Sưng nướu răng khôn không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Tình trạng này thường xảy ra khi răng khôn mọc lệch, mọc ngầm hoặc bị lợi trùm gây viêm nướu, cản trở việc ăn uống và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn đang đối mặt với tình trạng này, bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách điều trị sưng nướu răng khôn và những phương pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm đau, kháng viêm và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.
Tình trạng sưng nướu răng khôn có biểu hiện thế nào?
Nướu có thể trở nên đỏ, sưng và nhạy cảm, thậm chí có thể chảy máu khi đánh răng hoặc sử dụng chỉ nha khoa
Tuỳ vào từng đối tượng, tình trạng răng khôn mà biểu hiện cũng sẽ riêng biệt. Dưới đây là một số triệu chứng nổi bật:
Trường hợp cấp tính
Đây là một tình trạng nguy hiểm kèm theo các cơn đau đột ngột kéo tới. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đau dữ dội ở gần răng cửa, sưng tấy nướu;
- Gặp khó khăn khi nhai và nuốt thức ăn, cảm giác đau nhức khó tả;
- Quanh răng tiết dịch mủ;
- Có thể sốt nhẹ.
Trường hợp mãn tính
Sưng nướu răng khôn mãn tính bao gồm các dấu hiệu sau:
- Hơi thở có mùi hôi, khó cử động cơ miệng;
- Cơn đau nhức răng nướu âm ỉ kéo dài từ 1–2 ngày.
Nguyên nhân nào gây ra sưng nướu răng khôn?
Theo các chuyên gia, tình trạng bị sưng nướu răng khôn có thể do một số nguyên nhân chính như:
- Do mô nướu bị kích ứng: Trong quá trình mọc răng khôn, phần nướu xung quanh răng có xu hướng sưng nhẹ và nhô cao hơn so với hàm. Đây chính là lý do khi bạn ăn nhai, phần lợi của răng sẽ cọ xát với các răng khác gây ra cảm giác đau nhức. Từ đó, mức độ tổn thương của phần lợi này ngày càng nặng và khó lành hơn.
- Do răng khôn bị mọc lệch: Răng số 8 thường không có đủ diện tích để mọc thẳng, dễ bị mọc lệch, mọc nghiêng hoặc chỉ nhú lên bề mặt một phần. Tình trạng có thể gây áp lực lên mô mềm xung quanh, khiến nướu bị tổn thương, viêm đỏ và sưng tấy.
- Do khối u phát triển ở xương hàm: Đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân gây ra sưng nướu răng khôn, nhưng hiếm gặp hơn. Các khối u hình thành trên xương khiến răng khôn mọc lệch, ảnh hưởng đến các răng xung quanh, thậm chí gây mô mềm vùng miệng và xương hàm bị tổn thương hoặc hoại tử xương.
- Khả năng vệ sinh răng miệng kém: Do vị trí răng khôn mọc nằm sâu phía trong cùng của hàm, khiến cho quá trình vệ sinh răng miệng gặp khó khăn. Nếu không làm sạch kỹ, thức ăn dễ bị mắc lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Lâu dần, các mảng bám hình thành và tích tụ tạo thành cao răng, gây sưng nướu và hôi miệng.
Sưng nướu răng khôn có mủ có nguy hiểm không?
Sưng nướu quanh răng khôn có mủ là biểu hiện nhiễm trùng cấp tính vùng mô quanh thân răng khôn, còn gọi là viêm lợi trùm răng khôn có biến chứng mưng mủ. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:
Gây viêm mô tế bào lan tỏa
- Nhiễm trùng từ nướu răng khôn có mủ có thể lan vào mô mềm xung quanh, gây viêm mô tế bào vùng hàm mặt. Người bệnh có thể bị sưng to nửa mặt, đau dữ dội, sốt cao, há miệng hạn chế và khó nuốt.
Gây áp xe quanh răng
Khi nướu sưng và có mủ, có khả năng cao là đã hình thành áp xe răng, một túi chứa mủ do vi khuẩn gây ra
- Mủ tích tụ dưới nướu quanh răng khôn có thể tạo thành ổ áp xe, gây đau nhức dữ dội, làm phồng má, hôi miệng, khó ăn uống. Nếu áp xe không được rạch dẫn lưu, vi khuẩn có thể xâm nhập sâu hơn vào vùng cổ, gây nguy hiểm.
Lan rộng xuống vùng cổ – Trung thất (nguy cơ tử vong)
- Trong những trường hợp nặng, nhiễm trùng từ áp xe răng khôn có thể lan xuống vùng dưới hàm, dưới lưỡi, cổ và trung thất (viêm trung thất) – gây nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và tử vong.
- Đây là biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt ở người có sức đề kháng kém hoặc trì hoãn điều trị.
Gây hủy xương hàm, ảnh hưởng răng kế cận
- Vi khuẩn từ nướu có mủ có thể ăn mòn xương ổ răng, làm răng khôn lung lay, ảnh hưởng đến răng số 7 bên cạnh. Lâu dài có thể dẫn tới mất răng hoặc phải phẫu thuật loại bỏ toàn bộ phần xương tổn thương.
Gây nhiễm trùng huyết
- Khi vi khuẩn từ ổ mủ vào máu, người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết – một tình trạng cấp cứu nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Dấu hiệu nhận biết là sốt cao, lạnh run, tụt huyết áp, rối loạn tri giác.
Nguy cơ lây lan viêm toàn miệng hoặc viêm hạch bạch huyết
- Mủ từ vùng răng khôn có thể lan sang mô mềm xung quanh, gây viêm nướu lan tỏa, viêm nha chu. Một số trường hợp gây sưng đau hạch góc hàm, hạch cổ, khiến việc ăn uống và nuốt gặp nhiều khó khăn.
Hướng dẫn điều trị sưng nướu răng khôn an toàn và hiệu quả
Tuỳ vào mức độ viêm và biểu hiện, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà hoặc tại phòng khám. Cụ thể:
Cách trị sưng nướu răng khôn tại nhà
Tự chữa tại nhà chỉ áp dụng với trường hợp viêm nhẹ và có tác dụng tạm thời. Nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bạn cần tới phòng khám nha khoa để được thăm khám cụ thể:
Súc miệng bằng nước muối ấm là một phương pháp hữu ích, giúp giảm viêm và làm sạch vùng nướu
- Súc miệng bằng nước muối ấm 3–4 lần/ngày để làm dịu mô nướu bị sưng viêm. Đồng thời hỗ trợ làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp kiểm soát cơn đau và sưng.
- Dùng một túi chườm lạnh đặt lên vị trí bị sưng giúp giảm sưng hiệu quả. Chườm liên tục trong khoảng 15–20 phút, cách nhau vài giờ để tránh làm tổn thương mô mềm.
- Ưu tiên các loại thực phẩm chống viêm như omega–3 có trong cá hồi, hạt chia. Trà xanh, trà gừng cũng có thể hỗ trợ kháng viêm tự nhiên hiệu quả.
- Vệ sinh răng miệng kỹ lượng. Chú ý đặc biệt tới vùng răng không để tránh thức ăn bị mắc kẹt gây nhiễm trùng hơn.
Xem thêm:
Điều trị chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nha khoa
Bước đầu, bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán để xác định được tình trạng và hướng mọc của răng khôn như thế nào. Thường sưng nướu răng khôn sẽ được nha sĩ chỉ định điều trị như sau:
Cắt lợi trùm răng: Bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật nhỏ là gây tê để cắt bỏ lợi trùm để răng có thể mọc bình thường. Sau khi cắt xong, bạn sẽ được nha sĩ kê một số loại thuốc hỗ trợ như thuốc kháng sinh, hạ sốt, thuốc hỗ trợ sức khỏe toàn thân. Cuối cùng là hướng dẫn bạn cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh viêm nhiễm tái phát.
Nhổ bỏ răng không để điều trị dứt điểm: Nếu răng khôn có những hướng mọc bất thường như mọc ngầm, mọc lệch,...cần nhổ bỏ chúng càng sớm càng tốt. Thực tế, việc loại bỏ răng khôn cũng không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai, thậm chí còn được bác sĩ khuyến khích thực hiện sớm.
Để được tư vấn chính xác về trường hợp cụ thể của bạn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu quý khách hàng có các thắc mắc nào khác cần giải đáp thì đừng ngần ngại để lại thông tin tại phần Đặt lịch khám hoặc bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của BVĐK Phương Đông để được hỗ trợ.
Cách chăm sóc phòng ngừa tái phát sưng nướu răng khôn
Để ngăn ngừa tình trạng răng khôn sưng nướu tái phát, các bác sĩ khuyên bạn nên nghiêm túc tuân thủ một số chỉ định sau đây:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, 2–3 lần/ngày với bàn chải lông mềm. Nên chải theo chiều xoay tròn từ trên xuống ở tất cả các răng. Bạn có thể kết hợp với chỉ nha khoa hoặc tăm nước để vệ sinh triệt để các vụn thức ăn thừa còn đọng lại trong vùng răng hàm. Cuối cùng, dùng thêm nước muối sinh lý để loại bỏ triệt để vi khuẩn gây hại giúp khoang miệng có mùi dễ chịu hơn.
- Thường xuyên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để bác sĩ lấy cao răng và kiểm tra lại sức khỏe răng miệng.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, sử dụng các chất kích thích gây hại, uống đồ uống chứa cồn, ga,...
- Liên hệ với bác sĩ sớm nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường ở răng số 8.
Thực phẩm nên và không nên ăn khi bị sưng nướu răng khôn
Chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng sưng nướu răng khôn và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Thực phẩm nên ăn
Trái cây chín mềm như chuối, bơ hoặc dưa hấu là lựa chọn tốt vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời dễ tiêu hóa
- Thức ăn mềm, dễ nhai, ít kích ứng: Cháo, súp, canh, khoai tây nghiền, bột yến mạch, trứng chưng mềm giúp giảm áp lực nhai, tránh làm tổn thương thêm vùng nướu đang viêm.
- Thực phẩm giàu vitamin C, A và kẽm: Cam, bưởi, súp lơ xanh, cà rốt hấp, đu đủ, bí đỏ, cà chua chín, hạt bí, hạt hướng dương, hàu, cá biển để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ lành thương nướu, ngăn ngừa nhiễm khuẩn nặng hơn.
- Sữa tươi, sữa chua không đường, phô mai mềm cung cấp canxi, protein giúp làm dịu nướu, hỗ trợ phục hồi mô mềm.
- Nước lọc, nước dừa tươi, nước ép rau củ không đường, nước húng quế, trà xanh loãng giúp giữ ẩm khoang miệng, chống viêm, giảm đau. Tránh đồ uống nóng gây kích thích vùng sưng.
- Thực phẩm chứa omega-3: Cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó bởi chúng có đặc tính chống viêm tự nhiên, giúp giảm sưng đau hiệu quả.
Thực phẩm không nên ăn
- Đồ ăn cứng, giòn, dai hoặc sắc cạnh: Bánh mì cứng, snack, thịt khô, xương sụn, hạt cứng (hạt dưa, hạt hướng dương…) dễ làm trầy xước vùng nướu viêm, tăng nguy cơ viêm nặng hoặc áp xe.
Thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị: Mì cay, lẩu nóng, ớt tươi, tiêu, mù tạt, các món nhiều tỏi sống gây kích ứng trực tiếp vào nướu sưng, làm tăng cảm giác đau rát.
- Đồ ngọt nhiều đường tinh luyện: Bánh kẹo, nước ngọt có gas, trà sữa, socola nhiều đường làm tăng sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng, khiến nướu lâu lành hơn.
- Đồ ăn lạnh sâu hoặc quá nóng: Kem lạnh, nước đá, món ăn vừa nấu xong còn bốc khói. Bởi nhiệt độ cực đoan dễ làm co thắt hoặc kích thích đầu dây thần kinh tại vùng sưng đau, làm nặng hơn triệu chứng.
- Đồ uống có cồn hoặc chứa caffeine cao: Rượu bia, cà phê đậm đặc, nước tăng lực làm khô khoang miệng, giảm khả năng lành thương, dễ gây viêm nhiễm nặng hơn.
Câu hỏi thường gặp
- Điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị sưng nướu răng khôn kịp thời?
Nếu không điều trị sưng nướu răng khôn kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như gây viêm nhiễm, áp xe nướu, viêm nhiễm huyết vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, sự tích tụ mảng bám và vi khuẩn có thể dẫn đến bệnh viêm nướu và sâu răng, làm tổn hại đến cấu trúc răng và xương hàm. Điều trị sớm sưng nướu răng khôn là rất quan trọng để tránh những biến chứng không mong muốn.
- Có nên nhổ bỏ răng khôn khi chúng không mọc “ngu’ không?
Việc quyết định có nên nhổ bỏ răng khôn hay không khi chúng không mọc "ngu" (tức là không gây đau đớn hay khó chịu) là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Răng khôn thường mọc ở độ tuổi từ 17 – 25 và có thể gây ra nhiều vấn đề nếu không đủ chỗ trong hàm, như viêm nhiễm nướu, sâu răng, hoặc ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Nếu răng khôn không mọc gây đau hay khó chịu nhưng vẫn nằm trong hàm và có nguy cơ gây ra các vấn đề trong tương lai, bác sĩ có thể khuyến nghị nên nhổ bỏ để phòng ngừa. Ngược lại, nếu răng khôn mọc đúng vị trí và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, việc giữ lại có thể là lựa chọn tốt hơn. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa là cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn, đảm bảo sức khỏe răng miệng lâu dài.
- Tình trạng nướu răng khôn bị sưng diễn ra trong bao lâu?
Thời gian sưng nướu có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào mức độ viêm và tình trạng sức khỏe của từng người. Nếu sưng nướu kèm theo đau nhức, khó chịu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như mủ hoặc sốt, người bệnh nên đi khám bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Sưng nướu răng khôn không thể xem nhẹ, đặc biệt khi đi kèm với các triệu chứng như sưng to, đau nhức kéo dài hay có mủ. Việc điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách tại nhà không chỉ giúp giảm triệu chứng nhanh chóng mà còn ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như viêm lợi trùm hay áp xe răng.