Rối loạn nhân cách là một bệnh lý tâm thần phức tạp khiến người bệnh có nhiều nhân cách khác nhau chi phối, kiểm soát hành vi vào một thời điểm bất kỳ. Nếu bệnh không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu chi tiết về bệnh lý tâm thần này qua bài viết sau.
Rối loạn đa nhân cách là gì?
Rối loạn đa nhân cách là bệnh tâm thần khi người bệnh có từ 2 hoặc nhiều tính cách khác nhau. Những tính cách này có thể điều khiển hành vi của người bệnh ở trong thời điểm khác nhau, họ có thể quên mất bản thân là ai, đang cười nhưng ngay sau đó lại khó, đang giận dữ bỗng trở nên vui vẻ. Rối loạn đa nhân cách có thể dẫn đến những khoảng trống trí nhớ và gây ảo giác. Thông thường, các biểu hiện sẽ rõ ở tuổi thành niên hoặc giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.
Rối loạn đa nhân cách (tên tiếng anh là Dissociative Identity Disorder (DID)) là một dạng rối loạn nhân dạng phân ly hoặc rối loạn nhân cách phân chia. Trong đó, rối loạn đa nhân cách là một dạng trong rối loạn phân ly.
Rối loạn đa nhân cách được chia thành hai dạng: Chiếm hữu và không chiếm hữu. Hai loại này được nhận diện qua những đặc điểm sau:
- Chiếm hữu: Trong hình thức này, các nhân dạng thường biểu hiện là một tác nhân bên ngoài, 1 người khác chi phối và kiểm soát cơ thể của người bệnh. Ở trường hợp này, các nhân dạng thường có những biểu hiện rõ ràng từ hành động, cử chỉ và tính cách.
- Không chiếm hữu: Hình thức này thường ít có những biểu hiện hơn. Người bệnh có thể cảm nhận sự thay đổi của bạn thân, có thể hiểu đơn giản là người bệnh như một người quan sát từng lời nói, cảm xúc và hành động của chính mình.
Rối loạn nhân cách là một bệnh tâm thần mà người bệnh có nhiều tính cách khác nhau
Nguyên nhân gây ra rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn đến từ quá khứ đau thương hoặc căng thẳng cực độ trong cuộc sống như:
- Chấn thương tâm lý thời thơ ấu: Những quá khứ đau thương về tinh thần, thể chân có thể gây ra sự phân tách trong nhân cách trẻ. Theo nghiên cứu, có khoảng 90% ca bệnh từng là nạn nhân của lạm dụng hoặc bị bỏ rơi thời thơ ấu.
- Chấn thương tâm lý liên tục: Có những tác động tiêu cực kéo dài như bị bạo lực gia đình, bị bắt nạt thường xuyên,... có thể góp phần gây ra bệnh.
- Cảm thấy mất an toàn: Thiếu sự chăm sóc và bảo vệ từ gia đình hoặc người thân, đặc biệt trong giai đoạn phát triển có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Yếu tố di truyền và sinh học: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có thể các yếu tố như di truyền và sinh học có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn đa nhân cách.
Sang chấn tâm lý thời thơ ấu là một trong những nguyên nhân gây bệnh
Các dấu hiệu của rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách là rối loạn tâm lý đặc biệt, người bệnh sẽ xuất hiện một số dấu hiệu đa nhân cách đặc trưng sau:
- Có cảm giác tách rời khỏi cơ thể và cảm xúc: Đây là dấu hiệu đầu tiên và đặc trưng của bệnh.
- Nhận thức mọi thứ xung quanh không thực tế: Người mắc bệnh có nhận thức không thực tế về mọi thứ xung quanh, luôn cảm giác thế giới không có thật.
- Cảm thấy bản thân đang làm việc không nên làm: Người mắc rối loạn đa nhân cách có thể làm những việc bình thường không làm như ăn trộm,... có cảm giác như mình đang bị ép làm điều đó.
- Nhầm lẫn danh tính hoặc thay đổi danh tính: Quên mất tên, tuổi, địa chỉ, công việc là một biểu hiện của bệnh thường thấy khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Mất trí nhớ: Người bệnh quên thông tin cá nhân, ký ức đau thương, sự kiện hàng ngày,...
- Biểu hiện qua tư thế, cử chỉ, cách nói chuyện: Sự thay đổi danh tính của người đa nhân cách thường kèm với những thay đổi ở hành vi, trí nhớ và suy nghĩ. Các biểu hiện này có thể nhận thấy bởi người khác hoặc chính người bệnh.
- Có suy nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân: Một số trường hợp bệnh thường có xu hướng ngược đãi bản thân. Có suy nghĩ tử tử là tình trạng phổ biến ở người mắc bệnh.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện một số biểu hiện khác như:
- Ảo giác
- Trầm cảm, lo âu
- Lạm dụng chất kích thích
- Xuất hiện những cơn co giật nhưng không phải động kinh
- Rối loạn chức năng tình dục
Người bệnh có thể xuất hiện các tính cách, hành vi, suy nghĩ khác nhau vào từng thời điểm
Xem thêm:
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán thường gồm khai thác các triệu chứng của người bệnh và loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Trước hết, người bệnh được đánh giá sức khỏe tổng thể và chẩn đoán bệnh. Quá trình chẩn đoán bệnh cần được thực hiện phối hợp với một bác sĩ chuyên khoa tâm thần để thăm khám để đưa ra kết luận chính xác.
Phương pháp chẩn đoán có thể được dựa trên:
- Khám sức khỏe tổng quát: Khám tổng quát và đề nghị thực hiện một số xét nghiệm có thể loại trừ các tình trạng sức khỏe gây ra triệu chứng tương tự.
- Khám sức khỏe khỏe tâm thần: Bác sĩ chuyên khoa Tâm thần sẽ nói chuyện để hiểu được cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Dựa vào đó phát hiện ra những triệu chứng bất thường, có thể thêm thông tin từ gia đình và người thân thiết.
Phương pháp điều trị rối loạn đa nhân cách
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp khác nhau để điều trị bệnh. Những phương pháp phổ biến thường được ứng dụng trong điều trị bệnh như:
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả đối với người mắc bệnh rối loạn đa nhân cách. Phương pháp này sẽ tập trung chủ yếu vào:
- Xác định và xây dựng phác đồ điều trị dựa trên những tổn thương hoặc lạm dụng trong quá khứ.
- Quản lý những thay đổi hành vi đột ngột.
- Hợp nhất các nhân cách thành 1 nhân cách duy nhất.
Điều trị tâm lý là một phương pháp thường được ứng dụng đối với người mắc bệnh
Liệu pháp thôi miên
Liệu pháp thôi miên là một loại y học tâm thể có nguồn gốc từ phương Tây trong điều trị tâm lý học. Người bệnh được đưa vào trạng thái thư giãn sâu và tập trung cao độ để cải thiện các vấn đề sức khỏe tâm lý.
Liệu pháp thôi miên được sử dụng trong cải thiện sức khỏe tâm thần như:
- Căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn sau sang chấn.
- Ám ảnh
- Gặp các vấn đề về kiểm soát hành vi.
Thôi miên thường trải qua 4 giai đoạn, bao gồm: Cảm ứng, đào sâu, gợi ý và xuất hiện. Liệu pháp thôi miên thường được kết hợp với tâm lý trị liệu để người bệnh tiếp cận vào miền ký ức bị kìm nén, kiểm soát hành vi chống đối và hợp nhất thành 1 nhân cách.
Điều trị bổ trợ
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào được chấp thuận trong điều trị bệnh đa nhân cách theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có một số loại thuốc điều trị tâm thần giúp giảm các triệu chứng của bệnh như trầm cảm, lo lắng,...
Biện pháp phòng ngừa rối loạn đa nhân cách
Phòng ngừa rối loạn đa nhân cách chủ yếu ngăn chặn những yếu tố gây ra những chấn thương tinh thần và xây dựng môi trường sống lành mạnh. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh như:
- Hỗ trợ tâm lý cho trẻ gặp chấn thương: Điều trị và tư vấn tâm lý kịp thời cho trẻ bị lạm dụng, bạo lực,... Bên cạnh đó, xây dựng môi trường sống an toàn, chăm sóc và tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ cảm xúc thật.
- Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh: Khuyến khích mối quan hệ gia đình yêu thương, không bạo lực. Một gia đình êm ấm giúp bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tinh thần.
- Giáo dục về sức khỏe tâm lý: Giúp tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm lý và phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu của stress và rối loạn tâm thần. Khi có nghi ngờ mắc các vấn đề về tâm lý, cần nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và can thiệp điều trị.
- Kỹ năng đối phó với căng thẳng: Thông qua các hoạt động lành mạnh như yoga, thiên, thể dục,... để giải tỏa căng thẳng, stress.
Xây dựng những mối quan hệ lành mạnh giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh
Rối loạn đa nhân cách là một bệnh lý tâm thần khiến người bệnh xuất hiện nhiều hơn một nhân cách. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng lớn cuộc sống, các mối quan hệ của người bệnh. Các biểu hiện sẽ rõ ở tuổi thành niên hoặc giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng đã cung cấp những thông tin về chứng rối loạn đa nhân cách. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để đặt lịch hẹn với chuyên gia tâm lý giúp điều trị bệnh.
Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh lý tâm thần với chuyên gia tâm lý có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc để được nhân viên hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng nhất.