm cột sống, các dây chằng giữ đốt sống bị nới lỏng, làm mất sự ổn định của cột sống.

Thoái hóa cột sống thường tiến triển ở phụ nữ sau mãn kinh

(Thoái hóa cột sống thường tiến triển ở phụ nữ sau mãn kinh)

Triệu chứng đau thắt lưng ở phụ nữ do thoái hóa cột sống thường là đau lưng dưới lan xuống chân, đau khi đi bộ do tủy sống bị chèn ép. Người bệnh nên cúi người về phía trước để giảm áp lực đến cột sống, hạn chế cơn đau cũng như diễn tiến nặng hơn.

Đau xương cụt

Đau ở xương cụt thường do chấn thương hoặc kích ứng mãn tính, đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ đã sinh nở. Người bệnh có thể gặp cơn đau âm ỉ, đau nhói như dao đâm, dễ trở nặng khi ngồi xuống hoặc đứng lên.

Đau xương cụt gây khó khăn khi ngồi hoặc đứng lên

(Đau xương cụt gây khó khăn khi ngồi hoặc đứng lên)

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân gây đau lưng chỉ có ở phụ nữ, tiến triển khi lớp mô lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển bên ngoài tử cung. Triệu chứng người bệnh có thể gặp bao gồm đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, đi tiểu khó khăn, máu kinh ra nhiều bất thường, đau vùng chậu mãn tính.

Lạc nội mạc tử cung gây đau thắt lưng ở phụ nữ

(Lạc nội mạc tử cung gây đau thắt lưng ở phụ nữ)

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Không ít phụ nữ gặp hội chứng tiền kinh nguyệt trước kỳ kinh, nội tiết tố thay đổi khiến phụ nữ bị đau thắt lưng. Cơn đau thường suy giảm khi bắt đầu hành kinh, người bệnh có thể điều trị cơn đau bằng cách chườm nhiệt và dùng thuốc giảm đau không cần đơn kê tại nhà.

Hội chứng tiền kinh nguyệt ở nữ giới

(Hội chứng tiền kinh nguyệt ở nữ giới)

Đau thắt lưng khi mang thai

Đau thắt lưng khi mang thai không phải tình trạng hiếm gặp, chiếm khoảng 50 - 80% phụ nữ. Trọng tâm cơ thể bị thay đổi do tăng cân, sự phát triển các hormone làm mềm dây chằng chuẩn bị cho quá trình sinh nở làm căng cơ lưng, gây nhức mỏi và co cứng.

Đau thắt lưng khi mang thai tháng thứ 5 đến tháng thứ 7

(Đau thắt lưng khi mang thai tháng thứ 5 đến tháng thứ 7)

Các mẹ thường gặp cơn đau lưng khi mang thai vào tháng thứ năm đến tháng thứ bảy, đây là thời kỳ cơ thể thay đổi nhiều nhất. Áp dụng biện pháp điều chỉnh tư thế ngồi, nghỉ ngơi đều đặn, đi bộ, vươn vai, tránh khuân vác, theo dõi cân nặng, sử dụng giày thoải mái để giảm đau.

Những cơ quan gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Ngoài các bệnh lý nêu trên, bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ có thể xuất phát từ các cơ quan bị kích thích, viêm hoặc chấn thương. Bao gồm:

  • Viêm ruột thừa.
  • Sỏi thận.
  • Viêm tuyến tụy.
  • Dạ dày: đầy hơi, chướng bụng hoặc virus.
  • U nang buồng trứng.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh đau vùng thắt lưng

Không chỉ người trung niên hay cao tuổi, bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt những người đang mang thai, nhân viên văn phòng phải ngồi liên tục nhiều giờ hoặc thường xuyên đi giày cao gót.

Đối tượng nữ giới có nguy cơ mắc bệnh đau thắt lưng

(Đối tượng nữ giới có nguy cơ mắc bệnh đau thắt lưng)

Ngoài ra, phụ nữ lao động chân tay, mang vác nặng, béo phì hoặc mắc bệnh phụ khoa cũng rất dễ bị đau vùng thắt lưng. Vậy nên, bạn cần lắng nghe cơ thể để có những hoạt động phù hợp, thăm khám sức khỏe kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.

Triệu chứng đau thắt lưng ở phụ nữ

Nếu xuất hiện các triệu chứng không thuyên giảm, gia tăng theo thời gian thì người bệnh cần được thăm khám, tư vấn điều trị lập tức:

  • Cơn đau khiến người bệnh không thể đứng hay đi bộ bình thường, sinh hoạt thường ngày bị cản trở.
  • Đau thắt lưng kèm sốt.
  • Đau khiến người bệnh khó kiểm soát hành động tiểu tiện.
  • Cơn đau gây tê, ngứa ran ở chân.
  • Cơn đau kéo dài xuống chân.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Xuất hiện các triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung.
  • Đau thắt lưng khi mang thai kèm sốt, chảy máu âm đạo hoặc tiểu tiện đau.
  • Đau do bị ngã hoặc gặp tai nạn.

 

Người bệnh tuyệt đối không tự ý chữa trị bằng thuốc Tây y hoặc Đông y tại nhà, đặc biệt với trường hợp phụ nữ đang mang thai.

Đau thắt lưng ở phụ nữ có nguy hiểm không?

Đau thắt lưng ở phụ nữ do mang thai, đứng ngồi sai tư thế, chu kỳ kinh nguyệt không gây tác động lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh xuất phát từ vấn đề xương khớp, cơ quan sinh dục, tuyến tụy hay thận thì cần được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

Phương pháp chẩn đoán bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bằng các phương pháp hiện đại. Bao gồm:

Phương pháp chẩn đoán bệnh đau thắt lưng

(Phương pháp chẩn đoán bệnh đau thắt lưng)

  • Xét nghiệm: Viêm, thiếu máu, HLA-B27, protein, albumin,...
  • X-quang: Đánh giá gãy xương, biến dạng xương như thay đổi thoái hóa, khe đĩa đệm, chiều cao thân đốt sống, mật độ và cấu trúc xương.
  • Cộng hưởng từ: Kết quả hình ảnh có thể đánh giá tốt mô mềm, ống sống, thường thực hiện với các trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng, chèn ép thần kinh hoặc bệnh ác tính,...
  • CT: Khả năng đánh giá tổn thương xương tốt, ưu tiên thực hiện khi nghi ngờ gãy đốt sống, u xương hoặc đánh giá cột sống trước phẫu thuật.
  • Xạ hình xương: Nhằm phát hiện gãy xương tiềm ẩn, gãy xương do stress, nhiễm trùng hoặc ung thư di căn. Ứng dụng phân biệt với thoái hóa cột sống, gãy xương cấp tính, gãy do nén đã lành.
  • Đo mật độ xương: Thường được chỉ định với phụ nữ sau mãn kinh, tiền sử hoặc đang gãy xương.
  • Siêu âm ổ bụng: Loại trừ khả năng đau thắt lưng do sỏi thận, sỏi mật hay khối u trong ổ bụng.
  • Tùy thuộc tình trạng thăm khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật thực hiện, đảm bảo kết quả cho ra có giá trị chẩn đoán, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Cách chữa bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Hiện nay, có nhiều cách chữa bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ như:

Một số phương pháp chữa trị đau thắt lưng tại nhà

(Một số phương pháp chữa trị đau thắt lưng tại nhà)

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm viêm, giảm đau, kích thích tuần hoàn máu, oxi, chất dinh dưỡng đến vùng cơ lưng, giúp thắt lưng được thư giãn.
  • Tắm nước ấm giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm cảm giác đau cũng như cứng cơ.
  • Tập các bài giãn cơ để cải thiện tình trạng đau, ngăn ngừa sự tái phát.
  • Thực hiện các động tác massage nhẹ tại vùng cơ lưng.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt phần xương.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn, tuyệt đối không lạm dụng thuốc.

Trong trường hợp bệnh đau thắt lưng phát triển do bệnh lý, người bệnh cần được thăm khám và điều trị bằng thuốc chuyên biệt. Hoặc thực hiện chỉ định vật lý trị liệu, phẫu thuật với tình trạng không thuyên giảm.

Nhìn chung, đau thắt lưng ở phụ nữ là bệnh lý không hiếm gặp, có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào nên bạn cần chú ý và quan tâm đến sức khỏe. Liên hệ về hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để nhận tư vấn từ đội ngũ y bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

1,131

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám