Tay chân miệng vào mùa dịch, cha mẹ đã biết cách bảo vệ con?

Chế Thị Thùy Linh

28-08-2020

goole news
16

Tay chân miệng thường tự khỏi và không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho cha mẹ cách phòng bệnh hữu hiệu để con yêu luôn khỏe mạnh.

Tay chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây nên. Virus này sống trong đường tiêu hóa và có khả năng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc thông thường: tiếp xúc với dịch tiết từ đường tiêu hóa, tiếp xúc với dịch tiết mụn nước, tiếp xúc với các giọt nước bắn chứa virus khi trẻ bệnh ho, nói, chuyện, hắt hơi… Ngoài 2 chủng virus trên, các chủng nhóm A, nhóm B như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc Coxsackie B1-B3, B5 cũng có thể gây bệnh.

Phát ban dạng các nốt phỏng nước trên da lòng bàn chân là một triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng

Phát ban dạng các nốt phỏng nước trên da lòng bàn chân là một triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng

Bệnh xuất hiện chủ yếu 2 mùa trong năm, từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Biểu hiện đặc trưng của trẻ bị tay chân miệng bao gồm sốt và xuất hiện các mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của trẻ như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao?

Tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi tuy nhiên trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do hệ miễn dịch của các bé lúc này vẫn còn non yếu. Trong thời kỳ ủ bệnh, trẻ bị chân tay miệng không có dấu hiệu nào nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho trẻ lành. 

Trẻ dễ tiếp xúc với nguồn lây bệnh trong môi trường công cộng như nhà trẻ, lớp mẫu giáo… do chạm vào các bề mặt, đồ vật bị nhiễm virus. Bệnh còn có thể lây lan gián tiếp từ người nuôi giữ trẻ không giữ vệ sinh đúng chuẩn hay từ thực phẩm chưa được nấu chín kỹ.

Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng

Việc nắm bắt rõ các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn sẽ giúp cha mẹ nhanh chóng nhận biết và cao phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp với trẻ. Dưới đây là những biểu hiện điển hình qua các giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn sớm

Giai đoạn sớm hay còn gọi là giai đoạn ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng trung bình khoảng 3-7 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. Ở giai đoạn này, trẻ nhiễm bệnh có triệu chứng sốt nhẹ kèm theo đau họng, người mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn, tiêu chảy trong vòng 1 đến 2 ngày và đã có khả năng phát tán virus.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát diễn ra trong khoảng 3 đến 10 ngày sau khi khởi phát với các triệu chứng điển hình sau đây:

  • Loét miệng: có các vết phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi khiến trẻ đau miệng, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt;
  • Xuất hiện các nốt phỏng nước trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ thấy cộm, không đau ngứa. Các nốt này sẽ tồn tại trong khoảng 7 ngày rồi tự biến mất, để lại vết thâm, không loét, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách thì vẫn có nguy cơ bội nhiễm;
  • Sốt nhẹ;
  • Nôn.

Trẻ xuất hiện các nốt phỏng nước trên da trong giai đoạn toàn phát của bệnh

Trẻ xuất hiện các nốt phỏng nước trên da trong giai đoạn toàn phát của bệnh

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc trẻ bị chân tay miệng sốt mấy ngày, trẻ bị chân tay miệng bao lâu thì khỏi? Theo chia sẻ từ bác sĩ, khi trẻ bị chân tay miệng thể nhẹ, nếu được chăm sóc đúng cách, bé có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau 8 - 10 ngày. Trường hợp bé sốt cao từ 39 độ C trở lên hoặc kéo dài từ 48 giờ trở đi đều là dấu hiệu nguy hiểm, cần phải nhập viện điều trị ngay.

Giai đoạn lui bệnh

Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn hồi phục (lui bệnh). Giai đoạn này bắt đầu từ 3 - 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ lúc khởi bệnh.

Dấu hiệu báo động bệnh chân tay miệng đang ở giai đoạn nguy hiểm

Trẻ bị chân tay miệng có nguy hiểm không? Rất nguy hiểm nếu chủ quan lơ là, không điều trị, can thiệp sớm. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể biến chứng rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu người thân không phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời. Nhiều bậc cha mẹ có thắc mắc rằng không biết khi nào cần cho trẻ nhập viện. Dưới đây là những triệu chứng bệnh tay chân miệng ở thể nặng mà cha mẹ cần lưu ý, không được chủ quan: 

  • Sốt cao trên 39 độ trong hơn 48 giờ không hạ. Bé hốt hoảng, giật mình liên tục;
  • Mệt mỏi, nôn nhiều, chán ăn, bỏ ăn, có biểu hiện mất nước hoặc nhiễm độc;
  • Dấu hiệu thần kinh: run giật cơ, nhão cơ, run chi, người đi loạng choạng;
  • Huyết áp tăng cao, tim nhịp 3;
  • Khó thở, thở nhanh, sốc, nổi vân tím;
  • Xét nghiệm thấy lượng bạch cầu tăng cao, đường máu tăng cao, troponin máu tăng cao;
  • Siêu âm tim cho thấy suy chức năng thất trái;
  • Chụp X-quang: Phù phổi, tim to;
  • Chụp CT, MRI sọ não: Tổn thương thân não, phù não.

Một số dấu hiệu chuyển độ cha mẹ cần lưu ý:

  • Độ 1 chuyển độ 2: Giật mình.
  • Độ 2 chuyển độ 3: Sốt cao khó hạ, tim đập nhanh, thở nhanh, huyết áp cao.

Biến chứng khôn lường của bệnh chân tay miệng ở trẻ

Đa số các trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi, có thể tự theo dõi và chăm sóc tại nhà, không cần nằm viện. Tuy nhiên, một số trẻ có biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh do tác nhân enterovirus 71 như:

  • Viêm cơ tim, viêm não - màng não;
  • Giật mình chới với: mỗi cơn khoảng 1-2 giây, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi nằm ngửa, giật mình xong trẻ ngước mắt nhìn lên là biểu hiện chới với;
  • Ngủ gà, bứt rứt, loạng choạng, run chi;
  • Rung giật nhãn cầu;
  • Yếu, liệt chi;
  • Liệt dây thần kinh sọ não;
  • Hôn mê, co giật, suy hô hấp - tuần hoàn;
  • Tăng trương lực cơ;
  • Phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch, tăng huyết áp.

Bệnh chân tay miệng có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường, đe dọa tính mạng của trẻ

Bệnh chân tay miệng có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường, đe dọa tính mạng của trẻ

Cách điều trị chân tay miệng theo từng cấp độ

Làm gì khi trẻ bị chân tay miệng là vấn đề được các gia đình rất quan tâm. Tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu nằm ở việc hỗ trợ, theo dõi, phát hiện và điều trị biến chứng, bổ sung dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Tùy vào từng cấp độ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chăm sóc điều trị phù hợp như sau.

Cấp độ 1

Cấp độ 1 là thể nhẹ, trẻ chỉ bị loét miệng và/hoặc tổn thương da, không nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ bị chân tay miệng có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà hoặc tại y tế cơ sở. Trong chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo lứa tuổi, nếu trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho bú nhiều hơn.
  • Hạ sốt bằng thuốc uống Paracetamol liều lượng 10 mg/kg/lần mỗi 6 giờ.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích.

Tái khám sau mỗi 1-2 ngày, liên tục trong 5-10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ sốt, phải tái khám mỗi ngày liên tục cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Trẻ cần đi khám ngay và nhập viện nếu:

  • Sốt cao ≥ 39 độ C;
  • Khó thở, thở bất thường;
  • Khó ngủ, giật mình khi ngủ, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt
  • Nôn nhiều;
  • Co giật, hôn mê;
  • Đi loạng choạng;
  • Nổi vân tím trên da, tay chân lạnh, vã mồ hôi.

 

Chân tay miệng cấp độ 1 không nguy hiểm đến tính mạng

Chân tay miệng cấp độ 1 không nguy hiểm đến tính mạng

Cấp độ 2

Ở cấp độ 2, trẻ bị chân tay miệng xuất hiện các triệu chứng nặng hơn ảnh hưởng đến sức khỏe và bắt đầu có biến chứng thần kinh, tim mạch mức độ trung bình, cần thiết phải điều trị nội trú tại bệnh viện. Cấp độ này được chia thành 2 phân độ nhỏ gồm 2a và 2b với phác đồ điều trị như sau:

Độ 2a

Trẻ bị chân tay miệng cấp độ 2 có thể được điều trị tương tự như độ 1. Trường hợp trẻ sốt cao, không đáp ứng Paracetamol có thể phối hợp dùng Ibuprofen 5-10 mg/kg/lần mỗi 6 đến 8 giờ, dùng xen kẽ với Paracetamol, không dùng các thuốc hạ sốt nhóm Aspirin. Tổng số liều Ibuprofen không nên vượt quá 40 mg/kg/ngày. Cho trẻ uống thuốc Phenobarbital khi bị giật mình hoặc quấy khóc, liều lượng 5-7 mg/kg/ngày.

Bên cạnh đó, cần theo dõi trẻ bị chân tay miệng sát sao để kịp phát hiện các dấu hiệu chuyển độ.

Độ 2b

Trẻ bị chân tay miệng độ 2 được phân ra nhóm 1 và nhóm 2: 

  • Nhóm 1: Trẻ giật mình nhiều, > 2 lần trong vòng 30 phút, ghi nhận được tại lúc khám. Mạch đập > 150 lần/phút ngay cả khi nằm yên. Sốt cao > 39 độ, dùng thuốc hạ sốt không hạ.
  • Nhóm 2: Cơ thể loạng choạng, không vững, run tay chân, run toàn thân, lác mắt, liệt chi, thay đổi giọng nói, bị sặc khi nuốt.

Cấp độ này cần điều trị tại phòng cấp cứu hoặc hồi sức:

  • Khi nằm gối đầu cao 30 độ.
  • Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút.
  • Hạ sốt tích cực nếu trẻ sốt.
  • Sử dụng thuốc:

+ Phenobarbital truyền tĩnh mạch liều lượng 10-20 mg/kg, lặp lại sau 8 đến 12 giờ khi cần.

+ Immunoglobulin: 

Nhóm 2: Truyền tĩnh mạch chậm 1g/kg/ngày trong 6-8 giờ. Sau 24 giờ nếu còn dấu hiệu thì dùng liều thứ 2.

Nhóm 1: Dùng Globulin miễn dịch nếu không giảm triệu chứng sau 6 giờ điều trị bằng thuốc Phenobarbital. Đánh giá lại sau 24 giờ.

  • Theo dõi mạch, thân nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, ran phổi, nước tiểu mỗi 1-3 giờ/lần trong vòng 6 giờ đầu và 4-5 giờ sau đó.
  • Nếu có máy, theo dõi mạch liên tục và đo SpO2.

Trẻ bị chân tay miệng độ 2

Trẻ bị chân tay miệng độ 2

Cấp độ 3

Bệnh có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trẻ có dấu hiệu cần được điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực, theo dõi sát diễn tiến (6-8 giờ sau khi có sốt cao, tim đập nhanh).

  • Nằm đầu cao 30 độ, cổ thẳng.
  • Thở oxy gọng mũi 3-6 lít/phút, giữ chỉ số SpO2 từ 94-96%. Đặt nội khí quản sớm nếu như thở oxy thất bại
  • Chống co giật: Dùng thuốc Phenobarbital liều lượng từ 10-20 mg/kg pha Glucose 5% truyền tĩnh mạch trong 30 đến 60 phút và lặp lại sau 8-12 giờ nếu cần.
  • Hạ đường huyết: Glucose 30% 2 ml/kg/lần, lặp lại nếu cần.
  • Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch chậm liều 1g/kg/ngày trong vòng 6 đến 8 giờ, 2 ngày liên tục.
  • Khi suy tim mạch > 170 lần/phút, dùng thuốc Dobutamin truyền tĩnh mạch liều đầu 5μg/kg/phút, sau tăng dần 1-2,5μg/kg/phút mỗi 15 phút đến khi có cải thiện lâm sàng; tối đa 20μg/kg/phút (không dùng Dopamin).
  • Điều chỉnh rối loạn nước, toan kiềm và điện giải.
  • Theo dõi mạch, nhịp thở, nhiệt độ, ran phổi, huyết áp, tri giác, SpO2 mỗi 1 đến 2 giờ.

Trẻ bị chân tay miệng cấp độ 3

Trẻ bị chân tay miệng cấp độ 3

Cấp độ 4

Độ 4 của bệnh chân tay miệng xuất hiện các triệu chứng sốc, phù phổi cấp. Đây là cấp độ nặng, cần can thiệp nhanh chóng để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Độ 4 của bệnh chân tay miệng là cấp độ nặng, nguy hiểm đến tính mạng

Độ 4 của bệnh chân tay miệng là cấp độ nặng, nguy hiểm đến tính mạng

Trẻ bị chân tay miệng độ 4 phải được điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện trung ương/tỉnh/huyện. Xử trí tương tự như với độ 3.

  • Đặt nội khí quản, tăng thông khí nhằm giữ chỉ số PaCO2 từ 30-35 mmHg, duy trì chỉ số PaO2 từ 90-100 mmHg.
  • Chống sốc (do viêm cơ tim hoặc tổn thương trung tâm vận mạch tại thân não)

+ Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút.

+ Truyền dịch Natri clorua 0,9% hoặc Ringer lactat: 5 ml/kg/15 phút, điều chỉnh tốc độ theo hướng dẫn của chỉ số áp lực tĩnh mạch trung ương (CVP) và đáp ứng lâm sàng. Trường hợp không có CVP, cần theo dõi sát các dấu hiệu quá tải, phù phổi cấp.

+ Dobutamin dùng liều đầu tiên 5 μg/kg/phút, sau đó tăng dần 1-2,5µg/kg/phút mỗi 15 phút đến khi hiệu quả, tối đa 10 µg/kg/phút. Nếu không đáp ứng  phối hợp Dobutamin liều đầu 5µg/kg/phút, tăng dần 1-2,5µg/kg/phút mỗi 15 phút đến khi có hiệu quả, liều tối đa 20 µg/kg/phút.

  • Phù não:  

+ Nằm đầu cao 30 độ, để cổ thẳng.

+ Thở oxy qua mũi 1-4 lít/phút. Đặt nội khí quản sớm giúp thở khi SpO2 dưới 92% hay PaCO2 trên 50 mmHg.

+ Thở máy: Tăng thông khí giữ chỉ số PaCO2 từ 25-35 mmHg, duy trì chỉ số PaO2 từ 90-100 mmHg.

+ Hạn chế dịch: tổng dịch bằng 1/2 đến 3/4 nhu cầu bình thường.

  • Phù phổi cấp:

+ Ngừng dịch truyền ngay;

+ Dobutamin dùng liều 5-20 μg/kg/phút;

+ Furosemide tiêm tĩnh mạch 1-2 mg/kg/lần khi quá tải dịch.

  • Suy hô hấp do phù phổi cấp/viêm não:

+ Thông đường thở cho người bệnh, hút sạch đờm dãi.

+ Thở oxy 3-6 lít/phút, duy trì SpO2 trên 92%.

+ Đặt nội khí quản nếu có cơn ngừng thở hoặc thở oxy thất bại.

+ Thở máy: Tăng thông khí giữ chỉ số PaCO2 từ 25-35 mmHg, duy trì chỉ số PaO2 từ 90-100 mmHg.

  • Điều chỉnh rối loạn kiềm toan, điện giải, hạ đường huyết, chống phù não, lọc máu liên tục hay dùng ECMO (kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) nếu có điều kiện. 
  • Chỉ định dùng globulin miễn dịch khi huyết áp trung bình ≥ 50mmHg, liều 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch trong 6- 8 giờ trong 2 ngày liên tiếp.
  • Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm. Có thể dùng thuốc Amoxicillin, Cephalosporin thế hệ 3, Cefotaxim 200 mg/kg/ngày chia 4 lần hoặc Ceftriaxon 100 mg/kg/ngày chia 1-2 lần (tĩnh mạch).
  • Theo dõi mạch, thân nhiệt, nhịp thở, tri giác, huyết áp, ran phổi, SpO2, nước tiểu mỗi 30 phút trong vòng 6 giờ đầu, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng; Đo CVP mỗi giờ, nếu có điều kiện nên theo dõi cả huyết áp động mạch xâm lấn.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà như thế nào?

Cách ly

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan vì vậy cần cách ly trẻ nhiễm bệnh với các trẻ lành khác trong nhà. Người chăm sóc trẻ bệnh khi tiếp xúc cần mang khẩu trang y tế, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch sau khi chăm sóc để hạn chế làm lây lan bệnh.

Giữ vệ sinh cá nhân

Tắm rửa, vệ sinh cho bé nhẹ nhàng mỗi ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng hàng ngày.

Quần áo, tã lót của trẻ bệnh phải được giặt sạch bằng xà phòng và nước sạch hoặc ngâm dung dịch sát khuẩn, có thể luộc trước bằng nước sôi.

Những đồ dùng cá nhân của trẻ bệnh như bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, khăn mặt... nên được sử dụng riêng biệt, tránh để bé dùng chung với trẻ khác.

Thuốc men

Khá nhiều bà mẹ đặt câu hỏi khi trẻ bị chân tay miệng dùng thuốc gì? Thông thường, nếu không có biến chứng thì trẻ bị chân tay miệng sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Trong thời gian này các mẹ có thể dùng một số loại thuốc để làm dịu các triệu chứng cho con.

Thuốc hạ sốt

Trường hợp trẻ sốt từ 38 độ C trở lên, cha mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol liều lượng 10-15mg/kg và tiếp tục dùng thuốc sau mỗi 4-6 giờ nếu trẻ còn sốt. Có thể dùng dạng viên đặt hậu môn hạ sốt trong trường hợp trẻ khó uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, trẻ bị chân tay miệng rất cần bổ sung nước và điện giải. Bên cạnh nước đun sôi để nguội cha mẹ có thể cho bé uống oresol hoặc hydritre pha theo liều lượng chỉ định.

Bổ sung nước và điện giải để bù nước và tăng sức đề kháng cho bé

Bổ sung nước và điện giải để bù nước và tăng sức đề kháng cho bé

Thuốc sát khuẩn

Các vết loét miệng của bệnh chân tay miệng thường khiến bé thấy đau, khó chịu, bỏ ăn, quấy khóc. Cha mẹ có thể khắc phục vấn đề này bằng cách bổ sung vitamin C và kẽm cho bé, dùng dung dịch sát khuẩn glycerin borat lau sạch khoang miệng bé trước và sau khi ăn. Các loại gel rơ miệng như kamistad, zyttee,... cũng giúp sát khuẩn và giảm đau cho trẻ. Một số loại thuốc sát khuẩn bố mẹ có thể sử dụng như: Lidocain, xịt miệng benzydamine, súc miệng benzydamine, nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

Chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ mắc bệnh chân tay miệng

Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho bé bú nhiều hơn. Với trẻ ăn dặm, cha mẹ cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, uống nhiều nước mát. Thức ăn cần đủ dinh dưỡng, mềm, lỏng để trẻ dễ nuốt và dễ tiêu. 

Trẻ bệnh cần cho bú mẹ nhiều hơn

Trẻ bệnh cần cho bú mẹ nhiều hơn

Không nên cho trẻ ngậm hay cắn núm vú nhựa hoặc ăn các thức ăn khô, thô cứng, đồ chua, cay vì sẽ gây kích thích làm trẻ đau miệng, họng hơn.

Nếu trẻ đau miệng nhiều, có thể cho trẻ ngậm nuốt thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel, varogel hoặc trimafort để làm dịu cơn đau trước khi cho ăn.

Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần bù nước và điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol theo hướng dẫn.

Sau khi khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong vòng 2 tuần để trẻ nhanh chóng hồi phục, trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Nên bổ sung đa vitamin, khoáng chất: vitamin A, E, C, kẽm, selen…, nhất là vitamin A, C, kẽm để giúp trẻ bị chân tay miệng nâng cao miễn dịch.

Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện tay chân miệng chưa có vắc-xin đặc hiệu. Do đó nguyên tắc phòng bệnh là áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa, tránh tiếp xúc với nguồn lây một cách trực tiếp. Theo đó, người dân cần thực hiện tốt các việc sau:

Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn hàng ngày

Người lớn và trẻ em cần rửa tay bằng nước sạch và xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi chạm vào trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. 

Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ thường xuyên

Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ thường xuyên

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống

  • Ăn chín, uống chín;
  • Dụng cụ ăn uống phải được dùng riêng biệt từng trẻ, thường xuyên vệ sinh, tráng nước sôi trước khi dùng;
  • Sử dụng nước sạch trong ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày;
  • Không mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ ăn bốc, mút tay hay ngậm mút đồ chơi, đồ vật chưa được khử trùng;

Vệ sinh sạch các đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc

Gia đình cần thường xuyên lau sạch, khử trùng các bề mặt, dụng cụ mà bé có thể tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, đồ dùng học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà... Có thể dùng nước sạch và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường để vệ sinh các đồ vật này.

Đồ chơi cho bé cần được vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày

Đồ chơi cho bé cần được vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày

Cách ly với người mắc bệnh

Không cho trẻ tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh chân tay miệng. Nếu trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ nghỉ ở nhà, cách ly với mọi người trong gia đình. Nhiều phụ huynh vẫn cố đưa trẻ đến lớp với lý do không có người trông, con đã đỡ bệnh... trong khi bệnh này rất dễ lây nhiễm chéo, nhất là trong môi trường nhà trẻ, lớp học.

Virus gây bệnh tay chân miệng lây qua dịch tiết mũi họng, dịch tiết từ các bọng nước vỡ hay phân của trẻ bệnh. Nếu tay chưa vệ sinh đã cầm nắm đồ vật, chạm vào trẻ lành, đưa tay lên mắt/mũi/miệng… thì sẽ làm bệnh lây lan mạnh và tạo thành dịch.

Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ

Phân, chất thải khác của bệnh nhân phải được thu gom, xử lý đúng cách và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Khi nào trẻ bị chân tay miệng phải nhập viện?

Các biến chứng về thần kinh, hô hấp, tim mạch thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến 5 của bệnh. Do đó nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay: 

  • Sốt cao từ 39 độ C trở lên hoặc sốt cao kéo dài hơn 2 ngày không hạ;
  • Quấy khóc, bỏ ăn/bú, nôn nhiều;
  • Ngủ lịm, ngủ gà giật mình chới với, hoảng hốt, run chi, loạng choạng, mạch nhanh;
  • Thở khó, thở nhanh;
  • Xét nghiệm cho thấy: bạch cầu tăng cao trên 17.000 tế bào/mm3, đường máu tăng cao, troponin máu tăng cao.

Trẻ quấy khóc, bỏ bú, nôn nhiều là dấu hiệu bệnh nặng, phải nhanh chóng nhập viện

Trẻ quấy khóc, bỏ bú, nôn nhiều là dấu hiệu bệnh nặng, phải nhanh chóng nhập viện

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh chân tay miệng

Trẻ bị chân tay miệng có tắm được không?

Trẻ bị chân tay miệng sẽ xuất hiện nhiều phát ban kèm các nốt mụn nước. Vì thế nhiều cha mẹ cho rằng không nên tắm cho con lúc này để tránh làm vỡ mụn nước này nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm. Tuy nhiên các chuyên gia y tế đã khuyến cáo rằng, việc kiêng tắm khi trẻ bị chân tay miệng là quan niệm sai lầm.

Mỗi ngày cơ thể đào thải rất nhiều tế bào da chết, mồ hôi và bã nhờn, lẫn trong đó là những vi khuẩn, bụi bẩn ngoài môi trường có thể bám trên da. Bởi vậy, bé cần phải được vệ sinh, tắm rửa hàng ngày để phòng tránh nguy cơ các vi khuẩn có hại xâm nhập, gây nhiễm trùng các nốt mụn nước, dẫn đến bội nhiễm. Tắm rửa hàng ngày với nước sạch và xà phòng là cách vệ sinh cho trẻ bị chân tay miệng đúng đắn được các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Trẻ bị chân tay miệng có thể tắm như bình thường

Trẻ bị chân tay miệng có thể tắm như bình thường

Đặc biệt có nhiều mẹ hỏi trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì. Theo các bác sĩ, gia đình chỉ cần tắm sạch sẽ cho bé bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ hàng ngày, lau khô với khăn bông mềm để tránh làm vỡ các nốt phỏng nước, không cần thiết phải dùng nước lá theo các mẹo vặt dân gian. 

Trẻ bị chân tay miệng có bị lại không?

Nhiều người nghĩ rằng đã từng mắc chân tay miệng một lần rồi thì sẽ không bị lại lần nữa, tuy nhiên căn bệnh này hoàn toàn có thể tái nhiễm nhiều lần, gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Chân tay miệng lây từ người sang người và dễ tạo thành dịch. Cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin nên khả năng cơ thể tự tạo kháng thể chống lại siêu vi gây bệnh này là rất thấp.

Siêu vi đường ruột có rất nhiều chủng, nhiều họ và có thể lây chéo cho nhau. Mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một chủng nhất định. Vì vậy, trẻ đã từng mắc chân tay miệng vẫn có nguy cơ tái nhiễm một chủng khác. Trong các chủng virus gây bệnh chân tay miệng ở người như chủng A, B, C thì nhóm Enterovirus 71 thuộc chủng A là có thể gây biến chứng. Vì vậy các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần tăng cường phòng bệnh cho trẻ, nhất là vào những tháng cao điểm mùa dịch.

Trẻ bị chân tay miệng nên kiêng gì?

Kiêng tiếp xúc

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây, do vậy trẻ cần được sớm cách ly với những người xung quanh. Nên cho bé ở phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ và có chế độ chăm sóc phù hợp để mau chóng hồi phục sức khỏe.

Kiêng thức ăn đặc, cay, nóng

Trẻ bị chân tay miệng kiêng ăn gì cũng là một trong những chủ đề được các ông bố bà mẹ quan tâm hàng đầu hiện nay. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nhi khoa, không nên cho trẻ ăn đồ ăn đặc, cay nóng vì sẽ càng khiến miệng con bị đau hơn, khó chịu, dẫn đến bỏ ăn, quấy khóc. Tương tự, các thực phẩm chua, nhiều axit như cam, chanh cũng cần hạn chế. Ưu tiên các loại thức ăn mềm, lỏng và để nguội cho bé, tăng cường bổ sung khoáng chất và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không ép trẻ ăn

Cha mẹ không nên bắt ép trẻ ăn vì sẽ gây tâm lý sợ hãi, bỏ ăn khiến sức khỏe suy giảm. Thay vào đó, mẹ có thể cho con uống sữa, ăn hoa quả trái cây để tăng cường vitamin. Với trẻ đang bú mẹ thì cần cho bé bú nhiều lần hơn trong ngày để bù nước và tăng sức đề kháng.

Kiêng dùng chung đồ chơi

Tuyệt đối không để trẻ dùng chung đồ chơi với trẻ khác vì có thể làm lây lan bệnh, cũng không nên cho bé ngậm, cắn núm vú giả. Tất cả đồ dùng bé tiếp xúc phải được thường xuyên khử trùng và vệ sinh.

Kiêng gãi, chọc nốt bọng nước trên da

Cha mẹ nên cắt ngắn móng tay cho trẻ hoặc đeo bao tay cho con để trẻ không vô tình gãi, chọc vào các bọng nước trên da nhằm tránh nguy cơ bội nhiễm. Bên cạnh đó, không nên dùng muối, chanh hay loại thuốc liền da, chống viêm mà chưa có chỉ định của bác sĩ để giảm nổi mẩn ngứa cho con.

Hạn chế gãi làm trầy xước, vỡ các nốt phỏng nước trên da bé

Hạn chế gãi làm trầy xước, vỡ các nốt phỏng nước trên da bé

Nhìn chung, bệnh tay chân miệng sẽ không quá nguy hiểm nếu biết cách chăm sóc, điều trị đúng cách. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi sát sao, chăm sóc theo chỉ định của bác sĩ, đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm và điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho con và tránh làm lây bệnh đến gia đình và những người xung quanh.

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tự hào là địa chỉ tiếp nhận, thăm khám, chăm sóc toàn diện cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ cao cùng sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống trang thiết bị hiện đại, không gian vô khuẩn, đưa con đi viện sẽ không còn nỗi trăn trở, lo lắng của các bậc cha mẹ. Để được tư vấn, đặt lịch khám, quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
7,296

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám