Lupus ban đỏ dạng đĩa: Dấu hiệu, cách điều trị bệnh hiện nay

Dương Minh Ngọc

19-10-2022

goole news
16

Hiện nay, nhiều người nhầm bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa với các vấn đề về da liễu khác. Các triệu chứng của bệnh này thường kéo dài dai dẳng và dễ tái phát. Ngày nay y học vẫn chưa có một phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh này. Việc điều trị chỉ dừng lại ở việc làm giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được bệnh Lupus ban đỏ với các bệnh da liễu khác.

Bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?

Lupus ban đỏ dạng đĩa có tên tiếng Anh là Discoid Lupus Erythematosus hay viết tắt là DLE. Đây là một thể phổ biến của Lupus ban đỏ. Thể này chiếm hơn 50% tổng số các trường hợp nhiễm bệnh này.

Bệnh có khả năng phát triển hoàn toàn thành bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác của cơ thể như xương khớp, tim mạch, hệ thần kinh, thận.

Nhưng tỷ lệ đó không cao, nó chỉ chiếm khoảng 5% trong tất cả trường hợp. Đây là một căn bệnh miễn dịch, tương đối lành tính. 

Bệnh này thường xuất hiện ở phụ nữ và tần suất mắc cao gấp 3 lần ở nam giới. Vì đây là bệnh lý tự miễn nên nó sẽ có nhiều sự liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc yếu tố cơ địa. Tình trạng sẽ trở nên nặng hơn nếu tiếp xúc nhiều với các tia cực tím mặt trời hay môi trường xung quanh bị nhiễm bẩn. Điều đó làm mất cân bằng sự hoạt động của các hệ nội tiết tố trong cơ thể. 

Hình ảnh bệnh lupus ban đỏ dạng đĩaHình ảnh bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Các loại Lupus ban đỏ dạng đĩa

Bệnh về cơ bản sẽ có 3 loại:

  • Dạng khu trú: Đặc trưng của dạng này sự hình thành tập trung các tổn thương trên da vào một vùng. Thông thường tổn thương này sẽ tập trung ở vùng cổ. Vì vậy bệnh sẽ không nghiêm trọng và có thể kiểm soát giới hạn điều trị hơn các loại khác.
  • Dạng toàn thân: Tình trạng này là việc các vùng tổn thương da do bệnh không chỉ ở một khu trú. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí khác trên da như: đầu, cổ, tay, ngực, lưng,...
  • Dạng thời thơ ấu: Đây là tình trạng xuất hiện ở trẻ em. Nó cũng xuất hiện các khởi phát như người trưởng thành. Nhưng vì trẻ em nên việc bị mắc mà không kịp thời can thiệp điều trị nhanh sẽ gây tổn thương nội tạng như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

Lupus ban đỏ dạng đĩa loại toàn thân có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí khác trên daLupus ban đỏ dạng đĩa loại toàn thân có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí khác trên da

Nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?

Tình trạng này là một thể phổ biến của bệnh Lupus ban đỏ, nó được phân loại vào nhóm bệnh tự miễn. Nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này chưa được tìm ra. 

Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng đó là sự xuất hiện của các kháng thể tự chống lại các kháng nguyên khỏe mạnh và bình thường trên các mô da của cơ thể. Những người mắc bệnh Lupus ban đỏ dạng này thường đã có sẵn yếu tố cơ địa bất thường, họ khi gặp phải một số điều kiện môi trường bên ngoài hoặc bên trong cơ thể  bất lợi sẽ khởi phát và biểu hiện ra bên ngoài da. 

Một số các yếu tố làm tình trạng này khởi phát phổ biến bao gồm:

  • Tâm lý bị căng thẳng hoặc mắc bệnh trầm cảm.
  • Môi trường sống xung quanh luôn bị ô nhiễm.
  • Tiếp xúc nhiều và lâu với các tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm và suy kiệt.
  • Hoạt động của hệ nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn.

Yếu tố di truyền khiến bạn bị bệnh Lupus cao hơn người bình thườngYếu tố di truyền khiến bạn bị bệnh Lupus cao hơn người bình thường

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ khả năng mắc bệnh này:

  • Giới tính là nữ.
  • Độ tuổi từ 25 đến 50.
  • Chủng tộc là người Mỹ gốc Phi.
  • Có người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa, bệnh Lupus hệ thống, bệnh Lupus toàn thân hay bất kỳ một bệnh lý tự miễn nào. 

Biểu hiện của Lupus ban đỏ dạng đĩa 

Bệnh này được biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng lâm sàng bất thường trên da. Những người bị bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa thường bị teo da, nổi các vết ban đỏ và có các mảng dày sừng ở một số vị trí. 

Các mảng đỏ hay mẩn đỏ hoặc hình tròn màu hồng nhạt với đặc trưng nổi gồ trên bề mặt da và cộng thêm các vảy da là những dấu hiệu Lupus ban đỏ đặc trưng. Lúc đầu vảy da ở dạng khô, đơn giản, càng về sau nó càng trở nên dày hơn, có dầu dính và xuất hiện ở viền của ban đỏ và các sắc tố da thay đổi. 

Hình ảnh các mần đỏ nổi gồ trên bề mặt da khi mắc lupus ban đỏ dạng đĩaHình ảnh các mần đỏ nổi gồ trên bề mặt da khi mắc lupus ban đỏ dạng đĩa

Các vùng da bị tác động sẽ teo mỏng theo thời gian, từ đó hình thành các sẹo teo. Sẹo teo là những vết nhỏ, tập trung thành đám lõm, có ranh giới rõ, hình dạng có các vết lằn màu trắng, bên trên có hình các mạch máu nhỏ lăn tăn bị giãn, khi chạm vào thì cảm thấy hơi đau. 

Các vị trí của sẹo teo thường thấy ở các bệnh nhân Lupus ban đỏ là hai má, sống mũi và vùng da trước tai hai bên tạo thành hình dạng cánh bướm, vùng da đầu. Móng tay của các người bệnh dễ bị gãy, cong hoặc biến dạng vì nó giòn hơn so với người bình thường.

Đối với thể Lupus ban đỏ dạng đĩa, các phần da không được che chắn, tiếp xúc nhiều với các tia cực tím mặt trời như mặt, cổ, hai bàn tay, hai bàn chân,... là các phần có nguy cơ bị tổn thương nặng nhất trong các tổn thương có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. 

Vùng da đầu không chỉ xuất hiện các vết ban đỏ kèm vảy trắng, sẹo teo mà còn có thể rụng tóc vĩnh viễn nhưng không để lại sẹo. Bệnh này phát triển theo từng đợt khi phơi nhiễm với các yếu tố làm bệnh khởi phát và có thể được kiểm soát tốt với các cách điều trị hiện nay.

Bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa ở vùng da đầu khiến tóc rụng vĩnh viễnBệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa ở vùng da đầu khiến tóc rụng vĩnh viễn

Bạn có thể thấy hình ảnh bệnh Lupus ban đỏ dạng này rất đặc trưng trên quan sát trực quan. Nhưng tình trạng này để có thể chẩn đoán một cách chính xác, thì người bệnh cần có các phương tiện tiếp cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu để đo nồng độ các kháng thể IgE. Việc đó nhằm phát hiện các kháng nguyên kháng thể đặc hiệu của bệnh này trong máu, sinh thiết da để quan sát mô học vùng da và khảo sát với những tổn thương đặc trưng, sự tồn tại của kháng thể IgE.

Các biến chứng của Lupus ban đỏ dạng đĩa

Bệnh do có những tổn thương da hình thành sẹo teo, nên khi bạn điều trị ức chế xong vẫn để lại sẹo không lành trên da. Điều đó gây mất thẩm mỹ, thiếu tự tin và khiến người bệnh bị ảnh hưởng tâm lý.

Về mặt y khoa bệnh khi bị phát triển thành Lupus ban đỏ hệ thống sẽ có hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cơ quan:

  • Viêm cơ, xương khớp: Người bệnh sẽ bị viêm các cơ xương khớp ở bàn tay, cổ tay, gối, háng,...khiến người mắc bị hạn chế nhiều trong việc vận động.
  • Tổn thương máu: Khi bị sang lupus ban đỏ hệ thống bạn sẽ bị thiếu máu, nặng hơn rối loạn đông máu tăng nguy cơ bị xuất huyết.
  • Thận bị tổn thương: Đây là một trong biến chứng có thể gây nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh Lupus. Tổn thương thận sẽ có nhiều biểu hiện như: tiểu máu, tiểu đạm và nặng nhất gây viêm thận khiến thận hư.
  • Viêm cơ tim: Khi bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở và suy tim trong lúc bị Lupus ban đỏ dạng đĩa là do các ban Lupus gây xơ hóa và viêm lên tim.
  • Viêm màng phổi: Bệnh sẽ khiến phổi bị tổn thương gây thuyên tắc phổi, viêm màng phổi,... với các triệu chứng khó thở, ho khan, suy hô hấp.

Bệnh có thể gây biến chứng viêm màng phổiBệnh có thể gây biến chứng viêm màng phổi

Bị mắc bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa có ngứa không?

Bệnh này chỉ gây tổn thương trên da nhưng hầu như lại không gây ngứa cho người mắc. Các vết ban này thường có màu nâu hồng hay màu hồng đỏ, bị teo lại ở giữa, có ranh giới giữa vùng trong và vùng ngoài. Khi bạn nhìn qua thì trông giống hình một chiếc đĩa. Vết ban này có thể có vảy dày, bong tróc da nhẹ nhưng không bị ngứa. 

Ngoài ra, có một số trường hợp bị bệnh này và bị gây ngứa nhưng rất hiếm thấy. Lúc này, bệnh nhân không được tự ý gãi hoặc cào cấu các vùng da đang bị viêm loét, nổi ban, vì nó có thể dẫn đến nhiễm trùng và rất nguy hiểm. Bệnh nhân hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn cách điều trị.

Điều quan trọng, bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc bôi ngoài da và tự điều trị tại nhà. Lupus ban đỏ là một căn bệnh nguy hiểm, người bệnh cần kiểm tra tình trạng bệnh đúng hẹn và có phương pháp điều trị đúng đắn từ bác sĩ. Vì vậy bạn cần theo dõi cẩn thận và kiểm soát bệnh sớm nếu không tình trạng này cũng có thể chuyển sang bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. 

Đa số các trường hợp mắc lupus ban đỏ không gây ngứaĐa số các trường hợp mắc lupus ban đỏ không gây ngứa

Điều trị các tình trạng bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa

Hiện nay, việc điều trị bệnh này còn gặp nhiều khó khăn, vì nó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của các biện pháp điều trị chính là hạn chế sự hình thành sẹo, giới hạn những chỗ tổn thương cũ không lan rộng hơn và giảm khả năng xuất hiện những vết tổn thương mới. Dưới đây là một số loại thuốc được chỉ định trong quá trình điều trị bệnh: 

  • Thuốc ức chế calcineurin: Nhóm thuốc này là nhóm thuốc dạng thuốc mỡ bôi tại chỗ giúp ức chế hệ miễn dịch, nó có thể hạn chế sự lan rộng của những vùng bị tổn thương. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là sẽ có nguy cơ cao bị ung thư da nếu dùng trong một thời gian dài. 
  • Corticoid: Nhóm thuốc này có tác dụng là chống viêm và giới hạn những vùng tổn thương. Các thuốc thuộc nhóm này được sử dụng ở dạng thuốc bôi tại chỗ và thuốc tiêm. Bên cạnh đó, nó còn có các tác dụng phụ là làm mỏng da và dày sừng vùng nang lông.
  • Một số nhóm thuốc khác: Đối với một số người mắc bệnh không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém với 2 nhóm thuốc trên, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc khác mạnh hơn như mycophenolate, chloroquine, methotrexate,…

Các nhóm thuốc được liệt kê phía trên đều được kê đơn và chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không được tự ý mua và điều trị để tránh các biến chứng xấu về sau. 

Dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ để điều trị triệu chứng bệnh lupusDùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ để điều trị triệu chứng bệnh lupus

Các biện pháp hạn chế tái phát bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa

Để có thể kiểm soát tốt bệnh ngoài việc sử dụng thuốc, mà người bệnh còn phải thay đổi lại các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số phương pháp hiệu quả có thể kiểm soát triệu chứng và hạn chế sự tái phát: 

  • Không sử dụng rượu bia và thuốc lá.
  • Hạn chế sử dụng các loại hóa mỹ phẩm.
  • Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ ít kích ứng cho da để hỗ trợ hệ miễn dịch của da.
  • Tránh đi ra ngoài khi thời điểm trời nắng gắt.
  • Sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài để hạn chế sự tác động của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.
  • Sử dụng áo khoác, váy chống nắng, mũ, kính, dù để che chắn các vùng da tổn thương.

Sử dụng kem dưỡng ẩm để hỗ trợ hệ miễn dịch của da sau khi mắc LupusSử dụng kem dưỡng ẩm để hỗ trợ hệ miễn dịch của da sau khi mắc Lupus

Nếu bệnh nhân Lupus ban đỏ gặp phải tình trạng bệnh cần điều trị bằng thuốc. Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ vì một số loại thuốc có thể làm tăng sự nhạy cảm của da và dễ khởi phát bệnh nếu tiếp xúc với các yếu tố bất lợi. 

Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh Lupus ban đỏ dạng đĩa. Các nhóm thuốc chủ yếu có tác dụng hạn chế sự hình thành sẹo, giảm triệu chứng, ngăn bệnh phát triển xấu hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bệnh viện đa khoa Phương Đông hy vọng bạn đã hiểu được tình trạng bệnh này và cách hạn chế việc tái phát bệnh. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,643

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

TTUT.ThS.BS Nội trú

NGUYỄN THỊ TƯỜNG VÂN

Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám