Suy tinh hoàn là bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số người được chẩn đoán tinh hoàn suy yếu như một bệnh cảnh của bệnh lý, ảnh hưởng từ chấn thương hay lạm dụng testosterone,... Tình trạng này nếu kéo dài còn khiến chất lượng tinh trùng sụt giảm, theo thời gian, bệnh nhân dễ bị vô sinh và cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản để tăng hiệu quả thụ thai.
Suy tinh hoàn là gì?
Suy tinh hoàn là hiện tượng chức năng hoạt động của tinh hoàn bị suy giảm. Điều này đồng nghĩa với:
- Nồng độ testosterone trong máu giảm, bạn sẽ ít ham muốn, hứng thú với đời sống giường chiếu hơn. Nếu suy tinh hoàn mức độ nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng cương của dương vật
- Số lượng và chất lượng giảm sút: Ít tinh trùng hơn, nhiều tinh trùng dị dạng, nhiều tinh trùng yếu, chết
Do ảnh hưởng trực tiếp đến tinh trùng nên nếu một người đàn ông được chẩn đoán suy tinh trùng thì họ cũng có nguy cơ vô sinh cao hơn bình thường.
(Hình 1 - Hàm lượng Testosterone có thể báo hiệu các vấn đề bất thường ở tinh hoàn)
Nguyên nhân nam giới bị suy tinh hoàn
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng suy tinh hoàn như sau:
Chấn thương
Các tai nạn trong cuộc sống hàng ngày như tai nạn giao thông, thể thao, tổn thương vật lý,... có thể khiến tinh hoàn gặp biến chứng. Suy tinh hoàn mặc dù là biến chứng hiếm gặp do chấn thương nhưng cũng không thể loại trừ lực tác động, vị trí tác động và bỏ lỡ thời gian chữa trị khiến chúng mất chức năng.
Trong trường hợp này, biểu hiện thường gặp là teo tinh hoàn, giảm ham muốn và rối loạn cương dương.
(Hình 2 - Những chấn thương bất ngờ có thể tác động xấu đến tinh hoàn)
Dị tật bẩm sinh
Một số trẻ sơ sinh từ khi sinh ra đã có khiếm khuyết bẩm sinh ở bộ phận sinh dục, Điều này có thể khiến bé có nguy cơ mắc suy tinh hoàn lớn hơn bình thường. Một số dị tật có thể ảnh hưởng đến cơ quan này bao gồm:
- Tinh hoàn ẩn: Đây là hiện tượng một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu đúng vi trí trong thai kỳ. Phụ thuộc vào vị trí và thời gian tinh hoàn lạc chỗ, theo thời gian, tinh hoàn chịu tác động của nhiệt độ cao có thể gián đoạn quá trình sinh tinh, dẫn đến suy tinh hoàn nếu không được điều trị sớm.
- Teo tinh hoàn: Quan sát bằng mắt thường, những nam giới này có tinh hoàn nhỏ hơn bình thường và nếu đánh giá, chức năng của bộ phận này thường không đủ tiêu chuẩn. Điều này biểu hiện ở chỗ testosterone không được sản xuất đủ liều lượng,k tinh trùng ít và kém chất lượng khiến người bệnh có nguy cơ vô sinh cao.
- Hội chứng Klinefelter: Rối loạn di truyền khiến người đàn ông có thêm 1 NST X. Khi đó, tinh hoàn của bệnh nhân thường nhỏ, phát triển kém, không thực hiện đầy đủ chức năng và ngực to hơn bình thường.
- Hội chứng Noonan: Tương tự hội chứng Klinefelter, người đàn ông mắc Hội chứng Noonan dễ gặp các vấn đề về hệ sinh sản. Trong đó có tinh hoàn.
- … Và còn các dị tật khác
(Hình 3 - Dị tật bẩm sinh tinh hoàn lạc chỗ khiến tinh trùng không thể thực hiện chức năng bình thường)
Lạm dụng testosterone
Một số nam giới lạm dụng testosterone ngoại sinh quá mức hoặc lạm dụng các biện pháp kích thích testosterone khiến tinh hoàn bị ức chế hoạt động quá mức. Điều này có thể khiến bạn bị suy tinh hoàn do chức năng tuyến yên bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu tinh hoàn bị suy thì chức năng niết và ngoại tiết cũng bị ảnh hưởng. Bạn có thể nhận biết bằng các triệu chứng điển hình như:
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Tinh hoàn nhỏ
- Giảm khối lượng cơ
- Xương dễ gãy
- Mất tập trung
- Giảm trí nhớ,...
(Hình 4 - Lạm dụng hormone sinh dục nam có thể khiến chức năng nội tiết của người đàn ông bị ảnh hưởng)
Nguyên nhân bệnh lý
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh lý viêm nhiễm ở hệ sinh dục với các triệu chứng như sưng tấy bìu, tiểu rắt, tiểu buốt, đau đớn, phát sốt,... cũng là nguyên nhân gây teo, tụ mủ và suy tinh hoàn. Dưới đây là một số bệnh lý ví dụ:
- Viêm tinh hoàn
- Viêm mào tinh hoàn
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh
- Ung thư tinh hoàn….
Suy tinh hoàn có khiến bạn bị vô sinh nam không? Suy tinh hoàn có chữa được không?
Có thể. Như đã đề cập đến ở trên, bộ phận tinh hoàn chịu trách nhiệm sản xuất và lưu trữ tinh trùng. Suy tinh hoàn không chỉ khiến bộ phận này teo tóp đi mà còn dẫn đến suy giảm khả năng sản xuất tinh trùng khiến số lượng và chất lượng tinh trùng đồng thời giảm xuống. Nếu bỏ lỡ thời gian chữa bệnh phù hợp thì việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn và người bệnh sẽ khó có con tự nhiên hơn.
(Hình 5 - Cặp đôi có thể phải đối mặt với nguy cơ hiếm muộn vì vấn đề ở tinh hoàn)
Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và kịp thời, các bác sĩ cũng khẳng định: Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân.
Cách điều trị cho bệnh nhân bị suy tinh hoàn
Phương hướng điều trị bệnh lý phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nhìn chung các phương pháp điều trị được cân nhắc là:
Điều trị nguyên nhân
- Nhiễm trùng, bệnh lý viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu điều trị bằng thuốc, thuốc kháng sinh phù hợp với vi khuẩn gây bệnh
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Nếu tinh hoàn của bạn hoạt động kém do tác động từ bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh thì có thể bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật thắt tĩnh mạch giãn
- Ung thư tinh hoàn: Trong trường hợp này, bệnh nhân cần kết hợp điều trị từ các phương pháp như phẫu thuật ngoại khoa, điều trị bằng hoá trị liệu hoặc xạ trị.
- Rối loạn nội tiết: Liệu pháp hormon thay thế sẽ được cân nhắc áp dụng, phối hợp cùng với xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng, điều độ, vận động lành mạnh và nghỉ ngơi điều độ.
(Hình 6 - Phẫu thuật thắt tĩnh mạch giãn cho BN giãn tĩnh mạch thừng tinh tại BVĐK Phương Đông)
Liệu pháp hỗ trợ
Người bệnh cần bổ sung thuốc tăng cường sinh lực, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn, duy trì tập luyện thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng chất kích thích,... Từ đó, sức khoẻ tổng thể sẽ được cải thiện và tổn thương ở tinh hoàn được hỗ trợ phục hồi hiệu quả hơn.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Các phương pháp này được cân nhắc trong bối cảnh với tinh hoàn bị tổn thương mà bệnh nhân muốn tăng cường khả năng thụ thai.
- Thu thập tinh trùng từ mào tinh hoàn hoặc mô tinh hoàn: Phù hợp với những người đàn ông trưởng thành có thể sản xuất tinh trùng nhưng không thể xuất tinh
- Thụ tinh nhân tạo (IUI): Sau khi thu thập tinh trùng, tinh trùng sẽ được bơm vào ống tử cung, gia tăng nguy cơ tinh trùng gặp trứng và thụ thai thành công. Cách này phù hợp với vô sinh nam mức độ nhẹ.
- Thụ tinh ống nghiệm (IVF): Tương tự IUI, bác sĩ sẽ chọn lọc tinh trùng khoẻ mạnh nhưng sẽ thụ tinh cho trứng và tinh trùng ở phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Tiếp theo, kỹ thuật viên sẽ đặt phôi hoàn chỉnh vào buồng tử cung của người phụ nữ. IVF phù hợp cho cả nữ giới gặp vấn đề về buồng trứng, mắc các bệnh phụ khoa và nam giới có chất lượng tinh trùng thấp.
(Hình 7 - IVF là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay hỗ trợ các bệnh nhân gặp vấn đề về sức khoẻ sinh lý nam)
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị suy tinh hoàn?
Bạn có thể chủ động thực hiện theo các lưu ý dưới đây để hạn chế các bệnh lý ở tinh hoàn:
Bảo vệ tinh hoàn khỏi tác động vật lý
- Hạn chế tham gia các hoạt động mạnh, dễ va chạm và bị tác động lực cường độ cao như bóng đá, võ thuật,...
- Sử dụng dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao, luyện tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên uy tín, bắt đầu từ những động tác có độ khó vừa phải
- Tránh mang vác vật nặng quá sức, đặc biệt là các đồ vật tiếp xúc với vùng bìu
- Tránh các hành vi nguy hiểm có thể gây tổn thương tinh hoàn
Thực hiện phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, chung thuỷ
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục
Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh
- Ăn uống đầy đủ, đặc biệt là bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, selen, kẽm
- Tập thể dục thường xuyên
- Tránh hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia
- Giữ cân nặng hợp lý
- Quản lý tốt căng thẳng
- Tiêm vắc xin quai bị để phòng ngừa các biến chứng ở tinh hoàn ở tuổi dậy thì
Tóm lại, suy tinh hoàn là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của nam giới. Để chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân, mọi anh em đều nên kiểm tra sức khoẻ tổng thể và thực hiện đánh giá sức khỏe Nam khoa thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị bệnh lý kịp thời, hiệu quả