Sa bàng quang ở nữ: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Phạm Thị Lương

04-07-2023

goole news
16

Sa bàng quang là loại sa tạng vùng chậu phổ biến ở nữ giới.  Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng tới chức năng sinh lý thậm chí biến chứng ra nhiều bệnh toàn thân khác.

Sa bàng quang là bệnh gì?

Sa bàng quang hay còn gọi là bàng quang tăng sinh là hiện tượng suy yếu hoặc tổn thương hệ thống mô liên kết ở thành trước của âm đạo khiến bàng quang phình to và sa ra ngoài. 

Hình ảnh sa bàng quang ở nữ giới.Hình ảnh sa bàng quang thường gặp.

Khi các cơ nâng đỡ cơ quan ở trong khung chậu bị căng giãn quá mức khiến bàng quan sa xuống nằm trong âm đạo hoặc ra khỏi âm đạo. Thường gặp nhất ở phụ nữ sau sinh, người bị táo bón mạn tính, bị ho dữ dội hoặc thường xuyên nâng vật nặng quá sức. Tình trạng này cũng thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, khi nồng độ estrogen bị giảm sút.

Nếu sa bàng quang nữ ở mức độ nhẹ và vừa, việc điều trị không phẫu thuật có thể mang lại hiệu quả tích cực. Nhưng ở mức độ nặng, việc phẫu thuật là cần thiết để giữ cho âm đạo và các cơ quan trong vùng chậu nằm đúng vị trí.

Hiện tượng này được chia làm 4 mức độ dựa trên tình trạng dịch chuyển của bàng quang xuống dưới âm đạo:

  • Độ 1: Là mức độ nhẹ khi chỉ một phần nhỏ của bàng quang sa xuống âm đạo.
  • Độ 2: Là mức độ vừa khi bàng quang sa xuống có thể chạm đến lỗ âm đạo.
  • Độ 3: Đây là mức độ sa nặng khi bàng quang nhô ra khỏi âm đạo.
  • Độ 4: Là mức độ nặng nhất khi bàng quang sa hoàn toàn ra khỏi lỗ âm đạo, thường liên quan đến các hiện tượng sa tạng vùng chậu khác như sa trực tràng, sa tử cung, thoát vị ruột non. 

Các mức độ bàng quang bị dịch chuyển xuống dưới âm đạo.Các mức độ bàng quang bị dịch chuyển xuống dưới âm đạo.

Nguyên nhân nào gây hiện tượng sa bàng quang? 

Sàn chậu có cấu tạo bao gồm các cơ, dây chằng và các mô liên kết giúp nâng đỡ bàng quang và các cơ quan vùng chậu khác. Theo thời gian, liên kết giữa cơ sàn chậu và dây chằng có thể suy yếu. Dưới đây là các nguyên nhân của hiện tượng sa bàng quang:

  • Thừa cân, béo phì bởi trọng lượng cơ thể quá nặng sẽ làm tăng áp lực lên cơ sàn chậu, gây sa tạng vùng chậu trong đó có sa bàng quang.
  • Nồng độ nội tiết tố suy giảm ở giai đoạn mãn kinh khiến cơ thể nữ giới mất dần chức năng đàn hồi và không còn săn chắc cũng là nguyên nhân gây hiện tượng này.
  • Sa bàng quang khi mang thai và sinh con cũng có thể xảy ra, bởi quá trình “mang nặng đẻ đau” khiến vùng cơ chậu bị kéo căng dẫn đến mất dần chức năng cố định bàng quang. Phụ nữ sinh con tự nhiên nguy cơ càng cao dẫn đến bàng quang dịch chuyển xuống âm đạo.
  • Khuân vác vật nặng hoặc người thường xuyên stress, căng thẳng quá mức.
  • Do táo bón kéo dài
  • Bị ho mạn tính, viêm phế quản thường có những cơn ho kéo dài, ho sâu.
  • Do di truyền, một số người có cơ liên kết yếu bẩm sinh.
  • Trường hợp sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung cũng làm việc liên kết giữa các tạng vùng chậu bị suy yếu.

Các triệu chứng sa bàng quang 

Tuỳ từng mức độ bàng quang bị dịch chuyển mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau. Đôi khi các dấu hiệu này có thể dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác ở nữ giới. Về cơ bản, triệu chứng sa bàng quang bao gồm như:

  • Đau nhức và cảm giác khó chịu tại vùng chậu: Luôn có cảm giác căng tức hoặc có áp lực ở vùng xương chậu, bụng dưới và đau nhức âm đạo. Đau tăng lên khi bạn hắt hơi, ho hoặc gắng sức.
  • Rối loạn đường tiểu: cụ thể như tiểu đau, tiểu rắt, khó tiểu, bí tiểu thậm chí tiểu không tự chủ. Bên cạnh đó có trường hợp luôn thấy bàng quang chưa rỗng hoàn toàn sau khi đã đi tiểu xong.
  • Đau vùng thắt lưng, đây là dấu hiệu dễ nhầm lẫn và dễ bị bỏ qua.
  •  Đau khi quan hệ hoặc són tiểu khi gần gũi chồng, dấu hiệu này xảy ra khi bàng quang đã sa xuống ngã âm đạo.
  • Nếu trường hợp nặng, bàng quang sa ra ngoài âm đạo người bệnh còn có cảm giác như đang ngồi trên một quả trứng.
  • Các triệu chứng này tăng lên khi người bệnh đứng trong thời gian dài và có thể hết đau sau khi bạn nằm nghỉ ngơi.

Người bệnh luôn đau nhức, khó chịu vùng chậu và bụng dưới.Người bệnh luôn đau nhức, khó chịu vùng chậu và bụng dưới.

Phương pháp chẩn đoán sa bàng quang

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị hiệu quả. Việc chẩn đoán bệnh thường bao gồm:

Kiểm tra vùng chậu 

Bạn sẽ được kiểm tra vùng chậu trong khi đứng và nằm. Khi đó, bác sĩ sẽ tìm kiếm các mô bị phình ra trong âm đạo, bởi đây là dấu hiệu dễ thấy của sa tạng vùng chậu. Bạn cũng có thể được yêu cầu thực hiện động tác sử dụng cơ sàn chậu nhằm đánh giá về sức mạnh của cơ.

Đánh giá qua bảng câu hỏi 

Bạn sẽ được hướng dẫn trả lời bộ câu hỏi giúp đánh mức độ bàng quang bị dịch chuyển xuống và những ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống. Đây sẽ là những thông tin giúp tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm 

Tuỳ mức độ sa của bàng quang mà bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm như kiểm tra cách bàng quang hoạt động và tốc độ làm rỗng bàng quang. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu cũng có thể được thực hiện để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.

Cách chữa bệnh sa bàng quang hiệu quả 

Cách trị sa bàng quang còn phụ thuộc vào mức bộ bệnh. Thông thường, những trường hợp nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng thì không cần điều trị. Bạn có thể theo dõi, đi khám bác sĩ định kỳ để xem tình trạng có cải thiện hơn hay nặng hơn. Ngoài ra, việc áp dụng các bài tập tăng cường cơ sàn chậu là cách làm cần thiết mà hiệu quả. Cụ thể việc điều trị có thể thực hiện như sau:

Tập Kegel

Đây là bài tập sa bàng quang dễ thực hiện giúp kéo căng cơ sàn chậu. Phương pháp tập kegel được áp dụng với trường hợp nhẹ. Cách tập như sau: Kéo căng hoặc co cơ sàn chậu giống như tư thế bạn ngưng tiểu, siết cơ trong khoảng 5 giây, sau đó thả lỏng 5 giây. Bạn hãy tăng dần thời gian lên 10 giây/lần. Mỗi lần tập 3-4 lần với 10 động tác lặp lại.

Bạn có thể thực hiện bài tập ở bất cứ nơi nào như khi nằm nghỉ ngơi, lúc thư giãn trên ghế nệm hoặc ngồi tại bàn làm việc,...

Bài tập kegel tốt cho cơ vùng chậu của nữ giới.Bài tập kegel tốt cho cơ vùng chậu của nữ giới.

Sử dụng vòng nâng âm đạo

Đây là cách chữa khi sa bàng quang mức độ nặng. Vòng nâng âm đạo có kích thước nhỏ, làm bằng nhựa hoặc silicon, vòng sẽ đưa vào trong âm đạo nhằm giữ cố định vị trí của bàng quang cùng các bộ phận khác trong khung chậu. Sử dụng vòng có thể gây ra khó chịu, gây loét, nhiễm trùng âm đạo. Mặc dù vậy nhưng vòng nâng âm đạo vẫn là phương pháp hiệu quả nếu bạn muốn trì hoãn hoặc không thể phẫu thuật.

Liệu pháp thay thế estrogen

Bác sĩ có thể kê estrogen ở dạng thuốc viên, dùng kem thoa âm đạo hoặc vòng đặt vào âm đạo giúp tăng cường cơ bắp sàn chậu vốn bị suy yếu do lão hoá. Nhìn chung hiện nay phương pháp điều trị estrogen ở dạng kem thoa thường ít rủi ro hơn so với điều trị estrogen toàn thân bằng đường uống. Đây cũng là cách chữa trị khi mắc sa bàng quang nặng.

Phẫu thuật

Nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng, bạn cần phải phẫu thuật để cải thiện tình trạng. Phẫu thuật được thực hiện ở âm đạo, loại bỏ mô thừa, thắt chặt các cơ và dây chằng ở sàn chậu sau đó nâng bàng quang bị sa trở lại vị trí ban đầu. Bác sĩ sử dụng một loại mô ghép đặc biệt giúp củng cố các mô âm đạo và hỗ trợ khi các mô âm đạo bị mỏng. 

Nếu bạn bị sa bàng quang kết hợp với sa tử cung, bác sĩ có thể khuyên bạn nên cắt bỏ tử cung cùng với việc sửa chữa các cơ sàn chậu bị tổn thương, các mô và dây chằng.

Phẫu thuật có thể điều trị giúp cải thiện tình trạng kéo dài trong nhiều năm nhưng vẫn có nguy cơ tái phát, đồng nghĩa với việc bạn phải phẫu thuật lại vào một thời điểm nào đó.

Bệnh sa bàng quang có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, bệnh không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại gây rất nhiều bất tiện cho cuộc sống. Sa bàng quang thường gây:

  • Đau, nhức cho người bệnh, khiến nữ giới luôn cảm thấy mệt mỏi, đuối sức.
  • Gây ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Lâu dần làm giảm chức năng hoạt động của thận.
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý do bệnh gây đau khi quan hệ khiến nữ giới giảm ham muốn, giảm khả năng thụ thai. 

Sa bàng quang gây đau khi nữ giới quan hệ tình dục.Sa bàng quang gây đau khi nữ giới quan hệ tình dục.

Các biện pháp phòng ngừa sa bàng quang

Để phòng ngừa bệnh, bên cạnh việc thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân, nữ giới nên khám sinh sản định kỳ 1-2 lần/năm. Đặc biệt cần thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra bạn nên:

  • Tránh mang vác, nâng các vật nặng.
  • Điều trị dứt điểm nếu bị ho hay viêm phế quản.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh để cơ thể bị béo phì. Nếu đang bị thừa cân bạn nên thực hiện các biện pháp giảm cân để khoẻ và đẹp.
  • Thường xuyên áp dụng bài tập Kegel giúp tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu, nhất là sau khi sinh con.
  • Điều trị bệnh táo bón bằng cách tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, ăn uống điều độ và khoa học.
  • Không nên sinh nở quá sớm, quá dày và quá nhiều.
  • Sau mang thai và sinh con không nên lao động nặng quá sớm cần nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.

Nếu bạn đang thắc mắc hoặc có những dấu hiệu của sa bàng quang hãy liên hệ với Bệnh viện Phương Đông để được các bác sĩ và chuyên gia tư vấn. Bên cạnh đó cần điều trị sớm để cải thiện tình hình sức khoẻ.

Nếu cần thêm thông tin tư vấn, hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ nhé. Để đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng điền thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806.

5,252

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám