Đứt dây chằng đầu gối: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Doan Nguyen

23-03-2023

goole news
16

Đứt dây chằng đầu gối làm một trong những tai nạn chấn thương hay gặp trong cuộc sống sinh hoạt, ví dụ như tai nạn lao động hay hoạt động thể thao. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân sẽ bị hạn chế cử động, có khả năng chuyển biến nặng hơn như thoái hóa khớp gối, teo cơ đùi, mất vững khớp gối,... Vậy đứt dây chằng đầu gối là gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào, có phải mổ không?

Đứt dây chằng đầu gối thường gặp trong khi hoạt động thể thao
Đứt dây chằng đầu gối thường gặp trong khi hoạt động thể thao

Đứt dây chằng đầu gối là gì?

Đứt dây chằng đầu gối, hay còn được gọi là đứt dây chằng chéo đầu gối, là tình trạng dây chằng của đầu gối bị chấn thương do nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng lý do phổ biến nhất là dây chằng bị cắt đột ngột hoặc do xoay chuyển đột ngột, các động tác thường thấy trong các môn thể thao có tính chất đối kháng như võ thuật, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,...  Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gặp phải do những chấn thương có liên quan đến tai nạn giao thông hay tai nạn lao động.

Đầu gối là phần khớp bản lề được kết nối bởi bốn dây chằng. Dây chằng là một cấu trúc vô cùng quan trọng trong việc giữ các phần xương lại với nhau và kiểm soát cử động, hoạt động của khớp. Bên cạnh đó, dây chằng còn đảm bảo khoảng cách mà phần xương chày có thể trượt về phía trước so với phần xương đùi để giúp chúng ta đi lại hay di chuyển một cách an toàn và dễ dàng. 

Dây chằng đầu gối có vai trò rất quan trọng giúp chúng ta di chuyển thuận lợi hơn
Dây chằng đầu gối có vai trò rất quan trọng giúp chúng ta di chuyển thuận lợi hơn

Những nguyên do gây ra đứt dây chằng đầu gối

Theo các chuyên gia, dây chằng là các mô rất chắc chắn, hầu như rất khó bị đứt trong các hoạt động sinh hoạt đơn giản thường ngày. Dây chằng chỉ bị tổn thương khi đang tập thể dục, thể thao, bị tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, nó sẽ gây áp lực cho đầu gối bởi các hoạt động sau:

  • Đột ngột rơi trong một cú nhảy.
  • Đỡ một cú đánh trực tiếp vào đầu gối trong một pha tranh bóng hoặc đầu gối bị va chạm.
  • Dừng lại đột ngột khi đang chạy với tốc độ cao. 
  • Thay đổi hướng và tăng tốc độ một cách đột ngột.

Ngoài ra, tình trạng bị đứt dây chằng chéo đầu gối còn xảy ra phụ thuộc vào những yếu tố dưới đây:

  • Người không có đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Người thường xuyên chơi các bộ môn thể thao mang tính cường độ cao như trượt tuyết, bóng rổ, bóng đá, thể dục dụng cụ,... 
  • Người chơi thể thao nhưng không đầu tư hay sử dụng các thiết bị bảo hộ.
  • Người sử dụng giày dép không phù hợp với kích cỡ bàn chân.
  • Người có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày thiếu khoa học.
  • Người tập luyện ở những nơi có bề mặt thiếu ổn định, ví dụ như sân cỏ nhân tạo.
  • Phụ nữ có nguy cơ gặp chấn thương cao hơn nam giới do các đặc điểm của cơ thể, sức mạnh của các cơ bắp và những ảnh hưởng gây ra bởi các hoạt động nội tiết tố. 

Những người thường xuyên chơi thể thao có tính cường độ cao dễ bị đứt dây chằng chéo đầu gối
Những người thường xuyên chơi thể thao có tính cường độ cao dễ bị đứt dây chằng chéo đầu gối

Một số biểu hiện của đứt dây chằng chéo đầu gối

Đa số mọi người đều phát hiện dây chằng chéo đầu gối bị đứt khi nghe thấy tiếng kêu ở khu vực bị chấn thương, nhưng biểu hiện này đôi khi không xuất hiện đối với những người khác. Sau đây là một số triệu chứng mà ta thường thấy như:

  • Bị sưng tấy: dấu hiệu này thường thấy trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương. Để giảm sự khó chịu, bạn có thể kê gối dưới chân và chườm lạnh.
  • Đau đớn: nếu chỉ bị thương nhẹ, có thể bạn sẽ không cảm thấy đau. Nhưng bạn sẽ thấy đau dọc theo dây chằng của khớp gối. Một vài trường hợp sẽ gặp khó khăn khi di chuyển, đứng hoặc cảm thấy đầu gối bị chèn ép ở chân bị đau.
  • Khó khăn khi chuyển động: đầu gối không thể gập và uốn cong như bình thường là một biểu hiện khá phổ biến.
  • Di chuyển khó khăn: nếu dây chằng bị đứt, bạn vẫn có thể di chuyển nhưng sẽ rất khó đối với vị trí bị chấn thương. Một vài trường hợp còn cảm thấy khớp gối bị lỏng lẻo.
  • Lỏng gối: bệnh nhân đi lại khó khăn, bị yếu chân. Đầu gối bị lỏng bên chân chấn thương sẽ khó đứng trụ, bị vấp ngã khi chạy nhanh, leo cầu thang, có cảm giác chân không thật, khó nâng chân lên xuống.
  • Teo cơ: vì bị teo cơ bên đùi bị chấn thương nên sẽ nhỏ hơn so với bên còn lại. Vì bị đau, người bệnh sẽ ít vận động (do đau bên khớp gối bị lỏng lẻo) nên biểu hiện này sẽ xuất hiện muộn. Những người ít vận động sẽ có nguy cơ cao bị teo cơ như học sinh, nhân viên văn phòng,...

Đầu gối bị sưng tấy là dấu hiệu đầu tiên sau khi bạn bị chấn thương
Đầu gối bị sưng tấy là dấu hiệu đầu tiên sau khi bạn bị chấn thương

Các chấn thương đứt dây chằng đầu gối thường thấy

Dây chằng là các mô cứng giúp kết nối các xương trong cơ thể con người. Trong đó, bốn dây chằng có thể bị chấn thương đó là:

Đứt dây chằng bên ngoài

Dây chằng chéo bên ngoài, hay còn gọi là dây chằng bên cạnh (Lateral collateral ligament - LCL), giúp kết nối xương đùi với xương mác, xương nhỏ hơn của cẳng chân nằm ở bên ngoài đầu gối. Dây chằng bên ngoài hợp với đầu gối tạo thành một góc hẹp và có vai trò giúp cho mặt ngoài của đầu gối được ổn định. 

Đứt dây chằng bên trong

Dây chằng chéo bên trong (Medical collateral ligament - MCL) là dây kéo dài từ bên trong của đầu dưới xương đùi đến phía trong đầu trên ở xương chày. Dây chằng này có chức năng giúp liên kết xương đùi với xương chân ở phía trong đầu gối. Đứt dây chằng chéo bên trong xảy ra do bị chèn ép quá mức hoặc bị căng cơ. 

Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament - ACL) là dây chằng nằm ở vị trí trung tâm của đầu gối, có chức năng là giúp kết nối xương đùi với xương ống chân và điều khiển các chuyển động. Dây chằng chéo trước là dây chằng thường bị đứt nhất ở đầu gối. 

Đứt dây chằng chéo sau

Dây chằng chéo sau (Posterior cruciate ligament - PCL) cũng có chức năng là liên kết xương đùi với xương chân ở đầu gối. Đứt dây chằng chéo sau là một tình trạng rất hiếm gặp, ngoại trừ đối tình huống tai nạn giao thông. 

Các phương pháp chẩn đoán đứt dây chằng đầu gối

Để có thể xác định chính xác tình trạng đứt dây chằng đầu gối, đầu tiên bác sĩ sẽ thực hiện việc thăm khám lâm sàng để chắc chắn bạn bị là do nguyên do khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp kiểm tra bao gồm: 

  • Chụp cộng hưởng từ MRI: phương pháp chụp này sẽ cho bạn thấy được cả mô mềm và xương. Vì vậy, nếu dây chằng bị đứt sẽ hiển thị qua hình ảnh đã được chụp vừa rồi.
  • Chụp X-quang: tình trạng mô mềm bị chấn thương sẽ không thể hiển thị trên hình ảnh chụp X-quang. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu phương pháp này để loại trừ khả năng bị gãy xương. 
  • Kiểm tra phạm vi hoạt động của khớp gối: bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm ngửa và uốn cong hông hoặc phần đầu gối ở một số góc nhất định. Sau đó, bác sĩ đặt tay lên các vị trí khác nhau ở chân bạn và di chuyển nhẹ nhàng xung quanh. Nếu phần xương bất kỳ nào của người bệnh di chuyển không bình thường thì nó có thể là dấu hiệu dây chằng đã bị đứt.

Xem thêm:

Phương pháp chụp X-quang giúp chẩn đoán tình trạng đứt dây chằng chính xác hơn
Phương pháp chụp X-quang giúp chẩn đoán tình trạng đứt dây chằng chính xác hơn

Các phương pháp điều trị đứt dây chằng đầu gối

Việc điều trị tình trạng đứt dây chằng chéo đầu gối phụ thuộc vào mức độ tổn thương của bệnh nhân mà đưa ra phương pháp phù hợp nhất. Sau đây là một số phương pháp mà bác sĩ có thể áp dụng cho việc điều trị:

  • Sơ cứu: nếu chỉ bị chấn thương nhẹ, bạn chỉ cần chườm đá lên vùng bị thương, kê gối dưới chân và nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu bị sưng, bạn có thể quấn băng ace quanh đầu gối. Ngoài ra, bạn cũng có thể chống nạng để giảm bớt trọng lượng lên đầu gối. 
  • Nẹp gối: một số trường hợp dây chằng bị tổn thương có thể khỏi bằng cách đeo nẹp gối khi chơi thể thao và đi lại. 
  • Điều trị bằng thuốc: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm cho người bệnh để giảm sưng và cảm giác đau. Nếu bị đau nhiều, sẽ chỉ định tiêm thuốc steroid vào đầu gối. 
  • Vật lý trị liệu: có một vài bệnh nhân cần tập luyện một thời gian để đầu gối có thể hoạt động trở lại bình thường. Trong quá trình tập, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập để tăng cường các cơ xung quanh đầu gối, giúp bạn chuyển động lại như ban đầu.
  • Phẫu thuật: nếu đầu gối bạn bị đứt dây chằng và gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và vận động. Có 2 cách phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi. Phụ thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ nối lại dây chằng bị đứt hoặc thay thế bằng dây chằng nhân tạo để giải quyết triệt để tình trạng của bạn. Nếu ca phẫu thuật thành công, kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể chơi lại bộ môn thể thao yêu thích sau khoảng 12 tháng. 

Nếu bạn bị chấn thương nhẹ chỉ cần chườm đá ở vị trí bị đau
Nếu bạn bị chấn thương nhẹ chỉ cần chườm đá ở vị trí bị đau

Đứt dây chằng ở đầu gối có phải phẫu thuật không? 

Khi các tổn thương tại vị trí đầu gối trở nên nghiêm trọng hơn, ví dụ như: ngăn kéo trước, test lachmann, pivot +, dây chằng đầu gối bị đứt hay rách hoàn toàn giữa các điểm bám hay thân, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ dây chằng ở đầu gối. Các trường hợp này sẽ được yêu cầu làm phẫu thuật để điều trị triệt để. 

Dựa vào mức độ tổn thương mà dây chằng đầu gối gặp phải để quyết định phương pháp điều trị thích hợp:

  • Nếu bệnh nhân bị chấn thương ở mức độ I và II, bác sĩ sẽ điều trị theo phương pháp nẹp gối hoặc phương pháp trị liệu RICE để dây chằng đầu gối bị đứt có thể tự lành lại: 

- R - Rest (nghỉ ngơi): nghỉ ngơi cho đến khi vết thương hồi phục lại hoàn toàn để giảm áp lực cho vùng đầu gối bị thương.

- I - Ice (chườm đá): có tác dụng là giảm đau nhanh chóng và hạn chế vết thương bị sưng. Vài ngày đầu sau khi bị chấn thương, bạn hãy chườm đá 15 - 30 phút/lần và mỗi lần cách nhau 2 tiếng. 

- C - Compression (băng ép): băng bó và ép chặt vùng đầu gối bị chấn thương để giảm sưng tấy và đau. 

- E - Elevation (nâng cao): kê cao chân mỗi khi ngồi hoặc nằm để kiểm soát lượng máu chảy qua giúp vùng bị thương giảm sưng tấy. 

  • Còn các trường hợp bị đứt dây chằng chéo đầu gối từ cấp độ III trở lên, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật để nối lại dây chằng bị đứt. 

Bị đứt dây chằng chéo đầu gối bao lâu thì lành?

Theo các chuyên gia, nếu bị đứt dây chằng ở đầu gối, bệnh nhân được phẫu thuật đúng kỹ thuật và chăm chỉ tập luyện vật lý trị liệu theo hướng dẫn thì xác suất lành lại là không quá 8 tháng. 

Tạm kết

Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho mọi người. Bị đứt dây chằng chéo có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ai giống ai. Chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân có những triệu chứng trên, hãy đi gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán một cách chính xác và được điều trị đúng lúc để hạn chế những biến chứng nguy hiểm về sau liên quan tới sức khỏe. 

Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Phương Đông là một bệnh viện y khoa uy tín và có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực khám chữa bệnh liên quan đến chấn thương chỉnh hình mà bạn có thể tham khảo.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,402

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám