Rối loạn khớp thái dương hàm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau vùng hàm, mặt nhưng lại thường bị bỏ qua do biểu hiện không rõ ràng. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây lệch hàm, biến dạng khuôn mặt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn nhai, giao tiếp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết các dấu hiệu ban đầu của rối loạn khớp thái dương hàm và định hướng điều trị kịp thời, tránh những hậu quả lâu dài.
Khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm (tiếng Anh: Temporomandibular joint – TMJ) là khớp động nằm ở hai bên mặt, kết nối xương hàm dưới (mandible) với xương thái dương (temporal bone) của hộp sọ. Đây là một trong những khớp phức tạp nhất trong cơ thể con người, cho phép các chuyển động như há miệng, đóng miệng, nhai, nói và nuốt. Cấu trúc khớp bao gồm các thành phần chính: đầu lồi xương hàm dưới (lồi cầu), ổ khớp (hõm xương thái dương), đĩa khớp (articular disc) và bao khớp, cùng hệ thống cơ nhai và dây chằng hỗ trợ giúp vận động linh hoạt và nhịp nhàng. Điểm đặc biệt của khớp này là khả năng di chuyển theo cả trục xoay và trượt, đóng vai trò quan trọng trong chức năng ăn nhai và giao tiếp hằng ngày.
Giải phẫu khớp thái dương hàm
Rối loạn khớp thái dương - hàm là như thế nào?
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD - Temporomandibular Disorders) có thể phát sinh khi có sự mất cân bằng giữa các cấu trúc của khớp, đĩa khớp, cơ nhai hoặc do thói quen xấu như nghiến răng, stress kéo dài, sai khớp cắn, hoặc chấn thương. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, gây đau đớn ở khớp thái dương - khớp ở hai bên đầu ở phía trước của tai, nơi điểm xương hàm tiếp ứng sọ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao tiếp, ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn thường ở nữ giới dậy thì và mãn kinh.
Triệu chứng và dấu hiệu bị rối loạn khớp thái dương hàm
Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng ảnh hưởng đến khớp nối giữa xương hàm dưới và hộp sọ, gây ra nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như nguyên nhân cụ thể. Trong số đó, đau vùng hàm và các cơ xung quanh là dấu hiệu phổ biến nhất, thường xuất hiện rõ rệt vào buổi sáng hoặc cuối buổi chiều là thời điểm các cơ hàm hoạt động nhiều.
Theo một nghiên cứu đăng tải năm 2021 (Trusted Source), ngoài đau hàm, người mắc rối loạn khớp thái dương hàm còn có thể gặp phải các biểu hiện khác như:
- Đau đầu kéo dài, thường lan xuống vùng gáy hoặc thái dương;
- Cảm giác đau nhức sau mắt, lan rộng ra mặt, cổ, vai hoặc thậm chí cả vùng lưng trên;
- Ù tai hoặc đau tai, dù không có dấu hiệu nhiễm trùng tai giữa;
- Tiếng kêu lách cách hoặc lục cục khi há hoặc ngậm miệng, có thể kèm theo cảm giác khó chịu;
- Khóa hàm tạm thời hoặc không thể há miệng to như bình thường;
- Giới hạn trong chuyển động miệng, gây khó khăn trong việc ăn uống hoặc nói chuyện;
- Nghiến răng vô thức, đặc biệt trong lúc ngủ, khiến các cơ hàm bị mỏi và đau;
- Chóng mặt hoặc cảm giác mất thăng bằng;
- Tăng độ nhạy cảm của răng, dù không có tổn thương răng miệng cụ thể;
- Tê bì hoặc cảm giác ngứa ran ở đầu ngón tay, đôi khi kèm theo mỏi cánh tay hoặc cổ tay.
- Sự thay đổi trong cách răng hàm trên và hàm dưới khớp nhau.
Hiện tượng đau khớp thái dương hàm xảy ra ở một hoặc cả hai bên mặt.
Nguyên nhân gây ra rối loạn khớp thái dương hàm
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm
Cụ thể:
Các bệnh lý về xương khớp: Như thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp,....đây là những nguyên nhân hàng đầu dẫn gây bệnh. Trong đó, viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân chiếm đến 50% các trường hợp viêm khớp thái dương hàm. Một số nghiên cứu cho thấy, khớp thái dương hàm là khớp bị tổn thương sau cùng do thoái hoá khớp, sau khi viêm ở các khớp bàn cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối. Viêm thái dương hàm do thoái hoá khớp thường xuất hiện ở người cao tuổi.
Chấn thương vùng hàm mặt: Do tai nạn giao thông, bị ngã hoặc va chạm khi chơi thể thao.
Các động tác cử động vùng hàm mặt: Chẳng hạn như há miệng quá lớn đột ngột, nghiến răng lúc ngủ, hay nhai kẹo cao su tạo áp lực lớn tác động lên khớp thái dương hàm cũng có nguy cơ cao.
Nguyên nhân khác: Răng mọc lệch, mọc chen chúc, nhổ răng hàm, nhổ răng khôn, stress, các sang chấn tâm lý có thể gây rối loạn khớp thái dương hàm.
Xem thêm:
Cách chữa rối loạn khớp thái dương hàm
Việc điều trị chứng rối loạn khớp thái dương hàm nên bắt đầu bằng các liệu pháp bảo tồn, không phẫu thuật cho tới giải pháp cuối cùng là phẫu thuật. Cụ thể:
Biện pháp bảo tồn
- Chườm túi nóng ẩm/chườm lạnh: Dùng một túi đá chườm vào một bên mặt và vùng thái dương khoảng 10’ đối với những cơn đau cấp tính. Thực hiện kéo giãn đơn giản cho hàm. Sau đó, đắp khăn ấm lên mặt khoảng 5’. Thực hiện điều này lặp lại vài lần mỗi ngày.
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ để giảm đau và sưng tấy như thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen, thuốc giãn cơ. Đặc biệt, với thuốc chống lo âu, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm chỉ được bán theo đơn.
- Dùng nẹp hoặc dụng cụ hỗ trợ vào ban đêm: Nẹp và miếng bảo vệ ban đêm là những miếng đệm miệng vừa khít với răng trên hoặc dưới. Khi bị mòn, các miệng ngậm tạo ra các điểm tiếp xúc răng ổn định trong quá trình đóng. Khi đeo, miếng bảo vệ miệng cũng điều chỉnh khớp cắn bằng cách đặt hàm ở vị trí thuận lợi hơn.
- Thực hiện các phương pháp điều trị bằng nha khoa để khắc phục: Bao gồm thay thế răng bị mất hoặc sử dụng mão, cầu răng, niềng răng để đưa khớp cắn về trạng thái cân đối và thẳng hàng. Ví dụ như tránh cử động hàm quá mức, không tựa cằm vào tay, thực hiện các tư thế tốt để giảm đau cổ và mặt, giữ các răng hơi cách nhau thường xuyên để giảm áp lực lên hàm. Kiểm soát tình trạng nghiến răng trong ngày bằng cách đặt lưỡi lên vòm miệng phía sau răng cửa trên.
- Một số phương pháp khác: Bằng cách sử dụng dòng điện mức độ thấp, kích thích dây thần kinh điện qua da để giảm đau, thư giãn khớp cơ hàm và mặt; siêu âm để giảm đau nhức cũng như cải thiện chuyển động của khớp; tiêm điểm kích hoạt bằng thuốc giảm đau hoặc thuốc gây mê để giảm đau; tiêm botulinum toxin giúp giảm khối lượng cơ và viêm nhiễm; liệu pháp sóng vô tuyến tạo ra kích thích điện mức độ thấp đến khớp làm tăng lưu lượng máu và giảm rối loạn khớp thái dương.
Biện pháp phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ nên được xem xét khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả tốt.
Có 3 loại phẫu thuật bao gồm: Chọc dò khớp, nội soi khớp và phẫu thuật mở khớp.
Tuỳ vào triệu chứng và độ phức tạp của vấn đề mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp.
- Chọc dò khớp: Thủ thuật này thường chỉ được khuyến nghị khi hàm đột ngột khoá ở vị trí đóng, giúp giảm viêm khi bị rối loạn khớp thái dương.
- Nội soi khớp: Phương pháp này thực hiện thông qua gây mê toàn thân, loại bỏ mô bị viêm hoặc sắp xếp lại đĩa điệm hay một vùng khác của rối loạn. Thời gian hồi phục của cách này ngắn, ít khó chịu, ít sẹo, ít biến chứng hơn do thực hiện thông qua các vết mổ siêu nhỏ, ít biến chứng hơn so với phẫu thuật mở khớp.
- Phẫu thuật mở khớp: Phẫu thuật mở khớp cần được gây mê toàn thân. Đây là một thủ thuật truyền thống, một vết rạch dài được thực hiện để đưa dụng cụ vào. Phẫu thuật mở khớp có thể cần thiết nếu các cấu trúc xương tạo nên khớp thái dương hàm đang bị bào mòn, có khối u trong hoặc xung quanh khớp thái dương, có sẹo nghiêm trọng hoặc các mảnh xương trong khớp. So với chọc dò khớp và nội soi, phẫu thuật dẫn đến thời gian hồi phục lâu hơn với khả năng tổn thương dây thần kinh cao hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt thì phẫu thuật mở khớp là giải pháp tốt nhất.
Lời khuyên dành cho bệnh nhân bị rối loạn khớp thái dương hàm
Trong quá trình điều trị, người bệnh đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu không nghiêm túc hợp tác, bệnh chắc chắn không thuyên giảm.
- Không cắn chặt hai hàm vào với nhau. Vị trí tốt nhất của hàm dưới là các răng hàm tách nhẹ khỏi nhau, không di chuyển qua lại, điều này sẽ giúp cho các khớp thái dương hàm và các cơ có thời gian để lành vết thương. Các răng chỉ nên chạm vào nhau khi nhai, nuốt, nói.
- Tránh há miệng quá to đột ngột;
- Tránh cắn móng tay hoặc nhai kẹo cao su;
- Tránh nằm sấp để không gây căng ở cổ và vai;
- Tránh nhai đồ ăn dai, cứng. Nên ưu tiên cách thức ăn mềm dễ nhai;
- Không uống cà phê, hút thuốc lá;
- Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn khi bệnh nhân bị đau nhiều như paracetamol, ibuprofen.
- Cố gắng giảm stress, nên nghỉ ngơi, dành 10–15’/ngày để thư giãn đầu óc.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Một số câu hỏi thường gặp
- Rối loạn khớp thái dương hàm có chữa được không?
Có. Hoàn toàn có thể điều trị được. Tùy theo từng tình trạng và nguyên nhân khác nhau của bệnh nhân mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các bài tập vật lý trị liệu tại nhà, đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp,...
- Rối loạn khớp thái dương hàm kéo dài trong bao lâu?
Tuỳ thuộc. Trong một số trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 1–2 tuần (cấp tính). Nhưng ở một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể kéo dài từ vài tháng hoặc thậm chí vài năm (mãn tính), gây ra sự khó chịu kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nếu giống với bất kỳ triệu chứng nào đã được nêu phía trên, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để giảm thiểu các vấn đề liên quan tới khớp thái dương hàm.
Kết luận
Rối loạn khớp thái dương hàm không đơn thuần là tình trạng đau hàm thoáng qua mà là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm đúng mức. Việc nhận biết sớm các triệu chứng bất thường như đau hàm, khó mở miệng hay tiếng kêu khi nhai có thể giúp bạn can thiệp kịp thời và hạn chế biến chứng về sau. Chủ động thăm khám và điều trị là cách tốt nhất để giữ cho hệ thống khớp hàm luôn vận hành trơn tru, khỏe mạnh và không gây phiền toái về lâu dài.