Bệnh nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trường Nguyễn

20-09-2023

goole news
16

Càng ngày số người mắc nhồi máu não càng gia tăng. Thống kê cho thấy có tới 130 người trên 100.000 người sẽ mắc bệnh này mỗi năm. Con số này là báo động cho thấy nguy cơ mà mỗi người có thể mắc phải bệnh lý này. Hãy cùng hiểu rõ hơn về bệnh lý này và các phương pháp điều trị, phòng tránh.

Bệnh nhồi máu não là gì?

Đây là hiện tượng xảy ra khi động mạch máu não bị nhỏ hẹp, tắc nghẽn hay huyết áp hạ đột ngột dẫn đến thiếu máu cung cấp lên não. Thiếu máu não dẫn tới một phần của não bị suy giảm chức năng hay rối loạn hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài và không được can thiệp cải thiện kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi phát hiện ra hiện tượng nhồi máu não thì cần phải cấp cứu ngay. Cấp cứu càng chậm trễ thì nguy cơ dẫn đến biến chứng bệnh càng cao. Xấu nhất là bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ hoại tử một phần não, tàn phế hoặc tử vong.

null
Triệu chứng nhồi máu ở não khiến người bệnh đau đầu, buồn nôn, liệt một phần mặt hay cơ thể

Các giai đoạn của nhồi máu não

  • Giai đoạn cấp và bán cấp tính: là khi ổ nhồi máu não giảm tín hiệu nhẹ trên T1W và tăng tín hiệu trên T2W. Giai đoạn cấp thì ổ tổn thương sẽ không ngấm thuốc. Giai đoạn bán cấp thì sau 1 tuần ổ tổn thương có ngấm thuốc.
  • Giai đoạn mãn tính: Là khi ổ nhồi máu não sẽ tăng tín hiệu trên T2W và giảm hẳn tín hiệu trên T1W.

Tùy thuộc vào tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các phương pháp chụp X-quang, chụp CT… để xác định giai đoạn chính xác của bệnh.

Nguyên nhân gây nhồi máu não?

 Có nhiều nguyên nhân gây ra, song một số trường hợp xảy ra phổ biến như sau:

  • Bệnh nhân bị xơ vữa huyết khối của thành mạch máu lớn. Đây là nguyên nhân chiếm tới khoảng 50% trường hợp bị bệnh. Trong đó mạch máu lớn ngoài hộp sọ bị xơ vữa gây nhồi máu ở não chiếm đến 45%, còn lại là xơ vữa mạch máu ở khu vực khác trong sọ.
  • Nguyên nhân do bệnh lý tim mạch: Các hoạt động bất thường của tim có thể hình thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn vận chuyển máu lên não như bệnh van tim, rung nhĩ,…
  • Bệnh nhân bị tắc các mạch máu nhỏ trong não do sự chèn ép của các khối u, do chấn thương hay các cục máu đông. Nguyên nhân này thường chiếm tới 25%.
  • Bệnh nhân đang có sẵn bệnh động mạch không xơ vữa trong cơ thể. Nguyên nhân này thường ít dẫn tới nhồi máu não song cũng không thể chủ quan bỏ qua bởi nó chiếm 5%.
  • Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ các bệnh lý về máu.

Nhận biết các triệu chứng nhồi máu não

Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, phụ thuộc vùng mạch máu não nào bị tắc nghẽn. Các triệu chứng dưới đây có thể là biểu hiện ban đầu mà mọi người nên lưu ý:

  • Bệnh nhân có thể bị liệt một phần hay liệt nửa dưới của mặt như: miệng méo sang một bên, nhân trung bị lệch bất thường, miệng lệch, ăn uống rơi vãi cho miệng nghiêng sang một bên. 
  • Giọng nói trở nên khó nghe do thay đổi hoạt động của ơ môi, miệng không nhể mím chặt.
  • Hiện tượng mắt nhắm không kín, gọi là liệt bell do viêm dây thần kinh số 7, hiện tượng này thường bị nhầm là đột quỵ nhẹ.
  • Hiện tượng liệt một tay hay liệt nửa người, liệt chân. Tay gặp khó khăn trong cầm nắm, giữ đồ vật trong thời gian dài mà thiếu kiểm soát.
  • Khó khăn trong thể hiện ý muốn thông qua diễn đạt bằng lời nói: rối loạn ngôn ngữ, không kiểm soát được âm điệu, giọng nói, lời nói, giọng điệu bị nghẹt, không rõ ràng.

Một số nhóm triệu chứng khác xảy ra thành tổ hợp dồn dập như: bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi ăn nuốt, cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, mất thị lực một bên mắt, đau đầu, co giật, hôn mê…

Đối tượng nào có nguy cơ bị nhồi máu não

  • Những người có nguy cơ mắc bệnh cao thường là bệnh nhân có tiền sử bệnh nền như: cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành, bệnh liên quan tới mạch máu não, hiện tượng rối loạn đông máu… Đây là những yếu tố làm tăng khả năng hình thành cục máu bất thường trong mạch máu dẫn tới hiện tượng nhồi máu ở não.
  • Đối tượng tiếp theo là người thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, uống bia rượu nhiều, bị béo phì, lười vận động, hàm lượng cholesterol trong máu cao, người hay bị căng thẳng, lo lắng… từ đó có thể thấy bệnh này có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ tới già.

Các biến chứng của nhồi máu não

- Biến chứng gây rối loạn ngôn ngữ là di chứng thường gặp nhất. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh thường bị nói ngọng, chậm chạp, khó khăn, không thể nói tròn vành rõ chữ như ban đầu.

- Người bị bệnh có thể bị biến chứng liên quan tới vận động như: liệt chân tay, nửa người, liệt cả người, không tự chủ được vận động thông thường, thậm chí là vệ sinh cá nhân. Việc này gây gánh nặng lớn tới những người thân bởi sẽ luôn cần có người bên cạnh chăm sóc.

- Biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu, bị loét các vùng da do người bệnh nằm liệt quá lâu.

- Biến chứng khó khăn trong hô hấp. Với tình trạng này cần tập các bài động vận động nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông để mau chóng hồi phục.

- Biến chứng khiến người bệnh suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ tạm thời. Nhiều người phải mất thời gian dài mới có thể khôi phục trí nhớ song phần lớn đều bị giảm minh mẫn, giảm nhanh nhạy hơn so với trước đây.

- Di chứng nhồi máu não về thị lực - mắt nhìn mờ đi, rối loạn thị giác.

- Mất kiểm soát đại tiểu tiện do không thể tự chủ. Tình trạng xấu hơn khi không được vệ sinh sạch sẽ chính là nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu.

null
Nhồi máu ở não có thể gây biến chứng liệt nửa người hay liệt toàn thân

Cách thức chẩn đoán nhồi máu não

Bệnh thường xảy ra đột ngột và bất ngờ, nhiều nhất là khi bệnh nhân đang ngủ. Cách để chẩn đoán bệnh như sau:

  • Chẩn đoán lâm sàng thông qua quan sát các triệu chứng điển hình như: nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, rối loạn nhận thức, mơ màng, liệt nửa người,… Đặc biệt, rối loạn ý thức xảy ra nhiều ở tình trạng bệnh nặng và lan rộng sang hai bên bán cầu não.
  • Chẩn đoán qua hình ảnh chụp cắt lớp não: cách này áp dụng hữu hiệu khi phù não xuất hiện ở vùng thiếu máu não. Các trường hợp khác thì bác sĩ khó quan sát được trên phim này.
  • Chẩn đoán bệnh thông qua phương pháp chụp cộng hưởng từ. So với chụp CT, chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác hơn vị trí nhồi máu não và nguyên nhân gây ra. Dấu hiệu trên ảnh chụp khác nhau theo từng giai đoạn sẽ giúp bác sĩ đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp hiệu quả giúp điều trị bệnh nhồi máu não

Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị bệnh với mục tiêu chính là làm tiêu huyết khối, chống hiện tượng tập kết tiểu cầu, hồi phục các tế bào não.

  • Biện pháp điều trị đặc hiệu là điều trị tiêu huyết khối, giúp đem lại hiệu quả rất cao cho phần lớn bệnh nhân. Tuy nhiên biện pháp này không phải áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Trước khi lựa chọn cách thức điều trị thì người bệnh cần xét nghiệm kiểm tra khả năng đáp ứng của cơ thể và thời điểm điều trị phù hợp nhất là trong vòng 3 giờ kể từ khi phát hiện nhồi máu não.
  • Bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Aspirin để chống ngưng tập tiểu cầu, tiêu huyết khối. Nếu bệnh nhân không dung nạp với Aspirin thì có thể chuyển sang thuốc khác như: Clopidogrel, ticlopidine, dipyridamole,…

Trường hợp bệnh nhân nhồi máu não do rung nhĩ, các bệnh van tim hay được dự đoán về nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu thì cần dùng thêm chất heparin, thuốc chống đông máu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp dẫn tới nhồi máu não thì cần điều trị ưu tiên hạ huyết áp và theo dõi diễn tiến bệnh một cách nghiêm ngặt hơn.

Bệnh nhân nhồi máu ở não mà bị bệnh tiểu đường thì cần điều trị song song vừa giảm đường huyết trong máu về mức ổn định vừa điều trị triệu chứng bệnh.

null
Chụp CT để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng bệnh

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu ở não giai đoạn sớm

Nhiều bệnh nhân trải qua cơn nhồi máu phải đối mặt với tâm lý sợ hãi, nhạy cảm cộng với một số tình trạng như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, sức khỏe suy yếu. Do đó họ cần được chăm sóc một cách chu đáo và đúng cách, vừa giúp phòng ngừa tái phát hiện tượng này, vừa để hồi phục nhanh hơn.

  • Lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho người bệnh, một số bệnh nhân có thể bị liệt vận động tạm thời như liệt chi, khả năng nói, phản xạ… sau cơn nhồi máu não, khó khăn trong hoạt động hằng ngày.
  • Người nhà cần lưu ý kiểm tra người bệnh thường xuyên. Có thể để người bệnh nằm đệm hơi, đệm nước, nằm nghiêng và trở người sau 2 giờ kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng để tránh việc bị loét da do tỳ đè, nằm lâu ở một tư thế.
  • Thường xuyên động viên, nói chuyện và giao tiếp với người bệnh như bình thường để tránh cảm giác bệnh tật và tự ti.
  • Giúp người bệnh luyện tập nhẹ nhàng mỗi ngày nhằm cải thiện, phục hồi chức năng vận động, phản xạ theo hướng dẫn bài tập của các bác sĩ.
  • Cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng cách, theo dõi tình trạng sức khỏe để nếu có bất thường sẽ kịp thời cấp cứu, phòng ngừa tái phát.

Phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não

Phân biệt

Nhồi máu não

Xuất huyết não

Chẩn đoán

Là tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp đến cơ quan não một cách đột ngột khiến cho động mạch não bị tắc một phần hoặc toàn phần.

 

Là xuất huyết nội sọ. Đây là tình trạng máu động mạch tràn vào nhu mô não một cách đột ngột gây tổn thương não cấp tính.

Tỷ lệ gây đột quỵ

80% trường hợp

20% trường hợp

Nguyên nhân

Do nhiều bệnh lý nền như: tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn lipid máu…

Do khi bệnh nhân gặp phải một chấn thương, dẫn đến máu kích thích mô não và sau đó là phù não.

Bệnh nhân bị chấn thương não, mắc bệnh lý tăng huyết áp, có tiền sử béo phì, ít vận động, có những dị dạng ở mạch máu như phình động mạch não, khối u ở não...

Biến chứng/di chứng

Liệt nửa người, hôn mê, rối loạn một số chức năng trong cơ thể như thị giác hay ngôn ngữ…

 

Các khối máu tụ xuất hiện, làm tăng áp lực lên nhu mô não và lưu lượng máu đến mô não cũng giảm đi, cuối cùng là chết tế bào, dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh, nguy cơ tử vong cao.

Tỷ lệ tử vong

Thấp hơn

Cao hơn

Biện pháp đề phòng nguy cơ nhồi máu não

Để phòng ngừa hiệu quả, mỗi người cần hạn chế tối đa các yếu tố gây hại làm tăng nguy cơ gây bệnh. Ưu tiên đầu tiên chính là tuân thủ lối sống lành mạnh, thói quen tích cực, nói không với chất kích thích, rượu bia, thuốc lá...

Duy trì và tuân thủ thực đơn dinh dưỡng hợp lý, khoa học với từng thể trạng. Mọi người nên chủ động bổ sung nhiều vitamin, chất xơ từ rau quả, trái cây, hạn chế ăn quá mặn hay thức ăn nhiều dầu mỡ.

Tập thể dục, vận động thường xuyên nhẹ nhàng và tăng dần cường độ nhằm giảm thiểu nguy cơ béo phì, tăng trao đổi chất và tuần hoàn máu.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý nếu có ngay từ sớm.

Ngoài ra mỗi người có thể tham khảo chuyên gia về việc bổ sung một số thực phẩm chức năng hỗ trợ tuần hoàn máu não, hỗ trợ hạn chế xơ vữa động mạch… phòng ngừa nhồi máu não.

null
Chế độ dinh dưỡng phù hợp để phòng ngừa bệnh

Một số câu hỏi thường gặp về hiện tượng nhồi máu ở não

Nhồi máu não có hồi phục được không?

Tùy vào mức độ khi phát bệnh và thời điểm cấp cứu mà người bệnh có khả năng hồi phục khác nhau.

  • Những bệnh nhân trẻ tuổi bị ở thể nhẹ thì có khả năng hồi phục hoàn toàn mặc dù con số này khá ít.
  • Đối với người cao tuổi thì tỉ lệ hồi phục hoàn toàn là rất thấp.

Tin vui là nếu người bệnh được phát hiện sớm, chăm sóc đúng cách và tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, kết hợp chế độ dinh dưỡng và áp dụng vật lý trị liệu thì khả năng phục hồi có thể lên tới 90% – 95%.

Bệnh nhồi máu não có nguy hiểm không?

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh lý này vô cùng nguy hiểm. Biến chứng nặng nề khiến người bệnh phải gánh chịu cả đời như liệt nửa người, rối loạn nhận thức, mất khả năng ăn nói,… thậm chí xấu nhất bệnh nhân có thể tử vong.

Tại sao tăng huyết áp gây nhồi máu não?

Mặc dù tăng huyết áp rất phổ biến và nguy hiểm nhưng lại khó nhận biết triệu chứng. Khi hiện tượng tăng huyết áp trong thời gian dài mà không được điều trị sẽ gây hư hỏng lớp nội mạc của mạch vành, làm các phân tử cholesterol phân tử thấp (Cholesterol-LDL) đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành một cách dễ dàng, làm hình thành dần các mảng xơ vữa động mạch, hẹp thành mạch máu.

Nếu mảng xơ vữa này bị nứt vỡ thì sẽ hình thành cục huyết khối trong lòng động mạch làm tăng nguy cơ tắc động mạch vành gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim

Như vậy mỗi người cần nhận thức tầm nguy hiểm của nhồi máu não để phòng ngừa và hạn chế những biến chứng mà nó gây ra. Sự thật là những người có sẵn các bệnh nền thì nguy cơ mắc sẽ cao hơn cũng như khó khăn hơn trong điều trị. Vậy nên việc giữ cho mình một lối sống khoa học và một sức khỏe tốt sẽ giúp mọi người yên tâm hơn trước những rủi ro bệnh tật.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị bệnh hay nghe bất cứ tư vấn gì về nhồi máu não, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,098

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám