Sưng hạch bạch huyết: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Phương Loan

07-01-2025

goole news
16

Sưng hạch bạch huyết là một phản ứng viêm của cơ thể, cảnh báo các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng hoặc một số ít liên quan đến ung thư. Tình trạng sưng, nổi hạch có thể thuyên giảm sau 10 - 14 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, nhưng cũng có thể diễn tiến nặng, nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Sưng hạch bạch huyết là gì?

Sưng hạch bạch huyết là tình trạng nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, hiếm khi nổi lên do bệnh ung thư. Hạch bạch huyết còn được gọi là tuyến bạch huyết, có chức năng bảo vệ cơ thể tránh khỏi những tác nhân gây hại.

Sưng hạch bạch huyết là phản ứng viêm của cơ thể

Sưng hạch bạch huyết là phản ứng viêm của cơ thể

Các hạch lympho là một phần không thể thiếu trong hệ thống miễn dịch con người, sản sinh các kháng thể chống sự xâm nhập của siêu vi, vi trùng. Trường hợp cùng lúc bị nhiều tác nhân tấn công, cơ thể xuất hiện tình trạng viêm phản ứng và làm nổi hạch.

Nguyên nhân sưng hạch bạch huyết

Có nhiều nguyên nhân gây nổi hạch bạch huyết trên cơ thể, tiêu biểu nhất gồm vi khuẩn, nấm, virus, vi sinh vật hoặc do ung thư nhưng rất hiếm. Chi tiết hơn:

  • Nhiễm trùng gồm hai dạng, nhiễm trùng thông thường khởi phát từ bệnh sởi, nhiễm trùng tai, viêm họng liên cầu khuẩn, áp xe răng, bệnh bạch cầu đơn nhân, nhiễm trùng da, mắc bệnh suy giảm miễn dịch như HIV. Nhiễm trùng đặc hiệu thường do bệnh lao, bệnh lây qua đường tình dịch, sốt do mèo cào, Toxoplasmosis.
  • Bệnh tự miễn, trong đó Lupus và viêm khớp dạng thấp là hai bệnh phổ biến nhất. Hai bệnh lý mạn tính này đều có thể làm sưng, nổi hạch bạch huyết ở người bệnh.
  • Ung thư, phần lớn dạng ung thư liên quan đến hệ bạch huyết, bạch cầu hoặc ung thư đã di căn.
  • Một số loại thuốc có thể làm sưng hạch, tương đối hiếm gặp như thuốc chống động kinh, thuốc phòng bệnh sốt rét.

Virus, vi khuẩn, bệnh ung thư là nguyên nhân gây nổi hạch bạch huyết

Virus, vi khuẩn, bệnh ung thư là nguyên nhân gây nổi hạch bạch huyết

Triệu chứng sưng hạch bạch huyết

Biểu hiện ban đầu của sưng hạch bạch huyết là đau nhức ở khu vực nổi hạch. Kích thước hạch sưng có thể to bằng hạt đậu hoặc hơn, tùy nguyên nhân gây ra.

Một số triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Sốt, đau họng, chảy nước mũi do nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Sưng hạch khắp cơ thể do nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch, bệnh bạch cầu đơn nhân, rối loạn hệ thống miễn dịch.
  • Hạch cứng, cố định, diễn tiến nhanh do ung thư di căn hoặc ung thư hạch.
  • Sốt kéo dài 3 - 4 ngày, đổ mồ hôi đêm.
  • Sưng hạch dưới hoặc trên xương đòn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lý

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lý

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm sau, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện điều trị:

  • Đường kính hạch lớn hơn 1cm.
  • Hạch gây đau, cứng, dính chặt vào da và tốc độ phát triển nhanh.
  • Chảy mủ ở hạch.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, đồ mồ hôi nhiều vào ban đêm, khó thở, mệt mỏi.
  • Khuỷu tay, xương đòn, dưới cổ nổi các hạch.
  • Da đỏ, dấu hiệu viêm ở bên trên các hạch bạch huyết sưng.

Hạch bạch huyết nổi ở đâu?

Khi cơ thể bị viêm nhiễm, người bệnh có thể nổi hạch ở nhiều vị trí khác nhau:

  • Sưng hạch bạch huyết dưới hàm
  • Sưng hạch bạch huyết cổ
  • Sưng hạch ở mang tai
  • Nổi hạch bạch huyết ở cằm
  • Sưng hạch ở nách
  • Nổi hạch ở háng
  • Nổi hạch ở vùng chẩm (đáy sọ)

Cổ, dưới cằm, mang tai, nách,... là những vị trí dễ nổi hạch

Cổ, dưới cằm, mang tai, nách,... là những vị trí dễ nổi hạch

Sưng hạch có nguy hiểm không?

Tình trạng nhiễm trùng trở nặng, không được can thiệp kịp thời có thể hình thành các khối áp xe ở hạch. Ngược lại, các nguyên nhân được điều trị tốt, dứt điểm, tình trạng nổi hạch sẽ tự động thuyên giảm và biến mất.

Áp xe là là tình trạng tích tụ mủ cục bộ do nhiễm trùng. Bên trong các cụ mủ chứa chất lỏng, mô chết, bạch cầu, vi khuẩn. Bệnh nhân có thể được trị bằng phương pháp dẫn lưu hoặc kháng sinh đặc trị.

Nếu nổi hạch bạch huyết không kèm các triệu chứng rõ ràng, biểu hiện của cảm lạnh, cảm cúm,... cần nhanh chóng thăm khám y tế chuyên sâu, tiếp nhận điều trị tích cực.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân sưng hạch bạch huyết, bác sĩ cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Điều tra tiền sử bệnh, thời điểm nổi hạch, triệu chứng. Kiểm tra hạch nổi gần bề mặt da, xác định kích thước, độ mềm, độ ấm và kích thước hạch.
  • Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng. Đồng thời đánh giá sức khỏe tổng thể, phát hiện các rối loạn, tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh bạch cầu.
  • Chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm, MRI, X-quang, CT-Scan,... xác định nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây sưng hạch bạch huyết.
  • Sinh thiết là phương pháp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết. Bác sĩ sẽ lấy một hoặc toàn bộ hạch bạch huyết, mang quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh

Bị sưng hạch bạch huyết có tự khỏi không?

Nổi hạch bạch huyết là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn hoặc khối u. Với nguyên nhân do cảm cúm, cảm lạnh,... tình trạng nổi hạch có thể tự biến mất sau vài tuần, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trường hợp nổi hạch lâu ngày không khỏi, không rõ nguyên nhân người bệnh tuyệt đối không chủ quan. Đây là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm, nghiêm trọng cần điều trị sớm.

Nổi hạch bạch huyết bao lâu thì khỏi?

Nếu nổi hạch bạch huyết do nhiễm trùng đường hô hấp thường kéo dài trong vài tuần. Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn trong 10 - 14 ngày.

Phương pháp điều trị

Dựa vào nguyên nhân gây sưng, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp điều trị phù hợp:

  • Do nhiễm trùng: Sử dụng phương pháp điều trị bằng kháng sinh.
  • Do bệnh lý làm rối loạn miễn dịch: Tập trung điều trị triệu chứng, cải thiện tình trạng bệnh.
  • Do ung thư: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị tùy theo tác nhân gây bệnh.

Điều trị sưng hạch theo nguyên nhân gây bệnh

Điều trị sưng hạch theo nguyên nhân gây bệnh

Bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ tích cực khác như:

  • Chườm ấm bằng cách nhúng khăn mặt vào nước ấm, vắt khô trước khi chườm lên vùng sưng hạch.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn khác như paracetamol, ibuprofen, aspirin,... Lưu ý về độ tuổi, đối tượng sử dụng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng giúp bệnh tình phục hồi nhanh chóng.

Biện pháp phòng ngừa

Với nguyên nhân do vi khuẩn, virus, bệnh nhân có thể chủ đồng phòng ngừa với các biện pháp dưới đây:

  • Vệ sinh tay đều đặn với xà phòng, đặc biệt trước/sau ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Hạn chế đưa tay chạm lên mắt và mũi.
  • Tránh tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh.
  • Khử trùng các bề mặt trong nhà, giảm nguy cơ vi khuẩn, virus sinh sôi.
  • Thiết lập lối sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, ăn uống khoa học, thể dục thể thao ít nhất mỗi ngày 30 phút.

Phòng ngừa tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn

Phòng ngừa tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn

Sưng hạch bạch huyết là là hiện tượng báo hiệu hệ miễn dịch đang chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng, đa số do virus hoặc vi khuẩn. Tuy là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng bệnh nhân tuyệt đối không chủ quan, cần kiểm tra y tế chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

27

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKII

NGUYỄN THỊ THU YẾN

Trưởng Liên Chuyên khoa Mắt - TMH - RHM

BS.CKII

NGUYỄN THỊ THU YẾN

Trưởng Liên Chuyên khoa Mắt - TMH - RHM
19001806 Đặt lịch khám