Tăng prolactin máu: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Phương Loan

07-09-2024

goole news
16

Tăng prolactin máu là tình trạng lượng prolactin huyết thanh vượt giới hạn cho phép, do yếu tố sinh lý, thuốc hoặc bệnh lý. Bệnh nhân có hàm lượng prolactin máu cao có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc bệnh lý, kịp thời phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu.

Tăng prolactin máu là bệnh gì?

Tăng prolactin máu là tình trạng nồng độ prolactin, một loại hormone trong máu cao hơn mức bình thường. Bệnh lý này không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, song có thể dẫn đến các hệ lụy khác, điển hình như vô sinh.

Prolactin trong máu tăng không gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh

Prolactin trong máu tăng không gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh

Prolactin hay lactotropin là một loại hormone chịu trách nhiệm chính cho sự phát triển của tuyến vú trong mô vú, sản xuất sữa. Tuyến yên là bộ phận sản xuất và tiết prolactin, ngoài ra còn có hệ thống thần kinh trung ương, hệ miễn dịch, tử cung, tuyến vú tham gia.

Chỉ số prolactin bình thường với từng nhóm đối tượng như sau, đơn vị nanogram trên mililit:

  • Trẻ em nam mới sinh: Dưới 20 ng/mL.
  • Nữ giới không mang thai, không cho con bú: Dưới 25 ng/mL.
  • Nữ giới mang thai, cho con bú: 80 - 400 ng/mL.

Prolactin máu tăng cao có thể do những thay đổi bên trong cơ thể, hoặc bệnh lý, hoặc thuốc, hoặc những bất thường không rõ nguyên nhân. Người bệnh nếu nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, cần lập tức đến bệnh viện thăm khám, tìm ra tác nhân gây bệnh.

Mức độ phổ biến của bệnh tăng prolactin máu

Theo thống kê, ước tính có dưới 1% dân số nói chung và 5 - 14% người bệnh vô kinh thứ phát bị ảnh hưởng bởi tăng prolactin máu. Nữ giới 25 - 34 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, hiếm gặp ở nam giới và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân tăng prolactin trong máu

Prolactin trong máu tăng cao do nhiều nguyên nhân gây nên, không phải trường hợp nào cũng đáng lo ngại đến sức khỏe. Bảng dưới đây sẽ đề cập chi tiết các yếu tố, tác nhân khiến prolactin vượt ngưỡng bình thường.

Cụ thể:

NGUYÊN NHÂN

Do sinh lý

Tăng prolactin trong máu sinh lý khi:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, tăng dần xuyên suốt thai kỳ do estrogen tiết từ bánh rau tăng.
  • Kích thích núm vú, quan hệ tình dục.
  • Những sang chấn tâm lý.
  • Thể dục thể thao cường độ cao.

Do thuốc

Dopamine là chất làm ức chế sản xuất và bài tiết prolactin, nếu sử dụng loại thuốc làm tăng dopamine, bạn có thể dẫn đến tình trạng tăng prolactin.

Ví dụ một số loại thuốc sau:

  • Thuốc chống loạn thần như risperidone và haloperidol.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc trị huyết áp cao như chẹn kênh canxi, methyldopa.
  • Thuốc chống nôn như metoclopramid.
  • Thuốc tránh thai và estrogen.
  • Thuốc giảm đau chứa opioid.

Nếu nguyên nhân prolactin trong máu tăng cao do thuốc, tình trạng này có thể thuyên giảm và trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc 3 - 4 ngày.

Do u tiết prolactin

U tuyến tiết tiết prolactin là nguyên nhân chính gây tình trạng nồng độ prolactin vượt quá mức, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng như:

  • Nhức đầu.
  • Nôn, buồn nôn.
  • Thay đổi thị lực như nhìn đôi, giảm tầm nhìn ngoại vi.
  • Đau xoang, gặp các vấn đề về khứu giác.

Do các khối u tuyến yên

Các khối u lớn, ngoại từ u tiết prolactin, nằm bên trong hoặc gần tuyến yên có thể gia tăng prolactin trong máu. Hiện tượng này do khối u ngăn cản dopamine đến tuyến yên.

Do bệnh lý

Những vấn đề bất thường liên quan đến sức khỏe làm nồng độ prolactin trong máu tăng cao. Ví dụ như:

  • Suy giáp.
  • Suy thận.
  • Xơ gan.
  • Buồng trứng đa nang.
  • Hội chứng Nelson.
  • Hội chứng Cushing.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không thể tìm thấy nguyên nhân tăng prolactin trong máu. Theo thuật ngữ y học, đây là tình trạng tăng prolactin máu vô căn, có thể tự biến mất sau vài tháng mà không điều điều trị.

Triệu chứng prolactin máu cao

Biểu hiện prolactin máu cao thường liên quan đến sự ức chế hormone giải phóng gonadotropin hơn nồng độ prolactin tăng. Gonadotropin kích thích tuyến yên tiết hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng, cụ thể triệu chứng với từng đối tượng như sau:

Với nữ giới

Nữ giới bị tăng prolactin thường có những thay đổi bất thường như:

  • Kinh nguyệt không đều, không có kinh, chảy sữa hoặc vô sinh.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Giảm mật độ xương.
  • Rậm lông.
  • Xuất hiện mụn trứng cá.

Chảy sữa bất thường là biểu hiện của tăng prolactin máu ở nữ giới

Chảy sữa bất thường là biểu hiện của tăng prolactin máu ở nữ giới

Với nam giới

Đối với nam giới, triệu chứng tăng prolactin thường gặp như:

  • Rối loạn cương dương, bất lực, giảm ham muốn tình dục.
  • Số lượng và chất lượng tinh trùng giảm.
  • Chứng vú to ở nam giới.
  • Mệt mỏi, mất một khối lượng cơ nhất định.

Triệu chứng tăng prolactin ở nam giới như vú to, tinh trùng giảm, rối loạn cương dương

Triệu chứng tăng prolactin ở nam giới như vú to, tinh trùng giảm, rối loạn cương dương

Bệnh nhân nếu xuất hiện những triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng thăm khám, nhận tham vấn điều trị chuyên môn từ bác sĩ. Tuyệt đối không kéo dài bệnh tình, khiến quá trình điều trị và hồi phục trở nên khó khăn.

Biến chứng nguy hiểm

Prolactin là một trong những hormone ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, nguy cơ vô sinh cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Giảm mật độ xương do tăng prolactin máu làm giảm quá trình sản xuất hormone giới tính (estrogen và testosterone).
  • Mất thị lực khi u tiết prolactin không được điều trị kịp thời.
  • Thai kỳ không được khỏe mạnh nếu u tiết prolactin phát triển trong giai đoạn mang thai.

Phương pháp chẩn đoán

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành xác định nguyên nhân tăng prolactin dựa vào khai thác thông tin tiền sử bệnh, loại thuốc đang sử dụng, đang mang thai hay không. Tiếp đến, bác sĩ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng khác như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ prolactin.
  • Chụp MRI sọ não, tuyến yên để xác định nguyên nhân do u tiết prolactin hay khối u tuyến yên khác.

Các kỹ thuật chẩn đoán tình trạng prolactin trong máu tăng

Các kỹ thuật chẩn đoán tình trạng prolactin trong máu tăng

Phương pháp điều trị prolactin trong máu cao

Điều trị prolactin cao cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng tác động đến cơ thể. Ví dụ, người tăng prolactin do dùng thuốc có thể tự thuyên giảm sau khi ngừng sử dụng, hoặc trường hợp biểu hiện nhẹ hoặc không ảnh hưởng đến đời sống, không cần can thiệp điều trị.

Một số biện pháp can thiệp hạn chế sự diễn tiến, dứt điểm bệnh lý như:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa bằng thuốc nhằm giảm nồng độ prolactin trong máu, cần có chỉ định sử dụng của bác sĩ:

  • Chất chủ vận dopamine là loại thuốc được sử dụng phổ biến nếu nguyên nhân do u tiết prolactin, giúp điều chỉnh lượng prolactin và thu nhỏ khối u.
  • Do suy giáp, người bệnh được điều trị bằng hormone tuyến giáp tổng hợp, đưa prolactin về mức bình thường.
  • Do thuốc kê đơn điều trị bệnh lý khác làm tăng prolactin trong máu, bác sĩ xem xét sử dụng loại thuốc tương tự hoặc giảm liều lượng.

Điều trị nội khoa bằng thuốc với tăng prolactin máu

Điều trị nội khoa bằng thuốc với tăng prolactin máu

Phẫu thuật

Can thiệp ngoại khoa được chỉ định với trường hợp điều trị tăng prolactin máu bằng thuốc không có tác dụng. Khối u tiết prolactin không có dấu hiệu giảm kích thước, cần tiến hành phẫu thuật loại bỏ u tuyến yên hoặc một số khối u khác.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị được chỉ định sau cùng, áp dụng với trường hợp dùng thuốc và phẫu thuật không thể làm giảm nồng độ prolactin trong máu. Phác đồ tùy thuộc vào kích thước, vị trí khối u của bệnh nhân.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh nhân sau điều trị cần xét nghiệm máu định kỳ nhằm theo dõi nồng độ prolactin. Trường hợp tăng cao, cần tiến hành chụp lại MRI để chẩn đoán sự trở lại hoặc mở rộng khối u sau điều trị.

Biện pháp phòng ngừa tăng prolactin máu

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp cụ thể để hạn chế, phòng ngừa tình trạng tăng prolactin máu. Hướng dẫn xây dựng lối sống lành mạnh, chú ý chế độ dinh dưỡng chỉ nhằm hạn chế nguy cơ bệnh phát triển.

Bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây:

  • Hạn chế tình trạng căng thẳng, stress kéo dài làm giải phóng cortisol dẫn đến prolactin trong máu cao. Bạn nên ngủ đúng giờ, ăn uống lành mạnh, thể thao vừa sức, dành thời gian nghỉ ngơi trong khi làm việc.
  • Thể dục cường độ cao không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người có hàm lượng prolactin trong máu cao.
  • Hạn chế thực phẩm chứa gluten, tốt nhất có thể loại bỏ hoàn toàn với người bệnh, chất này gây phản ứng viêm khi cơ thể tiêu thụ, gián đoạn quá trình sản xuất dopamin vùng dưới đồi.
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, những chất này có thể làm thay đổi quá trình sản xuất dopamine.
  • Giữ lượng đường trong máu ổn định bằng cách hạn chế tiêu thụ đồ uống có gas, có đường, chế biến sẵn, bổ sung đầy đủ chất đạm và chất xơ.

Biện pháp phòng tránh prolactin máu tăng bất thường

Biện pháp phòng tránh prolactin máu tăng bất thường

Kết luận

Tiên lượng điều trị bệnh tăng prolactin máu nhìn chung tốt, các phương pháp đều đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên người bệnh không được chủ quan, bệnh không tác động trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, kinh nguyệt không đều.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
357

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

Tiến sĩ

LÊ THỊ THANH HƯƠNG

Đơn nguyên hiếm muộn và nam học công nghệ cao Phương Đông

Tiến sĩ

LÊ THỊ THANH HƯƠNG

Đơn nguyên hiếm muộn và nam học công nghệ cao Phương Đông
19001806 Đặt lịch khám