Bệnh tim bẩm sinh là tình trạng bất thường về cấu trúc của tim ở trẻ từ khi sinh khiến trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe như suy dinh dưỡng, khó tăng cân, suy kiệt,... Tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng rất lớn đến phẫu thuật tim của trẻ sau này. Để trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống cho trẻ. Vậy xây dựng chế độ dinh dưỡng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tim bẩm sinh như thế nào để trẻ có thể trạng tốt nhất? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.
Vì sao trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường bị suy dinh dưỡng?
Về cơ bản, thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa bú hoặc ăn uống hàng ngày của trẻ bị tim bẩm sinh không khác những trẻ khác. Tuy nhiên, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém hơn với các lý do sau:
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường cảm thấy khó thở khi bú, uống sữa nên khiến trẻ sợ bú, khó tăng cân.
- Trẻ mắc bệnh được chỉ định ăn nhạt, không thêm gia vị mắm muối khiến trẻ ăn không ngon miệng, dễ chán ăn.
- Nhu cầu năng lượng cao hơn so với trẻ bình thường.
- Gặp các vấn đề như tim đập nhanh, thở nhanh, giảm oxy máu, hấp thu thức ăn kém, giảm,....
- Trẻ dễ bị mắc nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi,...
- Sự phát triển có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền hay gen như hội chứng Down.
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường có khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém hơn so với trẻ bình thường
Chất dinh dưỡng dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đầy đủ dưỡng chất là điều cần thiết để hỗ trợ sức khỏe tổng thể và tăng cường chức năng tim mạch. Những loại chất dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nên bổ sung trong chế độ ăn của trẻ bao gồm:
- Protein: Giúp cơ thể tăng trưởng và sửa chữa các mô, đặc biệt quan trọng với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc chậm phát triển. Nên bổ sung protein từ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,...
- Chất béo không bão hòa: Là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng, nên ưu tiên các loại chất béo có lợi cho tim mạch.
- Omega-3: Nên bổ sung từ các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ,...), các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, hạnh nhân, óc chó,...), dầu oliu, quả bơ,...
- Carbohydrate phức hợp: Giúp cung cấp năng lượng dài hạn và duy trì lượng đường trong máu. Có thể bổ sung từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, khoai lang, các loại rau củ,...
- Vitamin C: Hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật tim. Ngoài ra, vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt, ngừa thiếu máu. Thường có nhiều trong các loại trái cây và rau củ như cam, kiwi, dứa, ớt chuông, súp lơ,...
- Vitamin D: Rất quan trọng cho sự phát triển của xương và tim khỏe mạnh. Có thể bổ sung từ ánh nắng mặt trời, sữa, sữa chua, cá béo,...
- Canxi: Canxi không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn điều chỉnh hoạt động cơ tim. Một số thực phẩm chứa nhiều canxi bao gồm sữa, cải xoăn, cải bó xôi, hạnh nhân,...
- Chất xơ: Giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, kiểm soát cholesterol giúp tim mạch khỏe mạnh.
- Sắt: Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh dễ bị thiếu máu, do đó cần bổ sung đủ lượng sắt cần thiết. Các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ nạc, gan, rau lá xanh đậm,...
- Kali: Giúp điều chỉnh nhịp tim và cân bằng nước trong cơ thể. Các nguồn thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, cam, dưa hấu, cà chua, khoai tây,...
- Bổ sung nước đầy đủ: Trẻ mắc bệnh cần duy trì lượng nước đủ để cơ thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nên điều chỉnh lượng nước phù hợp, đặc biệt với trẻ có nguy cơ giữ nước hoặc suy tim.
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết
Lưu ý:
- Giảm muối: Giúp tránh tăng huyết áp, giảm gánh nặng cho tim.
- Không sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol như đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn,...
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đầy đủ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, nâng cao chất lượng sống, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh theo độ tuổi
Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thường dựa theo độ tuổi để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể của trẻ.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ:
- Nến cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, bất kỳ ngày lần đêm, ít nhất 8 lần/ngày.
- Trẻ từ 4- 6 tháng tuổi nên cho ăn thêm nhưng chỉ nên bổ sung nếu trẻ vẫn đói sau mỗi lần bú hoặc không tăng cân như bình thường. Có thể cho trẻ tập ăn dặm 1- 2 bữa bột loãng tới đặc dần và đầy đủ chất như bột của trẻ 6-12 tháng.
- Khi trẻ bú nên nâng cao đầu trẻ để tránh nôn, sặc sữa.
- Không cho trẻ bú hoặc ăn quá no vì trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thường khó tiêu hóa nên dễ bị nôn.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Với trẻ từ 6- 12 tháng
Trẻ từ 6- 12 tháng vẫn nên cho trẻ bú mẹ và kết hợp ăn dặm:
- Vẫn nên cho trẻ bú mẹ khi trẻ muốn.
- Kết hợp các loại thức ăn dặm cho trẻ, nên lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng và đầy đủ thành phần.
- Có thể cho trẻ ăn dặm 3 bữa/ngày khi còn bú mẹ; 5 lần/ngày nếu ngừng bú.
- Bổ sung cho trẻ các loại trái cây như chuối, đu đủ, cam, xoài,...
Với trẻ từ 12- 24 tháng tuổi
- Vẫn cho trẻ bú khi trẻ muốn.
- Cho trẻ ăn dặm 3- 5 bữa/ngày, kết hợp đầy đủ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Bổ sung trái cây cho trẻ.
- Nên kết hợp cho trẻ ăn thêm sữa công thức để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Cho trẻ ăn dặm với nhiều loại thực phẩm khác nhau
Với trẻ trên 2 tuổi
- Cho trẻ ăn 3 bữa cùng gia đình với đầy đủ thành phần và chất dinh dưỡng. Có thể xem giữa các bữa chính là bữa phụ với sữa, bánh,...
- Bổ sung các loại trái cây vào thực đơn của trẻ.
Xem thêm:
Một số vấn đề khác cần chú ý ở trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
Ngoài xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Mặc dù đã can thiệp phẫu thuật hay chưa thì trẻ đều cần được khám định kỳ và tiêm chủng đúng hạn. Thời gian đầu, cần đưa trẻ đi khám hàng tuần hoặc hàng tháng, sau đó duy trì 3- 6 tháng/lần tùy thuộc vào tình trạng bệnh và khuyến cáo của bác sĩ.
Ngoài ra, cha mẹ cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cho trẻ bị tim bẩm sinh vì đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Phần lớn trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đều có thể hoạt động và vui chơi bình thường, trừ những hoạt động đòi hỏi gắng sức như các môn thể thao đối kháng. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe, các môn thể thao nhẹ nhàng giúp nâng cao thể trạng và tinh thần của trẻ.
Đối với vấn đề học tập của trẻ tim bẩm sinh sẽ không khác so với trẻ bình thường. Trừ trường hợp trẻ mắc đa dị tật vừa bị tim bẩm sinh vừa chậm phát triển trí tuệ mới cần chương trình đào tạo đặc biệt.
Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thường xuyên và sát sao
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh là một trong những vấn đề mà bậc phụ huynh có con mắc bệnh nên chú ý. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và cân bằng dưỡng chất giúp trẻ tăng trưởng khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Ngoài chế độ ăn uống phù hợp, cha mẹ cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, lối sống của trẻ để đảm bảo trẻ luôn trong trạng thái ổn định.
Nếu Quý khách quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của các bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh tim bẩm sinh có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo hotline 1900 1806 hoặc để lại thông tin tại . Nhân viên bệnh viện sẽ nhanh chóng liên lạc với Quý khách để tư vấn và hẹn lịch khám với bác sĩ.